23/12/2009 19:24 GMT+7

Những lý do khiến hội nghị Copenhagen thất bại

H.NGUYÊN (lược dịch từ BBC)
H.NGUYÊN (lược dịch từ BBC)

TTO - 45.000 người đã tới hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP15) từ ngày 7 đến 18-12. Hầu hết họ đều tin rằng cần có một thỏa thuận toàn cầu mới để hạn chế khí thải ra Trái đất - nguyên nhân khiến nhiệt độ ấm dần lên. Nhưng hội nghị đã không đưa ra được một thỏa thuận làm hài lòng đa số.

BBC đưa ra các lý do:

1. Các chính phủ chủ chốt không muốn đạt được thỏa thuận toàn cầu:

zE4d7KLi.jpgPhóng to

Hội nghị Copenhagen thất bại, lỗi lớn nhất thuộc về các nước lớn. Trong ảnh: một người đàn ông đi ngang tấm bảng giới thiệu hội nghị biến đổi toàn cầu của LHQ ở Copenhagen - Ảnh: Reuters

Ở Copenhagen ai cũng nói nhưng không ai thật sự lắng nghe. Cuối hội nghị, các lãnh đạo Mỹ và nhóm các quốc gia thuộc nhóm BASIC (Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc) đã không chấp nhận thỏa thuận vào phút cuối trong phòng họp đằng sau. Cho dù trong suốt chín tháng trước COP15 đã diễn ra hàng loạt cuộc thương lượng nhỏ để đi đến thỏa thuận trù bị cho hội nghị này. Kế hoạch hành động Bali mà các nhà lãnh đạo đều hứa sẽ thực hiện hai năm trước đây đã không tồn tại.

Các tuyên bố về biến đổi khí hậu mà thế giới đã có từ các nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G8), Diễn đàn các nền kinh tế chính (MEF) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Nhưng đây không phải là thương lượng chính thức và các kết quả không mang tính ràng buộc pháp lý.

Bây giờ những nước lớn như Mỹ và nhóm BASIC đã lấy một số đoạn trong các tuyên bố G8 và MEF cho vào "Thỏa thuận Copenhagen".

Kết luận logic: đây mới là cách mà các “ông lớn” thích làm. Trong một bối cảnh không chính thức, nơi không có cái gì gọi là “cuộc thương lượng”, mỗi nước bày tỏ quan điểm họ đã sẵn sàng làm gì, và không có gì là ràng buộc mang tính pháp lý.

2. Hệ thống chính trị của Mỹ

Hầu hết mọi quốc gia dự các cuộc họp của LHQ đều có quyền lực tập trung một mối; khi tổng thống hay thủ tướng phát biểu, họ có khả năng hứa thay cho toàn bộ chính phủ của mình. Nhưng Mỹ thì khác. Tổng thống không thể hứa điều mà quốc hội không ủng hộ.

Mỹ có hai "chính phủ", mỗi chính phủ đều có quyền phủ quyết chính phủ kia một cách hiệu quả. Điều này khiến Mỹ trở thành quốc gia đứng bên ngoài các tiến trình, không thể phát ngôn hay thể hiện quan điểm của mình. Quả là cơn ác mộng với các nhà thương lượng đến từ các nước khác.

3. Thời gian không phù hợp

Dù kế hoạch hành động Bali được đưa ra 2 năm trước, thì với Mỹ - nước thải khí hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới - mới đón ông Barack Obama vào Nhà Trắng được một năm nay. Chính ông ta mới là người muốn có kế hoạch giảm khí thải CO2 của Mỹ. Nhưng cùng với kế hoạch cải cách y tế, chuyện này cũng đang gặp khó khăn như nhau.

Nếu COP15 diễn ra chậm hơn 1 năm, có thể ông Obama sẽ thể hiện quan điểm dựa trên các nền tảng vững vàng hơn, và biết đâu lại có hành động cụ thể hơn. Điều đó cũng khiến các nước khác đưa ra quyết định của mình nhanh chóng hơn. Thực tế ở COP15, ông Obama ở vị trí không thể đưa ra đề xuất gì, và các nước khác cũng làm y như vậy.

4. Chính phủ nước chủ nhà

Ở nhiều góc độ, Đan Mạch là nước chủ nhà tuyệt vời. Copenhagen là một thành phố thân thiện đủ khả năng đáp ứng tốt nhất cho các nhu cầu của hội nghị thượng đỉnh. Nhưng chính phủ của Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã khiến mọi việc trở nên xấu hơn.

Ngay trước khi hội nghị diễn ra, văn phòng thủ tướng đã trao dự thảo tuyên bố chính trị của COP15 cho một nhóm “các quốc gia quan trọng” mà họ tự chọn lựa. Các quốc gia không có trong danh sách, trong số đó có các nước bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi biến đổi khí hậu, vì thế rất không hài lòng.

Khi ông Rasmussen nhận vai trò chủ tịch điều hành các các cuộc hội đàm cấp cao, ngay lập tức người ta nhận thấy ông không hiểu biết nhiều về hội nghị khí hậu này, trong đó có cả các vấn đề chính trị liên quan tới sự kiện. Các nhà quan sát có kinh nghiệm nói họ hiếm khi chứng kiến một hội nghị của LHQ được điều hành kém hơn mức đó.

Trong khi đó, khó mà bác bỏ kết luận rằng Văn phòng thủ tướng Đan Mạch cho rằng COP15 là một cơ hội để đưa Đan Mạch lên đầu trong các bản tin và ông Rasmussen trở nên sáng chói, hay một thỏa thuận “sản xuất ở Đan Mạch” có thể giải quyết được biến đổi khí hậu.

Trưởng đoàn thương lượng của Đan Mạch Thomas Becker đã bị sa thải vài tuần trước COP15 trong khi có những rạn nứt lớn giữa văn phòng Rasmussen và Cục trưởng Cục Khí hậu Connie Hedegaard. Điều này đã phá hủy niềm tin tin từ nhà thương thuyết của các quốc gia đang phát triển đối với ông Becker trước đó.

Người Đan Mạch quá vội vã để mong muốn có kết luận của hội nghị. Điều này khiến các quốc gia đang phát triển - vốn tin rằng mọi vấn đề cần phải được thương lượng phù hợp - phản đối. Việc hoãn các phiên thương lượng là chuyện thường xuyên.

Đứng đầu đoàn đàm phán Trung Quốc bị an ninh ngăn cản trong ba ngày đầu tiên của hội nghị. Vấn đề nghiêm trọng này đáng lý phải được giải quyết ngay một ngày sau đó. Điều này khiến đòan Trung Quốc cảm thấy tức giận.

Có thể lịch sử sẽ phán xét cách điều hành của chính phủ nước này, và có vẻ như họ đã mất đi phần nào sự sáng chói mong đợi.

5. Thời tiết

Một số ngày, thời tiết lạnh tê tái và tuyết phù đầy đường tới trung tâm Bella, nơi diễn ra hội nghị. Nếu vài năm qua, dân Mỹ trải qua những đợt nóng kinh hoàng và khô cạn kéo dài, hay mưa trái mùa bất thường như ở những nơi khác trên Trái đất, liệu họ có gây áp lực lên các thượng sĩ cần hành động để đối phó với biến đổi khí hậu hay không?

6. Chính trị của Liên minh châu Âu (EU)

Nếu EU không đồng ý, một lượng lớn các nước đang phát triển cũng không đồng ý, và thỏa thuận COP15 sẽ chỉ đơn giản là thỏa thuận không chính thức giữa một số quốc gia - biểu tượng của sự thất bại của hội nghị. Thế tại sao EU vẫn chấp nhận tài liệu bị cắt xén, dù một số lãnh đạo trước đó đã tuyên bố rằng không có thỏa thuận nào thì tốt hơn một thỏa thuận yếu ớt?

Có thể tính tới chuyện chính trị - điều này đồng nghĩa với việc EU không bao giờ đi ngược lại với Mỹ, đặc biệt là nước Mỹ của ông Obama, và luôn xuất hiện với một kết quả nào đó để nhận định rằng có thành công. Sau khi EU mở rộng, số lượng chính phủ trong khối không tin vào các lập luận rằng khí thải mà con người gây ra đang gây hiệu ứng nhà kính là nhiều hơn.

7. Các nhà tham gia chiến dịch đã thực hiện chiến lược sai

Tất cả các nhóm thực hiện các chiến dịch ở khắp nơi trên hành tinh đều muốn đưa ra thông điệp để có được cơ hội lớn nhất đạt được điều họ mong muốn. Các thông điệp đó: ca ngợi Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nước đang phát triển lớn khác đã hứa giảm khí thải; dễ tính hơn với Barack Obama; không hài lòng với các nước như Canada, Nga và EU vì họ cảm thấy các nước này có thể/nên làm nhiều hơn về vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo truyền thống, các tổ chức chiến dịch thường ủng hộ các nước đang phát triển ở một loạt vấn đề chống lại sự “đàn áp” gây hại của phương Tây. Nhưng sau Copenhagen, không có “thế giới đang phát triển”, mà có một vài thế giới. Đáp ứng với trật tự thế giới mới là một thách thức cho các nhóm thực hiện chiến dịch, cũng như cho các chính trị gia ở các trung tâm quyền lực cũ của thế giới.

H.NGUYÊN (lược dịch từ BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên