29/02/2012 09:01 GMT+7

Quyết tâm chỉnh đốn đảng

 VŨ QUỐC HÙNG(nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương)
 VŨ QUỐC HÙNG(nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương)

TT- Ngay từ khi mới ban hành, nghị quyết Hội nghị trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân.

Chỉ thị của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4Xem toàn văn phát biểu của Tổng bí thư tại Hội nghị triển khai nghị quyết T.Ư 4

Tin tưởng, hi vọng nhưng cũng không khỏi có những băn khoăn, lo lắng, đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu là “liệu nghị quyết lần này có được tổ chức thực hiện hiệu quả không hay lại rơi vào tình trạng “không đạt yêu cầu” như nhiều lần trước”.

Chính vì vậy, việc tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết nêu trên là tín hiệu đáng mừng cho thấy quyết tâm cao của trung ương trong việc đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Dõi theo hội nghị có thể cảm nhận rõ ít nhất hai thông điệp. Thứ nhất, việc không tổ chức hội nghị theo vùng miền mà tổ chức hội nghị toàn quốc chính là cách làm để tất cả cùng quán triệt, tạo sự thống nhất cao về nhận thức ngay từ đầu.

Chính sự thống nhất về nhận thức mới tạo nên sức mạnh đưa nghị quyết vượt qua chặng đường khó khăn phía trước để đi đến đích. Không phải ngẫu nhiên đây được coi là hội nghị lớn nhất về phổ biến một nghị quyết chuyên đề của trung ương từ trước đến nay. Thứ hai, việc Tổng bí thư cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, chỉ đạo hội nghị nói lên tầm quan trọng của hội nghị, của việc triển khai nghị quyết. Điều rất quan trọng là với sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt ngay từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đây sẽ là tấm gương cho toàn Đảng, toàn dân noi theo, làm nghị quyết trung ương 4 thật sự đi vào cuộc sống.

Nghị quyết lần này đã tập trung vào những vấn đề cấp bách nhất với hệ thống giải pháp hết sức mạnh mẽ, như là: phê bình và tự phê bình, lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, đẩy mạnh chất vấn trong Đảng... Đặc biệt là hệ thống giải pháp đó lại được làm sâu sắc thêm trong bài phát biểu quan trọng của Tổng bí thư, trong chỉ thị hết sức cụ thể của Bộ Chính trị. Kinh nghiệm từ việc thực hiện nghị quyết trung ương 6 (lần 2) cho thấy xây dựng và chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, để củng cố niềm tin của người dân, không những đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn của cấp trung ương mà phải làm cho quyết tâm chính trị đó thấm vào mỗi cán bộ, đảng viên, để từ nhận thức biến thành hành động thực tế.

Có thể nói, nghị quyết trung ương 4 mang tính nhân văn rất cao, bởi nếu thực hiện nghị quyết này đến nơi đến chốn sẽ làm cho Đảng ta mạnh hơn, nâng cao ý thức rèn luyện, ý thức phục vụ người dân của mỗi cán bộ, đảng viên, qua đó góp phần quan trọng ngăn chặn và đẩy lùi không ít những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm kéo dài lâu nay.

Nghị quyết lần này cũng có nội dung về kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tuy nhiên để tránh tình trạng nơi này, nơi khác, cấp này, cấp khác tổ chức thực hiện nghị quyết một cách hình thức, không thực chất, cần có sự công khai, minh bạch rộng rãi theo đúng tinh thần văn kiện Đại hội XI của Đảng là “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân”.

Trung ương nên có kế hoạch cụ thể là giải pháp nào trong nghị quyết khi thực hiện thì sẽ được công khai kết quả, công khai đến đâu, người dân tham gia giám sát ra sao? Đơn cử như kết quả kiểm điểm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên tới đây có được công khai hay không và ở mức độ nào? Chắc rằng sự công khai, minh bạch và tham gia giám sát của nhân dân sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Đảng thực hiện thành công nghị quyết lần này.

 VŨ QUỐC HÙNG(nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên