29/03/2010 02:34 GMT+7

Sự mầu nhiệm của tình thương yêu

DƯƠNG THU TRANG
DƯƠNG THU TRANG

TT - Như giọt nước tràn ly, sự việc học sinh Lưu Thanh Tú (Trường THPT Hồng Bàng, Đồng Nai) bị bạn đâm chết trong lớp ngày 27-3-2010 đã đẩy sự lo lắng của người lớn lên thành nỗi sợ hãi.

Chưa bao giờ hiện tượng bạo lực học đường trở thành đề tài nóng ở khắp các phương tiện thông tin đại chúng như lúc này. Khi mà những sự kiện ở Trường Trần Nhân Tông, Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) và Trường Bình Phú (Bình Dương)... chưa kịp lắng xuống; khi diễn đàn “Sự vô cảm đang tăng lên?” trên báo Tuổi Trẻ đang tích cực tìm kiếm giải pháp cho hiện tượng đau lòng này nhận được sự ủng hộ của nhiều đối tượng độc giả nhất... thì một học sinh nữa vĩnh viễn ra đi vì bạo lực.

Nỗi đau này đang xé nát tâm can người thân em. Họ đang khóc vật vã cho sự mất mát không gì có thể bù đắp. Họ sẽ nguyền rủa kẻ đang tâm cướp mất cuộc sống của em. Thật tiếc, người đó là bạn học của em. Hiến đã bị công an bắt giữ. Rồi bạn ấy sẽ phải trả giá cho hành động nông nổi của mình. Nhưng như thế đâu có nghĩa là kết thúc. Bởi bạo lực học đường sẽ không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên mất đi.

Chỉ thấy khó hiểu bởi thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Trọng phát biểu: “Hiến là học sinh ngoan”. Thế nào là một học sinh ngoan? Thế kỷ 21 có nên giáo dục học sinh theo tiêu chí “con ngoan trò giỏi”? Tôi chợt nhớ đến một nam học sinh của mình quê ở Bảo Lộc. Em lên thành phố học nội trú ở một trường dân lập. Quan sát em vào giờ ra chơi, tôi lấy làm ngạc nhiên vì em không rời khỏi chỗ ngồi, không trò chuyện với bất kỳ ai. Chỉ ngồi cúi đầu nhìn một vật bất kỳ trên bàn một cách vô thức.

Sau một lần trò chuyện cùng cô, em đã thổ lộ: tính em rất nóng, lên thành phố vì bị đuổi học ở quê do đánh nhau. Ba cảnh báo em rồi. Nếu gây chuyện ở trường mới và bị đuổi học nữa, ba sẽ đuổi ra khỏi nhà và không chu cấp. Vì thế em phải... ngoan.

Đã qua rồi lối giáo dục áp đặt từ phía gia đình lẫn nhà trường. Điều này dẫn đến cách sống hời hợt, ứng xử thiếu văn hóa, hành động vô cảm. Giới trẻ ngày nay cần được định hình lại giá trị sống. Các em cần được hiểu cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Hiểu những động cơ tích cực, hiểu những nỗi thống khổ của con người để tìm ra một thái độ ứng xử đúng đắn với từng cá nhân cũng như với cộng đồng. Tiếc thay những bài học như thế vẫn còn lạc lõng giữa đời thường...

Mặt khác, để tìm thấy tiếng nói chung với giới trẻ ngày nay là không hề dễ dàng. Bởi ngày nay các em biết được rất nhiều điều mà người lớn không phải ai cũng biết. Sống trong thời đại của video, điện thoại di động, Internet..., giới trẻ cần đến một nền văn hóa tổng quát. Đó là nền văn hóa không chối từ bản sắc nhưng vẫn đối thoại được với toàn cầu. Vì vậy, người lớn cần cấu trúc lại thông tin.

Giáo sư Tony Buzan - cha đẻ của lý thuyết “Mind map” (sơ đồ tư duy) - từng nói đến bốn loại thức ăn trẻ cần. Trong đó, cha mẹ chỉ quan tâm đến ba loại: kiến thức, dinh dưỡng, oxygen. Riêng loại thứ tư cực kỳ quan trọng là tình thương yêu đã bị xem nhẹ. Nên như một quy luật tất yếu, những tâm hồn non nớt không được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương đã đốt cháy cuộc sống bằng lòng thù hận. Thế mới có nữ sinh đã cay nghiệt thốt lên trong bài luận gửi cô giáo mình rằng: Con muốn trả hết những gì ba mẹ mua: xe máy, laptop, iPhone... để đổi lấy bàn tay mẹ sờ lên trán khi con sốt, ngồi nghe con tâm sự khi bạn trai bỏ rơi... Sao sinh con ra làm gì mà quăng con trong sự đơn độc này!...

Cũng nhờ tình yêu của gia đình, Nguyễn Duy Tưởng đã bước lên đỉnh cao của khoa cử (thủ khoa công nghệ thông tin ĐH Thái Nguyên) mặc dù trong cảnh khốn khó. Xuất hiện trên chiếc xe lăn trong ngày vinh danh, câu chuyện mà thủ khoa đặc biệt này kể khiến cả hội trường xúc động: “Năm lên 6 tuổi, mình được mẹ cõng đến lớp. Nhưng nhà mình nghèo quá. Hết lớp 1, mình phải nghỉ học tới bốn năm để chờ em trai mình lớn. Khi em trai học đến lớp 2 mới đủ sức cõng mình, mình lại được đến trường. Em cứ cõng mình đến mãi năm hai anh em học lớp 6 thì mới có xe đạp để tập đi, quãng đường đến trường bớt gian truân...”.

Thế mới thấy sự mầu nhiệm của tình yêu thương và hậu quả của lối giảng dạy áp đặt. Chúng ta hãy cùng hướng đến nền giáo dục nhân văn bằng cách dung hòa giữa hai chuyển động ngược nhau: giúp giới trẻ tìm được tiếng nói riêng của mình và khắc sâu vào trí óc các em điều chúng ta tin là đúng, đẹp và thật.

DƯƠNG THU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên