18/05/2008 04:40 GMT+7

Trong thế giới sách cũ (Kỳ 4): Săn lùng "sách độc"

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Một đời sách trải nhiều đời người như bộ Kinh Dịch in mùa hạ năm Tân Dậu 1681 triều vua Khang Hy lại đang trong tủ sưu tầm sách cổ ở TP.HCM. Muộn hơn, bộ sách học các ngôn ngữ Á Đông nổi tiếng của Trương Vĩnh Ký in năm 1868 có con dấu của ông cũng đang được nâng niu nguyên vẹn...

yqwGBRgn.jpgPhóng to

Linh mục Nguyễn Hữu Triết với những cuốn Hán văn từ thế kỷ 17, 18 - Ảnh: QUỐC VIÊT

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Để sở hữu những quyển sách cực "độc" này, nhiều người đã cả đời săn lùng và trả giá vàng lượng, nhưng đôi khi cũng đến nhanh như duyên số khó ngờ.

Nghệ thuật săn lùng

Suốt cả buổi chiều, dịch giả Vũ Anh Tuấn kể tôi nghe chuyện sưu tầm sách quí của mình. Với ông, tủ sách quí không cần nhiều, mà quan trọng là sách có đáng quí hay không. Bộ sưu tập đặt ở tầng một. 400 quyển sách Pháp ngữ thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mà ông quí nhất được cất kỹ trong tủ kính dựng ngay cửa. Vài ngàn quyển giá trị còn lại được ông xếp ngăn nắp trong phòng làm việc rộng khoảng 30m2, nơi vẫn còn chiếc máy chữ có cách nay nửa thế kỷ.

Nhìn hàng gáy sách vang bóng một thời, tôi cảm nhận được ông Tuấn là nhà sưu tầm sách tinh hoa. Ông kể mình không săn sách kiểu bạ gì ôm nấy hay chờ may mắn, mà dựa vào "kim chỉ nam" là những cuốn từ điển tiểu sử và thư tịch tổng quát bằng tiếng Pháp in từ nửa đầu thế kỷ trước. Những người mê sách cổ đều hiểu rằng nếu sách VN không quá xưa để viết bằng chữ Hán Nôm thì rất nhiều cuốn sử dụng Pháp ngữ, nhất là giai đoạn nhiều biến động thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Từ những cuốn từ điển như quyển Dictionnaire Bio - Bibliographie Générale Ancienne Et Moderne De L’Indochine Franc5aise mà ông có thể dò biết các tác giả và nội dung họ viết để thẩm định, chọn hướng sưu tầm giá trị.

DzfccAqy.jpgPhóng to
Quyển sách học ngoại ngữ in năm 1868 vẫn còn con dấu của Trương Vĩnh Ky
Trong bộ sưu tầm của ông Tuấn, nhiều sách xưa quí hiếm viết về VN bằng tiếng Pháp. Từ tác giả linh mục Cadière viết hàng chục sách văn hóa, lịch sử, phong tục VN, hay hai tác giả Pierre Huard và Maurice Durand ở Trường Viễn Đông Bác Cổ với cuốn sách nổi tiếng Connaissance du Viet Nam, đến Nguyễn Phan Long sâu lắng viết Đời cô Huệ, in từ năm 1921 ở Nhà xuất bản Bắc Kỳ. 20 năm trước, ông Tuấn đã tìm được sách Pháp ngữ đặc biệt viết về phụ nữ VN thời mới của tác giả người Việt này đang lặng lẽ nằm trong bụi phủ. Nhưng thấy ông quá mê nó, người bán đã ra giá bằng hơn 1 triệu đồng bây giờ...

Một số người dư dả như thương gia Nguyễn Văn An, Việt kiều Pháp, có thú chơi sách quí của quê hương thì dùng tiền sưu tập. Từ Pháp, ông nhờ bạn bè trong nước săn tìm hộ với giá nào cũng mua. Những lần về nước, chính ông cũng lê la săn lùng. Hơn năm năm trước, ông đã làm giới bán sách cũ ở Sài Gòn xôn xao khi dám bỏ ra 1.000 USD để ẵm trọn bộ ba cuốn thượng, trung, hạ Việt Nam thi nhân tiền chiến của Phan Canh, Nguyễn Tấn Long, trong khi lúc ấy có thể mua giá 1 triệu đồng.

Lặng lẽ hơn và cũng mới chơi sách thật sự từ năm 1995, nhưng linh mục Nguyễn Hữu Triết đã gầy dựng một bộ sưu tập sách cổ, đặc biệt là sách Hán Nôm, khiến giới mê sách phải nể phục. Một chiều trong nhà thờ Tân Sa Châu, linh mục đã cho tôi xem bộ hai quyển diễn giải Kinh Dịch triều Khang Hy in năm 1861 ở Trung Hoa. Bìa đã sờn rách, nhưng các chữ Hán bên trong vẫn còn rõ nét. Ngoài ra, tủ sách cổ của linh mục còn rất nhiều sách có tuổi gấp nhiều lần tuổi 65 của ông như bộ sách đồ sộ mười quyển Thọ Thế Bảo Nguyên xuất bản năm Đồng Trị nguyên niên Nhâm Tuất 1862. Đặc biệt, bộ hơn 800 cuốn sách quí gồm đủ ngôn ngữ Hán, Pháp, Việt, Anh có thủ bút những nhân vật nổi tiếng từ triều nhà Nguyễn đến nay. Trong đó, một số cuốn có cả bút tích của Trương Vĩnh Ký xưa và Trần Huy Liệu sau này.

Duyên số với sách "độc"

Linh mục Nguyễn Hữu Triết tâm sự ông thiếu điều kiện để sưu tầm sách quí bài bản, nhưng ông có nhiều bạn bè tốt và uyên thâm kiến thức giúp đỡ. Chính thầy dạy Hán Nôm Nguyễn Văn Thoa đã nhiệt tình hỗ trợ sưu tập sách Hán Nôm cổ, ngôn ngữ mà ông không thạo để tự thực hiện. Bạn bè người trực tiếp tặng sách cho linh mục, người săn tìm giùm. Trong đó, một người bạn Việt kiều Mỹ đã tặng quyển Lục Vân Tiên được cho là cổ nhất từ năm 1865, một cuốn sách linh mục mơ ước mà không thể tìm được.

"Sách quí có duyên đến tay người biết đọc, biết trọng nó”, đó là câu tôi thường nghe từ những người mê sách cũ. Ông Vũ Anh Tuấn, người thường đề cao việc sưu tầm sách theo bài bản khoa học, nhưng cũng kể nhiều sách báo quí hiếm bất ngờ đến tay ông như duyên định. Mê thi văn Tản Đà, thích truyện đường rừng Thế Lữ, ông Tuấn từ trước năm 1975 đã ngẩn ngơ với bộ sưu tập trọn 190 số báo Phong Hóa của cụ Đ.B.Đ.. Nhưng ông không dám mơ bộ sưu tập về tay mình vì cụ Đ.B.Đ. rất quí sách. Bất ngờ một chiều mưa năm 1976, người bán sách cũ gọi ông đến lấy bộ báo xưa này. Thì ra sau năm 1975, cụ Đ.B.Đ. không dám tàng trữ sách báo văn hóa cũ trong nhà nên nó trôi nổi qua chiếu sách cũ, rồi đến đúng tay người đang ngóng trông.

Về sau, con trai cụ Thế Lữ là tiến sĩ Nguyễn Thế Học từ Mỹ về xin mua lại bộ sưu tập Phong Hóa có đăng nhiều tác phẩm của cha mình. Tiếc đứt ruột, nhưng ông Tuấn quyết định trao cho con trai nhà thơ. Ông tin có duyên đến mình, nhưng con của Thế Lữ còn có duyên hơn mới biết gõ cửa nhà ông. Lần khác, ông Tuấn tình cờ kiếm được quyển Tôi với Tản Đà của Nguyễn Văn Phúc in tại Nhà xuất bản Đời Mới năm 1944. Ngày ấy, ông về Mỹ Tho "thanh lý” sách cũ nhưng không có gì quí. Trên đường về qua tiệm sách cũ nhỏ bé vắng khách, ông định liếc đỡ buồn thì kết duyên ngay với cuốn sách hiếm này.

Ngoài duyên số với sách quí, dân sưu tập sách còn "đãi vàng trong cát". Linh mục Triết có duyên lắm mới được "thanh lý” tủ sách quí của cụ N.V.Y.. Nhưng ông cũng kể mình đã mua được rất nhiều sách quí từ những bao sách mớ, trong đó có bộ Kinh Dịch in từ đời Khang Hy ở Trung Hoa. Ban đầu chưa đọc được nội dung, nhưng linh mục cảm nhận sự đặc biệt toát ra từ bìa sách sờn rách và mùi giấy xưa này. Đến khi nghe bạn dạy Hán Nôm diễn giải, linh mục ngẩn ngơ xúc động. Bao thời cuộc thăng trầm, bao phận người lên xuống rồi tan đi như mây gió, nhưng quyển sách cổ vẫn còn đó với thời gian.

___________________

Ở Huế có hai người bạn thân cùng tên Phan, cùng có thú đam mê sách cũ, sách quí, sách hay. Người sở hữu một tủ sách khổng lồ, người có tủ sách quí được bồi đắp qua hai thế hệ.

Kỳ tới: "Cặp bài trùng" mê sách quí

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên