29/07/2010 06:36 GMT+7

Phòng thí nghiệm mở của những người trẻ

TS Nguyễn Trường Thịnh (giám đốc Trung tâm chế tạo thử, khoa cơ khí - chế tạo máy Trường ĐH SPKT TP.HCM)
TS Nguyễn Trường Thịnh (giám đốc Trung tâm chế tạo thử, khoa cơ khí - chế tạo máy Trường ĐH SPKT TP.HCM)

TT - Đó là phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm chế tạo thử, khoa cơ khí - chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nơi đã cho ra lò máy bán hàng tự động, robot lau kính, robot cảnh sát giao thông, robot hoa, máy giặt tự động... Đây cũng là phòng thí nghiệm mở (open lab) đầu tiên dành cho sinh viên ở TP.HCM.

cT2fTy2w.jpgPhóng to
Đưa robot cảnh sát giao thông xuống khuôn viên trường thử nghiệm - Ảnh: Tường Vy

Bệ phóng của ý tưởng

12g trưa. Xưởng cơ khí thuộc phòng thí nghiệm mở vẫn vang lên tiếng rè rè của máy mài, tiếng soẹt soẹt của máy hàn... thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng cười cợt, trêu chọc nhau của các kỹ sư tương lai. Ở góc phải của xưởng, Bùi Tuấn Anh, sinh viên (SV) năm 4 bộ môn cơ điện tử, đang hì hục gia công chiếc máy biến dạng thép bằng từ trường; cạnh đó là SV Võ Long Sĩ đang làm phần cơ khí cho máy bán hàng tự động phiên bản mới...

Tuấn Anh hào hứng khoe: “Lúc chưa có phòng thí nghiệm tụi mình phải tự làm nghiên cứu ở nhà, khó khăn và bất tiện lắm, vừa phiền bạn bè, hàng xóm, vừa thiếu thiết bị. Từ lúc có phòng việc nghiên cứu dễ hơn nhiều, kiến thức của tụi mình cũng tăng đáng kể nhờ có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với nhau và với các thầy”. Còn Long Sĩ cười hiền lành: “Bọn mình làm suốt, ít khi nghỉ trưa lắm”.

Ở phòng lập trình, SV Nguyễn Duy Luân đang say sưa thiết kế giao diện cho máy bán hàng tự động phiên bản mới trên cơ sở máy giặt tự động dùng tiền xu. “Từ những nghiên cứu về máy bán hàng tự động của các lớp đàn anh đi trước, cộng với kiến thức thu được từ máy giặt dùng tiền xu, bọn em đang bắt tay nghiên cứu và chế tạo máy bán hàng hiện đại sử dụng nhiều phương pháp thanh toán khác nhau cho thị trường Việt Nam”, Luân cho hay.

Tìm hiểu nhu cầu và nhận đơn đặt hàng

“Năm năm qua, năm nào nhà trường cũng cử các đoàn đi khắp các tỉnh, tiếp xúc với sở khoa học - công nghệ, hội nông dân, sở công thương, các công ty... để tìm hiểu nhu cầu và nhận đơn đặt hàng của họ. Do đó các công trình nghiên cứu của chúng tôi đều có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế”

Riêng về chiếc máy giặt thông minh đã được nhóm hoàn thành cách đây ít lâu, đang được đặt ở phòng thí nghiệm mở để SV dùng thử. Bước đầu máy chạy khá ổn định, với chức năng giặt theo giờ tương ứng số tiền người dùng bỏ ra. Máy có thể nhận biết các loại tiền xu Việt Nam, phân biệt được tiền giả, thậm chí nhận dạng được các loại tiền xu nước ngoài như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore...

Theo nhóm nghiên cứu, có thể trang bị máy giặt này ở nơi công cộng như các khu chung cư, ký túc xá, bệnh viện, trường học, nhà máy, xí nghiệp... để những người có thu nhập thấp có thể giặt đồ nhanh chóng, tiện lợi, ít tốn kém.

SV Chu Văn Hiền, trưởng phòng thí nghiệm mở, cho biết phòng có tổng diện tích 280m2, mở cửa từ 7g30-21g mỗi ngày (kể cả chủ nhật và ngày lễ), hoạt động theo hình thức SV tự quản, gồm ba nhóm chính: nhóm huấn luyện và lập trình, nhóm điện tử và xưởng cơ khí. Trong đó nhóm huấn luyện và lập trình có nhiệm vụ hướng dẫn thêm cho SV lớp dưới; tổ chức các buổi trao đổi giữa SV; mời thầy cô, công ty hướng dẫn chuyên đề cho SV...

Thiết bị tại phòng thí nghiệm đều do SV tự trang bị từ nhiều nguồn: tự chế, mua (bằng nguồn thu từ các lớp chuyên đề, các dự án làm cho các công ty bên ngoài, các dự án hiện đại hóa cho trường, làm thiết bị dạy học, tổ chức sự kiện như seminar, giới thiệu mặt hàng mới, tuyển dụng...). Riêng máy móc lớn hoặc thiết bị đắt tiền thì... xin thầy cô. Người “được” xin nhiều nhất chính là TS Nguyễn Trường Thịnh, trưởng bộ môn cơ điện tử kiêm giám đốc trung tâm chế tạo thử.

Đam mê sáng tạo

“Trước kia chỗ này là xưởng chế tạo thử của khoa cơ khí - chế tạo máy, sau bị bỏ hoang. Tháng 3-2010 khi thầy trưởng khoa cho dùng làm phòng thí nghiệm, tụi mình xúm nhau dọn dẹp, mất 2-3 tuần. Không có máy móc, thiết bị gì cả, phải đi xin từng món”, Hiền kể.

Thế nên ít ai ngờ chỉ sau ba tháng, phòng thí nghiệm mở đã cho ra đời hàng loạt công trình nghiên cứu: robot hoa biết nhảy múa, giữ nhà, kiểm tra môi trường, máy giặt dùng tiền xu (đã hoàn thành); robot hái thanh long, máy bán hàng tự động bằng tiền giấy (đang trong giai đoạn hoàn thành); robot cảnh sát giao thông phiên bản mới, máy biến dạng thép bằng từ trường (cả hai đã được Bộ Khoa học - công nghệ phê duyệt là đề tài cấp bộ)...

Ngoài ra còn có những công trình làm theo đơn đặt hàng như robot hái cà chua, robot tiếp tân thông minh biết nhận dạng khách hàng tiềm năng... Và nhiều công trình mang tính ứng dụng cao như robot vận chuyển hàng hóa có khả năng tránh vật cản, biết tìm đường đi, có thể ứng dụng tại các nhà ga, sân bay; hệ thống xe buýt thông minh biết xác định vị trí các xe đang đi, tính toán thời gian xe tới trạm, thông báo cho hành khách sắp tới trạm; robot cá phiên bản mới dùng để kiểm tra, giám sát đê điều...

“Điều quan trọng không phải là số lượng các công trình, mà là niềm đam mê nghiên cứu của các SV đã được khơi lên. Làm ra sản phẩm của chính mình các em mê lắm, cứ làm hết cái này đến cái khác...” - TS Nguyễn Trường Thịnh nói, ánh mắt không giấu được niềm vui.

TS Thịnh cũng cho biết sẽ phát triển phòng thí nghiệm thành công ty nghiên cứu, phát triển sản phẩm và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị, công ty có nhu cầu để nơi đây “không chỉ là nơi nghiên cứu, nâng cao kiến thức - kỹ năng cho SV mà còn là nguồn thu để nhà trường đầu tư tốt hơn, toàn diện hơn cho công tác giáo dục”.

TS Nguyễn Trường Thịnh (giám đốc Trung tâm chế tạo thử, khoa cơ khí - chế tạo máy Trường ĐH SPKT TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên