22/12/2007 08:28 GMT+7

Tôi trở thành quân nhân như thế nào?

DANIEL ROUSSEL thực hiện
DANIEL ROUSSEL thực hiện

TT - Tôi được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên vào năm 1981. Từ năm 1990 trở đi, những cuộc trò chuyện của tôi với đại tướng xoay quanh các đề tài hoặc giai đoạn lịch sử đương đại VN. Lần gặp gỡ gần đây nhất là ngày 5-5-2007.

Daniel Roussel sinh năm 1946, là phóng viên thường trú của báo L'Humanité (Nhân Đạo) tại VN từ 1980-1986. Chính trong những tháng ngày khó khăn nhất của VN sau chiến tranh, Daniel đã cảm nhận được cái đẹp của những tấm lòng VN, của con người và đất nước lúc đó còn đang bị phong tỏa trong vòng vây cấm vận.

Trở về Pháp, ông trở thành một nhà làm phim tài liệu - lịch sử nổi tiếng, trong đó có ba bộ phim về chiến tranh VN: Cuộc chiến giữa hổ và voi; Tù binh Mỹ ở Hà Nội - Hilton và Missing in action.

Đi về giữa VN và Pháp, Daniel Roussel có một tình bạn thắm thiết với đại tướng Võ Nguyên Giáp, người ông gọi là: "Ông chú đáng kính trong gia đình". Nhân dịp trở lại VN để trình chiếu lần đầu tiên bộ phim tài liệu dài 52 phút Tù binh Mỹ ở Hà Nội - Hilton, thực hiện từ năm 1991 và sẽ phát trên VTV1 lúc 21g ngày 26-12, ông đã ghi lại cuộc phỏng vấn mang tính cá nhân đầu tiên của mình với đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện từ năm 1992, chưa từng công bố, và gửi đến Tuổi Trẻ.

x3OlcFJh.jpgPhóng to

Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và Daniel Roussel

TT - Tôi được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên vào năm 1981. Từ năm 1990 trở đi, những cuộc trò chuyện của tôi với đại tướng xoay quanh các đề tài hoặc giai đoạn lịch sử đương đại VN. Lần gặp gỡ gần đây nhất là ngày 5-5-2007.

Trong những cuộc trò chuyện, có lần đại tướng nói với tôi: "Nhà báo các anh lúc nào cũng nói chuyện chiến tranh với tôi, nhưng tôi là viên tướng của hòa bình. Tôi chiến đấu để giành lại hòa bình".

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN 22-12-1944, xin được giới thiệu trích đoạn phỏng vấn trong đó đại tướng kể cho tôi nghe ông đã thành quân nhân như thế nào.

"... Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940. Chính ở đó, một hôm Người đã đề nghị tôi nghiên cứu vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm. Tôi đã nói nguyên văn như vậy...

Sau này trở về VN, ở Pắc Bó, khi chúng tôi thảo luận về sự cần thiết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, một đồng chí đã nói: "Khởi nghĩa vũ trang ư? Nhưng chúng ta làm gì có vũ khí?". Hồ Chủ tịch trả lời cần ưu tiên vấn đề con người: "Con người trước đã, vũ khí tính sau. Nếu quần chúng ủng hộ, chúng ta sẽ có tất cả”. Sau đó, Người nói thêm: "Đồng chí Văn (tức là tôi) cùng các đồng chí khác sẽ làm công tác vận động quần chúng".

Hồ Chủ tịch trao cho tôi nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng. Và người nhắc lại tôi phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự.

Vì vậy, tôi đã phát triển các tổ chức quần chúng, trước hết là các tổ chức chính trị, sau đó là các đội tự vệ. Tôi phải cho họ tập trận, nhưng lúc đó chúng tôi chỉ có sách bằng tiếng Pháp để dùng. Để đi đều bước chẳng hạn, tiếng Pháp là "un, deux, un, deux". Chúng tôi dịch ra tiếng Việt là "một, hai, một, hai" (cười).

Kẻ thù bắt đầu mở chiến dịch càn quét. Tôi được giao nhiệm vụ lãnh đạo các nhóm vũ trang được thành lập ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Sau đó, Hồ Chủ tịch đề nghị tôi thiết lập một tuyến liên lạc từ Cao Bằng đến tận Thái Nguyên, gồm các tổ chức quần chúng và các đơn vị vũ trang. Chúng tôi đã tạo lập chừng 20 tổ chức và đơn vị trên toàn tuyến có tên là "Nam tiến".

Năm 1944, việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ngày càng tiến triển. Hồ Chủ tịch nói với chúng tôi là giai đoạn phát triển hòa bình của cách mạng đã qua, nhưng thời cơ làm khởi nghĩa vũ trang vẫn chưa tới. Người nói thêm: "Chúng ta chỉ có những đơn vị du kích nhỏ, lại bị phân tán quá. Đã đến lúc phải thành lập đơn vị quân đội đầu tiên gồm những chiến sĩ giỏi nhất và giao cho họ số vũ khí ít ỏi ta có. Đấu tranh vũ trang cần phải được tiến hành sao cho nó phục vụ sự phát triển chính trị của quần chúng". Sau đó, Người quay sang tôi nói: "Đồng chí Văn có nhận nhiệm vụ này được không?".

Tôi cảm động quá không nói nên lời. Người bèn nói tiếp: "Chúng ta giao cho đồng chí Văn nhiệm vụ thành lập đội giải phóng quân". Lúc đó tên đội còn chưa có hai từ "tuyên truyền". Phải vài ngày sau, khi chúng tôi tuyển lựa các cán bộ quân sự thì Chủ tịch mới đề nghị nên gọi là "Đội tuyên truyền giải phóng quân" bởi vì theo Người, "đồng chí Văn phải hết sức quan tâm đến tác động của các hoạt động quân sự đối với sự phát triển của công tác chính trị và phong trào chính trị”. Sau đó, Bác nói: "Thời cơ đã đến. Trong vòng một tháng chúng ta phải đánh xong trận đầu tiên và phải thắng trận đó."

Lễ thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân diễn ra ngày 22-12-1944. Tôi đã soạn lời thề danh dự gồm mười điểm, dựa theo lời thề danh dự của FFI (Forces franaises de lIntérieur, nhóm kháng chiến Pháp chống lại quân chiếm đóng Đức trong Thế chiến thứ hai) và của quân giải phóng Nam Tư. Trận đánh đầu tiên của tôi diễn ra vài ngày sau. Trận ấy chúng tôi đã thắng.

Sau này, tôi đọc được trong một cuốn sách của tác giả Pháp Philippe Devilliers đánh giá của chính quyền Pháp về trận đó: "Cuộc tấn công được thực hiện một cách hết sức khéo léo. Điều này cho thấy các chỉ huy của họ có sự hiểu biết sâu sắc về chiến tranh du kích và quân lính thì hết sức kỷ luật và bình tĩnh".

Tôi đã trở thành quân nhân như thế đó”.

DANIEL ROUSSEL thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên