15/03/2012 07:01 GMT+7

Ngân hàng "độc quyền"

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Cuộc gặp giữa lãnh đạo TP.HCM và các doanh nghiệp hôm 13-3 đã vỡ thêm nhiều điều quanh vấn nạn mà doanh nghiệp cố thoát ra nhưng bất lực, đó là lãi suất cao.

Đại diện Cục Thuế TP.HCM khẳng định có đủ cơ sở cho thấy ngân hàng đã dùng vốn để cho vay với nhau hơn là cho doanh nghiệp vay, dồn vốn để thôn tính lẫn nhau, khiến doanh nghiệp chết đứng.

Đại diện cơ quan thuế cũng chỉ ra có lãi vay thấp nhưng chỉ trên hợp đồng, sau đó doanh nghiệp phải chi thêm nhiều khoản, như doanh nghiệp nói, cả thảy trên 20%/năm. Điều này đang diễn ra trên thực tế và vênh với những gì Ngân hàng Nhà nước nói về điều kiện để giảm lãi suất, đó là các yếu tố khách quan như tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng chậm lại, thanh khoản các ngân hàng ổn định trở lại.

Thực tế có quá nhiều yếu tố chủ quan mà Ngân hàng Nhà nước chưa mổ xẻ, xử lý thấu đáo, khiến lãi suất cao ngất ngưởng, làm doanh nghiệp khốn đốn.

Yếu tố chủ quan đó là gì? Đó là những gì mà đại diện Cục Thuế TP.HCM đã nêu tại cuộc gặp với doanh nghiệp ngày 13-3. Là những con số mà PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói với Tuổi Trẻ, qua đó cho thấy ngân hàng chưa chia sẻ với doanh nghiệp. Theo ông Ngân, nguồn vốn của ngân hàng không chỉ dựa vào tiền gửi tiết kiệm với lãi suất 13-14%/năm, mà còn có nhiều nguồn vốn rẻ khác. Ngân hàng có nhiều tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng với lãi suất thấp, cộng với vốn huy động của dân lãi suất 13%, bình quân giá vốn chỉ 10-11%/năm, cho vay 15% là đã lời to rồi. Thế nhưng họ vẫn vô tư cho vay 16-17%/năm, thậm chí cao hơn...

Nhiều tháng qua, để ổn định giá, giữ cho mức sống của người dân không giảm sút, Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã xoay trở với nhiều giải pháp. Chính phủ phải cắt giảm thuế xăng dầu, gas để giá không tăng sốc. Nhiều địa phương hỗ trợ vốn để doanh nghiệp mua dự trữ hàng hóa thiết yếu... Thế nhưng, có loại hàng hóa đang gây sức ép rất lớn lên giá cả, đó là giá vốn, là lãi suất thì lại được thả nổi. Trong khi nhiều doanh nghiệp phải báo cáo chi phí đầu vào, đăng ký giá bán nhưng ngân hàng lại vô tư ấn định lãi suất, chẳng ai biết giá vốn của họ là bao nhiêu, cho vay lãi đến mức nào. Xã hội chỉ biết là chi phí của nhiều ngân hàng rất lớn, lương thưởng rất cao, lợi nhuận cũng lắm. Để có những cái cao, cái lớn đó, tất cả được đưa vào lãi suất và doanh nghiệp phải gánh chịu.

Không ít doanh nghiệp ngậm ngùi vì luật cho họ quyền thỏa thuận lãi suất nhưng thực tế chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn, tài chính dồi dào mới cò kè lãi suất với ngân hàng. Ngân hàng đã biến lợi thế của mình, là nơi cung cấp vốn chính cho nền kinh tế, thành lợi thế độc quyền ấn định lãi suất, bất kể khả năng của doanh nghiệp.

Có chuyên gia đặt vấn đề cần khôi phục ngay thị trường vốn, mở thêm kênh huy động như trái phiếu doanh nghiệp để phá vỡ thế độc quyền của ngân hàng. Nhưng việc này không thể làm một sớm một chiều. Chúng ta tôn trọng luật chơi của thị trường nhưng không thể để nạn “độc quyền” kéo dài mà không chịu giám sát, kiểm tra. Lúc này cần sự mổ xẻ thấu đáo, giám sát thật chặt từ các cơ quan liên quan, ngoài Ngân hàng Nhà nước. Chỉ có xoáy vào những yếu tố chủ quan, chấn chỉnh việc sử dụng vốn, công bố giá vốn bình quân của các ngân hàng để xã hội giám sát, khi đó đồng vốn với lãi suất hợp lý mới đến tay được doanh nghiệp.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên