07/01/2014 01:37 GMT+7

Vinh danh người lính tình nguyện

PHẠM SỸ SÁU(cựu chiến binh chiến trường Campuchia)
PHẠM SỸ SÁU(cựu chiến binh chiến trường Campuchia)

TT - Hôm nay 7-1. 35 năm trước, cũng ngày này, một cánh quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân cách mạng Campuchia đã tiến vào giải phóng Phnom Penh phố hoang nhà trống, mở ra giai đoạn hồi sinh cho đất nước Campuchia từ trong đổ nát hoang tàn.

Người vui mừng nhất trong ngày này năm ấy, ngoài những chiến sĩ cách mạng Campuchia, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đang trên đường truy kích địch, còn có những gia đình có người thân đang ở các đơn vị tham gia cuộc chiến tranh tự vệ và nhân dân Việt Nam dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Bởi chính họ và con em họ vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn khốc nhất.

Nhưng không, giải phóng Phnom Penh chỉ là khúc mở đầu cho cuộc chiến tranh tiêu diệt đám tàn quân Khmer Đỏ và giúp nhân dân Campuchia từ vùng nông thôn, rừng núi trở về quê cũ xây dựng cuộc sống mới an lành kéo dài cho đến ngày 26-9-1989 - ngày người lính tình nguyện Việt Nam cuối cùng rời khỏi đất nước Campuchia.

Nếu kể thêm gần hai năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và hơn chục năm giúp người dân Campuchia xây dựng lại đất nước, người lính Việt Nam đã trải qua gần 12 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Khác với thế hệ bộ đội Cụ Hồ “đi không dấu, nấu không khói” thì thế hệ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là người đóng quân công khai, sinh hoạt rộn ràng. Nhưng họ ngày đêm cận kề cái chết, cận kề hiểm nguy để người dân Campuchia được hồi sinh, cả nước Việt Nam được hòa bình, xây dựng cuộc sống mới dù còn nhiều gian khó.

Chúng tôi nhớ thời mình làm lính nghĩa vụ quốc tế, để bảo vệ thanh danh và uy tín bộ đội Việt Nam, những người lính quân tình nguyện phải sáng tạo kiểu mặc quân phục “ưu tiên phía trước”, nghĩa là phải mặc quần phía sau thành phía trước trong khi hành quân hay huấn luyện để khi ra tiếp xúc với dân, mặc đúng tư thế tác phong còn có cái quần lành. Ngày ấy, chúng tôi lấy đó làm niềm vui và hạnh phúc.

Những người lính quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng, điều đó thật rõ ràng. Nhưng gần 25 năm qua, kể từ khi người lính tình nguyện cuối cùng rời khỏi đất nước Campuchia, nếu không có lễ kỷ niệm này, những hi sinh thầm lặng mà vô cùng đau đớn của nhân dân các tỉnh biên giới Tây Nam và bộ đội vệ quốc làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia ít được nhắc đến. Những chăm sóc, ưu đãi cho người tham gia cuộc chiến, những gia đình có người thân hi sinh liệu đã làm họ yên lòng?

Chúng tôi đã sống, đã chiến đấu, đã quên thân mình vì một Việt Nam độc lập và đất nước Campuchia hồi sinh từ trong đổ nát nay lớn mạnh không ngừng. Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam đã lùi vào quá khứ. Nhưng nhắc lại những hi sinh của người dân vùng biên giới và chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam phải là việc làm thường xuyên để xoa đi nỗi đau mất mát và cũng là để khẳng định cuộc chiến ấy đầy tính nhân văn, đã cứu một dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng. Những ngôn từ đẹp đẽ trong các bài diễn văn của những người đứng đầu Nhà nước Campuchia làm những người lính quân tình nguyện Việt Nam xúc động. Nhưng sẽ càng xúc động hơn nếu những hi sinh ấy được Nhà nước Việt Nam chính thức công nhận bằng một văn bản chính thức khẳng định những đóng góp to lớn của cán bộ chiến sĩ đã bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Một lễ tuyên dương như thế nên được tiến hành sớm, bởi những người lính tình nguyện năm nào nay người nhỏ tuổi nhất cũng đã 45 tuổi rồi.

Hãy vinh danh họ, dù muộn, cũng giúp họ yên lòng trong cuộc sống bởi những năm tháng tuổi trẻ họ đã không sống hoài sống phí.

PHẠM SỸ SÁU(cựu chiến binh chiến trường Campuchia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên