31/07/2013 11:58 GMT+7

Khi ADN lên tiếng

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Có người đã mang cả xô đất đến nhờ giám định ADN, có người cầm xương gia súc mà cứ khóc tưởng thân nhân, thậm chí có những trường hợp nhất quyết yêu cầu cơ quan giám định ADN: “Các bác giám định thế nào tùy các bác, nhưng phải đúng đấy. Ai cũng chỉ, cũng khẳng định đúng hết rồi”.

2XOstnwG.jpgPhóng to
Truy điệu và đón đồng đội trở về, sau khi hài cốt đã được giám định ADN - Ảnh tư liệu
AJnOVGlb.jpgPhóng to
Sau bao năm kiếm tìm, gia đình liệt sĩ đã bật khóc với kết quả giám định ADN này

Đây chỉ là một trong hàng ngàn chuyện rối rắm, bi hài trước cánh cửa phòng giám định ADN. Nó là đoạn đường của nhiều người để mang được hài cốt liệt sĩ đến gõ cửa căn phòng khoa học này đã mất nhiều năm, thậm chí gần cả cuộc đời, với biết bao nỗi ngậm ngùi, thương nhớ. ADN cất lên tiếng nói sự thật thế nào?

* Hiện phương pháp giám định ADN hài cốt liệt sĩ như thế nào? Khi giám định ADN cho kết quả ngược lại với các chỉ dẫn khác, nó nói lên điều gì?

- Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Quang Huấn (trưởng phòng công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN): Vì hài cốt liệt sĩ đã lâu năm nên giám định theo hệ gen nhân tế bào hầu hết đều không thể thực hiện. Phổ biến nhất hiện nay là giám định trên hệ gen ty thể được truyền từ dòng mẹ. Đây chính là vật liệu di truyền cuối cùng để phân tích tìm quan hệ huyết thống.

Trong trường hợp này, những người còn sống được lấy mẫu để đối chứng, so sánh với mẫu liệt sĩ có thể là một trong những người như bà ngoại, mẹ, anh chị em ruột của mẹ, anh chị em ruột cùng mẹ của liệt sĩ, con của chị em liệt sĩ...

Phương pháp giám định hài cốt này phức tạp, đòi hỏi tỉ mỉ, nhiều trường hợp phải làm đi làm lại nên thời gian ra được kết luận giám định có thể mất từ một vài tuần đến hàng tháng. Hiện nay nhiều địa chỉ ở VN có khả năng giám định hài cốt liệt sĩ như Viện Pháp y quân đội, Viện Khoa học hình sự, Viện Công nghệ sinh học, Công ty Gentis...

Các máy móc, công nghệ giám định ADN hài cốt hiện nay đều thuộc thế hệ hiện đại cho kết quả rất chính xác. Khi kết luận giám định ADN khác với các chỉ dẫn của người này người nọ từ trước, thì khẳng định các chỉ dẫn đó đã sai.

Trong các cách tìm quan hệ huyết thống, thân nhân hiện nay, giám định ADN là chính xác nhất. Nếu các hồ sơ, chỉ dẫn để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ không rõ ràng thì ADN sẽ cất tiếng nói chính xác cuối cùng.

* Khó khăn của việc giám định ADN liệt sĩ hiện nay là gì, thưa ông?

- Về chủ quan thiết bị, công nghệ, kinh nghiệm giám định này đã có nhiều năm rồi, không gì khó. Khó khăn nhất thuộc phía đem mẫu hài cốt tới. Hoàn cảnh chiến tranh quá lâu dài khiến việc tìm thấy hài cốt rất khó khăn để giám định. Thực tế từ lúc mới bắt đầu đến nay, hầu hết các đơn vị giám định đều chỉ mới làm được vài trăm trường hợp vì ít mẫu đem tới.

Chưa kể vì phần nhiều trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện nay không được rõ ràng, các chỉ dẫn theo phương pháp này nọ cũng mơ hồ, nên phần nhiều giám định ADN đã cho kết luận không chính xác mẫu hài cốt có quan hệ huyết thống với thân nhân (giả sử) đem đến giám định. Ở những đơn vị giám định nhận mẫu hài cốt không chọn lọc kỹ đầu vào, có tỉ lệ giám định cho kết quả không chính xác quan hệ huyết thống đến 80%.

Gần đây chúng tôi có các yêu cầu đầu vào mẫu hài cốt giám định rất chặt chẽ như tìm hài cốt bằng cách nào, tại sao phải đi giám định, cách lấy mẫu ra sao. Do đó tỉ lệ chính xác 80%, sai chỉ khoảng 20%. Tuy nhiên chính vì khâu tuyển chọn mẫu hài cốt kỹ như vậy nên số lượng mẫu giám định chưa thể nhiều, nhanh như mong muốn của các gia đình liệt sĩ.

* Trong việc lấy mẫu hài cốt, thân nhân liệt sĩ phải làm gì để thuận lợi cho việc giám định?

- Khi chuẩn bị lấy mẫu hài cốt, nếu có điều kiện hãy gọi điện cho chúng tôi để được hướng dẫn cách lấy mẫu phù hợp. Nên ưu tiên lấy răng trước (1-3 chiếc) nếu còn răng vì đây là phần có cấu trúc rất bền vững trong cơ thể con người. Nếu không tìm thấy xương răng thì lấy các mẩu xương đùi, cánh tay, bả vai, sọ...

Nếu đúng là các mẩu xương đó còn có thể giám định được thì chỉ cần mẩu nhỏ khoảng vài đốt ngón tay là đủ. Lưu ý xương lấy mẫu cũng phải còn trong tình trạng tương đối, không được quá mủn nát, bóp tay vỡ vụn. Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới nóng ẩm nên hài cốt sớm hư hại. Tuy nhiên cũng còn tùy vào từng địa điểm, chất đất, môi trường chôn cất.

Thực tế có hài cốt từ thời kháng Pháp vẫn giám định ADN được trong khi có hài cốt từ thời chống Mỹ lại không làm được nữa.

Đặc biệt, việc tìm người lấy mẫu giám định đối chứng, so sánh với hài cốt liệt sĩ cũng phải được lưu ý bảo đảm. Thực tế giám định ADN ty thể theo dòng mẹ, có trường hợp bà ngoại đã mất, mà mẹ là con một cũng không còn, đến đời liệt sĩ cũng lại là con một... Mẫu giám định của người còn sống thì đơn giản hơn như máu, móng tay, tóc...

* Ông nhận xét thế nào về các phương pháp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện nay, đặc biệt là nhờ khả năng này nọ trong các trường hợp không rõ ràng?

- Mong muốn tìm lại được hài cốt người thân hi sinh là nguyện vọng thiết tha, chính đáng. Rồi hoàn cảnh bom đạn chiến tranh vùi dập đã dẫn đến hàng trăm ngàn liệt sĩ không có “địa chỉ” rõ ràng để gia đình tìm. Biết bao giấy báo tử chỉ ghi liệt sĩ hi sinh ở mặt trận phía Nam, Tây nguyên, miền Trung. Đó là nguyên nhân phát sinh nhiều phương pháp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện nay. Tuy nhiên nếu như không có hồ sơ chính xác, chỉ dẫn tin cậy thì các phương pháp này nọ chỉ nên xem như ngọn đèn phương hướng. Kết luận chính xác cuối cùng phải là bản giám định ADN.

Có trường hợp hài cốt đã được tìm thấy từ hơn 10 năm trước. Một gia đình sau các chỉ dẫn này nọ tin rằng liệt sĩ chính là thân nhân của mình nên đưa về lập mộ thờ cúng. Gần đây nghe thông tin về giám định ADN, có phần nghi ngờ, nên đem đến giám định thử. Thật ngậm ngùi, bộ hài cốt đang nằm dưới mộ không liên quan huyết thống gì đến gia đình đó. Làm chuyên môn ở đây, chúng tôi đã phải ký rất nhiều kết luận giám định không chính xác huyết thống vì được tìm kiếm quá mơ hồ. Thậm chí có cả một số trường hợp lừa đảo khi họ chôn xương động vật, chôn ống penicilin, mảnh dép râu xuống đất rồi báo cho gia đình thân nhân là đã tìm được hài cốt liệt sĩ.

Cần phải hiểu rằng giám định ADN là công nghệ hiện đại, cho kết quả chính xác, nhưng không phải tình trạng xương nào cũng có thể giám định được. Nếu xương bị hư mủn nặng nề thì không còn tìm gen được. Ngược lại cũng có những trường hợp hài cốt còn rất tốt, nhưng thân nhân lại không chịu đi giám định vì “sợ các cụ đau”.

Các bước cơ bản để thực hiện một giám định ADN là sau khi nhận hồ sơ, xem xét đúng là hài cốt người, mẫu xương sẽ được làm sạch bề ngoài đã hư mục hay đất cát, bụi bặm, hóa chất phủ bám. Sau đó, mẫu xương này sẽ được nghiền trong nitơ lỏng với thiết bị chuyên dụng. Kế tiếp là bước tách chiết ADN trong thiết bị đặc biệt được nhập từ nước ngoài, rồi còn phải qua nhiều bước thực hiện nữa mới ra kết luận cuối cùng

Ông Ngô Đức Phương (phó giám đốc Gentis)

___________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: 60 năm bên bãi sông Đuống Kỳ 2: Anh nằm dưới cát sông Kỳ 3: Tìm cha dài theo đất nước Kỳ 4: Những kết luận ngậm ngùi!

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên