11/04/2005 00:21 GMT+7

Sự cố ngoại giao và sự hiểu lầm của một ngoại trưởng

VÕ VĂN SUNG
VÕ VĂN SUNG

TT - Một số hoạt động ngoại giao có hai tác dụng vừa phục vụ yêu cầu đấu tranh chính trị, vừa che giấu ý đồ quân sự của ta đã được tiến hành trong thời kỳ này, đó là các hoạt động nhằm mở rộng vị trí quốc tế của Chính phủ cách mạng lâm thời.

XPv14qRm.jpgPhóng to
Ông bà đại sứ Võ Văn Sung tiếp cụ Trần Văn Hữu - cựu thủ tướng thời Bảo Đại, tại Đại sứ quán VN Dân chủ cộng hòa

Trong loại việc này có một hoạt động tương đối tập trung từ cuối tháng giêng đến giữa tháng 2-1975 là đấu tranh cho sự tham gia của Chính phủ cách mạng lâm thời ở hội nghị quốc tế về Luật nhân đạo tại Geneva. Cùng thời gian ta tiếp tục tiến hành vận động thêm một số nước công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời.

Tiến hành các hoạt động này, ta xuất phát từ tình hình trước mắt có hai khả năng: Một là, nếu ta giải phóng được miền Nam đầu năm 1975 thì việc này tự nó sẽ có tác dụng che giấu ý đồ quân sự thật sự của ta, đánh lạc hướng địch. Hai là, nếu cuộc chiến đấu phải kéo dài đến năm 1976 thì việc nâng cao vị trí quốc tế của Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ có ảnh hưởng tích cực đến phong trào đấu tranh chính trị của các đô thị ở miền Nam và góp phần thúc đẩy phong trào ủng hộ ta trên thế giới.

Hội nghị quốc tế về Luật nhân đạo

Năm 1974 sau Hiệp định Paris về VN, ở Liên Hiệp Quốc có một vấn đề đặt ra là trong những cuộc xung đột vũ trang thường dân, tù binh, tù chính trị đã có những biểu hiện không được đối xử nhân đạo và luật quốc tế về vấn đề này đang còn thiếu sót. Liên Hiệp Quốc đã chủ trương triệu tập một hội nghị quốc tế tại Geneva tháng 2-1975 để làm việc này.

Ta đánh giá khả năng Chính phủ cách mạng lâm thời được dự hội nghị này là 50: 50, vì tuy quan hệ ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời còn có hạn chế nhưng Chính phủ cách mạng lâm thời là một bên vừa mới ký kết Hiệp định Paris và Định ước quốc tế về VN nên ta cũng có khả năng vận động cho Chính phủ cách mạng lâm thời được dự hội nghị. Ta đã đưa một đoàn từ trong nước sang để dự hội nghị và tiến hành các hoạt động vận động cho việc này.

Hà Nội có triệu tập anh Hà Văn Lâu lúc đó là đại sứ ở Cuba và tôi là đại sứ ở Pháp sang Geneva tham gia công việc này. Anh Hà Văn Lâu được phân công phụ trách các nước thuộc phong trào không liên kết và tôi được phân công vận động 11 nước, chủ yếu là Tây Âu, bao gồm các nước tôi kiêm nhiệm đại sứ là Hà Lan, Bỉ và Luxembourg.

Cuộc vận động ở Geneva đưa đến kết quả là trước giờ biểu quyết ta dự kiến đạt được 32 phiếu ủng hộ, 31 phiếu chống và một số phiếu trắng; nhưng khi biểu quyết thì có một đại biểu châu Phi đã hứa ủng hộ ta vắng mặt, khi kết thúc biểu quyết mới xuất hiện.

Anh Hà Văn Lâu đã trực tiếp hỏi đại biểu này thì được biết lý do vắng mặt là vì đi vệ sinh, nhưng ông ấy có thái độ rất buồn rầu khi nghe công bố kết quả 31 ủng hộ, 31 chống, một số phiếu trắng và một vắng mặt. Về sau vị đại biểu châu Phi đó đã thú thật riêng với ta là nước ông phải chịu quá nhiều sức ép. Do kết quả như vậy Chính phủ cách mạng lâm thời không đủ đa số để tham dự hội nghị.

Cố nhiên đoàn ta đã có phát biểu bình luận việc này và lập luận của ta thấy rõ sự “thiết tha” của Chính phủ cách mạng lâm thời được cùng tham gia một luật quốc tế quan trọng như “Luật nhân đạo trong chiến tranh”, đồng thời tỏ rõ ta tích cực bảo vệ điều khoản của Hiệp định Paris là ở miền Nam VN có hai chính quyền, hai quân đội và hai vùng kiểm soát.

Sự cố ngoại giao ở Geneva

Tôi có một số kỷ niệm đáng nhớ, nó giúp cho ta thấy được tình cảm của chính phủ các nước đối với Chính phủ cách mạng lâm thời, có nhiều khi không như biểu hiện về mặt ngoại giao chính thức.

Tôi xin kể một ví dụ: tôi xin gặp đại sứ trưởng phái đoàn của Hà Lan cạnh Liên Hiệp Quốc tại Geneva là ông Van Der Klaus (về sau ông này làm bộ trưởng ngoại giao Hà Lan) nhưng văn phòng của phái đoàn Hà Lan trả lời: “Đại sứ không tiếp” và giải thích lý do: “Hà Lan không thể ủng hộ lập trường của các ông được”.

Khi ta hỏi lại: “Các ông đã gặp chúng tôi lần nào đâu mà biết lập trường của chúng tôi?”, phía Hà Lan đã trả lời: “Chúng tôi đã gặp một người của các ông rồi, cách đây hai hôm”. Phía ta trả lời: “Chúng tôi chưa có ai gặp các ông cả. Ông Võ Văn Sung là đại sứ của Hà Nội tại Paris kiêm nhiệm đại sứ tại Hà Lan; đề nghị văn phòng báo cáo lại với đại sứ Van Der Klaus”.

Chưa đầy 15 phút sau, phái đoàn Hà Lan gọi lại cho biết đại sứ Hà Lan có thể tiếp tôi lúc nào tôi muốn. Tôi đã trả lời sẵn sàng đến và liền sau đó tôi đã gặp.

Khi tôi bước vào phòng khách, đại sứ Van Der Klaus đã vồn vã ra tận cửa đón tôi và nói: “Xin bạn đồng nghiệp miễn chấp vì tôi cứ tưởng người xin gặp tôi là đại sứ của chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn”. Tôi nói: “Lời nói của bạn đồng nghiệp làm cho tôi hiểu được tình cảm thật sự của bạn đối với chúng tôi. Thế lập trường của Sài Gòn thế nào mà Hà Lan không thể ủng hộ được?”.

Đại sứ Hà Lan trả lời: “Họ đề nghị tôi chống việc Chính phủ cách mạng lâm thời tham gia hội nghị”. Tôi hỏi: “Thế Hà Lan sẽ ủng hộ Chính phủ cách mạng lâm thời chứ?”. Đại sứ trả lời: “Đó là ý định của chúng tôi”. Tôi nói: “Thế thì tôi không có gì để nói thêm về vấn đề này nữa”.

Sau đó đại sứ Van Der Klaus và tôi đã nói chuyện với nhau gần một giờ rưỡi đồng hồ về tình hình VN và về quan hệ giữa VN Dân chủ cộng hòa và Hà Lan.

Câu chuyện này đã mở đầu cho một thời kỳ quan hệ cá nhân rất tốt đẹp giữa đại sứ Van Der Klaus với tôi, vì khoảng năm 1976 ông trở thành bộ trưởng ngoại giao Hà Lan và cứ mỗi lần chúng tôi gặp lại nhau tại Hà Lan hoặc mấy lần cùng đi họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, sau khi bàn bạc công việc chúng tôi đều ăn cơm với nhau và lại nhắc đến cái “sự cố ngoại giao ở Geneva”. Mối quan hệ cá nhân và “sự cố ngoại giao” nói trên cũng góp phần giúp cho việc giải quyết các vấn đề quan hệ song phương thêm thuận lợi.

...Và sự hiểu lầm của ông ngoại trưởng Madagascar

Trong thời gian từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, tôi cũng có nhiều dịp vận động một số nước châu Phi đã có quan hệ ngoại giao với VN Dân chủ cộng hòa công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời. Trong thời gian này tôi cũng đã tiếp tục có nhiều cuộc gặp gỡ tại Paris hoặc đi sang nước sở tại để bàn việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa VN Dân chủ cộng hòa với các nước đó, và trong mỗi dịp này tùy đối tượng tôi đều vận động họ công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời.

Việc này đã có kết quả tốt đối với một số nước như Benin, Congo, Angola... ở châu Phi và Bồ Đào Nha ở Tây Âu (lúc đó phe tả “Cách mạng hoa hồng” đang sôi nổi). Đối với một số nước khác tuy chưa có kết quả ngay do hoàn cảnh của họ, nhưng hầu hết đều bày tỏ cảm tình với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN và Chính phủ cách mạng lâm thời.

Riêng với Madagascar có câu chuyện khá thú vị như sau: nhân dịp ngoại trưởng nước này là ông Ratsiraca mà tôi được quen biết từ trước khi ông tham gia chính quyền (về sau là tổng thống), đi công tác qua Paris, tôi đã xin gặp và nêu vấn đề Madagascar công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời.

Với cách nói của người bạn, ông cho biết không bao giờ công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN. Tôi hỏi lại lý do vì Madagascar đã có quan hệ ngoại giao với VN Dân chủ cộng hòa và không có quan hệ với chính quyền Sài Gòn.

Ông ngoại trưởng trả lời: “Đối với chúng tôi thì nước VN là một, chỉ có nước VN Dân chủ cộng hòa của Bác Hồ. Cho nên nếu công nhận bất kỳ chính phủ nào khác là trái với nguyên tắc mà chúng tôi tôn trọng: nước VN là một! Chúng tôi đã từ chối việc công nhận bọn bù nhìn ở Sài Gòn”.

Tôi phải giải thích lại tình hình miền Nam và chính sách của ta, vai trò của Chính phủ cách mạng lâm thời, những điều khoản của Hiệp định Paris và những vấn đề thuộc về quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ miền Nam VN, ở đó có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát...

Thấy ông còn phân vân, tôi đã phải “nói riêng” rằng: “Chính phủ cách mạng lâm thời cũng là anh em chúng tôi cả” và “VN Dân chủ cộng hòa với Chính phủ cách mạng lâm thời tuy hai cũng như một, nhưng tuy một mà cho đến khi VN tái thống nhất thì vẫn phải là hai”.

Cuối cùng ông ngoại trưởng hứa sẽ báo cáo về chính phủ và độ hơn một tuần sau thì Đại sứ quán Madagascar ở Paris báo cho tôi biết là Madagascar đồng ý công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời.

Tháng 4-1975. Những ngày trọng đại của lịch sử dân tộc đã đến. Người Việt ở Paris lại sống theo giờ VN. Bộ trưởng ngoại giao của Pháp cũng liên tục có những cuộc tiếp xúc với người đại diện VN để hi vọng vào một “giải pháp chính trị”.

Chính phủ Pháp có một mối lo về lợi ích nếu Sài Gòn “tử thủ”...

------------

* Kỳ sau: “Con đường thứ ba” của nước Pháp

-----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 2: Hai đại diện ngoại giao của chính quyền Sài Gòn- Kỳ 1: Phối hợp với chiến trường

VÕ VĂN SUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên