31/01/2005 09:00 GMT+7

Không thể "mặc kệ báo chí" với đồi Vọng Cảnh!

TƯƠNG LAI
TƯƠNG LAI

TT - Thế là chuyện “mặc kệ báo chí nói, dự án Vọng Cảnh cũng phải nghiến răng mà làm” như lời của một vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên bố (báo Tiền Phong ngày 26-1 đã dẫn lại) đã được “nghiến răng” làm lễ khởi công, chính thức thách thức dư luận.

Và dư luận đã chính thức lên tiếng trên chương trình thời sự lúc 19g ngày 29-1-2005 của VTV1, Đài truyền hình VN.

Hiếm khi thấy có một phản ứng mạnh mẽ như vậy qua nội dung thông tin và lời bình luận của VTV1 về quyết định của lãnh đạo một tỉnh. Đó cũng chính là phản ứng của công chúng rất bén nhạy với thời cuộc mà Đài truyền hình VN đã nhạy bén nắm bắt và đưa tin.

Phải hạ quyết tâm “nghiến răng mà làm”, những nhà lãnh đạo tỉnh này đã hiểu được phần nào phản ứng của dân, nhưng họ không lường được sức nặng của dư luận và không đo được lòng dân khi được báo chí tiếp sức.

Khi họ “mặc kệ báo chí”, họ không hiểu được rằng nếu “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” như nghị quyết của Đảng đã chỉ ra, thì báo chí chân chính giữ một vai trò đặc biệt trong cái “nền tảng” ấy. Báo chí chân chính “là tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình” (*).

Không thấy rõ được điều đó, đáng lý nghiêm cẩn theo dõi và tiếp nhận thông tin, nắm bắt dư luận từ báo chí, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện được vai trò không thể thay thế của nó trong đời sống xã hội phải là ứng xử của người lãnh đạo, là biểu hiện của văn hóa lãnh đaọ, thì người ta lại “mặc kệ báo chí”, cứ nghiến răng lại mà làm, bất chấp công luận.

Chẳng trách khởi công xây dựng một công trình tầm cỡ và nhạy cảm như vậy mà vắng bóng những lãnh đạo các cơ quan ban ngành hữu quan như Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - thông tin, UBND thành phố Huế, Hội Kiến trúc sư; những nhà nghiên cứu văn hóa Huế, những trí thức tiêu biểu luôn quan tâm đến việc đầu tư phát triển vùng đất giàu tiềm năng này. Người ta quên gửi giấy mời chăng? E không phải vậy. Một nhà trí thức Huế đã giải thích điều đó trong trả lời phỏng vấn mà bản tin của VTV1 nói trên đã đưa.

Trải thảm đỏ để kêu gọi đầu tư, đó là một đòi hỏi phát triển của Huế, một vùng lãnh thổ đặc thù mà thế giới biết đến từ lâu, nhất là từ khi Huế có vinh dự được UNESCO tiếp sức. Những nhà đầu tư thông minh phải là những nhà đầu tư có tầm nhìn để cảm nhận được điều mà UNESCO đã gợi mở, là ở đây, ở vùng cảnh quan độc đáo này, “mỗi yếu tố đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi, Huế là một nghệ thuật cộng thêm vào tạo vật như một vẻ đẹp bổ sung…” (**).

Còn biết bao những vị trí tuyệt vời để dựng lên những “life resort” mà không xúc phạm vào đời sống tinh thần của người dân cố đô đâu cứ phải chỉ đồi Vọng Cảnh, một “tặng phẩm tuyệt đẹp của trời đất” mà những gì tạo dựng ở đây “chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa, để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người...”(**).

Những gì định qui hoạch xây dựng nơi đây phải tôn trọng “vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương”, không phá vỡ “một sắc thái văn hóa thiên về những suy tư giàu chất tâm linh” (**) mà người Huế tự bao đời gìn giữ.

Có lẽ báo chí (viết và nói) còn phải tốn thêm nhiều giấy mực và thời lượng truyền hình để đấu tranh cho nguyện vọng chính đáng của nhân dân Huế, cho bản sắc văn hóa Huế trước một thái độ cận thị và thách thức dư luận, không lắng nghe tiếng nói chân thành của nhân dân.

________________

(*) C.Mác và Ph.Ăng-ghen toàn tập. Tập 1. NXBCTQG 1995, trang 99, 237, 291,100.(**) Xem “Đồi Vọng Cảnh cần một ứng xử văn hóa”, Tiền Phong Chủ Nhật 23-1-2005.

TƯƠNG LAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên