10/12/2005 17:21 GMT+7

"Đêm trước" đổi mới: Chuyển đổi vô hình

XUÂN TRUNG - QUANG THIỆN
XUÂN TRUNG - QUANG THIỆN

TT - Thực tiễn có thể xé rào hay bùng nổ hơn nữa, cay đắng hơn nữa nếu không có sự chuyển đổi tư duy. Những người gánh vác trọng trách rồi cũng bước ra khỏi sách vở giáo điều để đi đến những quyết định kịp thời.

w7xkS5dM.jpgPhóng to
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm với chuyên gia Liên Xô sang VN giảng bài về NEP (chính sách kinh tế mới) năm 1979 - Ảnh tư liệu của GS Lê Văn Viện
TT - Thực tiễn có thể xé rào hay bùng nổ hơn nữa, cay đắng hơn nữa nếu không có sự chuyển đổi tư duy. Những người gánh vác trọng trách rồi cũng bước ra khỏi sách vở giáo điều để đi đến những quyết định kịp thời.

- Kỳ 1: "Đêm trước" đổi mới: Ký ức thời “sổ gạo”- Kỳ 2: “Vòng kim cô”- Kỳ 3: Khi chợ trời bị đánh sập- Kỳ 4: Công phá “lũy tre”- Kỳ 5: Chiếc áo cơ chế mới- Kỳ 6: Tưởng như xa xôi lắm- Kỳ 7: Từ chạy gạo đến phá cơ chế giá- Kỳ 8: Bù giá vào lương- Kỳ 9: Những thông điệp gửi đến Ba Đình

Đột phá tư duy

Lục tìm những tập ảnh kỷ niệm, GS Lê Văn Viện (nguyên giảng viên Trường đại học Kinh tài - nay là Đại học Kinh tế quốc dân) đưa ra một tấm hình đen trắng đã ố màu. Ông nói đây là tấm ảnh được chụp năm 1979 khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm lớp học về NEP (chính sách kinh tế mới) của Lênin do các giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ kinh tế hàng đầu của Liên Xô giảng dạy cho các cán bộ trung, cao cấp VN.

Các khóa học này như là tìm chỗ dựa về lý luận để đúc kết những cuộc phá rào đang diễn ra trong thực tiễn. Bởi chỉ với thực tiễn thì khó mà thay đổi nhận thức những vị làm chính sách quan liêu, giáo điều.

Giáo sư Trần Nhâm ghi lại trong cuốn Trường Chinh với hành trình đổi mới tư duy (NXB Chính Trị Quốc Gia - 2005): “Sau khi nhận thấy yêu cầu cấp bách của thực tiễn cũng như hình hài con đường đổi mới của VN, đồng chí Trường Chinh cho rằng tình thế lúc này không thể kéo dài được nữa nhưng để thay thế cái cũ phải nắm vững lý luận, hiểu rõ thực tế và nhìn thẳng vào sự thật.

Do vậy ông quyết định làm gấp hai việc: Một là tập hợp một nhóm tư vấn gồm những người có tư duy đổi mới để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn làm căn cứ và tìm ra phương pháp luận cho việc xác định con đường, bước đi sắp tới. Hai là tổ chức những chuyến đi thực tế các địa phương, tìm rõ cái hay cái dở, thành công và thất bại để có những đánh giá chính xác...”.

Cuối tháng 12-1982, nhóm nghiên cứu ra đời gồm: Lê Xuân Tùng, Đào Xuân Sâm, Trần Đức Nguyên, Lê Văn Viện, Nguyễn Thiệu, Võ Đại Lược, Dương Phú Hiệp, Hà Nghiệp, Trần Nhâm... Ông Đào Xuân Sâm nói: nhóm có khoảng chục người “khai sinh” từ lệnh miệng, hoàn toàn không có quyết định thành lập. Vị trí của đồng chí Trường Chinh lúc ấy không điều hành, xử lý công việc cụ thể, có độ lùi để nhìn toàn cục, có thời gian để nắm bắt, lắng nghe tình hình.

Một số vấn đề mà nhóm nghiên cứu tập trung làm rõ là nhận thức lại những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; nội dung cơ bản của chính sách kinh tế mới của Lênin và việc vận dụng vào VN; nhận thức lại CNXH và con đường đi lên CNXH ở VN; phân kỳ thời kỳ quá độ; phân tích cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội… Nhóm đã chuẩn bị các phát biểu mang tư tưởng mới cho các đồng chí lãnh đạo tại nhiều cuộc họp Bộ Chính trị và hội nghị trung ương.

Ở TP.HCM cũng có một nhóm chuyên gia kinh tế như vậy thường được nhắc đến với cái tên nhóm “Thứ Sáu” (họ thường tụ tập vào thứ sáu hằng tuần). Thành phần chủ yếu là các chuyên gia có hạng của miền Nam trước 1975. Người từ trại cải tạo về, người không thuộc diện cải tạo thì sống trong cảnh nửa thất nghiệp bên lề xã hội.

Thế mà họ (Phan Tường Vân, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Chánh Dưỡng…) đã được Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí lúc ấy trọng dụng như những “quân sư kinh tế”. Nhà nghiên cứu kinh tế Đặng Phong cho rằng đây là hiện tượng khá đặc biệt, không chỉ đối với VN mà còn là điều hiếm thấy ở những nước XHCN khác.

Nhóm “Thứ Sáu” nghiên cứu cả chuyện lớn, chuyện nhỏ miễn là góp sức gỡ thế bí, đặc biệt tìm những mũi đột phá cơ chế từ ách tắc thực tiễn. Dấu ấn của họ để lại trong những chuyện xây dựng vùng lúa năng suất cao ở Tiền Giang, nghiên cứu thành lập thí điểm ngân hàng cổ phần, đề xuất lập khu chế xuất… cho đến đột phá về cải cách giá - lương - tiền. Đây là mũi đột phá tư duy đi ngược lại phần lớn ý kiến đương thời. Nền kinh tế lúc ấy đang đứng trước nghịch lý: giá hàng tăng, sản xuất đình trệ, tiền khan hiếm…

TP.HCM có lẽ là nơi gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất của cơ cấu khủng hoảng này. Trong tình hình rối bời, nhóm “Thứ Sáu” được giao giải bài toán “chống lạm phát”. Họ lao vào tìm số liệu, phân tích thống kê, so sánh tỉ giá tiền đồng với đôla… để rồi hoàn tất một công trình mang tên “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế”. Họ chẩn bệnh: tình trạng tăng giá mà xã hội đang chứng kiến chỉ là tăng ảo.

Nó không mang lại sự kích thích sản xuất hay giải quyết việc làm như tác động thường thấy của lạm phát trong một nền kinh tế đang tăng trưởng. Mỗi người nhìn giá cả theo góc độ của mình: người tiêu dùng thấy giá hàng tăng nhưng nhà sản xuất lại thấy giá hàng không bù đắp nổi chi phí. Trong khi đó người nước ngoài tiêu xài đôla tại VN thấy giá cả hàng hóa ngày càng rẻ vì so với vàng và đôla thì mọi loại hàng đều giảm.

Nhóm “quân sư” này cho rằng chính sách tiền tệ của các nước kế hoạch hóa tập trung, trong đó có VN, là chống lạm phát bằng cách hạn chế đưa tiền ra lưu thông chỉ tạo ra suy thoái kinh tế và kiệt quệ các lực lượng sản xuất. Thời ấy mà nói thế là “to gan” lắm nếu không có những “cái ô” trên đầu.

Họ chỉ ra bản chất của vấn đề là nền kinh tế tụt dưới mức nhu cầu xã hội nên tình trạng “tăng giá suy thoái” xảy ra triền miên và không thể khắc phục được nếu tiếp tục hạn chế khối lượng tiền tệ. Điều đó dễ dẫn đến nguy cơ phi tiền tệ hóa nền kinh tế. Người dân sẽ dùng vàng và đôla làm phương tiện thanh toán.

Nhóm “Thứ Sáu” không những khẳng định những biện pháp cải cách tiền lương thời đó không phù hợp mà còn cho rằng tình trạng ngăn sông cấm chợ đã làm lệch lạc hệ thống giá cả. Họ kiến nghị chấm dứt tức khắc tình trạng ngăn sông cấm chợ mà trước tiên là bãi bỏ các trạm kiểm soát trên các trục lộ giao thông.

Áp dụng chính sách tiền tệ tích cực nhằm hỗ trợ sản xuất phát triển. Cải tổ hệ thống ngân hàng để tạo sự tín nhiệm cho người dân gửi tiền. Và điều quan trọng là công bố cho dân biết Chính phủ không bao giờ đổi tiền nữa. Kết quả chống lạm phát thành công và sau này nhiều người trong nhóm được mời vào tổ tư vấn cải cách kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

LcQpWuY5.jpgPhóng to

Năm 1976-1986, giá nông sản tăng từ 0% lên gần 2.000%

* TTXH - thị trường xã hội: được hiểu là thị trường chung của hàng hóa nhà nước, tập thể, tư nhân (hợp pháp và bất hợp pháp).

* TTTC - thị trường tổ chức: được hiểu là thị trường quốc doanh.

* TTTD - thị trường tự do: được hiểu theo giá chợ.

* GIA NS: Giá nông sản.

(Nguồn : Niên giám thống kê 1986)

Thật ra sau giải phóng, theo ông Kiệt, đã từng có ý kiến ở cấp cao muốn duy trì một nền kinh tế nhiều thành phần, sử dụng thị trường. Nhưng sau đó không lâu, xu hướng “tả khuynh” duy ý chí đã thắng thế dẫn tới cải tạo công thương nghiệp ồ ạt, cải tạo nông nghiệp vội vã, đưa dân đi kinh tế mới cưỡng bức.

Đó là một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở thời điểm trước đổi mới. Khi nền kinh tế và đời sống nhân dân đi đến cùng cực thì những quan điểm giáo điều, “tả khuynh” mới bộc lộ rõ tính bất lực của nó.

Đến lúc đó, những tư duy khách quan, tỉnh táo hơn đã cứu vớt từng mảng nền kinh tế. Những cuộc phá rào lúc âm ỉ, lúc bùng phát ở cơ sở tiến đến phá rào trong cả đường lối, chính sách ở trung ương.

Phao bảo hiểm

Hoàn cảnh VN (đặc biệt là miền Nam) khác nhiều nước XHCN khác ở chỗ kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường chưa bao giờ bị xóa sổ triệt để. Những ai đã sống ở “đêm trước” đổi mới chắc hẳn chưa quên cảnh hàng quán lô nhô từ khắp vỉa hè thành phố cho đến ngõ xóm làng quê. Nó như những chiếc phao bảo hiểm khi khu vực quốc doanh không cung ứng đủ hàng cho sản xuất và đời sống.

Chuyên gia sử kinh tế Đặng Phong ví nó như cục bướu con lạc đà lấy chất dinh dưỡng dự trữ sẵn cho chuyến hành trình qua sa mạc khô cằn. Sự khác nhau này góp phần giải thích tại sao khi mô hình kinh tế cổ điển khủng hoảng thì các nước Đông Âu rơi ngay vào thảm cảnh sụp đổ, trong khi mức độ khủng hoảng ở VN nhẹ nhàng hơn.

Hơn nữa, tại các thành phố và gần như toàn bộ nông thôn miền Nam, kinh tế thị trường hay kinh tế tư nhân nói riêng không những kế thừa thời trước 1975 mà còn được hà hơi tiếp sức bởi những quan hệ với Việt kiều và nước ngoài. Hằng năm, Việt kiều khắp nơi gửi tiền, hàng về cho thân nhân trong nước. Tiền tạo thêm vốn kinh doanh hoặc làm tăng sức mua của xã hội. Hàng hóa từ ngoài vào như một nguồn tiếp sức cho thị trường tự do.

Một nguồn lực khác tiếp thêm sức cho thị trường tự do là lực lượng lao động xuất khẩu ở các nước XHCN và thủy thủ tàu viễn dương. Theo ông Đặng Phong, lực lượng này chỉ bằng 1/10 Việt kiều (200.000 so với 2 triệu) nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường nội địa. Họ khai thác nhiều mặt hàng trong nước mang đi như quần áo, đồ mỹ nghệ... và gửi về tất cả những gì trong nước thiếu, từ xe đạp, xe máy, tủ lạnh, tivi... cho đến kim chỉ, bút bi, cúc áo.

Nhờ vậy, dù khu vực kinh tế chính thống rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhưng dân tình không đến nỗi khốn khó như ở Cuba, Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc trước thời Đặng Tiểu Bình. Điều này góp phần giải thích vì sao chuyển đổi ở VN thuận lợi, êm thắm hơn. Kinh tế thị trường ở VN là cái đã sẵn có, khi được hợp pháp hóa nó bung ra phát triển ngay lập tức.

XUÂN TRUNG - QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên