25/09/2007 04:15 GMT+7

Điệp viên hoàn hảo (kỳ 2): Mạo hiểm

LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)
LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)

TT - Chỉ một tháng sau cuộc đảo chính quân sự, Lon Nol tổ chức một cuộc thanh trừng sắc tộc đối với những người dân tộc thiểu số Việt Nam sinh sống tại Campuchia.

UgXheZYl.jpgPhóng to

Phạm Xuân Ẩn nổi tiếng khắp Sài Gòn là người nuôi chim cảnh và huấn luyện chó giỏi. Những con chim, thú cũng tạo cho ông một vỏ bọc tình báo tuyệt vời

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Theo đó, một trong những chiến dịch của Lon Nol diễn ra tại thị xã Takeo - nơi nổi tiếng là một căn cứ của cộng sản. Anson khi đó được phái sang Campuchia để viết bài về sự kiện này.

Kỳ 1: Nhà tình báo và người bạn Kỳ 3: Hai năm ở Mỹ Kỳ 4: Vào sâu sào huyệt Kỳ 5: Còn lại một mình Kỳ 6: Những tấm huân chương Kỳ 7: Những lời buộc tội Kỳ 8: Tháng tư âu lo Kỳ 9: "Người 30 năm cách mạng" Kỳ 10: Điều chỉnh lại mình

Những vụ thảm sát

Cứ mỗi sáng Anson cùng với người cộng tác viên của anh là Tim Allman lái xe hơi từ Phnom Penh đi Takeo để kiểm đếm số lượng những người Việt bị giam giữ. Vào một đêm, lính Campuchia xả súng vào tất cả những người Việt Nam này. Sáng hôm sau, khi Anson và Allman đến nơi đã thấy những thi thể, người nọ nằm đè lên người kia giữa một vũng máu lớn.

Nhưng khi bước lại gần hơn, họ nhìn thấy một vài người cử động, đồng thời nghe thấy những tiếng kêu rên. Một ông già bị bắn gãy chân cố gắng nói: "Chúng tôi chỉ là những người bán hàng. Các ông hãy đưa chúng tôi ra khỏi đây ngay, nếu không đêm nay chúng quay lại sẽ giết chết hết những người còn sống sót".

Anson quì xuống gần một bé trai chừng 8 tuổi. Anson và Allman quyết định chở chú bé tới bệnh viện ở Phnom Penh, đồng thời gọi thêm các phóng viên khác tới đưa những người bị thương đi, nếu không lính Campuchia trở lại sẽ giết hết những người còn sống sót. Anson và Allman xếp những người bị thương càng nhiều càng tốt vào xe hơi rồi chở họ về Phnom Penh. Anson chạy thẳng về khách sạn để gặp đoàn phóng viên mới tới. Anh hét to: "Xuống Takeo ngay. Người ta đang bắn giết người VN. Gọi cả những nhà báo khác nữa".

Trời tối dần. Allman lái xe chở đầy các nhà báo trở lại để viết bài về vụ thảm sát. Đêm đến, đám lính Campuchia chuẩn bị cuộc thảm sát cuối cùng của chúng. Anson bắt đầu sợ, đúng lúc đó có tiếng xe hơi đang đến gần. Thì ra đó là xe của Bernard Kalb, phóng viên của Hãng CBS, cùng cả nhóm làm phim từ Phnom Penh lên để chở vài người bạn ra khỏi Takeo. Nhận ra hai đồng nghiệp, Bernard Kalb nói: "Các cậu cho rằng đứng đây là có thể ngăn chặn được đám lính Campuchia hành quyết những người đó sao? Nếu chúng đã có ý định giết những người Việt này thì chúng sẽ giết họ thôi. Và khi đó cả các cậu cũng không thoát".

Anson không muốn đi, nói rằng anh không nỡ bỏ mặc những đứa trẻ VN ở lại. Bernard Kalb liền đặt bàn tay hộ pháp lên vai Anson có vẻ như để an ủi động viên đồng nghiệp. Nhưng không, bàn tay người khổng lồ đã túm chặt lấy cổ Anson rồi cùng với các phóng viên truyền hình khiêng Anson ấn vào xe hơi.

Henry Kamm - người sau này được nhận giải thưởng Pulitzer - sau đó đã có bài đăng trên trang nhất báo New York Times về vụ thảm sát người Việt Nam ở Campuchia. Trong đó, anh nêu rõ nhà báo Anson đứng đầu một nhóm người tìm cách cứu Việt cộng. Những bài báo viết về vụ thảm sát đã làm dấy lên sự căm phẫn ở Sài Gòn, đặc biệt là trong đám phi công quân lực Việt Nam Cộng hòa tổ chức những đợt tấn công vào các vị trí của Bắc Việt ở Campuchia.

Bob Anson còn sống. Theo lời kể của Anson thì anh bị quân đội Bắc Việt Nam bắt sống tại địa điểm bên kia một con sông trên đất Campuchia cách thị trấn Skoun vài kilômet do anh không để ý đến hai hoặc ba trạm gác trên đường. Sau khi bị bắt, Anson bị dẫn giải đi. Khi thì phải đi bộ, lúc thì chạy xuyên qua những địa hình rừng già dọc đường mòn Hồ Chí Minh trong tư thế tay bị trói. Cuộc đi bộ bắt buộc đã dẫn Anson đến một ngôi làng nhỏ. Tại đây, Anson được một người sĩ quan nói được tiếng Anh thẩm vấn.

Cứu mạng một người bạn

Tại Sài Gòn, sau cuộc gặp đầy xúc động với Diane Anson, Phạm Xuân Ẩn trở về nhà. Đêm hôm đó, chờ cho đến khi các con đã đi ngủ, Phạm Xuân Ẩn đặt mấy hạt gạo và đổ một ít nước lên chiếc thìa rồi đưa lên lửa nấu cho đến khi gạo trở thành một chất hồ sền sệt. Bên cạnh ông, con chó Đức và bà Thu Nhàn - vợ ông - đứng nhìn. Phạm Xuân Ẩn nhúng ngòi bút vào thìa cháo đặc, rồi bắt đầu viết lên một tờ giấy gói thông thường. Vài phút sau mực bay hơi biến mất nhưng ông vẫn tiếp tục viết, giống như ông đã từng làm cứ vài tuần một lần như vậy trong suốt một thập kỷ qua.

Sáng hôm sau, ông Ẩn có hẹn gặp với bà Nguyễn Thị Ba, một người liên lạc lâu năm của ông (năm 1976, bà Nguyễn Thị Ba được tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang). Bà Ba lớn hơn ông Ẩn 12 tuổi, miệng luôn bỏm bẻm nhai trầu nên không hề gây ra sự chú ý nào đối với người khác. Phạm Xuân Ẩn quyết định chỉ gửi một bức điện với vài cuộn phim.

Ông nêu yêu cầu cấp trên cung cấp cụ thể những thông tin về một nhà báo Mỹ, đồng nghiệp của ông làm việc cho tạp chí Time, một người bạn của Việt Nam vừa bị bắt sống. Ông đề nghị nếu Bob Anson chưa chết, cần phải trả lại tự do ngay cho anh ta, không cần hỏi lại. Ông giải thích rằng người Mỹ này đã cứu nhiều mạng sống của trẻ em Việt Nam ở Takeo. Phạm Xuân Ẩn làm điều này là rất mạo hiểm vì nếu chẳng may bà Ba hoặc bất kỳ thành viên nào trong tổ tình báo khi đang vận chuyển báo cáo của ông mà bị bắt, thì vỏ bọc của ông bị lộ tẩy ngay tức khắc.

Ngày hôm sau Phạm Xuân Ẩn đi chợ chim, thú cùng với con chó Đức của ông luôn ở bên. Chợ chim, thú lúc nào cũng đông nghẹt người. Vài phút sau, bà Ba tới và ông Phạm Xuân Ẩn bắt chuyện. Sau đó, họ chia tay mỗi người đi một ngả. Phạm Xuân Ẩn trở về văn phòng tạp chí Time còn bà Ba đi về hướng Củ Chi ngoại ô Sài Gòn. Tại đây, một mạng lưới hỗ trợ tinh vi đang chờ bà Ba chuyển giao những gói nem cuốn. Trong gói đó có cả những yêu cầu của ông Phạm Xuân Ẩn về thời gian, địa điểm cho những cuộc gặp gỡ tiếp theo. Sau khi gửi các báo cáo đi, Phạm Xuân Ẩn không biết phải làm gì nữa ngoài chờ đợi tin tức về số phận của Bob Anson.

Sau nhiều tuần bị bắt giữ, một hôm vào lúc nửa đêm, Bob Anson được một trong những sĩ quan thẩm vấn đánh thức dậy, thông báo rằng việc anh là phóng viên của tạp chí Time đang được xác minh, có thể có kết quả trong vài ngày tới nhưng anh sẽ sớm được trả lại tự do. Người sĩ quan nói: "Ở Việt Nam chúng tôi có truyền thống người nào chỉ cần cứu mạng sống của một trong số con em chúng tôi thôi thì đã được chúng tôi ghi nhận. Mặt trận xin cảm ơn anh. Anh được tự do. Từ nay anh là người của phía chúng tôi. Một người chiến sĩ cách mạng". Chín ngày sau, Anson được rời nơi tạm giam.

17 năm sau, Bob Anson trở lại Việt Nam vì lý do cá nhân. Nửa đêm Anson đến thăm nhà Phạm Xuân Ẩn. Ông ra chào khách trong một bộ quân phục với hàm đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, trên ngực đeo huân chương. "Lúc nào anh cũng mặc thế này à?", Anson hỏi. "Phải. Lúc nào cũng thế này", ông Ẩn đáp và mỉm cười.

Khi gặp lại Anson, câu đầu tiên Phạm Xuân Ẩn hỏi là: "Thế nào, các cháu Christian và Sam có khỏe không? Diane có khỏe không?". Anson nghĩ: "17 năm đã trôi qua, thế mà ông Ẩn vẫn chưa quên một chi tiết nào. 17 năm đã trôi qua, ông vẫn còn biết cách làm vui lòng tôi. Kỹ năng này chắc đã khiến ông rất giỏi trong nghề của mình".

________________________________

Giỏi nghề báo nhưng nhà tình báo của chúng ta không chọn nghề này một cách tình cờ. Trước đó, vào năm 1957, Hà Nội đã quyết định đưa Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ. Ông Mai Chí Thọ kể: "Tôi phải kín đáo góp tiền, số còn lại phải đi vay mượn thêm".

Kỳ tới: Hai năm ở Mỹ

LARRY BERMAN(Nguyễn Đại Phượng dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên