02/10/2007 00:12 GMT+7

Điệp viên hoàn hảo - Kỳ 9: "Người 30 năm cách mạng"

LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)
LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)

TT - Lúc đầu, gia đình Phạm Xuân Ẩn bay sang Guam, rồi ở đó một tuần để chờ xem ông Ẩn có sang cùng với gia đình không.

dk2c82d6.jpgPhóng to

Ông Phạm Xuân Ẩn và bà Thu Nhàn - đây là một trong những bức ảnh được yêu thích của gia đình.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Phạm Xuân Ẩn vẫn giữ liên lạc với vợ ông - bà Thu Nhàn - qua máy telex của văn phòng tạp chí Time. Cuối cùng, ông khuyên vợ chấp nhận lời mời và sự giúp đỡ của tạp chí Time chuyển gia đình sang Mỹ.

Gia đình Phạm Xuân Ẩn đáp máy bay đi Fort Pendleton, California. Do đã được tạp chí Time bảo lãnh nên thủ tục được thông qua nhanh chóng, sau đó họ chuyển đến Virginia. Tạp chí Time đài thọ mọi chi phí, ngoài ra mỗi tháng còn trả 700 USD tiền lương cho bà Thu Nhàn. Các cháu tuổi 12, 11, 10 và 8 đều được bố trí vào học tại Trường tiểu học Patrick Henry.

Kỳ 1: Nhà tình báo và người bạn Kỳ 2: Mạo hiểm Kỳ 3: Hai năm ở Mỹ Kỳ 4: Vào sâu sào huyệt Kỳ 5: Còn lại một mình Kỳ 6: Những tấm huân chương Kỳ 7: Những lời buộc tội Kỳ 8: Tháng tư âu lo

Bà Thu Nhàn đau ốm luôn và lúc nào cũng lo cho chồng mình. Bà không biết chuyện gì đã xảy ra đối với ông Phạm Xuân Ẩn. Bà cảm nhận rất có thể bà sẽ chẳng bao giờ được gặp lại chồng mình.

Còn có điều đáng sợ nữa là sau khi chiến tranh đã kết thúc, các hoạt động tình báo bí mật của chồng bà được công khai, trong khi bà và các con đang sống ở bên Mỹ, sự an toàn của mẹ con bà có thể bị quấy rầy bởi cộng đồng những người di tản chống cộng đến tận xương tủy. Bà cũng không biết Hà Nội có ra lệnh cho ông Phạm Xuân Ẩn tiếp tục nghề tình báo ở Mỹ hay không. Tương lai chẳng rõ ràng gì.

Những ngày bối rối

Tại Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn cũng buồn và lo lắng. Sau vài ngày ở khách sạn Continental, Phạm Xuân Ẩn và mẹ về sống ở nhà. Phạm Xuân Ẩn phải ra trình diện trước các nhà chức trách địa phương.

Ông điền vào tờ khai nghề nghiệp là nhà báo, làm việc cho tạp chí Time. Đầu tháng 5-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, đến dinh Độc Lập để dự một cuộc họp với tướng Trần Văn Trà, chỉ huy các lực lượng vũ trang của Mặt trận dân tộc giải phóng.

Tướng Trần Văn Trà vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố. Lúc đó, ông Ẩn ở cách dinh Độc Lập không xa, đang phải lo lắng cho sự an toàn của chính mình dưới chế độ mới.

Giờ đây, Phạm Xuân Ẩn thật sự theo nghĩa đen là người của tạp chí Time ở Sài Gòn, giữ mối liên hệ với các đồng nghiệp cũ và đang đóng góp bài vở cho số báo sau 30-4 của tạp chí Time. Phạm Xuân Ẩn gửi bằng telex bức điện tới New York: “Tất cả các phóng viên Mỹ đã di tản vì tình trạng khẩn cấp. Văn phòng tạp chí Time hiện nay do Phạm Xuân Ẩn điều hành”.

Mỗi buổi sáng, Phạm Xuân Ẩn đến văn phòng tạp chí Time làm việc. Tại đây “các lực lượng giải phóng” đã cử một người đến giám sát, kiểm duyệt Phạm Xuân Ẩn. “Tất cả chỉ có một mình tôi, trừ người giám sát. Ông ta không phải là người khó tính, nhưng là một người kiểm duyệt khắt khe. Sau vài tuần, chẳng có tin bài nào được gửi đi” - Phạm Xuân Ẩn nói với tôi như vậy.

Bài báo cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn phát đi được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 12-5 mang tựa đề “Cuộc chia tay cuối cùng nghiệt ngã”. Bài báo viết: “Hình ảnh cuối cùng về cuộc chiến tranh: những người lính thủy đánh bộ Mỹ dùng báng súng giáng xuống những ngón tay của nhiều người VN đang cố bám tường tìm cách vào được bên trong khuôn viên tòa đại sứ Mỹ để chạy trốn khỏi đất nước họ. Một không khí lộn xộn, bừa bãi chẳng khác nào cảnh mô tả trong kinh khải huyền - một số kẻ cướp ngày lái những chiếc xe hơi của sứ quán bỏ lại chạy như điên quanh thành phố cho đến khi hết sạch xăng...”.

Vài tuần sau ngày giải phóng, có người của lực lượng an ninh chế độ mới đến gặp ông và nói: “Ông thì OK”. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: “Ông ta chỉ nói có vậy. Nhưng tôi hiểu tôi được an toàn rồi”.

Tài liệu về danh tánh thật của Phạm Xuân Ẩn cuối cùng cũng đã được chuyển đến. Phạm Xuân Ẩn được xác nhận là “người 30 năm cách mạng” - một thuật ngữ được dùng để nói về những người đã tham gia đánh ngoại xâm trong ba thập kỷ qua.

Phạm Xuân Ẩn được chính thức chuyển sang bên thắng trận, điều này dễ nhận thấy vì số lượng gạo của ông được tăng thêm, được cấp phát quân phục hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đây cũng là thời gian đặc biệt bối rối đối với ông Phạm Xuân Ẩn cùng với rất nhiều bạn bè bởi họ cho rằng tương lai không mấy sáng sủa. Ông Ẩn nói: "Nhiệm vụ tình báo của tôi về mặt kỹ thuật đã hoàn thành, đất nước tôi đã được thống nhất và người Mỹ đã phải rút về nước. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thể nói được với mọi người về sự thật. Tôi vẫn đang phải sống trong cô đơn và lo lắng. Vợ con tôi vẫn đang ở Mỹ. Tôi không biết liệu mình có được gặp lại vợ con lần nữa hay không. Tôi còn có nhiều bạn bè, họ cũng không thể đi được và tôi cũng không biết điều gì đang xảy ra đối với họ nữa".

Trở về nhà thôi

Nhân viên an ninh chế độ mới đặt vấn đề về những hành động của Phạm Xuân Ẩn hôm 30-4-1975 đã giúp đỡ bác sĩ Trần Kim Tuyến kịp lên chuyến máy bay trực thăng cuối cùng để di tản.

Phạm Xuân Ẩn đã kể lại hết sự việc cho các nhân viên an ninh nghe, ông nói rằng việc làm của ông chỉ là một cử chỉ nhân đạo, nhưng bên phía an ninh vẫn chưa tin: Phạm Xuân Ẩn nói rằng ông và Trần Kim Tuyến là bạn của nhau, nghĩa là thế nào? Bạn bình thường hay là bạn trong công việc?

Phạm Xuân Ẩn phải viết tường trình về các chi tiết của việc Trần Kim Tuyến trốn thoát. Ông cũng nhận được chỉ thị phải tiết lộ tên của các mối quan hệ và nguồn tin của ông trong thời gian chiến tranh mà ông có được khi đang làm việc với tư cách nhà báo của tạp chí Time.

Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp đầy đủ nhất theo khả năng liên quan đến mọi chi tiết về bác sĩ Trần Kim Tuyến. Tuy nhiên, về những mối quan hệ của mình trong 15 năm trước đó thì ông nói trí nhớ của ông rất tồi.

Càng nghĩ về Phạm Xuân Ẩn, cơ quan an ninh càng có nhiều câu hỏi về việc tại sao ông Ẩn tồn tại được với tư cách là một điệp viên trong thời gian dài như vậy. “Mọi người nghĩ rằng tôi được ai đó trong CIA bảo vệ, vì không ai có thể may mắn đến như vậy” - ông Ẩn kể.

Cuối tháng 3-1976, Phạm Xuân Ẩn được khuyên nên gọi gia đình trở về nước. Đối với nhiều người bạn của ông, cũng như các nhân viên trước đây làm việc cho tạp chí Time, đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy Phạm Xuân Ẩn có thể đã từng làm việc cho phía bên kia.

Phải nói lời chia tay đối với những người bạn Mỹ mới của mình là điều rất khó khăn đối với những thành viên gia đình Phạm Xuân Ẩn. Bà Thu Nhàn có mối lo ngại riêng của mình khi trở về nước. Bà chỉ nhận được một bức điện của ông Ẩn vẻn vẹn có mấy từ: “Trở về nhà thôi”.

Bà Thu Nhàn không hề biết gì về tình trạng của Phạm Xuân Ẩn ở VN, nên bà phải nghĩ ra một cách để đưa các con về nước mà không gây ra quá nhiều nghi ngờ. Đầu tiên, bà Thu Nhàn tới Liên Hiệp Quốc để xin phép được đi du lịch sang Pháp.

Sau đó bà và các con đáp máy bay từ Washington đi Paris, nhưng ở lại Paris trong ba tháng vì Việt Nam chưa cho phép mở đường bay thẳng từ Paris đi Hà Nội, cũng như chẳng có đường bay thẳng nào đến Sài Gòn.

Một khi đã tới Pháp, bà Thu Nhàn xin phép được đưa bốn con về nước “để đoàn tụ với chồng, vì hòa bình đã được lập lại trên đất nước VN”. Cuối cùng, bà Thu Nhàn quyết định bà phải trở về nước với hi vọng rằng bức điện ngắn của Phạm Xuân Ẩn gửi cho bà trước đây là bức điện thật và rằng chồng bà vẫn an toàn. Bà Thu Nhàn và các con đáp máy bay từ Paris đi Matxcơva và sau đó về Hà Nội. Từ Hà Nội, họ đi tiếp vào Sài Gòn bằng xe hơi.

Khoảng tháng 9-1976, bắt đầu có lời đồn đại về cuộc đời bí mật của Phạm Xuân Ẩn. Việc bà Thu Nhàn trở về Sài Gòn chứng tỏ Phạm Xuân Ẩn là một người của lực lượng giải phóng, hoặc ít nhất cũng là một người có cảm tình với Hà Nội và Hà Nội đã có cái nhìn thiện cảm đối với ông.

______________

Câu chuyện sẽ được tiếp nối với việc Phạm Xuân Ẩn dù được phong tặng danh hiệu anh hùng vẫn phải tham dự một khóa học chính trị một năm, vì ông "đã sống quá lâu với người Mỹ”...

Kỳ tới: Điều chỉnh lại mình

LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên