21/11/2006 05:07 GMT+7

Báu vật 23-11-1940

BÙI THANH
BÙI THANH

TT - Bây giờ mỗi khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng, hay mỗi sáng thứ hai hát vang quốc ca trong lễ chào cờ, có thể bạn sẽ tự hỏi: Lá cờ đó ra đời thế nào? Ở đâu? Ai là tác giả? Tại sao năm cánh sao? Tại sao đỏ? Tại sao vàng? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không hẳn vậy. Chúng tôi đi tìm câu trả lời.

10BDJccC.jpgPhóng to
Nhà ông Năm Vẹm - nơi diễn ra Hội nghị Tân Hương (Mỹ Tho) tháng 7-1940 và ra quyết định về lá cờ đỏ sao vàng - Ảnh: Vân Trường

Kỳ 1: Tổn thất trước ngày khởi nghĩa Kỳ 2: Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc

Lá cờ của sĩ, nông, công, thương, binh

Hồi đó, năm 1940, lá cờ dân chúng VN thường thấy là quốc kỳ Pháp. Đương nhiên rồi, thực dân Pháp cắm lá cờ tam tài của họ trên xứ sở này đã hơn 80 năm. Còn ở Bắc kỳ và Trung kỳ, thực dân Pháp chấp thuận cho triều Nguyễn Bảo Đại treo cờ long tinh - tức cờ vàng một sọc đỏ. Cũng lúc đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra đời được 10 năm. Cờ đỏ búa liềm đã được nhiều người biết đến như biểu tượng của những người cộng sản VN. Nhưng đó chỉ là lá cờ của Đảng.

Nhưng sáng sớm 23-11-1940, thật bất ngờ, cờ đỏ sao vàng đã đồng loạt phất lên trong cuộc khởi nghĩa ở nhiều tỉnh thành miền Nam. Lá cờ đó ở đâu ra? Việc chọn lá cờ này làm cờ khởi nghĩa và cũng là cờ của “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” đã được quyết định như thế nào? Cần phải “nghe” lời kể của các nhân chứng năm 1940.

“Hồi ký” của ông Trần Quang Lợi (năm 1940 là huyện ủy viên Huyện ủy Châu Thành) có đoạn, xin trích nguyên văn: “Tháng 7-1940 có cuộc phán đại hội nghị (chắc là khoáng đại hội nghị - NV) của Xứ ủy Nam kỳ họp tại xã Tân Hương có nghị quyết của xứ ủy về việc lập chính quyền quân sự các cấp. Chính quyền thì lập chính phủ lâm thời nhân dân, chính phủ toàn quốc sứ tỉnh huyện xã. Về quân sự tổ chức ủy ban quân sự từ trên xuống xã. Lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Chính phủ và Mặt trận.

Tôi xuống xã Long Hưng họp huyện ủy, nghe phổ biến nghị quyết của xứ ủy và mang về phổ biến lại cho các chi bộ. Sau khi phổ biến nghị quyết của xứ ủy thì công cuộc khởi nghĩa càng ráo riết. Về công tác tuyên truyền, theo chủ trương của xứ ủy là vẽ ngôi sao trên đường, trên cầu, vách tường, treo băng cờ thả bè chuối trôi sông, phải thường xuyên và may cờ chuẩn bị lúc khởi nghĩa mang theo”.

Như vậy, nhân chứng Trần Quang Lợi đã xác định việc “quyết” lá cờ đỏ sao vàng là từ Hội nghị Tân Hương tháng 7-1940, sau đó các địa phương mới triển khai may cờ và cho người đi vẽ ngôi sao khắp nơi. Lời kể của ông Nguyễn Văn Trọng, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Mỹ Tho lúc đó, cho chúng ta những dữ liệu chi tiết hơn:

...“Vào trung tuần tháng 7-1940, Xứ ủy mở cuộc hội nghị mở rộng tại nhà đồng chí Vẹm, xã Tân Hương. Hội nghị nghị quyết thành lập du kích, lập Chính phủ cộng hòa nhân dân, dân chủ lâm thời, qui định quốc kỳ”.

Về quốc kỳ: lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh và qui định cờ: lá cờ hình chữ nhật, bề dài bằng 3/2 bề ngang, ngôi sao năm cánh bằng 1/3 bề dài lá cờ, trung tâm là trung tâm cờ.

Định nghĩa cờ: nền đỏ là tượng trưng cho cuộc đấu tranh của nhân dân. Ngôi sao năm cánh tuợng trưng cho sĩ, nông, công, thương, binh. Ngôi sao màu vàng có ý nghĩa là màu của dân tộc".

Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Văn Trọng, khi các nơi phổ biến về lá cờ mới do Xứ ủy Nam kỳ quyết nghị, mọi người đều tán thành, đặc biệt là ý nghĩa đoàn kết sĩ, nông, công, thương, binh vào cuộc tranh đấu giành lại độc lập cho xứ sở. Theo nhà nghiên cứu Lê Minh Đức - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang, những điều đó đều bắt nguồn từ nghị quyết trung ương tháng 11-1939, trước khi các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn... bị bắt. Nghị quyết này khẳnh định: "Công nông phải đưa cây cờ dân tộc lên", phải huy động dân chúng, tập họp tất cả vào Mặt trận dân tộc thống nhất, phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác; "Phải đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc là tối cao, tất cả mọi vấn đề của cách mạng, kể cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm mục đích ấy mà giải quyết". Và ngôi sao năm cánh thể hiện cụ thể điều đó, khiến cho các tầng lớp dân chúng đã đồng lòng đứng lên khi nghĩa quân phất cao lá cờ khởi nghĩa Nam kỳ.

Vậy là mọi tư liệu hiện có đều xác định thời điểm quyết định chọn lá cờ đỏ sao vàng là tại Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ từ ngày 21 đến 27-7-1940. Công trình nghiên cứu cấp nhà nước năm 2001 về Nam kỳ khởi nghĩa cũng khẳng định như vậy. Song đó chỉ là thời điểm quyết định về lá cờ, còn ý tưởng về cờ đỏ sao vàng và việc phác thảo, thiết kế đã diễn ra trước đó. Vậy ai đã làm điều đó?

Ai là tác giả cờ đỏ sao vàng?

Jf6mioGd.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Hữu Tiến. Ảnh tư liệu

Ở quận Tân Phú, TP.HCM hiện nay có một con đường mang tên Nguyễn Hữu Tiến - quê ở Hà Nam, nguyên xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ năm 1940. Tên đường này được UBND TP.HCM đặt từ năm 1999. Trên website www.tanphu.hochiminhcity.gov.vn có nói rõ Nguyễn Hữu Tiến chính là tác giả quốc kỳ. Trên website của Quốc hội và Đảng Cộng sản Việt Nam, trong phần nói về quốc kỳ cũng đều khẳng định đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng. Cả hai website này đều lấy nguồn từ báo Nhân Dân tháng 8-1997. Đã có hàng trăm bài báo viết như vậy về tác giả quốc kỳ trong gần 30 năm qua. Tuy nhiên, hầu hết những bài báo đó, tư liệu đó đều có cùng một nguồn: nhà văn Sơn Tùng, tác giả cuốn sách Nguyễn Hữu Tiến xuất bản lần đầu năm 1981.

Chúng tôi đến khu tập thể Văn Chương (Hà Nội) tìm gặp nhà văn Sơn Tùng, chỉ với một câu hỏi mang theo: ông đã tìm ra tác giả quốc kỳ như thế nào? Nhà văn Sơn Tùng chậm rãi kể lại câu chuyện mà trước đó ông đã kể hàng trăm lần.

“…Tôi bắt đầu tìm hiểu về lá cờ đỏ sao vàng từ năm 1965. Cũng vào năm ấy, tôi gặp được cụ Đặng Văn Cáp - người được Bác Hồ giao nhiệm vụ theo dõi tin tức thời sự qua radio. Lúc ở Quế Lâm (Trung Quốc), cụ Đặng Văn Cáp biết tin Nam kỳ khởi nghĩa qua radio. Nghe báo, Bác lặng đi, rồi nói: “Dậy non rồi, tổn thất lớn”. Bác Hồ lại hỏi ngay: “Trong Nam kỳ khởi nghĩa có gì mới nữa?”. Cụ Đặng Văn Cáp báo lại là có cờ đỏ sao vàng. Lần đầu tiên nghe nói đến cờ đỏ sao vàng. Bác Hồ hỏi tiếp: “Sao mấy cánh? Sao vàng ở giữa hay ở góc?”. Cụ Cáp trả lời: “Không thấy họ nói”... Sau khi gặp cụ Đặng Văn Cáp, tôi cứ canh cánh trong lòng về một câu hỏi: lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong khởi nghĩa Nam kỳ, ai đã vẽ nên?

Hai năm sau đó, tôi trở thành phóng viên chiến trường vùng Liên khu 4 cũ, rồi được điều đi B. Năm 1968, tại một bệnh viện trong rừng miền Đông Nam bộ, tôi tình cờ gặp ông Năm Thái, một chiến sĩ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Ông Năm Thái kể lại rằng chính ông là người in lá cờ đỏ sao vàng, lời kêu gọi của Xứ ủy, truyền đơn và báo Tiến Lên. Ông cho biết tác giả cờ đỏ sao vàng là ông Hai Bắc kỳ, người phụ trách cơ quan ấn loát, cũng là ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam kỳ. Gọi là ông Hai Bắc kỳ vì ông quê ở Hà Nam, ông hoạt động cộng sản và bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo, sau đó vượt ngục Côn Đảo trở về hoạt động ở các tỉnh miền Tây. Ông Hai Bắc kỳ cũng thường hay dạy học nên người ta còn gọi ông là thầy giáo, giáo Hoài. Trong một lần tổ chức in ấn, ông Hai Bắc kỳ bị lính kín ập đến bắt. Ông bị xử tử tại Hóc Môn vào tháng 8-1941.

Sau khi gặp được ông Năm Thái, tôi phải trở ra Bắc. Cho đến khi giải phóng miền Nam năm 1975, tôi mới quay trở vào để tìm kiếm thêm tư liệu về Bác Hồ và tác giả quốc kỳ. Tìm kiếm ở kho lưu trữ, tôi biết được ông Hai Bắc kỳ chính là ông Nguyễn Hữu Tiến.

Năm 1977, tôi tìm về quê ông Nguyễn Hữu Tiến ở Hà Nam, làng Lũng Xuyên, huyện Duy Tiên. Tôi về đó tổng cộng 16 lần, ghi chép hồi ức về ông Nguyễn Hữu Tiến của những người thân và bạn bè của ông. Từ những tư liệu đó, cộng với những tư liệu trước đó, tôi viết thành một truyện danh nhân. Bản thảo được đưa lên Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương. Năm 1981, Nhà xuất bản Thanh Niên đã ấn hành cuốn truyện nói trên với tựa đề Nguyễn Hữu Tiến. Tác phẩm ấy từ đó đến nay đã được tái bản rất nhiều lần...”.

Nhưng một câu hỏi đặt ra: ngoài nhà văn Sơn Tùng, có cơ quan nào đã tìm hiểu và xác nhận điều đó là đúng hay không? Câu hỏi này đã được đặt ra trước đây và bây giờ lại được bạn đọc báo Tuổi Trẻ đặt ra ngay sau khi Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài về chào cờ và ý thức công dân trước lá cờ Tổ quốc.

--------------------------------------

Trong khi nhiều phương tiện truyền thông hiện nay vẫn cho rằng đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng thì Bộ Văn hóa - thông tin đã không xác nhận điều đó. Và mới đây, tại cuộc hội thảo khá lớn về Nam kỳ khởi nghĩa, nhiều đại biểu đã đề cập đến tên một nhân vật khác.

Kỳ 4: Nguyễn Hữu Tiến hay Lê Quang Sô?

BÙI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên