30/03/2005 06:04 GMT+7

Chàng rể Đức mê tiền Việt cổ

THANH LUYẾN
THANH LUYẾN

TT - Cái lạnh thấu xương của mùa đông châu Âu chợt ấm hẳn lên khi khách bước vào bên trong một ngôi nhà cổ ở miền Trung Nam nước Đức. Ấm vì không gian ngôi nhà của đôi chồng Đức vợ Việt ngát mùi hương VN... Và niềm say mê VN qua những đồng tiền cổ.

Cuộc thi Ký sự nhân vật 2005

MKyaAAhw.jpgPhóng to
Căn nhà của ông Richter như một bảo tàng tiền VN cổ
TT - Cái lạnh thấu xương của mùa đông châu Âu chợt ấm hẳn lên khi khách bước vào bên trong một ngôi nhà cổ ở miền Trung Nam nước Đức. Ấm vì không gian ngôi nhà của đôi chồng Đức vợ Việt ngát mùi hương VN... Và niềm say mê VN qua những đồng tiền cổ.

Từ đồng tiền đến văn hóa Việt

Ông Helmut Richter mở đầu câu chuyện về niềm say mê của ông bằng tờ bạc 20 đồng của VN có số xêri là HU 300667, năm phát hành 1969 và hình quốc huy, ảnh Bác Hồ màu đỏ mà ông vừa mua tại Công ty giao dịch tiền giấy Cortrie-Auktionen ở thành phố Hamburg, Đức.

Ông kể rằng trong quá trình sưu tập tiền đồng của mình ông chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe nói đến đồng tiền có mệnh giá này, ngay cả trong các cuốn catalogue tiền trên thế giới mà ông có cũng không thấy đề cập. Thế nhưng ông tin đây là tờ tiền thật, vì trước khi định giá 200 euro và đưa ra thị trường các chuyên gia về tiền của nhà bán đấu giá đó đã phải thẩm định với nhiều kỹ thuật hiện đại.

Mặc dù thế ông vẫn gửi bản chụp của đồng tiền này về VN nhờ một người bạn làm trong ngân hàng xác định thật giả, hoàn cảnh phát hành, lưu hành. Vẫn biết sưu tập tiền đồng là một thú vui của ông, nhưng có lẽ bất cứ ai là người Việt khi nghe ông băn khoăn trăn trở với từng đồng tiền Việt sưu tập được đều thấy xúc động. Cơ duyên để ông Richter gắn bó với VN và đặc biệt là thú sưu tập, nghiên cứu về lịch sử tiền đồng khởi nguồn từ cuộc hôn nhân với một phụ nữ Hà Nội. Chuyến về thăm quê vợ lần đầu, ông nhớ, trong cuộc trùng phùng với người thân sau nhiều năm xa cách đôi lúc vợ ông quên bẵng rằng chồng đang nghe mọi người nói chuyện như nghe những tiếng chim hót líu lo...

Để giết thời gian, ông lôi những đồng tiền VN trong ví ra ngắm nghía cũng vì thói quen nghiên cứu, sưu tầm tiền cổ của nước Đức. Từ giây phút ấy lịch sử của một dân tộc ẩn sau đồng tiền cuốn hút ông như một ma lực khó cưỡng lại.Sau lần về thăm quê vợ đó, trở lại Đức việc sưu tập tiền đồng của ông không còn đơn giản là để giết thời gian nữa mà đã thật sự trở thành nỗi đam mê. Ông tìm tiền, theo dõi các cuộc bán đấu giá tiền cổ qua những công ty bán đấu giá ở châu Âu.

Và trong một dịp săn lùng như thế ông đã may mắn mua lại toàn bộ bộ sưu tập tiền đồng của con trai một nhà truyền giáo người Đức sống tại Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20. Ông ấy đã thừa hưởng và gìn giữ từ cha ba bộ sưu tập tiền cổ của Trung Quốc, Nhật Bản và VN. Biết được tin đó, ông Richter đã thương thảo để mua lại bộ sưu tập tiền Việt cổ.Không muốn chỉ là một nhà sưu tầm đơn thuần, ông bắt tay vào nghiên cứu lịch sử, văn hóa VN. Ông tìm trên Internet hoặc tận dụng mọi sự quen biết nhờ mua cho được rất nhiều sách lịch sử. Bộ sưu tập của ông rất hệ thống được sắp xếp theo tiến trình lịch sử.

Từ đồng tiền đầu tiên Thái Bình hưng bảo của triều Đinh (968), đến những đồng tiền của các thời: Lý, Trần, Lê, Mạc, Quang Trung, Nguyễn... Ngoài ra trong sưu tập của ông cũng có khá đầy đủ các loại giấy bạc và tiền đúc từ thời Đông Dương thuộc Pháp, tiền của mặt trận kháng chiến, tiền của chế độ Sài Gòn đến thời kỳ đất nước thống nhất.

Y3BKIllo.jpgPhóng to
Bộ sưu tập tiền cổ công phu của ông Richter
Đưa tiền cổ về quê hương

Hiện nay, ông đang chuyên tâm nghiên cứu về các loại bạc nén của triều Nguyễn. Ông thao thao về cách đọc hiệu đồng tiền, khối lượng, kích thước, khuôn đúc rồi mang bộ sưu tập ra chỉ cho khách xem từng chi tiết nhỏ để phân biệt nén bạc nào giả, thật. Từ những năm tháng ấy ông về VN nhiều hơn để tự mình lùng sục trên chính quê hương của đồng tiền. Những bảo tàng, những nơi mua bán tiền cổ từ Bắc vào Nam nơi nào cũng in dấu chân ông.

Ông lang thang nhiều ngày ở các phố bán đồ cổ của Hà Nội, Sài Gòn với cái túi nặng trĩu sách tham khảo, dụng cụ và các chất liệu giám định để bất kỳ lúc nào cần cũng có thể ngồi đồng hàng giờ nghiền ngẫm về cái sự thật giả và giá trị của tiền cổ. Mỗi khi về VN cũng là dịp ông tìm đến với các nhà sưu tập, nghiên cứu tiền cổ. Trong số những người ông tìm gặp có nhà sưu tập - bác sĩ Nguyễn Anh Huy ở Huế. Buổi nói chuyện tuy không lâu nhưng ông rất khâm phục trình độ am hiểu về tiền cổ của anh Huy. Sau đó một già, một trẻ cách nhau hơn 10.000km, thế mà họ vẫn liên lạc và chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu tiền cổ.

Ông có hẳn một sơmi to để lưu trữ các bài khảo cứu của nhiều giáo sư, học giả trong nước và của chính anh Huy do anh gửi tặng. Trong một lần đến Sài Gòn, nghe nói ở Tiền Giang có người đang giữ 80kg tiền cổ ông cũng lặn lội xuống để xem cho tường tận. Ở Đức, trong vùng ông sống có hội những người sưu tập tiền cổ. Hội của ông thường xuyên gặp nhau bình luận, nói chuyện về giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước mà mình đang quan tâm. Trong hai năm qua ông Richter đã có năm bài thuyết trình về lịch sử tiền VN. Những lúc ấy Richter như một sứ giả mang VN đến tận ngôi làng nhỏ Obernissa của ông khiến nhiều người biết và thích hơn với hai tiếng VN. Giờ đây, ở tuổi 66, ngày hạ cũng như ngày đông ông dành phần lớn thời gian trong ngày bên chiếc máy tính và kệ sách tẩn mẩn với từng đồng tiền cổ. Mặc dù ông đã dành phần lớn lương hưu để mua tiền cổ nhưng vẫn tiếc là không đủ tiền để có thể mua tất cả những đồng mà bộ sưu tập của ông còn thiếu. Nhất là khi có những đồng tiền quí đã xem trên sách nhiều lần mà không mua được ông tiếc đến mất ăn, mất ngủ vài ngày. Ông tâm sự các con ông là người Đức (với người vợ VN ông không có con chung), không có một mối liên hệ mật thiết nào với VN, chính vì thế nếu có thừa hưởng bộ sưu tập không biết chúng có gìn giữ trân trọng hay sẽ làm thất thoát.

Cũng từ băn khoăn đó ông Richter đã nghĩ đến việc đưa bộ sưu tập tiền cổ của mình về lại quê hương nơi chúng đã được khai sinh sau những năm lưu lạc nhiều nơi trên thế giới. Dự án về việc thiết lập gian trưng bày tiền cổ trong một bảo tàng ở VN đã được ông soạn thảo và đang hoàn thiện.

THANH LUYẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên