04/10/2007 07:12 GMT+7

Điệp viên hoàn hảo - Kỳ 11: Giấc mơ của người cha

LARRY BERMAN (Nguyễn Đại Phượng dịch)
LARRY BERMAN (Nguyễn Đại Phượng dịch)

TT - Năm 1983, người con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân sang Liên Xô học đại học năm năm, lúc đầu học ở Học viện Ngoại ngữ Minsk, sau đó chuyển sang khoa phiên dịch tại Đại học Ngoại ngữ quốc gia Matxcơva mang tên Mauris Thorez.

PYVU5Tvr.jpgPhóng to

Phạm Xuân Hoàng Ân (thứ hai từ phải sang) đứng cạnh Tổng thống George W.Bush tại Trung tâm Chứng khoán TP.HCM tháng 9-2006

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Nhà tình báo và người bạn Kỳ 2: Mạo hiểm Kỳ 3: Hai năm ở Mỹ Kỳ 4: Vào sâu sào huyệt Kỳ 5: Còn lại một mình Kỳ 6: Những tấm huân chương Kỳ 7: Những lời buộc tội Kỳ 8: Tháng tư âu lo Kỳ 9: "Người 30 năm cách mạng" Kỳ 10: Điều chỉnh lại mình

Ân tốt nghiệp hạng ưu, thông thạo tiếng Anh và viết luận văn ngôn ngữ học về đề tài dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh một đoạn trích từ sách của A.A. Kurznetsova "Bên bờ sông Mekong và sông Hồng". Sau khi tốt nghiệp, Ân trở về quê nhà.

22.000 USD và tấm lòng những người bạn Mỹ

Phạm Xuân Ẩn từng sống và làm việc với người Mỹ trước khi có cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông từng đánh giá cao người Mỹ. Sau chiến tranh, tất nhiên Phạm Xuân Ẩn muốn con trai mình cũng như vậy. Phạm Xuân Ẩn nói: "Đảng dạy tôi những điều về hệ tư tưởng. Từ người Mỹ, tôi học được những điều quan trọng khác về nghề báo và phương pháp tư duy. Đó là điều tôi muốn con mình cũng học được như vậy. Tôi muốn con trai tôi có những người bạn là người Mỹ”. Phạm Xuân Ẩn tiên liệu rằng những người bạn Mỹ của ông sẽ giúp đỡ ông, bởi vì họ sẽ còn nhớ ông với tư cách một người đồng nghiệp, chứ không phải là một kẻ thù của đất nước họ, hoặc một kẻ phản bội lại sự tin cậy của họ.

Vào thời điểm năm 1989, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có mối quan hệ ngoại giao chính thức nào. Tất cả những khó khăn thời đó vẫn không thể cản trở được Robert Sam Anson và Frank McCulloch mở một cuộc vận động nhằm đưa Ân sang học ở Mỹ, cũng như không thể cản trở nổi người cha của chàng thanh niên trong việc phối hợp các nỗ lực từ phía Việt Nam. Đối với Robert Sam Anson, đây là một cơ hội để ông trả món nợ đời với Phạm Xuân Ẩn đã từng cứu mạng ông lúc ở Campuchia.

Đối với Frank McCulloch, khi đó là trưởng ban biên tập của tờ San Francisco Examiner, đây là cách bày tỏ sự kính trọng đối với Phạm Xuân Ẩn, cũng như niềm tin sâu sắc vào tương lai. McCulloch nói với tôi: "Chúng tôi không quyên góp tiền cho các con của Nguyễn Văn Thiệu hay Nguyễn Cao Kỳ. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng và khâm phục của mọi người đối với Phạm Xuân Ẩn. Chúng tôi đặt điều kiện rằng sau khi hoàn thành khóa học, cháu Ân phải trở về VN".

Bob Anson đã tình nguyện sử dụng các mối quan hệ của gia đình ông để Ân được chấp nhận vào khoa báo chí của Trường đại học North Carolina. Trong một lá thư đề ngày 7-5-1990, chủ tịch Trường đại học North Carolina là C. D. Spangler gửi cho Anson nói rằng: "Đại học North Carolina ở Chapel Hill sẽ vui lòng chấp nhận anh Ân vào học tại khoa báo chí với tư cách sinh viên phi bằng cấp". Chương trình phi bằng cấp kéo dài một năm là rất bổ ích cho các sinh viên nước ngoài, vì họ có thể tham dự các lớp học mà không bị ràng buộc vào những yêu cầu cụ thể. Tuy nhiên, chương trình này không kèm với sự hỗ trợ tài chính thuộc bất kỳ loại nào. Nếu Ân học tốt ở năm đầu tiên và sau đó làm tốt các bài kiểm tra GRE, cháu hoàn toàn có thể trúng tuyển vào chương trình thạc sĩ báo chí.

Nhiệm vụ trước mắt là quyên góp tiền. McCulloch lên kế hoạch phát động chiến dịch quyên góp tiền. Trong một lá thư gửi cho "những người bạn thân" đề ngày 4-9-1990, McCulloch viết: "Tôi nghĩ rằng về quan hệ cá nhân hầu hết các bạn đều biết Phạm Xuân Ẩn, hoặc nếu ai không có quan hệ với ông ấy thì sẽ nhớ ông như một phóng viên của tạp chí Time - Life ở Sài Gòn.

Nhiều thế hệ đã thay đổi và giờ đây con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn, cháu Ân, rất muốn tới Mỹ để học ngành báo chí - không phải là cách để chạy trốn khỏi Việt Nam mà theo lời cháu, thì khi về nước có nhiều kỹ năng mới "để phục vụ nhân dân tôi". Ân cần 11.000 USD cho mỗi năm học. Vào dịp lễ Tạ ơn năm 1990, mọi việc thẩm tra về an ninh đối với Ân đã được thông qua và cháu được cấp visa sinh viên hạng F-1, những người bạn và đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn đã quyên góp đủ tiền chi phí cho học trong hai năm ở Trường đại học North Carolina. Phạm Xuân Ẩn gửi toàn bộ tiền hưu trí của ông do tạp chí Time trả cùng với 3.000 USD nữa để đóng góp vào quĩ này.

Niềm hạnh phúc trong tim

Phạm Xuân Ẩn tin tưởng rằng con trai mình có thể đại diện cho một cây cầu mới nối giữa nhân dân VN và nhân dân Mỹ thời kỳ sau chiến tranh: "Suốt cuộc đời mình, tôi chỉ có hai trách nhiệm. Một là nghĩa vụ của tôi đối với Tổ quốc. Hai là trách nhiệm của tôi đối với những người bạn Mỹ. Mong ước của tôi là: đấu tranh cho đến khi đất nước giành được độc lập và sau đó lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa quan hệ giữa VN và Mỹ, được như vậy thì tôi có thể mỉm cười mà nhắm mắt xuôi tay bất cứ lúc nào cũng thỏa lòng rồi".

Ân đã học hai năm ở Trường đại học North Carolina, làm việc một nửa thời gian tại thư viện của nhà trường và có một kỳ thực tập ngắn tại một tòa báo, giống hệt như cha cháu đã từng làm trước đó 30 năm tại báo Sacramento Bee. Trong một cử chỉ gợi cho tôi nhớ về cha cháu, Ân chạy đến một chiếc hộp ngăn kéo trong phòng đọc sách của gia đình, rồi rút ra những mẩu cắt báo những bài mà cháu đã viết.

Bài đầu tiên khiến tôi gần như không còn nghi ngờ gì về sự ảnh hưởng từ bóng dáng của cha cháu, nhưng đồng thời cháu cũng có những nét riêng. Bài báo xuất hiện trên tờ Chapel Hill Herald-Sun số ra ngày 29-5-1993, có tựa đề "Nơi che chở động vật điều trị, phóng thích những con vịt bị thương" được ký tên "Ân Phạm, phóng viên".

Năm 1993, Ân đã trở lại Việt Nam để bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao. Năm 1999, Ân giành được học bổng Fulbright, được học một khóa tại khoa luật Trường đại học Duke, Hoa Kỳ. Khi cháu cần sự giúp đỡ về tài chính để dự thêm một học kỳ mùa hè tại Trường đại học Duke, chủ tịch Trường đại học North Carolina Spangler đã không ngần ngại giúp cháu.

Trong thời gian Tổng thống Mỹ George W. Bush thăm Việt Nam tháng 9-2006, Phạm Xuân Hoàng Ân được chọn làm phiên dịch cho cuộc trao đổi giữa Tổng thống Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ân nói với tôi: "Cháu ước gì ba cháu có mặt ở đây để chứng kiến những giây phút này. Giọng của cháu đôi lúc đã nghẹn lại trong quá trình phiên dịch cho tổng thống và Chủ tịch nước, cháu đã cố kiềm chế những giọt nước mắt của mình vì quá xúc động".

Vâng, Phạm Xuân Ẩn đã từng tự hào về con trai mình, nhưng tôi nghĩ chắc ông còn cảm thấy hạnh phúc hơn khi các mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên thân thiết và gần với trái tim ông.

--------------------

Vậy là cuộc đời hai mặt kỳ lạ của Phạm Xuân Ẩn đã được "giải mã”. Bạn đọc đã đi suốt những thăng trầm của cuộc đời "không thể tin được" ấy trong 11 kỳ báo qua. Chỉ còn lại những ngày cuối cùng...

Kỳ tới:"Tôi thanh thản ra đi được rồi"

LARRY BERMAN (Nguyễn Đại Phượng dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên