26/09/2007 08:03 GMT+7

Điệp viên hoàn hảo (kỳ 3): Hai năm ở Mỹ

LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)
LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)

TT - Phạm Xuân Ẩn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2-1953 ở vùng đất Mũi Cà Mau. Nhà lãnh đạo Việt Minh cấp cao nhất ở miền Nam Việt Nam lúc đó là ông Lê Đức Thọ đã chủ trì buổi lễ kết nạp Đảng cho ông Ẩn.

mgKF4hmF.jpgPhóng to

Lúc ở Mỹ, Phạm Xuân Ẩn thích xuống thuyền du ngoạn trên vịnh cảng Newport, đó là cách ông suy nghĩ trong trạng thái thoải mái nhất.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Sau đó, ông Lê Đức Thọ đã đưa Phạm Xuân Ẩn ra ngoài để nói chuyện riêng. Ông Lê Đức Thọ tiên đoán với Phạm Xuân Ẩn rằng khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Mỹ sẽ không để cho người Việt Nam tự quyết định tương lai của mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ đến một ngày có chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ. Phạm Xuân Ẩn được chuẩn bị sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng giao cho để bảo vệ đất nước mình.

Điệp viên duy nhất sang Mỹ

Edward Lansdale - giám đốc phái đoàn quân sự Mỹ ở Sài Gòn - coi Phạm Xuân Ẩn (khi đó là thư ký tổng hợp của Cục Chiến tranh tâm lý thuộc Lực lượng dự bị liên quân) là một tiềm năng để có thể tuyển mộ phục vụ cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, Lansdale đã đề nghị được bảo trợ cho Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học ở trường hạ sĩ quan về tình báo và tâm lý chiến.

Phạm Xuân Ẩn báo cáo cho cấp trên trực tiếp của mình là ông Mười Hương về đề nghị này của Lansdale. Ông Mười Hương đã khuyên Phạm Xuân Ẩn nên tránh việc này, thay vào đó là học nghề báo chí. Khi Phạm Xuân Ẩn nói với Lansdale rằng ông muốn được học báo chí, Lansdale lập tức đề nghị được đứng ra bảo trợ cho ông, đồng thời liên hệ ngay với Quĩ Á châu.

Ông Mai Chí Thọ - khi đó đứng đầu bộ phận tình báo ở miền Nam - nói: "Ông Phạm Xuân Ẩn là điệp viên duy nhất mà chúng tôi cử sang Mỹ”. Ông Mai Chí Thọ đã tham gia một cách tích cực vào việc chuẩn bị cho chuyến đi của ông Ẩn. Ông Mai Chí Thọ kể với tôi: "Khi đó chúng tôi vẫn còn hoạt động trong bí mật. Tôi phải kín đáo gom góp tiền bằng cách một phần sử dụng quĩ hoạt động tình báo, số còn lại đi vay mượn thêm".

Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ vì sao ông Phạm Xuân Ẩn lại được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này? Ông Mai Chí Thọ đáp: "Vì ông ấy nói được tiếng Anh tốt hơn những người khác, đồng thời ông có năng khiếu nghề nghiệp. Một trong những sức mạnh lớn nhất của người điệp viên là luôn bình tĩnh và có nhiều bạn bè, phải luôn chơi được với mọi người để không gây sự chú ý nào. Phạm Xuân Ẩn là người làm được điều ấy đối với mọi người và đó chính là lý do vì sao tôi coi ông Ẩn là một trong những nhà tình báo vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước tôi".

Sứ mạng của Phạm Xuân Ẩn ở Mỹ là tìm hiểu càng nhiều càng tốt về người Mỹ và văn hóa của họ, để khi về Việt Nam làm việc dưới vỏ bọc là một nhà báo; phải luôn cố gắng làm cho mình hòa nhập được vào cách viết, cách nghĩ của người Mỹ. Ông Mười Hương nói: "Nếu không làm được như vậy, anh sẽ không thành công".

Hồ sơ của Phạm Xuân Ẩn khi đó được chuyển tới bác sĩ Trần Kim Tuyến với chỉ thị phải kiểm tra với phía Mỹ về tính cách và lòng trung thành của Phạm Xuân Ẩn. Chỉ riêng lời giới thiệu của Lansdale thôi cũng đủ hiệu quả cho Trần Kim Tuyến duyệt ngay mọi giấy tờ thủ tục của Phạm Xuân Ẩn, giúp ông kịp thực hiện được chuyến đi Mỹ. Từ đó, cuộc đời của điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn và cuộc đời của kẻ chống cộng khét tiếng Trần Kim Tuyến có nhiều liên hệ với nhau. Tối thứ bảy ngày 12-10-1957, chàng trai 30 tuổi Phạm Xuân Ẩn đặt chân xuống California.

Thấm vào nền văn hóa Mỹ

Lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong suốt thời gian cộng tác với tờ Barnacle, Phạm Xuân Ẩn đứng tên một mình trong bài xã luận mang tựa đề: "Dọn rác đi".

Ông bắt đầu bài viết của mình bằng câu nói của Napoleon trước khi thất bại: "Sau tôi sẽ là một trận đại hồng thủy". Câu nói này đã được dùng làm đề bài thi hết trung học phổ thông ở Paris.

Phạm Xuân Ẩn viết: "Nhiều thí sinh đã trượt chỉ vì họ hiểu lầm câu nói của Napoleon. Những thí sinh này cho rằng Napoleon là ích kỷ, không biết quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra đối với nước Pháp sau khi ông qua đời. Thế nhưng, ý nghĩa thật sự trong câu nói của Napoleon chính là điều tiên đoán của hoàng đế Pháp về những mất mát lớn lao đến với nước Pháp sau khi ông qua đời. Hoàng đế Napoleon trên thực tế đã biết lo đến tương lai của nước Pháp và những người sẽ lên cầm quyền sau khi ông mất".

Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng ổn định học tập và làm quen với cuộc sống sinh viên ở Trường đại học Orange Coast. Một trong những khía cạnh nổi bật trong thời kỳ Phạm Xuân Ẩn ở California là mức độ ông học được tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống ở trường. Nói một cách nôm na là ông đã thấm vào nền văn hóa Mỹ.

Trong khi nhiều điệp viên phải chấp nhận mình luôn ở một vị trí không nổi bật, Phạm Xuân Ẩn lại chọn cách thâm nhập vào cuộc sống để tạo thêm vỏ bọc cho mình. Ông thường xuyên tham gia các trận đấu bóng đá và các bữa tiệc trên bãi biển, trở nên nổi tiếng là người thích đùa.

Phần lý thú nhất trong thời gian Phạm Xuân Ẩn sống ở đây là những lúc làm việc trong ban thời sự tờ báo Barnacle của trường.

Tài năng báo chí của Phạm Xuân Ẩn nở rộ với sự hướng dẫn của Lee Meyer. Dưới sự lãnh đạo của Lee, tờ báo nhà trường Barnacle đã được Hiệp hội Báo chí học đường xếp hạng nhất trong số các tờ báo của các trường đại học, cao đẳng.

Phạm Xuân Ẩn là một sinh viên giỏi, thường được nhận giấy khen mỗi học kỳ. Ông dự các lớp về lịch sử, khoa học chính trị, kinh tế học, triết học và khoa học xã hội. Phạm Xuân Ẩn còn tham dự hội nghị báo chí tại Trường đại học Redlands. Ngoài ra, ông còn tham gia đoàn đại biểu báo Barnacle đi dự đại hội các nhà xuất bản quốc gia bang California tổ chức tại thành phố San Francisco.

Phạm Xuân Ẩn rất lo ngại đến những sự kiện diễn ra ở quê hương. Phạm Xuân Ẩn tự hỏi chẳng biết có ai trong gia đình, bạn bè của ông bị bắt trong những cuộc càn quét của chính quyền Ngô Đình Diệm hay không? Điều Phạm Xuân Ẩn sợ nhất là có ai đó đã tiết lộ ông là một đảng viên cộng sản.

Nếu điều đó xảy ra, ông có thể sẽ không bao giờ được trở về nước và gia đình ông sẽ phải chịu đựng những điều tồi tệ nhất do cảnh sát của chế độ Diệm mang lại. Tháng 1-1958, em trai của Phạm Xuân Ẩn bị bắt. Sau này ông nhớ lại: "Được tin đó tôi rất buồn. Tôi đã mất liên lạc với những người cộng sản, tất cả những người lãnh đạo trực tiếp của tôi đều đã bị bắt; em trai tôi cũng bị bắt".

Quĩ Á châu đã dàn xếp một học bổng cho Phạm Xuân Ẩn và ông chuẩn bị một thời kỳ thực tập tại báo Sacramento Bee gần như ngay sau khi tốt nghiệp. Chuyến đi thực tập này sẽ tạo cho Phạm Xuân Ẩn không chỉ kinh nghiệm làm việc, mà còn tạo uy tín cho ông để làm công việc đó sau này. Sau đó, Phạm Xuân Ẩn đi thực tập ở Liên Hiệp Quốc cũng do Quĩ Á châu dàn xếp.

Đến Liên Hiệp Quốc, Phạm Xuân Ẩn đã kịp được dự nghe nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Khi Phạm Xuân Ẩn đang mải mê thực tập thì nhận được tin Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa III) họp tại Hà Nội đã ra nghị quyết về việc bắt đầu cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. "Khi tôi được tin về những người cộng sản trở lại chiến tranh, tôi đã biết tôi phải trở về quê hương", ông nói.

Phạm Xuân Ẩn quyết định rằng chỉ có về nước ông mới cống hiến được tốt nhất cho Tổ quốc Việt Nam của ông: "Tôi lo cho gia đình tôi, cho những người lãnh đạo của tôi, và nhiệm vụ của tôi. Tôi đã hứa trước Đảng. Nay tôi đã ba mươi hai tuổi rồi. Tôi biết sớm muộn gì thì tôi cũng phải trở về nước. Tôi còn có nhân dân trông cậy vào tôi và sứ mạng của tôi".

-------

Tháng 9-1959, Phạm Xuân Ẩn về nước, bắt đầu một cuộc đời hai mặt. Nhà báo - nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn tự nhận là con sói cô đơn trong sào huyệt kẻ thù.

Kỳ tới: Vào sâu sào huyệt

LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên