12/05/2011 09:11 GMT+7

Chiếc máy cho đồng ruộng Việt

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Khi con trai tốt nghiệp Đại học Bách khoa, người cha đã tốn nhiều công sức để “dụ dỗ” con mình trở lại ý tưởng của chiếc máy gặt đập liên hợp chạy được trên đất lầy của xứ đồng bằng.

9KNuBbi6.jpgPhóng to
Ông Tư Sang (bìa phải) và anh Thiện bên chiếc máy gặt đập liên hợp do chính tay mình chế tạo - Ảnh: D.T.H.

Những năm 1980, chiếc máy suốt với cái thùng bự xự bắt đầu xuất hiện trên đồng ruộng miền Tây Nam bộ thay cho đập bồ bằng tay ì ạch. Ông Tư Sang lúc đó đang làm nghề sửa máy cày, quay qua nghiên cứu các bộ phận của máy suốt coi “nó có đặc điểm gì”. Ông thấy nó còn lẫn rơm nhiều quá, suốt xong cũng phải giũ lại lúa mới sạch. Ngoài ra, nhân công còn phải cắt rồi tốn công gom lại đưa vô máy suốt. Ông nghĩ bụng “làm sao có cái máy cắt xong tự nó gom lại rồi suốt ra lúa luôn mới đã”.

Từ máy gặt kiểu “cao bồi vườn”

Năm 1997, chạy theo phong trào làm máy gặt đập liên hợp, ông cũng có làm mô hình được vài cái. Lúc đó chỉ bắt chước mẫu mã của máy nhập từ Nhật, Trung Quốc, ông tự chế ra cái thùng, bánh xích, buồng lái... bằng đồ phụ tùng góp nhặt từ nhiều nơi. Yêu cầu đặt ra là máy chạy được, không bị hư bất tử, ít hư hao đồ phụ tùng, chịu lực tốt... Do đó chất liệu chế tạo máy cái nào cũng lớn, dày, chắc. Ví dụ cái bạc đạn “cốt” 30 li là đủ, ông trừ hao tới 100, hoặc khung máy phải dùng thép cho chắc, bánh xích phải cứng, dày để đừng bị lật..., máy làm cồng kềnh như xe tăng. Năm đó mà có máy gặt đập liên hợp chạy ngời ngời trên đồng ngó cũng sướng lắm.

Nhưng rồi do nặng nề, máy bắt đầu bộc lộ điểm yếu. Gặp đồng lầy máy bị lún, băng tải yếu, rơm quấn kẹt máy, vật liệu bằng sắt thép gặp nước bùn dễ hư, cường độ máy làm việc nặng nên hao nhiên liệu, đồ phụ tùng mau “rơ”... Bà con bắt đầu kêu, buộc ông phải cải tiến.

Đêm nằm suy nghĩ, ông thấy phải giảm bớt độ nặng bằng cách giảm độ dày của thép, bánh xích, khung sườn... Sau đó máy có nhẹ đi nhưng vẫn còn “lịch xịch”. Ông đúc kết: “Mình làm theo kiểu “cao bồi vườn”, không bản vẽ, không tính toán gì hết, cái nào chẳng giống cái nào, kiểu này hiệu quả không cao được”. Lúc này, người con trai của ông tên Nguyễn Hồng Thiện đang học khoa cơ khí ĐH Bách khoa TP.HCM, ông thôi thúc con ráng học về nối nghiệp cha.

Tới máy gặt cho ruộng xứ mình

Tháng 4-2011, máy gặt đập liên hợp Tư Sang đoạt giải nhất hội thi Máy gặt đập liên hợp tại Bình Định, được Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) chứng nhận “Đơn vị năm năm liên tục tham gia hội thi Máy gặt đập liên hợp và đoạt giải cao”.

Riêng Nguyễn Hồng Thiện được nhận bằng khen của Thủ tướng với thành tích “Đoạt giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2008-2009”.

Năm 2000, Thiện ra trường về quê. Nhưng anh không theo ý cha mà tập trung làm các hệ thống bồ đài, băng tải, hút sấy cho máy xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu. Cái Bè là cái nôi xay xát lúa gạo với hàng loạt nhà máy mọc lên cặp quốc lộ 1A, lượng máy đầu tư rất lớn. Thiện dự tính sẽ có đất dụng võ với nhu cầu màu mỡ này. Ngoài ra, làm máy xay xát cũng oai hơn, người sạch sẽ hơn chứ không dính đầy dầu mỡ mỗi ngày.

Thế nhưng ông Tư Sang lại có cái nhìn khác. Ông nói: “Cái gì dễ ăn, người ta làm nhiều quá mà mình làm dễ đụng hàng. Cái gì khó ăn, ít người nghĩ tới mà mình làm mới căn cơ. Vả lại đồng ruộng mình đang hết sức cần máy mà mấy chục năm nay chưa ai làm được”.

Ông nghĩ mình đang đi đúng hướng và quyết tâm đeo đuổi ý tưởng làm ra chiếc máy gặt đập liên hợp chính hiệu Việt Nam, chứ máy Trung Quốc, máy Nhật cũng nhiều nhưng không phù hợp ruộng xứ mình. Mỗi năm tới mùa thu hoạch ai cũng kêu rêu nạn thiếu nhân công cắt lúa. Có lúc lúa trên đồng chín rục mà kêu công cắt hụt hơi, các chủ ruộng ai nấy cũng “lên ruột”. Chủ trương nhà nước thì đang tập trung làm “cánh đồng mẫu” sản xuất lớn, mình phải biết cách đón đầu. Nghĩ vậy, ngày nào ông cũng rỉ tai “dụ dỗ” cậu con trai có nghề của mình.

Năm 2006, Thiện trở về nhà tiếp quản xưởng cơ khí của cha. Anh bắt tay ngay vào việc tính lại cơ cấu vật liệu trong các chi tiết, từ máy móc tới bộ khung. Nghiên cứu máy Trung Quốc, anh thấy nó rẻ nhưng không bền, phụ tùng bị hư phải thay liên miên rất mệt. Còn máy của Nhật chạy êm, bền chắc nhưng hao hụt nhiều quá, tính ra hao tới 5%, lại “kén” ruộng. Gặp đồng nào lúa ngã đổ là nó loay hoay như gà mắc tóc.

Và thời của con

Trước tiên, Thiện “giảm cân” cho máy bằng cách thay đổi toàn bộ cơ cấu vật liệu phụ tùng, thay những đồ sắt thép trước đây bằng inox.

Về kích cỡ, Thiện làm giàn chân của máy dài ra, rồi cái thùng và bánh xích cũng dài theo. Theo tính toán của Thiện, nó có tác dụng giãn lực đè xuống, máy nhẹ bớt, giảm độ lún, ít bị trì kéo. Với cách tính này, máy giảm từ 3.050kg xuống còn 2.550kg.

Thiện dùng máy tính để tính toán sức bền, nguyên lý máy, phân tích nguyên lý làm việc, độ bền kết cấu... rồi cho ra bản vẽ hoàn chỉnh. Thiện chia sẻ: “Cứ theo bản vẽ có gì không ổn thì điều chỉnh, rất nhanh và tiện lợi. Không như hồi xưa làm thủ công, muốn hàn cây sắt, ba tôi lấy phấn vẽ dưới gạch, chỉ cái chỗ kêu chỗ này cây V5, chỗ kia sắt tròn... vất vả lắm”.

Anh cải tiến bộ “râu quào” ôm lúa đưa vô bằng hệ thống lò xo cong, bốc lúa không bị sót, tốc độ lại nhanh. Hoặc để xử lý cây lúa ngã, Thiện cũng cải tiến hệ thống chải lúa tập trung đưa vô băng tải có nẹp đều làm lúa không bị quấn, máy chạy thông suốt liên tục, bà con rất khoái. “Nói chung là máy bây giờ đạt tỉ lệ 70% đồ Việt Nam, máy nhẹ hơn, năng suất cao hơn.

Trước đây một ngày gặt đập 3ha nay tăng lên 5ha, mà giá không mắc hơn trước. Hàng Kubota nhập linh kiện về ráp tại Việt Nam hiện nay giá khoảng 510 triệu đồng/chiếc, máy của tôi chỉ 273 triệu đồng/chiếc” - Thiện cho biết.

Có lẽ Thiện cũng không ngờ chính anh đi một vòng từ Trường đại học Bách khoa quay lại với đồng ruộng quê mình rồi trở thành cái nghiệp lúc nào chẳng biết.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên