18/10/2010 10:41 GMT+7

Vụ xe khách bị lũ cuốn trôi: thêm một hành khách thoát nạn

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TTO tường thuật từ hiện trường - Khoảng 4g30 sáng nay 18-10, tại Hà Tĩnh đã xảy ra một tai nạn khủng khiếp. Xe khách mang biển số 48K-5868 chở hơn 30 hành khách từ Đắk Nông đi Nam Định, đến địa bàn cầu Rong km474 +978 QL1A xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh - vùng có nước lũ cao thì bị nghiêng và trôi về phía sông Lam.

*Danh sách 17 hành khách được cứu

Thông tin mới nhất lúc 17g40 do công an huyện Nghi Xuân cho biết, đã có thêm một hành khách thoát nạn và đã về quê an toàn. Hành khách này tên là Lê Văn Hoàng quê Nam Định. Ông Hoàng đã bơi thoát khỏi chiếc xe lâm nạn và tìm được chỗ an toàn để đón xe về thẳng quê nhà.

Như vậy, con số hành khách chính thức thoát nạn là 18 người. Và tối đa số người lâm nạn là 19 (do xác nhận của chủ xe là chở 37 hành khách).

Lực lượng công an, quan đội đã tiếp cứu, có tổng cộng 18 người đã thoát chết. Còn những hành khách còn lại đều không thoát ra được và trôi theo xe. Trung tướng Nguyễn Hữu Cường - tư lệnh Quân khu 4 cho biết xe trôi khoảng 250m thì chìm hẳn xuống sông Lam, với tốc độ nước chảy xiết như hiện nay có thể xe đã trôi đi vài cây số về phía hạ lưu sông Lam. Tại khu vực hạ lưu mực nước lũ đang lên đỉnh điểm, có thể một số nạn nhân trôi ra bên ngoài xe dọc sông Lam, vì vậy công việc tìm kiếm cứu hộ sẽ vô cùng khó khăn.

Công an và quân đội của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã được huy động hàng trăm người để cứu và tìm kiếm xe trôi nhưng hy vọng tìm kiếm những người còn lại có lẽ không còn vì từ lúc xe trôi đến giờ mực nước đã lên thêm nửa mét.

Hiện, Quân khu 4 đã cho 2 xuồng công binh tìm kiếm theo phương thức rà mìn. Theo Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, khả năng là rất xấu trong nước lũ và khoảng thời gian hơn 5 tiếng đồng hồ đã trôi qua.

Hiện, 17 hành khách và 2 người nhà xe thoát nạn đã được đưa về đồn CA Gia Lách, Nghi Xuân chăm sóc sức khỏe, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình và giám đốc Công an Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Tân đến thăm hỏi, tặng quà số hành khách may mắn này.

Đại tá Nguyễn Thanh Bảo - trưởng phòng CSGT Công an Hà Tĩnh cho biết: chiếc xe bị tai nạn do hai tài xế Trần Văn Trường (35 tuổi, trú tại Nam Định) và Phạm Thanh Thủy (47 tuổi, quê Đăk Lăk) điều khiển. Xe chở khoảng 32 hành khách.

Đến 12g cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã chính thức di chuyển cách hiện trường xe trôi 2km về phía hạ lưu để tiếp tục công việc cứu hộ.

ElippFY6.jpgPhóng to

Sau vụ xe khách và hành khách bị cuốn trôi thì một chiếc xe 7 chỗ cũng bị nhấn chìm tại ngay vị trí dưới chân cầu Rong, Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, hai người trong xe may mắn chỉ bị thương - Ảnh: Thuận Thắng

57OtnWgy.jpgPhóng to

Vị trí chiếc xe khách bị cuốn trôi, theo người dân, một số người sống sót được là do biết bơi và bám vào các cây cột điện dọc hai bên đường - Ảnh: Thuận Thắng

7cD3vbIV.jpgPhóng to

Hơn hai km trên quốc lộ 1A thuộc xã Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh bị nhấn chìm hơn 1m trong nước lũ - Ảnh: Thuận Thắng

L6LmX0ne.jpgPhóng to

Lực lượng cứu hộ lên xuồng cao tốc đi tìm hành khách bị cuốn trôi cùng chiếc xe khách - Ảnh: Thuận Thắng

KMKbZWIn.jpgPhóng to
Đông đảo lực lượng cứu hộ đã có mặt tại cầu Rong, Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh để trục vớt hành khách bị cuốn trôi - Ảnh: Thuận Thắng

Tại đồn CA Gia Lách, nơi những hành khách thoát chết đang được chăm sóc, anh Đinh Văn Lộc- 39 tuổi, quê Nam Định kể lại với PV TTO những giây phút kinh hoàng: "Xe đang chạy thì mưa rất lớn quật vào kính xe khiến tài xế không còn nhìn thấy đường, xe trật hẳn ra ngoài đường và trôi trong nước bềnh bồng. Tài xế trấn an cứ ngồi lại xe sẽ cân bằng trở lại. Tuy nhiên nước vẫn tràn vào xe, lúc đó tài xế mới mở cửa, một số người thoát được theo cửa trước, một số đập cửa kính sau thoát và bơi vào bờ, số còn lại bám trên trụ điện. Đây là vùng đang có lũ nên lực lượng cứu hộ có mặt khá nhanh. Có hành khách bị trôi đi khá xa vẫn được cứu, trừ những hành khách bị kẹt và chìm cùng xe".

Cũng theo anh Lộc, trong số hành khác mất tích anh nhớ có 2 em nhỏ dưới 5 tuổi, 3 cô gái độ tuổi 17-19, còn lại là hành khách nam. Đến giờ vẫn không thể xác định được số lượng hành khách chính xác trên xe.

Trong khi đó, hành khách tên Nguyễn Thanh Thắng kể lại rằng: xe không bị tai nạn do tránh xe khác như một số nguồn tin khác đưa, xe gặp nạn do mưa lớn làm mất điện trong xe, chết máy. Xe trôi bồng bềnh khoảng 15 phút khỏi mặt đường nhưng cả xe đều không biết chắc được là xe có bị trôi hay không, đến khi chắc chắn xe bị trôi thì đã muộn. Theo ông, số người trong xe chắc chắn không thể sống sót. Số người mất tích có thể lên đến gần 20 người, vì đây là xe giường nằm nên khi vào quán ăn, hành khách đã được xếp thành 3 dãy với 7 người/dãy, cùng 4 hành khách không ăn, 3 trẻ em, 2 người.

Theo thượng tá Trần Long, phó phó trưởng CA Nghi Xuân, số hành khách trên xe dao động từ 30-37, sở dĩ có chênh lệch vì lời khai của các tài xế không khớp nhau, ngoài hai tài xế được cứu thì còn 1 tài xế chính và 1 tài phụ cũng mất tích.

17 hành khách còn sống sót đã được CA Nghi Xuân chuyển đến 1 khách sạn để tạm trú.

Danh sách các nạn nhân còn sống trong vụ xe bị cuốn trôi<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

1. Cao Đắc Chí – Hải Hậu - Nam Định

2. Đỗ Văn Toàn – Hải Hậu - Nam Định

3. Nguyễn Văn Giá – Hải Hậu - Nam Định

4. Phan Văn Độ - Hải Hậu - Nam Định

5. Trần Văn Tấn - Hải Hậu - Nam Định

6. Đinh Văn Lộc - Giao Thủy - Nam Định

7. Phạm Đình Nghiệp - Trực Ninh - Nam Định

8. Đinh Công Luận - Gia Viễn - Ninh Bình

9. Lường Hữu Thành - Hoằng Hóa - Thanh Hóa

10. Đinh Thị Khánh Linh - Hoằng Hóa - Thanh Hóa (con anh Thành)

11. Hà Xuân Tọa - Hoằng Hóa - Thanh Hóa

12. Nguyễn Thanh Thắng - Hải Hậu - Nam Định

13. Ngô Văn Đề - Hải Hậu Nam Định

14. Trần Đăng Lực - Kim Sơn - Ninh Bình

15. Trần Thị Mây - Đắk Mây - Đắk Nông

16. Trần Văn Trường - Hải Hậu - Nam Định (lái xe)

17. Phan Anh Quý - Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk (lái xe)

18. Nguyễn Văn Hoàng (Nam Định)

Đến 15g30 chiều ngày 18-10, PV TTO tại hiện trường báo về cho biết các biện pháp tìm kiếm bằng thuyền, phương pháp rà mìn… đến giờ vẫn chưa phát huy hiệu quả, hiện vẫn chưa phát hiện và tìm thấy được gì. Hiện nay mực nước sông Lam đang tăng thêm khoảng 7-8 tấc do nước từ thượng nguồn đổ về khiến cho việc tìm kiếm ngày càng gay go.

Lực lượng công binh đang chuẩn bị căng dây cáp giữa dòng sông với hy vọng có thể chặn lại chiếc xe bị nạn.

Ông Nguyễn Hiền Lương - chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết hơn 200 người thuộc lực lượng công binh cùng nhiều đơn vị khác đã được huy động khẩn cấp để tham gia tìm kiếm và cứu hộ. Dự kiến sẽ tiếp tục triển khai người dân 7 xã thuộc khu vực hạ lưu sông Lam trên chiều dài 1.

16g, đại tá Nguyễn Hữu Truyền - Phó tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết, kế hoạch giăng dây cáp phải hủy bỏ vì nước chảy quá xiết.

Hà Tĩnh: đã có 14 người chết do mưa lũ

Đến đêm 18-10, mưa ở hành Hà Tĩnh vẫn chưa ngớt. Nước lũ vẫn đang hoành hành 12 huyện, thị thành phố. Đã có 14 người chết, mất tích do mưa lũ.

Hiện Hà Tĩnh có 187 xã với 83.517 bị ngập và 105 xã bị cô lập hoàn toàn. Tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn TP Hà Tĩnh, huyện Can Lộc, Nghi Xuân… vẫn đang bị ngập sâu trong nước từ 1-1,5m. Hệ thống giao thông trên tuyến quốc lộ 1A bị tê liệt hoàn toàn. Các tuyến đường tỉnh lộ chính, đường giao thông nông thôn vẫn còn bị ngập sâu và chia cắt.

Riêng 2 huyện Hương Khê, Vũ Quang vẫn bị ngập hoàn toàn trừ thị trấn. Hầu hết người dân đang chống chọi từng giờ với lũ. Lũ chồng lũ khiến họ gần như cạn kiệt. “Chưa có năm nào khổ như năm ni chú ơi. Đầu tháng thì bị lũ, giưa tháng lại bị lũ hỏi, sức lực đâu chống chọi. Đói, khát và lạnh đã ập đến rồi” - bà Nguyễn Thị Hương ở xã Phương Mỹ nói.

Đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã có 14 người chết, trong đó huyện Can Lộc 7 người chết, Hương Sơn 2 người, Hương Khê 1 người, TP Hà Tĩnh 2 người, Kỳ Anh 1 người, Đức Thọ 1 người và 2 người mất tích.

Tính đến ngày 18-10, Hà Tĩnh đã huy động 50 xuồng cao tốc và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng lực lượng dân quân tự vệ trực tiếp ứng cứu, sơ tán an toàn 17.000 hộ với 68.000 người dân ra khỏi vùng lũ. 50 tấn mì, 50.000 lít nước uống đã kịp cứu trợ nhân dân vùng lũ.

Hr4WMCEs.jpgPhóng to
Nhiều tài sản của người dân xã Phương Mỹ (Hương Khê) trôi tan tác theo lũ - Ảnh: Văn Định
UTeJVmNM.jpg
Cái đói, cái lạnh đang ám ảnh những người dân vùng lũ - Ảnh: Văn Định

Thanh Hóa: kêu gọi hàng nghìn tàu thuyền tìm nơi tránh bão

Tối 18-10, nguồn tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết đến thời điểm này cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã liên lạc, kêu gọi được 8.179 tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú ẩn an toàn trước những diễn biến phức tạp của cơn bão Megi.

Hiện tỉnh Thanh Hóa còn 436 tàu thuyền (3.261 lao động) đang hoạt động ngoài khơi ở các khu vực đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cát Bà, đảo Cô Tô; vùng biển Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Tất cả tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi đã nhận được thông tin về cơn bão Megi và đang tìm nơi trú ẩn an toàn trong thời gian sớm nhất.

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được phổ biến ở mức 100-200mm. Tại một số huyện có lượng mưa tương đối lớn như: Tĩnh Gia 383mm, Nông Cống hơn 300mm, TP Thanh Hóa 344mm...

Mưa lớn cũng đã làm mực nước trên các sông ở Thanh Hóa đang lên nhanh, hiện nay hơn 500 hồ đập trên địa bàn tỉnh đã đầy nước. Đặc biệt, mưa lớn đã làm nước sông Chuối đoạn chảy qua huyện Nông Cống lên cao, gây ngập lụt cục bộ nhiều xã trong huyện như: Tượng Sơn, Công Chính, Thăng Bình...

Bên cạnh đó, mưa lớn trong những ngày qua đã gây ngập cục bộ hàng trăm hecta hoa màu vụ đông của bà con nông dân ở các huyện Nông Cống, Như Thanh, Quảng Xương, Thiệu Hóa... Hiện tỉnh Thanh Hóa đã và đang chuẩn bị các phương án phòng chống, đối phó với cơn bão Megi.

Thừa Thiên Huế: Một nạn nhân mất tích do lũ

Chiều tối 18-10, ông Nguyễn Quốc Cường, phó chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) cho biết đã xác định được danh tính nạn nhân mất tích do lũ cuốn chiều 15-10 là anh Trần Minh Nghĩa, SN 1981, quê huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Vào khoảng 19g chiều ngày 15-10, trong khi tại Thừa Thiên-Huế đang xuất hiện mưa to kèm theo lốc xoáy, anh Nghĩa chạy xe máy qua cầu Hồng Hạ (thuộc xã Hồng Hạ, huyện A Lưới) vào nông trường giúp một người bà con thu cà phê thì bất ngờ bị gió lốc hất văng từ trên cầu xuống suối.

Một số người chứng kiến đã ra sức tìm kiếm nhưng do nước lũ từ đầu nguồn đổ về quá mạnh nên anh Nghĩa đã mất tích sau đó. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện A Lưới đã phối hợp cùng người dân ra sức tìm kiếm nhưng đến nay thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

Được biết, anh Nghĩa đã lập gia đình và hiện đang là công nhân tự do.

Quảng Ngãi: Một tàu chìm, một tàu bị phá nước

Tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo thông báo của Trạm tìm kiếm cứu nạn Trường Sa, 4g sáng 18-10, tại khu vực tọa độ 06o20’ vĩ độ Bắc, 113o14’ kinh độ Đông, tàu Hòa Hải-01, số hiệu QNg 0106-VT của ông Nguyễn Ngọc Sính (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), trên thuyền có 16 lao động, bị phá nước khi đang hành nghề khai thác sắt ở vùng biển quần đảo Trường Sa.

Đến 8g sáng cùng ngày, thuyền đã chạy về Gò Cạn để đảm bảo an toàn và tìm cách liên lạc với các tàu cùng quê hoạt động trong khu vực đến hỗ trợ khắc phục.

imTFHVAn.jpgPhóng to
Kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão và ngăn chặn không cho ra khơi

Trước đó, có ba lao động trên tàu QNg 94280, công suất 100 CV của ông Phạm Sơn (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) hành nghề lưới kéo ở vùng biển Đà Nẵng - Quảng Trị bị sóng đánh chìm đã được cứu vớt an toàn.

Tính đến 16g ngày 18-10, Quảng Ngãi có 463 thuyền, với 4.171 lao động đang hoạt động trên biển. Đáng chú ý tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa còn 12 thuyền, với 174 lao động. Mặc dù đã được thông tin về sự nguy hiểm của cơn bão Megi, nhưng nhiều tàu cá ở Lý Sơn đang hoạt động trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa vẫn chủ quan chưa tìm nơi trú bão.

4cwyhpfd.jpgPhóng to
Nhiều tàu thuyền đã về nơi tránh bão an toàn vào chiều 18-10

Trong ngày 18-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp, chỉ đạo các địa phương, các đơn vị liên quan chủ động phòng chống cơn bão Megi. Các trạm kiểm soát biên phòng ven biển kiểm soát chặt số lượng tàu thuyền, hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi tránh bão, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi ở thời điểm nguy hiểm này.

Bình Định: chưa liên lạc được 103 tàu và 824 ngư dân trên biển

Ngày 18-10, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Bình Định đã tổ chức đài thông tin trực canh phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn và tiến hành thông báo cho tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão Megi để chủ động phòng tránh. Các đồn trạm biên phòng ven biển phối hợp gia đình ngư dân và chính quyền địa phương thường xuyên giữ liên lạc với các chủ tàu đang hoạt động xa bờ.

Số liệu thống kê của trực ban tác chiến Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Bình Định cho biết cả tỉnh hiện có 358 tàu thuyền với 3.120 ngư dân đang hoạt động ở ngư trường phía bắc từ Quảng Ngãi đến Hải Phòng; 1.543 tàu với 12.403 ngư dân đang đánh bắt ở ngư trường phía nam từ Phú Yên đến Kiên Giang và 134 tàu thuyền với 1.106 ngư dân đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Đến 16g chiều 18-10, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Bình Định và gia đình các chủ tàu đã liên lạc được với 1.932 tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt xa bờ để thông tin về cơn bão. Tại vùng biển trong tỉnh cũng đã có 6.061 tàu thuyền với 23.846 ngư dân đưa tàu thuyền vào neo đậu ven bờ. Tuy nhiên, hiện còn 103 tàu thuyền với 824 ngư dân đánh bắt xa bờ vẫn chưa liên lạc được.

Hiện các đồn trạm biên phòng ven biển tiếp tục phối hợp với gia đình các ngư dân và chính quyền địa phương dò tìm các tàu chưa liên lạc được để kêu gọi vào bờ tránh trú bão.

Đà Nẵng: nhiều điểm sạt lở ở đèo Hải Vân

Do mưa lớn mấy ngày qua, hiện trên địa phận phía nam đường bộ đèo Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có nhiều điểm sạt lở, nhiều tảng đá lớn rơi xuống lòng đường và cây bật gốc gãy đổ.

OoqfVc41.jpgPhóng to
Đất đá sạt lở tràn ra đường đèo Hải Vân gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại (ảnh chụp trưa 18-10) - Ảnh: Lê Hải

Trưa 18-10, tại km 910 + 600 một khối lượng lớn đất đá bị sạt lở vẫn còn nằm tràn ra đường gây nguy hiểm đối với các phương tiện lưu thông. Nhiều người dân buôn bán ở khu vực đỉnh đèo cho biết đã phát hiện điểm sạt lở này từ tối 15-10 nhưng đến nay vẫn không thấy cơ quan chức năng đến xử lý rào chắn, cắm biển cảnh báo.

Còn tại khu vực gần đỉnh đèo (km 905) cũng đã xảy ra hiện tượng cây bật gốc lao xuống đường, những người dân sống gần đó đã thu dọn cây đổ vào lề đường.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện trên tuyến đèo Hải Vân còn nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, không thấy có biển báo nào để người dân qua lại chú ý phòng tránh.

VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên