01/08/2011 05:03 GMT+7

Phân loại rác từ đầu nguồn: Vừa khó vừa dễ

TR.HUY thực hiện
TR.HUY thực hiện

TT - Từ chuyện Nhà máy xử lý rác thải Đa Phước đề xuất phải nhập rác Mỹ do không cung cấp được rác đã phân loại, anh Huỳnh Huy Tuệ - điều phối viên của Cầu châu Á - Nhật Bản (BAJ) - chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác đầu nguồn mà anh đã áp dụng thành công ở khu phố 1, P.An Khánh (Q.2, TP.HCM)...

uUHH6VPq.jpgPhóng to
Các em thiếu nhi thu gom rác tại một gia đình Ảnh: H.TUỆ

* Với kinh nghiệm của một người hoạt động môi trường, theo anh, liệu TP.HCM có thể tổ chức phân loại rác đầu nguồn?

- Trước hết, cần phải thẳng thắn nói lên một điều là không thể làm kịp nhằm phục vụ Nhà máy xử lý rác Đa Phước. Bởi xử lý rác đầu nguồn là một câu chuyện rất phức tạp. Tôi xin lấy ví dụ ở TP Kanuma (Nhật) có khoảng 2.000 người VN sinh sống. Mặc dù đã mấy chục năm rồi nhưng chính quyền TP này vẫn nhức đầu vì những người Việt này vẫn chưa tạo được thói quen phân loại rác ngay từ gia đình. Nói thì dễ nhưng để các bà nội trợ phân biệt được thứ gì là rác hữu cơ, thứ gì là vô cơ không phải đơn giản. Ngay ở Hà Nội, tôi biết hiện đã làm chương trình phân loại rác đầu nguồn ở một số phường, nhưng chưa thể gọi là thành công. Tương tự như ở TP.HCM trước đây cũng có, nhưng khi qua “chiến dịch” thì đâu lại vào đấy.

* Vậy anh làm sao thành công ở khu phố 1, P.An Khánh?

- Chúng tôi biết lượng sức mình chỉ có vài tình nguyện viên nên không dám mở rộng địa bàn, chỉ tập trung ở một khu phố mà thôi. Lực lượng chủ lực của chúng tôi là các em thiếu nhi ở ngay khu phố này. Ban đầu chúng tôi tổ chức thi vẽ, tổ chức lớp học judo... để lôi cuốn các em đến với mình. Chúng tôi tổ chức những cuộc thi vẽ tranh về chính nơi các em ở.

Qua đó, các em mới thấy vẽ đúng thực tế thì sao rác nhiều quá. Dần dần các em đã chung tay với chúng tôi để biến khu phố mình ở sạch sẽ hơn. Các em đi đến từng gia đình để chỉ cách phân loại rác, cái nào là hữu cơ, cái nào là vô cơ. Với rác hữu cơ, chúng tôi dạy các em cách ủ để làm phân compost bón cho vườn nhà. Với chai nhựa, bao nilông... chúng tôi hướng dẫn các em ghi lại sổ sách cẩn thận là lấy của nhà cô A bao nhiêu, cô B bao nhiêu... để sau khi bán ve chai thì đem tiền đến gửi lại từng hộ.

Dần dà các hộ không cần đợi các em đến mà tự phân rác thành nhiều loại, cho vào nhiều túi khác nhau rồi treo trước hàng rào đúng theo lịch mà các em đi thu gom. Hiện nay khu phố này đã giải tỏa, gia đình các em đã tỏa đi về ở các chung cư tái định cư, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với các em để tiếp tục ổn định nếp sinh hoạt. Tóm lại, tổ chức phân loại rác đầu nguồn là việc làm đòi hỏi sự kiên trì. Nếu không kiên trì, dù tốn bao nhiêu tiền cũng không thể thành công.

* Cách làm của anh liệu có thể nhân rộng?

- Tôi thấy tổ chức Đoàn thanh niên rất mạnh, tại sao không nhận làm công trình tổ chức phân loại rác đầu nguồn? Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mình đã làm...

TR.HUY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên