02/04/2012 06:00 GMT+7

Cấm giặt tẩy nhưng cho giặt ủi

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Hiện nay tình trạng cơ sở gây ô nhiễm nằm xen lẫn trong khu dân cư vẫn tồn tại.

G3tQf07j.jpgPhóng to
Các cơ sở gây ô nhiễm dọc kênh Tham Lương vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp sự bức xúc của người dân - Ảnh: N.Triều

UBND TP.HCM đã ban hành quyết định 200 về việc không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư đối với 17 nhóm ngành nghề gây ô nhiễm môi trường từ năm 2004.

Tuy nhiên tại buổi khảo sát của Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM ngày 16-3, bà Tô Thanh Vân - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 12 - bức xúc đề nghị các cơ quan chức năng và TP không thể hô hào suông hay chỉ phạt tiền mà phải có biện pháp kiên quyết buộc các cơ sở chấm dứt hành vi gây ô nhiễm hoặc phải di dời khỏi địa bàn. “Nhiều cơ sở vi phạm, bị phạt rồi tái phạm mà không hề khắc phục ô nhiễm khiến người dân bức xúc. Không chỉ các cơ sở ở phường Đông Hưng Thuận, trường hợp Công ty Gia Hưng ở phường Tân Thới Nhất cũng là điểm nóng, nếu không xử lý dứt điểm có thể xảy ra tình huống người dân xung quanh kéo đến phản đối, đập phá” - bà Vân cảnh báo.

Ông Nguyễn Tương Minh - phó chủ tịch UBND quận 12 - cho rằng việc xác định các cơ sở gây ô nhiễm không có gì phải bàn cãi, vấn đề còn lại là xử lý như thế nào. Về quy định chung, cơ sở gây ô nhiễm phải di dời khỏi khu dân cư, nhưng dời đến đâu thì cơ quan chức năng chưa chỉ ra được. Ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư - cho biết TP có chính sách ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ thân thiện với môi trường và nếu những cơ sở thuộc danh mục theo quyết định 200 của UBND TP xử lý được ô nhiễm môi trường thì không phải di dời.

Theo ông Nguyễn Tương Minh, Sở Kế hoạch và đầu tư cũng cần rà soát quy trình và nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp để tránh tình trạng “chơi chữ”. “Quyết định 200 của TP quy định cấm cấp phép mới doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề giặt tẩy quần áo, nhiều trường hợp khi kiểm tra thì doanh nghiệp trưng ra giấy phép “giặt ủi”. “Chúng tôi biết là họ lách quy định nhưng không thể xử lý” - ông Nguyễn Tương Minh nói.

Theo ông Minh, cần có quy định buộc doanh nghiệp phải đảm bảo đủ điều kiện về môi trường mới được phép hoạt động, tránh tình trạng doanh nghiệp vẽ vời để được cấp phép rồi sau đó gây ô nhiễm, buộc cơ quan chức năng phải chạy theo xử phạt, vận động khắc phục.

Trong một diễn biến khác, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín vừa giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh than đá, bãi tập kết than đá, các bãi chứa phế liệu trên toàn TP. Trước đó Quận ủy, UBND quận 9 đã có văn bản đề nghị UBND TP quyết định chấm dứt hoạt động các cơ sở kinh doanh và kho, bãi chứa than đá trên địa bàn quận.

1. Hóa chất: sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất pin, ăcquy, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất làm lạnh, phèn, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, sản xuất phân bón. 2. Tái chế, mua bán chất phế thải: giấy, nhựa, kim loại, dầu nhớt cặn. 3. Tẩy, nhuộm, hồ, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt, may, đan. 4. Luyện cán cao su. 5. Thuộc da. 6. Xi mạ điện. 7. Gia công cơ khí: rèn, đúc, cán kéo kim loại, dập, cắt, gò, hàn, sơn. 8. In, tráng bao bì kim loại. 9. Sản xuất bột giấy. 10. Sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm sứ, thủy tinh. 11. Chế biến gỗ (trừ điêu khắc gỗ và mộc gia dụng). 12. Sản xuất chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm các loại, muối, dầu ăn. 13. Sản xuất cồn, rượu, bia, nước giải khát (trừ nước uống tinh khiết). 14. Sản xuất thuốc lá. 15. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy trình công nghiệp. 16. Giết mổ gia súc. 17. Chế biến than.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên