05/10/2007 05:12 GMT+7

Điệp viên hoàn hảo - Kỳ cuối: "Tôi thanh thản ra đi được rồi"

LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)
LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)

TT - Lần đầu tiên tôi gặp Phạm Xuân Ẩn là vào tháng 7-2001 tại một nhà hàng hải sản trên đường Sương Nguyệt Anh (TP.HCM). Hôm đó bạn tôi là giáo sư James Reckner, giám đốc Trung tâm Việt Nam tại Đại học Texas, mời tôi dùng bữa tối.

EeNbuU8Z.jpgPhóng to

Phạm Xuân Ẩn cùng Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM (thứ hai và thứ ba từ phải qua) Emi Lynn Yamauchi thăm tàu hải quân Mỹ USS Vandegrift tháng 9-2003

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Phạm Xuân Ẩn ngồi đối diện tôi. Tôi giới thiệu mình là giáo sư dạy Đại học California - Davis, ông Ẩn nghe tôi tự giới thiệu như vậy thì mắt bỗng sáng lên: "Ông từ California đến? Tôi đã từng có thời sống ở đó và học đại học ở Costa Mesa đấy. Đó là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi".

Kỳ 1: Nhà tình báo và người bạn Kỳ 2: Mạo hiểm Kỳ 3: Hai năm ở Mỹ Kỳ 4: Vào sâu sào huyệt Kỳ 5: Còn lại một mình Kỳ 6: Những tấm huân chương Kỳ 7: Những lời buộc tội Kỳ 8: Tháng tư âu lo Kỳ 9: "Người 30 năm cách mạng" Kỳ 10: Điều chỉnh lại mình Ky 11: Giấc mơ của người cha

Sắc sảo đến ngày cuối cùng

Hai năm tiếp theo cho đến khi Phạm Xuân Ẩn ốm nặng, ông và tôi thường gặp nhau tại tiệm cà phê Givral. Năm 2003, sau năm thập kỷ hút thuốc lá, Phạm Xuân Ẩn mắc bệnh phổi rất nặng. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi đã hút thuốc lá 52 năm rồi. Giờ đây tôi đang phải trả giá cho điều đó”. Một lần, tôi đến TP.HCM vào ngày Phạm Xuân Ẩn phải đi viện. Tôi điện thoại cho Phạm Xuân Ẩn, ông cũng xác nhận kết quả chẩn đoán là rất xấu. Vài tháng sau tôi trở lại TP.HCM, nhưng vì ông Ẩn còn yếu nên tôi đề nghị được gặp ông tại nhà riêng của ông. Đó là ngôi nhà ở số 214 Lý Chính Thắng, trước kia là nhà riêng của một nhà ngoại giao Anh. Chúng tôi vừa ngồi uống trà, vừa trò chuyện trong nhiều giờ.

Khi tôi hỏi liệu tôi có thể viết hồi ký cho ông được không, Phạm Xuân Ẩn trả lời thẳng thừng: "Không!". Tuy vậy, cuộc trao đổi của chúng tôi vẫn tiếp tục. Tôi đưa ra càng nhiều câu hỏi về những việc ông đã làm trong nghề tình báo, Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi nghe càng nhiều. Khi đó, tôi luôn tay ghi chép và bắt đầu ghi âm những cuộc nói chuyện của chúng tôi. Một lần nữa, Phạm Xuân Ẩn tránh được đi gặp Diêm Vương. Ông xuất viện trở về nhà với hai lá phổi chỉ còn làm việc được 35% công suất. Trông ông ốm yếu khủng khiếp. Tuy nhiên, đầu óc, trí nhớ, và cả khiếu hài hước trong ông vẫn sắc sảo như thường.

Sau này tôi mới biết Phạm Xuân Ẩn chưa dứt ra hoàn toàn khỏi nghề tình báo, ông vẫn còn là cố vấn cho Tổng cục Tình báo ở Hà Nội mãi đến sáu tháng trước khi ông qua đời mới thôi. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi có nhiệm vụ đọc những tài liệu này, rồi đưa ra những phân tích của mình. Mọi người biết rõ tôi sẽ đưa ra những đánh giá chân thực nhất".

Đề cập đến những năm tháng hoạt động tình báo, Phạm Xuân Ẩn nói: "Người ta có thể nói gì về cuộc sống khi mà phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng hi sinh". Điều làm cho câu chuyện về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn trở nên không thể tin được đó là việc rõ ràng ông rất thích sống trong vỏ bọc của mình, thích làm một phóng viên để điều mơ ước về tự do báo chí trở thành hiện thực trong cách nhìn của ông về cách mạng.

Trong suốt hơn hai mươi năm, Phạm Xuân Ẩn sống trong vỏ bọc, nhưng vẫn hi vọng điều mà ông hằng mơ ước sẽ trở thành sự thật. Đó là mơ ước được làm phóng viên cho một tờ báo của nước Việt Nam thống nhất.

Sau nhiều lần thuyết phục Phạm Xuân Ẩn để tôi viết hồi ký về ông không thành, tôi bèn van nài, hi vọng được ông chấp nhận với tôi một điều rằng cuốn hồi ký về cuộc đời ông phải để cho một nhà sử học như tôi viết ra, chứ không chỉ các nhà báo Việt Nam viết về ông vì có thể ở VN vẫn còn áp dụng kiểm duyệt. Ông từ chối.

Tôi bèn lật ngửa "con bài" cuối cùng của mình bằng cách nói rằng sẽ là thích hợp nếu một giáo sư đại học ở California - một bang của nước Mỹ mà tại đây, ông Ẩn từng có đầy ký ức đẹp đẽ - viết hồi ký về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn. Phạm Xuân Ẩn nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: "OK". Ông hứa sẽ hợp tác với tôi.

Một phần của quá trình hòa giải

Tôi chưa bao giờ nghe Phạm Xuân Ẩn nói điệp viên là một cái gì khác ngoài nhiệm vụ được giao, mà nhiệm vụ ấy đã kết thúc khi đất nước thống nhất. Trước khi Phạm Xuân Ẩn qua đời, trên các bức tường trong nhà ông không hề treo huân chương, bằng khen, giấy chứng nhận danh hiệu anh hùng. Ông để tất cả những thứ đó trong ngăn kéo hoặc trên tường phòng ngủ ở tầng hai.

Tài sản dễ nhìn thấy nhất của Phạm Xuân Ẩn là sách, chất đầy trên giá sách, trên mấy cái bàn ở gần đó và một đống tạp chí Time mà ông nhận được hằng tuần. Những người đến thăm, nếu biết sở thích của ông, thì mang cho ông những cuốn sách mới. Phạm Xuân Ẩn là người đọc đủ mọi thứ sách. Ai có thời gian để lắng nghe ông sẽ học được rất nhiều điều. Trong thời kỳ 1975-1986, khi Phạm Xuân Ẩn còn bị theo dõi, ông đã dành nhiều thời gian để đọc sách cùng với các con mình. Ông luôn cố gắng truyền đạt cho các con ông những giá trị cơ bản mà ông đã từng học được từ rất nhiều người bạn của mình. "Tôi muốn các cháu biết tôn trọng nhân văn và nhận ra được rằng sự hiểu biết, kiến thức quí giá hơn tiền bạc", ông nói.

Phạm Xuân Ẩn vẫn là người có cảm tình với Mỹ trong suốt cả cuộc đời mình. Ông đã rất vui khi chứng kiến một chương mới mở ra trong quan hệ giữa VN và Mỹ. Theo lời mời của đại sứ Hoa Kỳ tại VN Raymond Burghardt và tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM Emi Lynn Yamauchi, Phạm Xuân Ẩn lên thăm tàu hải quân Mỹ USS Vandegrift hồi tháng 9-2003. Cùng thăm tàu có các quan chức cao cấp khác nhân dịp lần đầu tiên, một tàu hải quân Mỹ cập cảng VN kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Kể lại chuyện này cho tôi nghe, Phạm Xuân Ẩn nói: "Giờ thì tôi có thể thanh thản ra đi được rồi. Tôi đã phục vụ đất nước tôi, nhân dân tôi, và sự thống nhất Tổ quốc".

Phạm Xuân Ẩn đã được chứng kiến một chương mới mở ra trong quan hệ giữa VN và Mỹ. Trên thực tế, ông đã trở thành một phần của quá trình hòa giải rộng lớn hơn giữa hai kẻ thù xưa. Đại sứ Raymond Burghardt khi sắp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại VN đã đến nhà Phạm Xuân Ẩn để chia tay. Đại sứ Burghardt nói với tôi: "Câu chuyện và cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thật không thể nào tin được, nhưng vượt lên trên tất cả những điều đó, Phạm Xuân Ẩn là một biểu tượng quan trọng của tình hữu nghị mới giữa hai nước chúng ta". Vài tuần sau, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM Emi Lynn Yamauchi đã ăn tết VN với gia đình Phạm Xuân Ẩn.

Tôi vừa hoàn thành bản thảo Điệp viên hoàn hảo thì Phạm Xuân Ẩn qua đời vì bệnh phổi ngày 20-9-2006, chỉ tám ngày sau sinh nhật lần thứ 79 của ông. Sau khi Phạm Xuân Ẩn qua đời, linh cữu của ông được quàn hai ngày cho công chúng đến viếng. Ông Tư Cang đã viết một bài thơ để tưởng nhớ Phạm Xuân Ẩn:

"Đời người tình báo thế là xongTình dân, nghĩa Đảng, nợ non sôngLàm trai trong suốt thời ly loạnAnh thật xứng danh một anh hùng".

____________________________

Đón đọc loạt bài khởi đăng số tới: Những ông Tây "rau muống"

Họ là những ông Tây thèm rau muống chấm mắm, ăn thịt chó còn "sành điệu" hơn cả người Việt.

Họ là những ông Tây nói tiếng Việt còn phong phú hơn nhiều người Việt, viết blog bằng tiếng Việt thu hút cả triệu bạn đọc.

Họ là những người nhập cư đặc biệt: sang VN bươn chải mưu sinh với những nghề bình dân, cũng lăn lộn khắp nẻo đường như mọi người Việt, chỉ khác chăng họ là những… ông Tây!

LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên