19/02/2014 03:05 GMT+7

Đừng sợ mất khi cổ phần hóa

PHẠM CHI LAN
PHẠM CHI LAN

TT - Những thông tin đầu tiên về hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 18-2 bàn về thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang mang lại những hi vọng lớn. Vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đặt ra một cách mạnh mẽ chưa từng thấy.

Mỗi năm phải cổ phần hóa 216 doanh nghiệpTiêu điểm chiều 18-2: Lợi nhuận ngân hàng teo tóp

Thủ tướng khẳng định đây là trọng tâm công tác của Chính phủ trong hai năm 2014-2015 và yêu cầu tất cả tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung cùng các bộ ngành, các địa phương nghiêm túc thực hiện. Không những chỉ khẳng định thực hiện mục tiêu cổ phần hóa 500 DNNN trong hai năm 2014-2015, Thủ tướng còn tuyên bố xem xét cổ phần hóa thêm một số DNNN trong các lĩnh vực dịch vụ công ích mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ như các công ty cấp nước, thoát nước, dịch vụ chiếu sáng... Chủ trương thay thế những người đứng đầu DNNN cố tình kéo dài hoặc không đủ năng lực thực hiện cổ phần hóa ở đơn vị mình cũng được khẳng định lại.

Vậy là người đứng đầu Chính phủ đã đích thân khởi động và “tổng chỉ huy” một chương trình vô cùng quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của nước nhà. Chương trình này được tập trung thực hiện một cách nghiêm minh, hiệu quả trong hai năm chắc chắn sẽ tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ, đưa nền kinh tế ra khỏi những khó khăn hiện nay, đi vào đà phục hồi và tăng trưởng mới trong những năm tới.

Ngoài những nội dung đã được bàn tại hội nghị, những biện pháp gì nữa có thể góp phần thực hiện tốt nhất chương trình cổ phần hóa DNNN rất lớn này?

Kinh nghiệm cải cách DNNN tại một số nước khác cho thấy có hai điều kiện quan trọng cần quan tâm, đó là cải thiện quản trị công ty và hình thành một môi trường cạnh tranh ngay trong khi cải cách DNNN. Ở nước ta, trong khi việc cải thiện quản trị công ty nhằm cải thiện hiệu quả của DNNN đã được đề cập khá nhiều, dường như vấn đề tạo dựng môi trường cạnh tranh chưa được chú ý đầy đủ khi bàn về cổ phần hóa DNNN. Một môi trường cạnh tranh sẽ tạo nguồn lực và áp lực rất cần thiết để cải cách thật sự DNNN, đồng thời giúp nền kinh tế giữ được đà tăng trưởng và tạo công ăn việc làm, thúc đẩy các khu vực khác vươn lên gánh đỡ hệ quả sụt giảm có thể có ở khu vực DNNN trong quá trình này.

Việc xác định và công bố rõ danh mục, tỉ trọng DNNN trong các lĩnh vực khác nhau và sớm đưa cổ phần của doanh nghiệp đã cổ phần hóa vào niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng rất quan trọng. Nó có thể giúp tạo niềm tin và sự chuẩn bị của các đối tác tiềm năng bên ngoài để hình thành nên những mảng thị trường năng động, sẵn sàng tiếp nhận phần tài sản được bán tại các DNNN và nhanh chóng sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất.

Mặt khác, hiện nay việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại một số DNNN đang gặp nhiều khó khăn, kể cả do một số quy định thiếu linh hoạt trong các văn bản liên quan. Cần mạnh dạn thay đổi về tư duy, cách tiếp cận và có những giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện thị trường để có thể hoàn thành việc này theo lộ trình mong muốn. Cần nghĩ tới cái được lớn cho nền kinh tế khi giải phóng những nguồn lực và cơ hội kinh doanh đang bị các DNNN sử dụng một cách kém hiệu quả để đưa về cho những lực lượng thị trường có khả năng sử dụng hiệu quả hơn, tránh tâm lý sợ “mất” trong quá trình này.

PHẠM CHI LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên