09/04/2005 06:32 GMT+7

Hai đại diện ngoại giao của chính quyền Sài Gòn

VÕ VĂN SUNG
VÕ VĂN SUNG

TT - Ngày 3-1-1975, trong cuộc chiêu đãi nhân dịp năm mới của tổng thống Pháp mời ngoại giao đoàn, ông đã chủ động đến chào tôi và tự giới thiệu là “đại sứ VN Cộng hòa”.

DMSvoruZ.jpgPhóng to
Biểu tình ngày 1-5-1975 của các bạn Pháp mừng VN toàn thắng
TT - Ngày 3-1-1975, trong cuộc chiêu đãi nhân dịp năm mới của tổng thống Pháp mời ngoại giao đoàn, ông đã chủ động đến chào tôi và tự giới thiệu là “đại sứ VN Cộng hòa”.

Người quen cũ Nguyễn Duy Quang

Tôi trả lời: “Tôi không muốn nói chuyện với anh thân mật nếu anh tự giới thiệu như vậy, vì cả anh lẫn tôi, chúng ta đều là những người tham gia kháng chiến từ năm 1945, cho nên cả hai chúng ta đều là VN Dân chủ cộng hòa cả.

Tôi nhớ năm 1946 đã từng gặp anh tại Huế, ở cửa Thuận An, lúc đó anh đi cùng phu nhân cố vấn Vĩnh Thụy và cậu Bảo Long. Được biết năm 1946 anh đã từng tham gia công việc của nhóm ngoại giao do anh Nguyễn Duy Trinh phụ trách khi anh Trinh là phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung bộ tại Huế.

Tôi được anh Trinh cho biết là anh đã làm giám đốc Sở Tư pháp Liên khu 4 cho đến năm 1953 và vì hoàn cảnh riêng anh đã không thể tiếp tục. Tuy vậy đầu năm 1974 khi anh Trinh qua Pháp, tôi nói anh đang ở Paris, anh Trinh có dặn tôi chuyển lời anh ấy thăm anh. Tôi sẵn sàng nói chuyện trên tình anh em đã từng tham gia kháng chiến”.

Ông Nguyễn Duy Quang trả lời: “Nếu anh muốn vậy cũng được, tôi không xưng với anh là đại sứ VN Cộng hòa nữa. Nhờ anh chuyển lời của tôi kính thăm anh Trinh”.

Anh Trinh lúc đó là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao VN Dân chủ cộng hòa. Sau khi ký Hiệp định Paris tháng 1-1973 và Định ước quốc tế về VN tháng 2-1973, anh Trinh có dịp sang Paris đầu năm 1974 để dự lễ tang Tổng thống Pháp G. Pompidou.

Trong buổi lễ ở nhà thờ Notre Dame de Paris, tôi báo tin cho anh Trinh là “ông Nguyễn Duy Quang là đại sứ của Sài Gòn đang đứng không xa chúng ta bao nhiêu”; anh Trinh đã nhận ra và nói cho tôi thêm các thông tin về ông Quang mà tôi chưa biết.

Sau giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long mấy hôm, trong chiêu đãi quốc khánh của một sứ quán ở Paris, tôi đã hỏi ông Quang ý kiến về việc ta giải phóng Phước Long. Ông Quang tỏ thái độ khá lo lắng và nói đại ý không rõ tình hình rồi sẽ đi đến đâu.

Tôi nói: “Chỗ anh em với nhau tôi xin nói thẳng, năm 1953 anh đã không tiếp tục đi với kháng chiến thì bây giờ anh nên cân nhắc và tôi có thể đảm bảo với anh rằng nếu anh quay trở về, anh Trinh và anh em ta sẽ rất hoan nghênh anh”. Ông Quang trả lời tôi: “Xin anh cho tôi suy nghĩ thêm rồi sẽ trả lời anh sau”.

Sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi lại chủ động gặp ông Nguyễn Duy Quang. Ông Quang cho tôi biết đại ý là không thấy Mỹ động tĩnh gì; tôi lại nhắc việc “gọi ông trở lại với kháng chiến”, ông vẫn trả lời “cho suy nghĩ thêm một thời gian nữa”. Tuy vậy qua thái độ của ông Quang, tôi có cảm giác ông ấy rất lo lắng như là tình hình quan hệ giữa ông với Nguyễn Văn Thiệu không tốt đẹp gì và ông cũng có phần hoang mang.

Thời gian tiếp theo từ cuối tháng hai đến đầu tháng tư, tôi đã giục ông mấy lần cần quyết định thái độ, ông đều lần lữa nói rằng xin cho “suy nghĩ thêm”. Chỉ có một lần tôi hỏi quan hệ giữa Mỹ và Thiệu như thế nào thì ông trả lời cho tôi hiểu rằng quan hệ đó không tốt.

Mục đích của tôi muốn kéo ông Quang trở lại với ta là nhằm giúp ta nắm thêm động thái và ý đồ của Mỹ, đồng thời là mở đường cho một người kháng chiến cũ trở lại với cách mạng. Nhưng ông Quang cứ lần lữa đến giữa tháng tư mới trả lời đại ý, nếu có việc gì thì giao cho ông làm và gợi ý là ông sẵn sàng cùng tôi và anh Phạm Văn Ba, đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời, ra tuyên bố chung kêu gọi kiều bào đoàn kết.

Vì lúc bấy giờ quân ta đã phá được “cánh cửa thép” Xuân Lộc và chiến dịch đánh vào Sài Gòn sắp bắt đầu nên tôi trả lời ông Quang là: “Anh trả lời quá chậm, lỡ mất cơ hội rồi”. 5g sáng giờ Paris ngày 30-4, khi được tin ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tôi đã gọi điện thoại cho ông Quang và ông Quang có hỏi: “Anh có việc gì giao cho tôi không?”, tôi đã trả lời: “Anh cần làm cho cán bộ nhân viên sứ quán yên lòng và chuẩn bị bàn giao sứ quán cho anh Phạm Văn Ba cho tốt, rồi đây tôi sẽ gặp riêng anh sau”.

Cuộc trò chuyện với ông Phạm Đăng Lâm

Ông Lâm đã từng là trưởng đoàn đàm phán của Sài Gòn ở hội nghị bốn bên và sau Hiệp định Paris ông được cử làm đại sứ của Sài Gòn tại London. Vì có dịp tiếp xúc ở Paris từ trước, tôi đã quan sát ông Lâm và nhận thấy ông có thái độ từ tốn và có vẻ suy tư nhiều cho nên tôi chủ trương gián tiếp thăm dò động thái và ý đồ của Mỹ thông qua ông này.

Khi ông Phạm Đăng Lâm được cử làm đại sứ Sài Gòn tại London lại kiêm đại sứ Sài Gòn tại Amsterdam, nơi tôi cũng kiêm nhiệm đại sứ VN Dân chủ cộng hòa, nên tôi và ông Lâm có những dịp gặp nhau ở La Haye hoặc Amsterdam trong các hoạt động lễ tân của Chính phủ Hà Lan có mời ngoại giao đoàn.

Vì ông Lâm không có quá khứ gần gũi với ta trong kháng chiến chống Pháp như ông Quang nên tôi phải dùng phương pháp đường vòng để thăm dò; một là: “Ông Thiệu có còn chút ý muốn thi hành Hiệp định Paris không?”; hai là: “Mỹ vẫn viện trợ nhiều cho ông Thiệu?”. Cách trả lời của ông Lâm làm cho tôi hiểu rằng ông không ưa gì Thiệu, mặt khác Thiệu cũng gặp khó khăn trong quan hệ với Mỹ vì Mỹ không đáp ứng nhiều các yêu cầu của Thiệu.

Cũng 5g sáng giờ Paris ngày 30-4-1975, sau khi gọi điện thoại cho ông Nguyễn Duy Quang tôi cũng đã gọi điện thoại cho ông Phạm Đăng Lâm ở London. Khi chuông reo tôi nghe giọng phụ nữ trả lời bèn hỏi: “Có phải chị Lâm không? Tôi là Võ Văn Sung gọi từ Paris sang đây, chị cho tôi nói chuyện với anh”. Bà Lâm hồ hởi nói “anh giữ máy” và tôi nghe tiếng bà Lâm nói: “Anh Lâm ơi mau ra nói phôn với anh Sung từ bên Paris gọi sang”.

Tôi nói với ông Lâm giống như đã nói với ông Quang. Ông Lâm trả lời: “Tôi hứa sẽ thu xếp việc bàn giao sứ quán tốt đẹp” và tỏ ý rất thoải mái khi nói chuyện điện thoại với tôi. Ông cũng nói qua điện thoại với tôi rằng nếu Chính phủ ta giao việc gì ông cũng sẵn sàng.

“Đài quan sát” ở Paris

Sau khi ta giải phóng Phước Long ngày 6-1-1975, Lầu Năm Góc tung tin là Mỹ sẽ ném bom trở lại và sẽ đưa hạm đội Mỹ từ Philippines quay trở lại biển Đông, đồng thời chúng tôi cũng nhận được tin sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đóng tại Okinawa, Nhật Bản được lệnh báo động.

Cuối tháng 1-1975 sứ quán Paris nhận được điện của Hà Nội yêu cầu: cho biết Mỹ có khả năng đưa quân trở lại VN không! Chúng tôi đã phân công anh Lê Đình Nhân, bí thư thứ nhất và anh Hồ Nam, bí thư thứ hai, đi thu thập nhiều tin tức, thông qua nhiều mối quan hệ với bạn bè ở Tây Âu và Bắc Mỹ và có được mấy thông tin đáng kể: một là ngân sách Mỹ về quân sự cho năm 1975 về chi tiêu quân sự ở châu Á nói chung và chi viện cho chính quyền Sài Gòn nói riêng chẳng những không tăng mà còn giảm.

Thứ hai là qua những tin tức từ Lầu Năm Góc cho thấy từ sau khi Nixon mất chức tổng thống ngày 9-5-1974 do vụ Watergate thì quân Mỹ hầu như bất động, không có cuộc điều động quân đội nào lớn, kể cả các đơn vị đóng ở châu Á. Giữa tháng 2-1975, sứ quán đã báo cáo về nước các tin tức trên cùng với những nhận xét qua tiếp xúc với ông Quang và ông Lâm và đề xuất nhận định: không có khả năng Mỹ đưa quân trở lại VN!

Tiếp đó cũng vào giữa tháng 2-1975 Hà Nội lại hỏi: tàu sân bay Enterprise từ Philippines được điều động vào biển Đông có nhiệm vụ gì? Qua các nguồn tin của bạn bè thuộc ngành hàng hải và có những tin báo chí khác trùng hợp là tàu sân bay này không có nhiệm vụ chiến đấu, mà là nhằm mục đích đề phòng khi cần thiết thì “di tản” 954 người Mỹ đang còn ở Sài Gòn nếu không đưa đi được bằng đường không.

Chúng tôi đã trả lời Hà Nội rằng: Enterprise từ Philippines sang không có nhiệm vụ chiến đấu mà có nhiệm vụ “di tản” người Mỹ. Sau khi sứ quán báo cáo, Hà Nội đã cho biết tin tức của Paris cung cấp trùng hợp với tin tức của “nhà” có từ các nguồn khác, đặc biệt Hà Nội rất tâm đắc với chữ “di tản” sử dụng trong báo cáo của sứ quán do anh Hồ Nam đã có sáng kiến dịch chữ “évacuer” tiếng Pháp là “di tản”.

Nhìn chung chúng tôi đã nhận thức đúng rằng cơ quan ta ở Paris là một trong những đài quan sát quan trọng nhất ở nước ngoài và đã lấy việc thu thập tin tức, nghiên cứu các vấn đề phối hợp với chiến trường làm công tác trọng tâm trong thời kỳ này, và điều đáng mừng là những tin tức chúng tôi cung cấp được đã khớp với các nguồn tin khác của nhà.

“Mặt trận” đã mở đến Paris. Hoạt động ngoại giao lúc này còn là cuộc đấu tranh để mở rộng vị trí quốc tế của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN.

Trong cuộc vận động ấy, có một lần đại sứ VN đã bị đại sứ Hà Lan từ chối tiếp xúc...

------------

* Kỳ sau: Sự cố ngoại giao và sự hiểu lầm của một ông ngoại trưởng...

-----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 1: Phối hợp với chiến trường

VÕ VĂN SUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên