09/03/2011 07:11 GMT+7

Khi khâu phân phối bị méo mó

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - Trong khi nhiều người dân đang phải thắt lưng buộc bụng vì giá thực phẩm, rau củ tăng cao đột ngột thời gian qua thì nhiều nông dân ở Đà Lạt phải thu gom cà chua, cải thảo... để làm thức ăn cho bò hoặc bán rẻ mạt. Câu chuyện nông sản rớt giá và nông dân phải cắn răng đổ bỏ sản phẩm do mình làm ra không phải lần đầu tiên diễn ra ở Lâm Đồng, cũng như ở nước ta.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bức xúc là nó diễn ra trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống chọi với tình hình giá cả tăng cao, đặc biệt là nhóm hàng rau củ, thịt cá. Khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy cùng một loại rau cải thảo giá tại các nhà vườn ở Đơn Dương (Lâm Đồng), nông dân chỉ bán được 1.000 đồng/kg, nhưng khi chuyển về đến TP.HCM ra ngoài thị trường giá đã vọt lên 8.000 đồng/kg. Như vậy, một khoản tiền chênh lệch rất lớn đã rơi vào một số ít người nắm giữ khâu phân phối, bán lẻ mà đáng lý ra người nông dân “một nắng hai sương” trên mảnh ruộng của mình phải là những người được chia sẻ.

Đáng nói hơn nữa, chính sự chênh lệch này đang tạo một gánh nặng lên vai người tiêu dùng và nhìn tổng thể hơn đó là sức ép lạm phát đối với nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để giải quyết sự méo mó, bất hợp lý trong khâu phân phối trên không thể một sớm một chiều mà đòi hỏi cả một quá trình với nhiều giải pháp đồng bộ. Nhưng trước mắt vẫn có cách để giảm bớt thiệt hại cho nông dân, đồng thời làm giảm nhiệt thị trường rau củ trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, tại TP.HCM có thể thông qua các kênh phân phối của một số doanh nghiệp lớn và tận dụng hệ thống các điểm bình ổn giá có sẵn để đưa rau củ về TP. Cách làm này không mới nhưng sẽ giúp người tiêu dùng mua được giá rau ở mức hợp lý hơn do hạn chế được khâu trung gian, đẩy giá lên quá cao.

Còn nhớ cách đây không lâu vào cuối tháng 10-2010, khi giá trứng vịt ở vùng ven TP.HCM như Nhà Bè, quận 12 tăng đến 28.000 đồng/chục, Công ty trứng Ba Huân (một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP) đã điều xe bán hàng lưu động đến và ngay sau đó, giá trứng rớt chỉ còn 25.000-26.000 đồng/chục.

Còn về lâu dài, để giải quyết dứt điểm, rõ ràng các cơ quan chức năng tại Lâm Đồng phải vào cuộc, đồng thời thói quen canh tác của người dân cũng phải thay đổi.

Thực tế cho thấy phần lớn rau củ bị ép giá đều rơi vào những hộ nông dân không có hợp đồng bao tiêu đầu ra, do vậy đến khi thu hoạch giá bán bị phụ thuộc hoàn toàn vào một số thương lái. Ngược lại, nhiều hộ dân trồng rau củ ở một số hợp tác xã trên địa bàn Lâm Đồng do có hợp đồng bao tiêu với các siêu thị, công ty phân phối lớn... nên giá đầu ra vẫn ổn định, trong khi lại đảm bảo cho người trồng có lãi.

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên