13/05/2010 07:21 GMT+7

Chuyến tàu đầu tiên nối hai miền Nam - Bắc

ĐÀM NHUNG - MY LĂNG
ĐÀM NHUNG - MY LĂNG

TT - Những ngày đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, trong khi đường sắt, đường bộ và đường hàng không chưa kịp và chưa có điều kiện hoạt động thì đường biển đã thực hiện phương châm “địch rút tới đâu, đường biển vươn tới đó”.

UbzDZAet.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Mạnh Hà đứng trên tầng 5 của tòa nhà cảng Sài Gòn chỉ tay về vị trí cầu cảng - nơi tàu Sông Hương cập bến ngày 13-5-1975 - Ảnh: My Lăng

13 ngày sau khi Tổ quốc ca khúc khải hoàn, đã có chuyến tàu đầu tiên nối liền bờ biển hai miền Bắc - Nam. Ngày 13-5-1975, 541 người con miền Nam trở về quê hương sau 21 năm tập kết ra Bắc. Đó là hành trình trở về lịch sử trên con tàu mang tên Sông Hương. Sau 35 năm, một buổi sáng đầu tháng 5-2010, ngồi trên tầng 5 của tòa nhà cảng Sài Gòn, ông Nguyễn Mạnh Hà (khi ấy là thuyền phó thứ nhất tàu Sông Hương) chỉ tay về phía cầu cảng bến Nhà Rồng, nơi tàu Sông Hương cập bến. Với ông, đó là chuyến tàu biển đáng nhớ nhất.

Nhiệm vụ đặc biệt

Tàu Sông Hương là con tàu đẹp nhất, lớn nhất, hiện đại nhất của VN lúc bấy giờ. Tàu có trọng tải 10.000 DWT, được Bộ GTVT và Cục Đường biển đồng ý tiến hành mua vào đầu năm 1974. Trong một chuyến đi Nhật Bản cách đây gần 20 năm, tàu Sông Hương gặp bão, va phải đá ngầm, vĩnh viễn nằm lại ngoài khơi vùng biển nước ngoài.

Đầu tháng 5-1975, khi tàu Sông Hương đang trên đường trở về cảng Hải Phòng sau chuyến công tác tại Nhật Bản thì nhận được mật lệnh từ giám đốc Công ty Vận tải biển VN: “Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường biển và công ty yêu cầu thuyền trưởng khẩn trương đưa tàu ra vịnh Hạ Long chọn vị trí neo thích hợp, an toàn và kín đáo, gần cảng Hòn Gai, nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị để nhận nhiệm vụ đặc biệt, chở hơn 500 cán bộ miền Nam được trung ương cử về bổ sung lực lượng tiếp quản các vùng giải phóng...”.

Nhận chỉ thị, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm nhanh chóng cho tàu về cảng Hải Phòng. Trả hàng xong, tàu gấp rút chạy thẳng ra Hòn Gai. Toàn bộ thuyền viên trên chuyến tàu Sông Hương lần đó không về nhà. Họ ngày đêm gấp rút chỉnh sửa con tàu để đón đoàn khách đặc biệt.

Vốn là tàu chở hàng viễn dương nên bình thường tàu Sông Hương chỉ đáp ứng tốt điều kiện sinh hoạt cho khoảng 40 thuyền viên. Khi chở số người lên đến hơn 500, tàu phải thiết kế lại gần như hoàn toàn nội thất. Ông Nguyễn Mạnh Hà kể: “Trước đó, tàu Sông Hương không có ki giảm lắc. Khi chạy trên biển gặp sóng to gió lớn, tàu được duy trì ổn định bằng két nước giảm lắc. Việc sử dụng tàu Sông Hương để chở khách đòi hỏi chúng tôi (thuyền trưởng và thuyền phó thứ nhất) phải tính toán chính xác để đảm bảo hệ số ổn định và an toàn cao”.

Chỉ trong ba ngày đêm, một hệ thống vệ sinh công cộng kín đáo, sạch sẽ và đảm bảo an toàn trên boong được khẩn trương xây dựng. Bình chữa cháy, dụng cụ y tế, lương thực thực phẩm, nước ngọt... được tăng cường cho chuyến đi đặc biệt này. Hàng chục thợ mộc của Công ty Vosco cùng thuyền viên tàu Sông Hương khẩn trương lắp ráp thêm các giường mới tạm thời ở các hầm hàng thông thoáng và thích hợp nhất để bố trí chỗ nằm cho các cán bộ. 541 phao cứu sinh được cẩn thận trang bị thêm. Số lượng thuyền viên được tăng cường lên đến hơn 60 người.

Đây là chuyến đi biển cuối cùng trước khi về hưu của thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm, cũng là chuyến hồi hương của người chiến sĩ cách mạng sau ngày đất nước thống nhất. Đêm trước giờ khởi hành, người thuyền trưởng già ấy đã gọi anh thuyền phó thứ nhất mới 36 tuổi Nguyễn Mạnh Hà đến bảo: “Ngày đó (năm 1954), chú cùng đồng đội ra Bắc tập kết trên tàu viễn dương của Liên Xô, Ba Lan. Sau gần 1/4 thế kỷ xa nhà, chú lại cùng họ trở về quê hương nhưng đi bằng tàu của VN mình và cũng do chú điều khiển. 541 hành khách lần này đều là bạn của chú. Giờ gặp lại nhau trong ngày đất nước thống nhất niềm vui mừng thật khó tả. Có quá nhiều cảm xúc, e chú khó mà điều khiển tốt được con tàu và cháu cũng sắp là thuyền trưởng tàu Sông Hương nên chú sẽ giao lại quyền chỉ huy cho cháu”.

Hành trình trở về

n94MAPza.jpgPhóng to
Tập thể lãnh đạo và thuyền viên của tàu Sông Hương chụp ảnh kỷ niệm tại bến cảng Nhà Rồng cùng bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (hàng đầu, thứ năm từ trái qua) - Ảnh tư liệu

Đêm 9-5-1975, tàu Sông Hương đón 541 cán bộ miền Nam từ Hà Nội ra Hòn Gai và lên tàu. Các anh chị đều mặc đồng phục chiến sĩ giải phóng quân và đội nón tai bèo. Do yêu cầu bí mật và kỷ luật của chuyến đi nên tất cả đều lặng lẽ. Những người đồng đội gặp lại nhau chỉ trao đổi qua ánh mắt và nụ cười. “Sự hồi hộp và xúc động hiện rõ trên gương mặt mọi người” - ông Lê Minh Công, nguyên chính ủy tàu Sông Hương, nhớ lại. Trên tàu chất đầy lương thực thực phẩm, sách vở, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ... Đó là những món quà của trung ương, đồng bào Hà Nội, Hải Phòng... và bạn bè quốc tế gửi đồng bào miền Nam.

Sáng 10-5, bà Ngô Thị Huệ (tức Bảy Huệ, vợ của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh), khi đó đang là vụ trưởng Vụ miền Nam, đã lên tận tàu trực tiếp giao nhiệm vụ cho thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm và tiễn đoàn cán bộ trở về miền Nam yêu thương. Đúng 14g, tàu nhổ neo rời vịnh Hạ Long, hướng mũi thẳng tiến về phương Nam. Không ai chợp mắt. Những hành khách đặc biệt ấy khao khát được ngắm nhìn quê hương ngày thanh bình nên tàu chỉ chạy cách bờ hơn ba hải lý. Ngày 11-5, khi tàu Sông Hương vượt qua bán đảo Sơn Trà, phần biển phía Nam của Tổ quốc dần hiện ra trước mắt. Sau hơn mấy chục năm đất nước bị chia cắt, nay biển xanh ngắt màu bình yên. Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt những con người một thời vào sinh ra tử.

Chiều 12-5, tàu Sông Hương về đến Vũng Tàu. Ông Ngô Lực Tải (khi ấy đang phụ trách ban quân quản cảng Sài Gòn - Gia Định - ngành giao thông vận tải biển) kể: “Trưa 12-5, tôi và hai người nữa, trong đó có một hoa tiêu, đi dọc từ cảng Sài Gòn ra Vũng Tàu kiểm tra có thủy lôi hay không nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến tàu và cũng để đón tàu Sông Hương vào bến Nhà Rồng. Khi tôi đi canô ra đón tàu Sông Hương đang neo đậu tận ngoài biển (phao số 0) thì thấy cán bộ miền Nam đứng chật kín boong tàu nhìn về phía mình. Tôi vừa lên tàu, ai cũng hỏi về tình hình và hình ảnh của Sài Gòn bây giờ như thế nào. Hỏi nhiều quá đến nỗi tôi không biết trả lời ai”. Sông Hương ở lại đây một đêm chờ thủy triều lên trong tâm trạng nôn nao, sốt ruột của những người con sau hơn 20 năm mới được trở về nhà.

Về nhà rồi!

BvhqsuSL.jpgPhóng to
Hình ảnh hiếm hoi còn giữ lại được về tàu Sông Hương - con tàu đầu tiên chở 541 cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết trở về tiếp quản miền Nam sau ngày giải phóng - Ảnh tư liệu

Sáng 13-5-1975, tàu Sông Hương rời Vũng Tàu về Sài Gòn. Đến Nhà Bè, tàu dừng lại khoảng nửa giờ để toàn bộ 541 cán bộ trên tàu chỉnh trang quân phục đón tiếp các đoàn đại biểu Sài Gòn. Sau 35 năm, ông Ngô Lực Tải vẫn nhớ rõ gương mặt đầy xúc động của máy trưởng tàu Sông Hương Trần Ngọc Giang trong những giây phút gần cập bến Nhà Rồng. “Khi nhìn thấy cầu Phú Xuân, anh Giang reo hò rất to và bật khóc. Anh hạnh phúc reo lên: “Nhà tôi ở gần cầu Phú Xuân đó! Tôi đã về nhà rồi! Tôi đã thấy nhà của tôi rồi!”. Nhiều người khác không cầm được nước mắt, khóc nghẹn ngào” - ông Tải kể.

Đi đầu trong đội hình dẫn tàu Sông Hương vào cảng Sài Gòn là một chiến hạm cỡ lớn của lực lượng Hải quân nhân dân VN. Kế đến là một tàu lai dắt cỡ lớn của cảng Sài Gòn. Theo sau tàu Sông Hương là một tàu kéo cỡ trung bình của cảng Sài Gòn, một tàu tuần tiễu của hải quân. Hai bên mạn tàu Sông Hương còn có bốn sa lúp của hải quân.

Tàu Sông Hương chạy chầm chậm và kéo những hồi còi chào dài dõng dạc trên đoạn sông tưng bừng không khí như hội hè. Hai bên bờ rực rỡ cờ, hoa, ảnh Bác Hồ và những cánh tay vẫy chào không ngớt. 14g, tàu cập bến Nhà Rồng.

Những bước chân náo nức và run run xúc động khi bước xuống tàu, đặt chân lên mảnh đất thành đồng; những đôi mắt rưng rưng trên gương mặt rạng ngời, những cái ôm siết chặt... Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm xúc động nói: “Xin kính chào TP Sài Gòn, thành đồng Tổ quốc. Xin kính chào bà con cô, bác, miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Tiếng reo hò vang lên như dậy sóng: “Tình Bắc - Nam ruột thịt muôn năm”.

Người dân miền Nam rất hãnh diện khi nhìn thấy con tàu Sông Hương to và đẹp. Ông Nguyễn Mạnh Hà kể: “Tôi nhớ mãi hình ảnh bà má miền Nam chống gậy cứ khóc khi được lên tham quan tàu. Những anh lính trẻ làm nhiệm vụ ở khu vực cảng Sài Gòn lần lượt xếp hàng ngay ngắn, đi một vòng quanh tàu rồi lại đi xuống. Tàu Sông Hương được bà con gọi là “tàu ở ngoài Bắc vô”, những thuyền viên trên tàu được gọi là “người của Cụ Hồ”. Không khí ngày hôm đó rất xúc động. Có quá nhiều nước mắt và nụ cười trong ngày trở về”. Tàu Sông Hương đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử: là chuyến tàu đầu tiên nối liền hai miền Nam - Bắc.

ĐÀM NHUNG - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên