22/02/2010 02:22 GMT+7

Người Việt ở Nga 20 mùa gió tuyết

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Liên Xô sụp đổ, nước Nga rơi vào thời kỳ “hậu Xô viết” kéo theo số phận của hàng chục ngàn người Việt lâm vào cảnh bế tắc. Trong cuộc lựa chọn mang tính định mệnh giữa ở và về, nhiều người Việt đã quyết định ở lại.

TT - Liên Xô sụp đổ, nước Nga rơi vào thời kỳ “hậu Xô viết” kéo theo số phận của hàng chục ngàn người Việt lâm vào cảnh bế tắc. Trong cuộc lựa chọn mang tính định mệnh giữa ở và về, nhiều người Việt đã quyết định ở lại.

20 mùa gió tuyết đã qua, người Việt ở Nga đã kiên trì sống và tạo nên sức mạnh cho cộng đồng Việt như thế nào giữa khắc nghiệt của gió tuyết và đổi thay thời cuộc? Phóng viên Thế Anh đã trở lại nước Nga và mang về những tường trình xúc động...

Kỳ 1: Trên “nước Nga mới”

Liên Xô sụp đổ và tan rã năm 1991, khủng khoảng tài chính năm 1998 và chợ Vòm đóng cửa năm 2009... là những dữ liệu thời sự liên hệ trực tiếp đến sự sống còn của cộng đồng Việt trên đất Nga. Hình như những dấu mốc đổi thay luôn là một bài toán vận mệnh đeo đuổi dai dẳng không có đáp số với những người con nước Việt trên miền tuyết trắng này.

X5nqJq5j.jpgPhóng to

Trong gió tuyết, người Việt ở Nga đã gầy dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng - Ảnh: Thế Anh

Trở thành “người Việt mới”!

Khoảng sau năm 1985, khi nền kinh tế Liên Xô rơi vào trì trệ nặng nề cũng là lúc những thế hệ người Việt “hợp tác lao động” cuối cùng đặt chân đến đây. Cũng như bao thế hệ đàn anh, họ đến nước Nga lạnh giá bằng dép lê, áo vải mong manh và một giấc mơ bàn là, quạt điện. Nhưng ấm êm qua nhanh, biến động liên tục ập đến, rồi họ bị cuốn theo vòng xoáy định mệnh của lịch sử...

Đến năm 1989-1990 thì nhiều nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, thậm chí phải nợ lương công nhân. Khó khăn, nhiều công nhân Việt đã “chân trong, chân ngoài” để cầm cự.

Anh Nguyễn Văn Tưởng nhớ lại: “Hầu như ngoài giờ làm chúng tôi không được phép rời ký túc xá, trừ ngày nghỉ. Nhưng do lương bổng thất thường, chúng tôi phải trốn hoặc xin bảo vệ ra ngoài sau giờ làm để kiếm thêm. Đứa thì ra chợ trời buôn bán vài thứ vặt vãnh, đứa tập tành đổi “xanh” (“xanh” là đôla Mỹ theo cách gọi của người Việt ở Nga - PV).

Đồng rúp liên tục mất giá, nhiều khi nhận lương xong chỉ đủ mua bánh mì ăn qua quýt.” Công nhân đã khổ, những người đến Nga theo diện du học sinh còn khổ hơn. Chút học bổng ít ỏi chẳng đủ để cầm cự trước cơn bão giá, nhiều anh chị em phải ráng học nốt những trang sách còn lại trong cơn đói cồn cào. Có người chịu không nổi cơn bỉ cực đã bỏ trường, tìm đến chợ trời mong qua ngày đoạn tháng...

Hợp đồng lao động hết hạn đúng vào lúc Liên Xô tan rã, chị Đoàn Thị Hòa cũng như nhiều bè bạn cùng lứa chẳng có tiền để đóng hàng về nước. Lưỡng lự giữa chuyện ở - về, chị tâm sự: “Về thì vốn liếng cũng chẳng đáng là bao, ở lại thì chẳng biết tương lai sẽ đi về đâu? Lúc ấy, những người bạn Nga thân thiết cũng thật lòng khuyên: Các bạn nên về nước, ở quê nhà vẫn tốt hơn. Ở lại rồi sẽ ra sao? Ngay chính bản thân người Nga chúng tôi cũng không biết trước được tương lai của mình thì các bạn làm sao sống nổi?”.

Nghe lời khuyên của người bạn Nga, chị Hòa móc những đồng rúp còn lại mua vài cái bàn là, gói ghém mấy cuốn sách Chiến tranh và hòa bình, Thép đã tôi thế đấy... cho vào thùng.

Chị Hòa kể về giờ phút quyết định: “Công ty đưa đến sân bay, làm thủ tục vừa xong thì có mấy người bạn cùng đoàn quyết định trở ra để ở lại. Phần lớn anh em nói lỡ mang tiếng đi Tây mà về tay không thì nhục. Chỉ còn nửa giờ máy bay cất cánh, người bạn thân nhất trong đoàn quay qua hỏi tôi: Ý mày sao? Lưỡng lự một lúc, tôi chụp cái túi xách, bước vội ra khỏi sân bay. Hàng hóa, áo quần đã... bay một mình về nước. Chúng tôi ở lại với vài đồng rúp ít ỏi và trở thành “người Việt mới” trong một “nước Nga mới!”.

Những ngày đen tối

Chị Lan, một người đến Nga năm 1986, tâm sự: “Bỏ nhà máy, chúng tôi sống lây lất rày đây mai đó. Đứa ở nhờ nhà bạn bè người Nga, đứa gom cả chục người trong cái phòng chật hẹp để tiết kiệm chi phí. Vào thời kỳ ấy kiếm tiền đã khó mà mua hàng còn khó hơn. Tôi còn nhớ trước cửa hàng luôn có cả một hàng người dài dằng dặc, có khi mất nửa ngày mới mua được ổ bánh mì chỉ đủ ăn cho một ngày. Nếu trước đó người Việt luôn được ưu ái thì vào thời điểm ấy chúng tôi phải chịu những cái lườm nguýt từ chính người Nga. Vì khó khăn mà ra cả, nhiều khi ổ bánh mì cũng mặn chát vì nước mắt buồn tủi...”.

Anh Trần Văn Thành, thợ xây ở thành phố Volgagrat thời đó, kể lại: “Đi đâu cũng gặp mỗi một câu hỏi: Ở hay về? Chúng tôi ở trong lòng nước Nga còn đỡ, nhiều anh em đồng hương ở tận các nước cộng hòa xa xôi thì cơ cực vô vàn. Họ phải lặn lội hàng ngàn cây số, vượt qua những biên giới mới dựng lên để tìm về Matxcơva mong bạn bè trợ giúp. Có đứa hết tiền lạc đâu đó dọc đường, có đứa bị cướp bóc đến giờ vẫn chưa biết tin”.

Lúc ấy, nhiều người Việt đã chạy trốn gia đình và cả chính bản thân. Anh Hoàn, một nhân chứng của biến cố lịch sử, kể: “Hầu hết chúng tôi chẳng ai thèm viết thư hay gọi điện về dù thường xuyên nhận được những bức thư nhòe nước mắt của cha mẹ nơi quê nhà. Nhiều người chán nản bỏ về miền quê kiếm sống, có người bạo gan tìm đường rời khỏi nước Nga. Tất cả như một bầy ong vỡ tổ, tứ tán khắp nơi, làm đủ thứ nghề có thể để cầm cự nơi miền gió tuyết...”.

______________________________

“...Để tránh rủi ro, chúng tôi thường đi thành nhóm và cố về nhà thật sớm. Bạn tôi có người bị giết và cướp sạch vốn liếng. Đồng rúp rớt giá từng ngày, vì thế bán hàng xong là chúng tôi mua “xanh” (đôla Mỹ) liền. Để tránh bị cướp, chúng tôi cuộn “xanh” lại rồi đút vào hậu môn để giấu. Nhiều khi về đến nhà thì quần đầy máu, tiền lãi không đủ đi bệnh viện...”.

Kỳ 2: Bài học từ “Chợ cầm tay”

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên