17/07/2011 09:15 GMT+7

Nỗi niềm nghề nuôi dạy trẻ

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Hình ảnh cô giáo Trần Thị Xuân Nữ ngồi cúi mặt trong phòng xử án, thân hình gầy guộc, khuôn mặt hốc hác khiến tôi lặng người. Không biết cô đang nghĩ gì khi ngồi ở chiếc ghế lạnh ngắt sau vành móng ngựa ấy? Đay nghiến bản thân mình, hối hận, ám ảnh trong tuyệt vọng hay than thân trách phận?

Đề nghị làm rõ trách nhiệm vụ cháu bé 4 tuổi bị thang máy cuốnKhởi tố vụ án “hành hạ người khác”Cô giáo nhốt trẻ trong thang máy lãnh 4 năm tù

Hẳn khi còn ngồi trên ghế nhà trường và chọn nghề gắn bó với trẻ con này, cô Nữ cũng như đồng nghiệp không bao giờ tưởng tượng ra cảnh một giáo viên phải rời khỏi ngôi trường của mình mà bước vào vòng lao lý.

Hẳn khi quá bức xúc vì trẻ không chịu ăn, trong một phút thiếu kiềm chế mà xốc nách đẩy bé vào thang máy để bé chịu một phen khiếp sợ, cô Nữ không ngờ được thương tích của bé về cả thể chất lẫn tinh thần lại nặng nề đến thế. Nếu biết, chắc chắn cô đã không làm.

Khi được đào tạo nghề giáo viên mầm non, cô Nữ cũng như các đồng nghiệp đều được học lý thuyết “tìm hiểu nguyên nhân trẻ biếng ăn”. Nhưng lý thuyết ấy chẳng còn ý nghĩa khi cô giáo được phân công cùng lúc phải cho 23 đứa trẻ ăn trưa. Không biết có phụ huynh nào có thể tự tin khi cùng lúc cho 2 hay 3 đứa trẻ ăn cơm hay chưa (thậm chí rất nhiều phụ huynh phải thừa nhận rằng chỉ mới chăm cho một cục cưng ăn thôi cũng đã rã rời)? Vì vậy, công việc của một giáo viên mầm non như cô Nữ là quá sức.

Khi đã chọn cái nghề vất vả, lương ba cọc ba đồng này, cô Nữ hẳn đinh ninh mình cứ làm hết sức, lo cho trẻ ăn, ngủ, vệ sinh, trả trẻ sạch sẽ, no nê về cho bố mẹ mỗi buổi chiều ngày này qua ngày khác mà không lường được những nguy cơ hiện hữu khi đầu óc, tay chân quá mệt mỏi, không còn tỉnh táo suy nghĩ, để đến mức phạm phải sai lầm kinh khủng.

Cách đây mười tháng, khi nhìn bức ảnh cháu bé Lê Quang Vinh (4 tuổi) nằm trong bệnh viện với đôi mắt đỏ ngầu, máu me đầy người, da đầy vết rách, cảm giác đầu tiên của người xem là oán trách thậm tệ người giáo viên. Nhưng giờ đây, khi nghe tin cô giáo ấy bị tuyên án 4 năm tù, không chỉ tôi mà nhiều bạn đọc khác đều phải ngậm ngùi: “Nặng quá!”.

Bốn năm sau, cô giáo ấy liệu còn cơ hội quay lại lớp học nữa không? Liệu mấy ai còn can đảm bước tiếp vào nghề giáo viên mầm non mà trước nay vẫn mang tiếng là nghề nghèo, khổ, nay lại thêm cả nguy cơ tù tội... Những ám ảnh về lỗi lầm của mình sẽ đi theo cô giáo ấy đến suốt đời, sẽ tác động đến cuộc sống và công việc của cô mãi về sau này, chứ không chỉ trong bốn năm. Một cô giáo mới 30 tuổi, chỉ một phút mất khôn mà rơi vào tội “cố ý gây thương tích” liệu có đứng dậy nổi qua cú sốc này?

Cô L., giáo viên mầm non ở Q.Tân Phú, TP.HCM, ngậm ngùi: “Làm nghề này ở với trẻ, chơi với trẻ suốt ngày, quen tay quen chân, mình thương trẻ còn không hết, huống hồ là nói cố ý gây cho trẻ thương tích. Chỉ có cánh giáo viên với nhau mới hiểu, cô Nữ phải thương học trò lắm mới gắn bó với nghề cả chục năm. Nếu nói cô Nữ ác thì cô ấy đã ác với trẻ từ lâu rồi, chứ không chờ tới bây giờ. Ai trong đời cũng có thể gặp cảnh khôn ba năm dại một giờ...”.

Ở Tân Phú, sau “vụ cô Nữ”, nhóm trẻ tư thục Hoa Lan cũng đổi chủ sang tên. Nhiều trường mầm non bắt giáo viên ký “cam kết không xử phạt trẻ” trước khi vào trường. Nhiều giáo viên bảo ban nhau “trẻ không ăn thì thôi, không phải ép, cứ cho trẻ chơi khi trẻ đòi, dạy trẻ không nghe thì thôi, thế cho êm chuyện”.

Một nghề cao quý trong xã hội đang mất dần giá trị khi sự thông cảm dành cho những người đang ngày ngày lao lực, tận tâm với nghề còn quá ư khiêm tốn.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên