08/08/2006 06:45 GMT+7

Lấy từ bi diệt hận thù

VÕ VĂN KIỆT
VÕ VĂN KIỆT

TT - “Giá trị hòa hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỉ xả, là một nhân tố căn bản, sâu xa đã góp phần làm nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hòa hiếu của dân tộc. Nhờ đó mà trong lịch sử nhân loại, hiếm có một đất nước nào chịu đựng triền miên chiến tranh và nhiều biến thiên xã hội, lại là nơi chung sống hòa hợp của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo như ở nước ta... Tôi kêu gọi tất cả đồng bào trong nước và đang ở nước ngoài hãy cùng hướng về Tổ quốc, đồng tâm đoàn kết, góp phần xây dựng đất nước ta...”.

(Suy nghĩ nhân rằm tháng bảy)

2RORRbK0.jpgPhóng to
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: Thanh Đạm

Sáng 17-7 vừa rồi, tôi được tham gia một buổi lễ trồng cây thật ấn tượng. Bởi lẽ, lễ trồng cây ấy diễn ra trong khuôn khổ một hội thảo quốc tế lần đầu tiên ở VN, hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới - cơ hội và thách thức”, do Viện Nghiên cứu Phật học VN tổ chức.

Hội thảo ấy là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, vượt ra khỏi khuôn khổ một hội thảo khoa học thông thường, trong đời sống chính trị đổi mới và hội nhập của đất nước ta.

Trong buổi lễ ấy, tôi cũng được cùng chư vị tăng ni và nhiều trí thức trong và ngoài nước trồng cây bồ đề, có nguồn cội từ Bồ đề đạo tràng của đất Phật.

Sự hiện diện của hầu hết các vị khách quốc tế làm cho buổi lễ trồng cây càng thêm ý nghĩa. Chính Hồ Chủ tịch đã tiếp nhận cây bồ đề ấy hồi chiến tranh, trồng lên ở khuôn viên chùa Trấn Quốc, Hà Nội, cây bồ đề con nay được rước vào Nam trồng ở khu đất mang tên người anh hùng Lê Minh Xuân tại TP.HCM, nơi sẽ là Học viện Phật học VN.

Giá trị hòa hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỉ xả là một nhân tố căn bản, sâu xa đã góp phần làm nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hòa hiếu của dân tộc.

Nhờ đó mà trong lịch sử nhân loại, hiếm có một đất nước nào chịu đựng triền miên chiến tranh và nhiều biến thiên xã hội, lại là nơi chung sống hòa hợp của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo như ở nước ta.

Dân tộc ta nhiều lần bị bắt buộc phải cầm vũ khí để vượt qua nạn nhà, nạn nước. Tinh thần cứu khổ độ sinh của nhà Phật quyện kết trong ý chí kiên cường của người VN đã rèn đúc nên bản lĩnh khoan dung của dân tộc VN để lịch sử trường kỳ của dân tộc ta không phải là lịch sử truyền kiếp của thù hận, xung đột.

Đó là di sản quý báu do tư tưởng Phật giáo chảy chung dòng với truyền thống dân tộc và đã hòa quyện làm một.

Mãi sau 30 năm kể từ khi đất nước thống nhất, cây bồ đề mang tinh thần “thiệp thế độ sinh” của nhà Phật lại được trồng lên bởi những người trong chừng mực nào đó có quan điểm, xu hướng khác nhau nhưng biết lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau.

Tôi vô cùng xúc động khi nhận thức rằng cây bồ đề ấy đã vượt khỏi ý nghĩa của một biểu tượng tôn giáo để chuyên chở hình ảnh của dân tộc VN từ trong khổ nạn là cuộc chiến tranh gieo nhiều tang thương, ly loạn trong thế kỷ trước, trở thành một dân tộc tự do, hạnh phúc.

Tôi được biết hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới - cơ hội và thách thức” vừa qua đã khẳng định nhiều giá trị của đạo Phật trên con đường phụng sự chúng sinh theo phương châm đạo pháp, dân tộc và nhân loại.

Chưa có điều kiện nghiên cứu sâu, chỉ bằng trải nghiệm của chính cuộc đời mình, tôi nghĩ ở VN nhiều giá trị Phật giáo đã chảy trong huyết quản của nhiều người dân qua hàng ngàn năm.

Nhân đây tôi cũng mong mỏi các vị cao tăng và phật tử VN mở rộng lòng từ bi hỉ xả, bỏ qua những định kiến trong quá khứ, chung lòng đoàn kết cùng nhau phụng sự chúng sinh và Tổ quốc.

Chúng ta nhớ lại: Sau cuộc kháng chiến đánh thắng giặc Minh, giặc xâm lược mà tội ác của nó “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Nam Hải không rửa sạch mùi”, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của các vị anh hùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã “lấy từ bi diệt hận thù”, cấp lương, cấp thuyền, cấp ngựa cho những kẻ gây tội ác về nước, mở đường hiếu sinh cho kẻ thù cũng là mở ra phương trời mới của nền thái bình bền vững. Đó là đối với giặc xâm lược.

Trong truyền thống văn hóa của dân tộc, cũng còn một nếp đạo đức: sau mỗi ly loạn, nhân dân lại nguyện cầu siêu độ cho những sinh linh tử vong dù ở bất cứ chiến tuyến nào. Đầu thế kỷ 19, sau hơn 200 năm chiến tranh triền miên, hòa bình lập lại, ông Nguyễn Văn Thành đã thay mặt triều đình viết Văn tế tướng sĩ trận vong; và trong nhân dân, đại thi hào Nguyễn Du viết Văn chiêu hồn là vừa để giải thoát những đau thương về tinh thần và tâm linh đè nặng tâm hồn dân tộc, vừa để hướng dẫn đời sống tâm hồn và đạo lý của những người đang sống.

Đó cũng là một truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc ta. Truyền thống ấy từ lâu đã thể hiện cô đọng trong một sinh hoạt văn hóa tinh thần thuộc về đời sống tâm linh của người Việt: lễ rằm tháng bảy. Rằm tháng bảy, đối với người Việt là ngày báo hiếu, theo nghĩa rộng, là ngày để ghi nhớ và báo bổ công ơn của tổ tiên, cha mẹ và cũng là ngày giải oan, ngày toàn xá vong nhân, dịp để xua tan thù hận, hỉ xả khoan dung.

sccJlWxT.jpgPhóng to

"Cầu cho cha mẹ và người thân khỏe mạnh, công việc của mình ổn định..." - bạn Diễm Phương và Ngọc Bích (trái) cho biết khi đi lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM chiều 7-8-2006. Ảnh: T.T.D.

Dân tộc ta 30 năm trước đã trải qua một cuộc chiến tranh đầy tang thương. Ân Tổ quốc, ân đồng bào, ân cha mẹ, ân bằng hữu, tứ ân trong tư tưởng Phật giáo luôn hòa hợp với ý chí của người dân VN buộc phải đứng lên chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc, Tổ quốc. Đất nước nhờ vậy đã hòa bình, cuộc sống đang lần hồi an cư, lạc nghiệp.

Theo truyền thống văn hóa của dân tộc, Nhà nước ta đã định ngày 27-7 hằng năm là ngày tưởng nhớ hàng triệu công dân, hầu hết là những thanh niên ưu tú nhất của dân tộc, xả thân trên mọi nẻo đường cứu nước, đến nay rất nhiều người trong số họ vẫn còn gửi lại thi hài nơi đầu rừng, cuối biển. Chúng ta cũng tưởng nhớ hàng triệu đồng bào, vì tha thiết với Tổ quốc, bằng mọi hình thức ủng hộ cuộc kháng chiến cứu nước vì bom rơi đạn lạc mà bị thảm sát, nhiều nơi cả gia đình, làng mạc. Nỗi đau về những mất mát ấy vẫn còn oằn nặng trong nhiều gia đình.

Nhưng chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm. Trong 30 năm ấy, chúng ta cảm thông sâu sắc với nỗi đau mất mát của hàng vạn đồng bào ruột thịt khác, vì những hoàn cảnh và lý do khác nhau khi rời bỏ quê hương. Còn nữa, hàng vạn con em của các dân tộc nước ngoài, vốn không có thù oán gì với dân tộc ta, vì bị ép buộc, xúi bẩy mà trước sau đã phải nhận lãnh hậu quả trong cuộc chiến bất nghĩa khốc liệt ở VN.

Nhân rằm tháng bảy năm nay, có dịp suy nghĩ những giá trị tinh thần sâu sắc của đạo Phật, mà nhiều điều ẩn chứa giá trị sâu xa, cao đẹp của truyền thống đạo đức, văn hóa dân tộc, tôi kêu gọi các nhà chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất... của tất cả các tôn giáo cùng đồng bào trong nước và đang ở nước ngoài hãy cùng hướng về Tổ quốc và những người đã khuất, thành tâm cầu nguyện cho mọi sinh linh đã ngã xuống trên quê hương VN và trên cả những chặng đường tha hương, lưu lạc được siêu thoát; đồng thời cầu nguyện cho tất cả đồng bào đang sống, không phân biệt gốc tích, thành phần, quan hệ xã hội..., đồng tâm đoàn kết, hòa hợp, góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và nhân dân ta ngày thêm tự do, ấm no, hạnh phúc.

-----------

Tựa do Tuổi Trẻ đặt.

Áo dài, nước mắm, hoa sen (Tham luận của GS Cao Huy Thuần)

* Các bài báo và trả lời phỏng vấn khác của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

Đặt đúng vai trò của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũngNgười dân đòi hỏi phải có sự bứt phá mới ĐH đẳng cấp quốc tế: Sẽ nhanh khi Thủ tướng chỉ đạoVào WTO: Việt Nam bỏ lỡ nước cờCần những người chịu nghe sự thật và dám quyết đoánNguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Đánh cầu thủ chỉ mới là tấn công phần ngọn""Vì cả nước, TP.HCM phải có bước đột phá"Đại biểu Quốc hội phải giám sát mọi lúc, mọi nơi“Bộ trưởng tốt nhưng bên dưới tan nát thì... nghỉ đi” Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt góp ý kiến về biện pháp chống tham nhũngĐại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta

VÕ VĂN KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên