19/11/2006 04:53 GMT+7

Nền cộng hòa 49 ngày - Kỳ 1: Tổn thất trước ngày khởi nghĩa

BÙI THANH
BÙI THANH

TT - Nam kỳ khởi nghĩa - một trang sử oanh liệt và đau thương của nhân dân miền Nam. Dân chúng đã đứng lên, quyết giành lại độc lập cho xứ sở, dưới lá cờ của những người cộng sản trẻ tuổi.

BBH1854X.jpgPhóng to
Ảnh: N.C.T.
TT - Nam kỳ khởi nghĩa - một trang sử oanh liệt và đau thương của nhân dân miền Nam. Dân chúng đã đứng lên, quyết giành lại độc lập cho xứ sở, dưới lá cờ của những người cộng sản trẻ tuổi.

Tổng bí thư và tất cả ủy viên trung ương đều bị bắt

Một ngày cuối tháng 8-1940, tại tòa tiểu hình Saigon, thực dân Pháp đã đưa ra xét xử và sau đó kết án:

- Nguyễn Văn Cừ: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.

- Hà Huy Tập: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.

- Lê Hồng Phong: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.

- Lê Duẩn: 5 năm tù, 10 năm quản thúc.

DpVjhkrz.jpgPhóng to
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - tổng bí thư Đảng năm 1940 - Ảnh tư liệu
Cả bốn người này đều là tổng bí thư Đảng. Đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập là tổng bí thư giai đoạn trước năm 1940. Đồng chí Lê Duẩn sau này cũng giữ chức vụ tổng bí thư. Còn trong thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đang giữ chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây cũng là lúc chính quyền thực dân Pháp mở chiến dịch lùng sục, bắt bớ hàng loạt chiến sĩ cách mạng và những người dân có liên quan đến cộng sản đệ tam.

Thật ra, chiến dịch này bắt đầu từ cuối tháng 9-1939, sau khi nhà cầm quyền Paris ra lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp và bắt giam những người cộng sản. Ba ngày sau khi có lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp, toàn quyền Đông Dương Catroux ban hành nghị định cấm hết thảy mọi hoạt động liên quan đến cộng sản ở Đông Dương, giải tán tất cả tổ chức và hội ái hữu có liên hệ đến Đảng Cộng sản. Toàn quyền Catroux tuyên bố trước Hội đồng chính phủ Đông Dương: “Chúng ta đánh toàn diện và mau lẹ vào các tổ chức cộng sản. Trong cuộc đấu tranh này phải tiêu diệt cộng sản thì xứ Đông Dương mới được yên ổn và mới trung thành với nước Pháp”.

Và trong chiến dịch bố ráp lùng bắt dữ dội đó, mật thám Pháp đã bắt được thêm một ủy viên Trung ương Đảng tại Hóc Môn. Đó là đồng chí Võ Văn Tần, bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Đồng chí Võ Văn Tần sa lưới giặc Pháp do bị khai báo, sau khi địch bắt được và tra khảo tám cán bộ lãnh đạo của tỉnh Thủ Dầu Một.

Như vậy, trong lúc kế hoạch khởi nghĩa Nam kỳ được triển khai ráo riết thì Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ còn mỗi đồng chí Phan Đăng Lưu là chưa bị bắt (riêng ủy viên trung ương Phạm Văn Xô vào thời điểm này đang nằm trong nhà tù Thái Lan). Nhưng cuối cùng, vào ngày 22-11-1940, một ngày trước khi khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, đồng chí Phan Đăng Lưu cũng sa vào tay giặc Pháp ngay tại nội thành Saigon.

Toàn bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, từ tổng bí thư đến các ủy viên trung ương, đều phải vào tù. Một tổn thất rất nặng trước giờ miền Nam đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Do vậy, trách nhiệm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lịch sử này đè nặng trên vai Xứ ủy Nam kỳ.

hrwejWS8.jpgPhóng to

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1940 - Ảnh tư liệu

Tại sao Saigon không tham gia khởi nghĩa?

Đó là một câu hỏi đặt ra khi mở lại những trang hồ sơ về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Cuộc khởi nghĩa đó đồng loạt nổ ra vào đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 ở nhiều tỉnh thành miền Nam, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhưng lạ thay, ngay trung tâm đầu não cai trị của Pháp ở miền Nam là thành phố Saigon - Chợ Lớn, mọi sự lại yên ắng. Trong khi ban lãnh đạo khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ xem nội thành Saigon - Chợ Lớn là mục tiêu số 1, nhưng cuối cùng mục tiêu số 1 và mang tính quyết định thành bại ấy đã không xuất hiện trên bản đồ khởi nghĩa. Vì sao?

Vẫn do tổn thất về nhân sự lãnh đạo. Do bị nội gián chui sâu vào xứ ủy, thành ủy. Và do một số cán bộ lãnh đạo cấp cao không chịu nổi đòn tra tấn của giặc Pháp nên đã đầu hàng, rồi khai báo. Vì thế, mạng lưới lãnh đạo khởi nghĩa tại Saigon đã bị phá vỡ và tê liệt trước giờ G.

Bí thư Thành ủy Saigon - Chợ Lớn lúc đó là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp săn lùng ráo riết. Ráo riết đến mức nữ bí thư thành ủy này không thể về Mỹ Tho dự Hội nghị Tân Hương - một hội nghị quan trọng của xứ ủy bàn về kế hoạch khởi nghĩa. Nhưng chỉ sau hội nghị nói trên ba ngày, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt cùng với đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (người hiện nay được cho là đã vẽ nên lá cờ đỏ sao vàng). Họ và nhiều cán bộ lãnh đạo khác bị bắt là do bị khai báo. Và người khai báo lại chính là bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (vào thời điểm đó, tỉnh Chợ Lớn có bốn quận: Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và Trung quận. Còn phần đất hiện nay là quận 5, 6, 11 đã được Pháp nhập vào Saigon, thành thành phố Saigon - Chợ Lớn).

SFHRP6Yx.jpgPhóng to
Tái hiện tiếng mõ Nam Lân tại buổi hội trại của đoàn viên và thanh niên TP.HCM trong ngày kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa tại khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (ảnh chụp ngày 23-11-2002) - Ảnh: N.C.T.
Tài liệu mới nhất từ công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa cho biết chiều 22-5-1940, sau cuộc bố ráp kéo dài cả tuần lễ, địch đã bắt được N.D.H., bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Sau một thời gian bị tra tấn, bí thư N.D.H. không chịu đựng nổi nên đã đầu hàng và khai báo. Từ những thông tin khai báo đó, mật thám Pháp đã bắt thêm được nhiều cán bộ lãnh đạo khác. Nhưng nghiêm trọng nhất, tai hại nhất trong đợt này là mật thám Pháp đã bắt được đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến ngày 30-7-1940, đồng thời phá vỡ luôn cơ quan in ấn và mạng lưới liên lạc của thành ủy.

Chưa hết. Do bị nội gián chỉ điểm, đồng chí Nguyễn Như Hạnh, người mới lên làm bí thư Thành ủy Saigon - Chợ Lớn thay đồng chí Minh Khai, cũng bị bắt. Rồi từ tài liệu lấy được trong người bí thư thành ủy Nguyễn Như Hạnh, cảnh sát đặc biệt Saigon đã lùng bắt được đồng chí Tạ Uyên - tân bí thư Xứ ủy Nam kỳ kiêm trưởng ban khởi nghĩa Saigon - Chợ Lớn lúc 16 giờ ngày 22-11-1940, tức trước giờ G khởi nghĩa chỉ có tám tiếng đồng hồ. Ngay tối hôm đó, mật thám Pháp đã mở cuộc bố ráp, bắt thêm hơn 50 người, gồm lãnh đạo thành ủy và cán bộ phụ trách khởi nghĩa, cùng nhiều tài liệu bí mật khác. Kế hoạch khởi nghĩa tại Saigon coi như bị lộ và mạng lưới hành động gần như bị tê liệt trước giờ G. Saigon - Chợ Lớn vì vậy không thể động binh.

Như vậy, trước ngày Nam kỳ khởi nghĩa, có thể thấy rõ được sự tổn thất quá lớn về nhân sự lãnh đạo, cả từ trung ương đến xứ ủy, thành ủy… Nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra đồng loạt lúc 0 giờ ngày 23-11-1940. Dân chúng ở hầu hết các tỉnh đã đứng lên dưới lá cờ của nghĩa quân miền Nam, với tất cả khát vọng về tự do và độc lập cho xứ sở.

Khởi nghĩa Nam kỳ cuối cùng đã bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Nhưng nó đã để lại cho đất nước một báu vật vô giá. Đó là lá cờ đỏ sao vàng ra đời tại miền Nam năm 1940. Đó cũng chính là quốc kỳ của “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc”.

Tác giả loạt bài này có tham khảo và trích dẫn các tài liệu: Công trình nghiên cứu cấp nhà nước về Nam kỳ khởi nghĩa (năm 2001), Lịch sử Đảng bộ TP.HCM (1995), Nam kỳ khởi nghĩa của Tầm Vu (1960), Nam kỳ khởi nghĩa 23-11-1940 của Trần Giang (1996), Văn kiện Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ năm 1939-1940, tài liệu hội thảo Nam kỳ khởi nghĩa tại Mỹ Tho năm 2005, các ghi chép và hồi ký chưa xuất bản của các nhân chứng Nam kỳ khởi nghĩa, cuộc phỏng vấn nhà văn Sơn Tùng (Hà Nội), nhà nghiên cứu Trần Giang (Saigon), nhà nghiên cứu Lê Minh Đức (Mỹ Tho)... và một số tư liệu lịch sử trên mạng Internet.

Kỳ tới: Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc

Một cụm từ nghe hơi lạ. Nhưng nó đã ra đời trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ - mở đầu cho một nền cộng hòa chỉ tồn tại được 49 ngày. Và nền cộng hòa đó đã bị thực dân Pháp điên cuồng tiêu diệt bằng hải lục không quân, trước khi nền cộng hòa kịp công bố nội các của mình. Trong nội các đó, Nguyễn Ái Quốc được chọn làm tổng thống.

BÙI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên