18/05/2009 03:30 GMT+7

Sống dưới gầm cầu

Bình “cầu Bông”
Bình “cầu Bông”

TT - Ít ai biết được ngay dưới những gầm cầu bắc qua sông, rạch nối liền những con đường với các làn xe cộ tấp nập, phố xá nhộn nhịp cùng những tòa cao ốc chọc trời tại TP.HCM lại đang là nơi mưu sinh, trú ngụ của không ít phận đời, phận người lầm lũi, trôi dạt.

Z5JrTTs8.jpgPhóng to
Hằng đêm, bà Lem ngủ trên chiếc xe đẩy bán dừa ban ngày -Ảnh: M.L.

Hằng đêm, dưới gầm cầu Ông Lãnh, bên phía Q.4, TP.HCM người ta luôn thấy một bà lão nằm ngủ còng queo trên chiếc xe đẩy. Cái tên của bà cụ đã 64 tuổi này cũng hao hao như cuộc đời bà vậy: Nguyễn Thị Lem. “Nhà” của bà Lem ở phía sau hàng rào bằng tôn của công trình xây dựng. Đó là một góc nhỏ hẹp ẩm thấp, ôm chân một trụ cầu.

Những mảnh đời “lắp ghép”

Bên trong “nhà” chỉ có một bàn thờ ông Địa buộc vào hàng rào sắt của công trình, hai thùng xốp kê lên để đựng mấy bộ quần áo cũ. Đáng giá nhất là cái hũ sành đựng mấy chiếc nồi nhôm nhỏ. Những thứ này người ta cho mấy năm nay nhưng bà Lem chỉ nấu nướng một, hai lần rồi lại chà sạch cất vào hũ. Từ nhỏ, mỗi ngày bà chỉ ăn một bữa nên đã quen, ai cho gì ăn nấy...

Năm 1968, bà Lem bị dính miểng bom B52 làm một bên chân bị tật, không thể co được khi ngồi. Chồng mất khi bà Lem mới 34 tuổi. Nhà của bà trước ở P.7, Q.4. Sau khi giải tỏa được đền bù ít tiền, bà chia hết cho năm người con rồi ra chân cầu này ở. Bà không thể rời xa gầm cầu này với suy nghĩ rất thuần chất nhà nông: “Cha sanh mẹ đẻ ở vùng đất này, chết cũng ở đây, sao dứt nổi mà đi”.

Ngày ngày bà Lem bán dừa mướn ở chợ Xóm Chiếu, được người ta trả 20.000 đồng. Bà lại còn cưu mang thêm đứa cháu ngoại. “Mẹ nó lấy chồng khác rồi thảy con cho tôi nuôi, chẳng ngó ngàng gì nữa...”, bà Lem buồn buồn kể.

Suốt mười năm nay, hai bà cháu tắm rửa nhờ nhà bà con trong xóm. Nước uống, sinh hoạt hằng ngày thì mua 2.000 đồng được hai thùng nước. Tối, bà ngủ dưới gầm cầu trên chiếc xe đẩy bán dừa ban ngày, thuê 3.000 đồng/đêm.

I8FcZsCB.jpgPhóng to
Mẹ con chị Mận dưới gầm cầu Kênh Tẻ -Ảnh: M.L.

Cũng ở góc gầm cầu Ông Lãnh, bên phía Q.1, vợ chồng anh Tuấn và con trai 7 tuổi đang ngồi chồm hổm ăn cơm tối. Sau lưng họ là hàng rào lưới sắt của bãi giữ xe. Còn trước mặt là bãi để xe rác của đội vệ sinh công cộng. Bữa tối chỉ có rau cải xào và nồi canh rau muống. Đó là những thứ còn ế trong phiên chợ chiều nay.

Chưa tới 9g30 tối nhưng muỗi hoành hành đến nỗi ngồi không yên vì... ngứa. Anh Tuấn giăng mùng trên chiếc xe đẩy (dùng bán rau) cho vợ và con chui vào ngủ. Vợ anh phải nằm nghiêng để con có chỗ nằm. Đôi bàn chân của chị vẫn nhoi ra chiếc giường xếp, nơi ngủ của anh Tuấn.

Vợ chồng anh về gầm cầu này ngủ hằng đêm từ năm 2004. Tám năm trước, hai vợ chồng bị bắt vì liên quan đến heroin. Từ khi được thả, cả hai ráng lo làm ăn chân chính. Anh Tuấn bảo quyết không để con cái đi theo vết xe đổ của mình lúc trẻ nên dù sống gầm cầu, khổ thế nào vẫn ráng lo cho con đi học.

Ba đứa con anh, thằng kế út ở với nội, đang học mẫu giáo, thằng út thì vợ chồng anh gửi người ta trông giúp, chi phí 30.000 đồng/ngày, thằng lớn đang học lớp 1. Nó sống dưới gầm cầu với vợ chồng anh từ lúc còn ẵm trên tay. “Tụi nó lấy họ mẹ vì tôi sống lưu lạc từ nhỏ, mất hết giấy tờ tùy thân”.

Cứ khoảng 11g đêm là anh bắt xe ôm lên chợ Thủ Đức lấy hàng bông, vòng qua chợ Cô Giang bán. Để có vốn, anh vay “nóng” 1 triệu đồng, mỗi tháng trả 1,2 triệu. Hai vợ chồng đẩy xe bán rau mỗi ngày cũng được gần 100.000 đồng nhưng chi tiêu không đủ. “Tiền học của tụi nhỏ tốn quá. Tôi mới mượn tiền mua chiếc xe máy cũ, tối chạy xe ôm kiếm thêm nhưng ế quá... Cái nghề bán rau bằng xe đẩy này cứ bị bắt một lần là hết vốn. Có bữa bị đuổi từ sáng tới trưa, vợ chồng tôi chỉ biết xách xe chạy vòng vòng rồi lại quay về”, anh Tuấn kể.

“Ngủ ở gầm cầu bị truy đuổi dữ lắm. Nhờ lực lượng kiểm tra biết mình làm ăn đàng hoàng, không nỡ làm căng nên vợ chồng tôi mới không bị bắt. Tắm rửa thì ra nhà vệ sinh công cộng. Người lớn 3.000 đồng/lần, còn thằng nhỏ tốn 1.000 đồng/lần. Vợ chồng tôi nấu nướng cũng dưới chân cầu này. Cả nhà có hai cái nồi. Rau ế lấy ăn nên không tốn tiền mua. Gạo thì mua hằng ngày vì tùy theo số tiền kiếm được. Quần áo, chén đũa vợ chồng tôi gửi bên nhà người quen bán tạp hóa, một ngày trả 5.000 đồng. Cuộc sống bấp bênh lắm, chỉ may mắn tạm đủ qua ngày nên phải chấp nhận sống lầm lũi dưới gầm cầu...”.

Giấc mơ... gầm cầu

Cũng khao khát được thoát khỏi kiếp sống gầm cầu nhưng rồi vẫn chưa được, anh Sơn cùng gia đình ngụ dưới gầm cầu Kênh Tẻ, Q.7, kể: “Tụi tôi về ở đây cũng gần cả năm. Địa phương thấy thương nên cho ở tạm chứ ở đây hoài đâu có được. Chỉ mong kiếm được ít tiền, tìm được chỗ nào mướn một tháng ba, bốn trăm ngàn đồng thì dọn đi ngay”.

“Căn nhà” của vợ chồng anh dưới gầm cầu Kênh Tẻ này chỉ có một chiếc võng xếp mượn tạm cho thằng con út ngủ, còn một cái chiếu cũ đã rách, đầy bụi bẩn lót trên mấy miếng ván ép cong queo là nơi ngủ của cả nhà hằng đêm.

Hằng ngày hơn 5g sáng vợ chồng anh đã thức dậy tháo mùng cuộn lại cho đỡ nhếch nhác và đỡ ngại với người đi đường. 7, 8 giờ tối, vợ anh ẵm con, còn anh mắc mùng cho cả nhà chui vào ngủ tránh muỗi.

Cả nhà năm người chen chúc ngủ trong mấy mét vuông của cái mùng cũ. Anh Sơn cẩn thận khóa chiếc xe gắn máy cũ nát vào chân võng xếp, đặt sát chỗ anh nằm. Chị Mận, vợ anh, tâm sự: “Người dân ở đây biết chúng tôi khổ nên chẳng ai chọc phá gì. Nhưng có nhiều bữa đám thanh niên đi chơi khuya 1, 2 giờ sáng về, đứng trên cầu quăng vỏ nước ngọt xuống nền đá nghe ầm ầm như mìn nổ! Miểng văng vô mùng lủng mấy miếng to. Tui sợ đứng tim mà không dám nói”.

Ba tháng trước thằng con út bị ho mấy ngày, chị Mận cho uống thuốc mua lề đường để cầm cự. Đến khi thằng bé sốt nặng quá, vợ chồng anh Sơn phải đưa con vô bệnh viện trong đêm. Thằng bé không có giấy khai sinh nên đóng tiền nhập viện cao hơn diện bình thường. Chị Mận định mang con về vì không biết kiếm đâu ra 800.000 đồng chi phí. “Nhưng bác sĩ bảo nếu đưa về thằng bé sẽ chết. Tui ôm thằng nhỏ nóng như cục than khóc ròng. May mắn có mấy người đi chăm con gom lại cho được 300.000 đồng. Vợ chồng tôi chạy đi mượn hết bà con, họ hàng mới đủ 500.000 đồng nữa. Tới giờ vẫn chưa trả được nợ...”, chị Mận kể.

Tiền ăn của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy chục ngàn đồng tiền công của anh Sơn. Trước đây anh Sơn đi làm cho một công ty quảng cáo, phụ trách phần vẽ, sơn chữ rồi đi giao hàng, treo bảng hiệu cho khách hàng... Đột ngột mới đây anh bị nghỉ việc mà không hiểu lý do. Chiếc Cub cánh én mà người anh họ cho, anh Sơn tính chạy xe ôm kiếm ít đồng nhưng chiếc xe nát đến nỗi chẳng ai dám đi!

Anh Sơn nói: “Tui chỉ mong kiếm được công việc ổn định, có tiền thuê nhà che mưa, che nắng rồi cho sắp nhỏ ăn học đàng hoàng. Nhưng chắc chỉ là mơ ước thôi, cuộc sống chật vật như vầy biết bao giờ mới thực hiện được...”.

Bình “cầu Bông”

Mặt đen, tóc khét nắng. Phước Bình mới 16 tuổi nhưng trông già hơn tuổi. Chỉ có đôi mắt của cậu vẫn sáng như giọt sương. Ở dưới gầm cầu Bông này, một trụ cầu có bốn góc. Bình chọn hai góc sạch nhất làm thành hai “phòng”. Góc đầu tiên, gần ngay chỗ người ta chui xuống phóng uế, là “phòng ăn”. Góc thứ hai là “phòng ngủ”. Trên “giường” chỉ có độc chiếc mền mỏng mà người bạn của Bình để lại.

Bình không biết mặt ba từ khi mới lọt lòng. Ba cậu bỏ đi trước khi mẹ sinh Bình. Sinh Bình được vài năm thì mẹ chết. Cậu bé sống lang thang bằng nghề bán kẹo cao su và trôi dạt qua nhiều gầm cầu...

Lúc trước, Bình thường qua gầm cầu Kiệu để ngủ nhưng ở đó có nhóm trẻ cùng trạc tuổi chuyên sống bằng nghề trộm cắp nên Bình chuyển qua gầm cầu Bông ở. Cậu sống ở gầm cầu này hơn bảy năm. Ai cho gì ăn nấy. Có bữa mấy đứa bạn mua cho ăn. Đói quá thì nằm bẹp dưới gầm cầu, sau đó lú đầu lên xin cơm thằng bạn thân.

Bình bảo dù đói khổ thế nào cũng không bao giờ đi ăn cắp hay xin đểu... Mấy bữa trước đói quá Bình đi không nổi. Bữa đó nước rút, thấy con cá lóc to bằng bắp tay mà bắt không nổi đành nhịn đói. Bình thổ lộ ráng kiếm tiền mua đồ nghề đánh giày. May ra một ngày kiếm được vài chục ngàn đồng cũng đỡ hơn công việc bán dạo lông bông, bữa đói bữa no như bây giờ.

“Em đâu có muốn sống dưới gầm cầu này mãi. Nhưng biết làm sao khác được. Em chỉ mơ ước sau này lớn tìm được một việc làm đàng hoàng, ổn định, em sẽ từ giã cuộc sống gầm cầu... “, Bình tâm sự.

lVQnh4ND.jpgPhóng to
Phước Bình ăn cơm dưới gầm cầu Bông-Ảnh: M.L.
Bình “cầu Bông”
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên