05/11/2006 13:30 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 19: Tình bạn trong phút cuối

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - Không ai làm được những cuộc phỏng vấn cụ thể mỗi người Việt Nam, chung một câu hỏi: Ngày 30-4-1975 đang làm gì, ở đâu? Câu trả lời sẽ là phần thịt da toàn vẹn hiện lên đắp đủ cho phần xương - là những sự kiện lịch sử được khái quát. Bức tranh chỉ có thể toàn vẹn khi hiện rõ lên các số phận con người trước cơn bão táp lớn nhất đem lại ngày toàn thắng cho cả một dân tộc thoát cảnh nô lệ.

Nếu chỉ là các số, thì ngày nay người ta có thể biết một cách rộng rãi bước đi cuối cùng của chiến thắng đã diễn ra như thế nào! Ngày 6-1-1975 quân ta giải phóng Phước Long; ngày 1-3 mở chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, đánh chiếm Buôn Mê Thuột, tiểu khu Daklak. Địch hoảng hốt rút bỏ Pleiku, Kontum, Quảng Trị, Huế, đưa lực lượng về cố thủ ở ven biển Miền Trung và bảo vệ Sài Gòn. Quân ta truy kích suốt ngày đêm. Ngày 17-3 Pleiku, Kontum giải phóng. 25-3 toàn bộ Tây Nguyên đã thuộc về cách mạng. 19-3 Quảng Trị, tuần cuối tháng 3 là Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và 29-3 Đà Nẵng giải phóng, từ ngày 1 đến ngày 4 tháng tư 5 tỉnh nữa: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tuyên Đức được giải phóng. Sau một tháng, quân ta giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung.

Ngày 26-4 cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định bắt đầu. Quân ta từ 5 hướng tiến công, làm tan rã các sư đoàn ngụy. Sư đoàn trưởng Sư 5 và 7 tự sát. Hàng loạt sĩ quan, nhân viên chính quyền ngụy kéo nhau chạy ra nước ngoài. Ngày 30-4 quân ta tấn công vào nội thành Sài Gòn và hình ảnh chính quyền ngụy đầu hàng và chiếc xe tăng quân Giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, lá cờ cách mạng được cắm trên nóc dinh, đã là những hình ảnh tiêu biểu nhất trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.

Sự kiện lịch sử có tính “thống kê niên giám” ấy đã và vẫn đang được các nhà văn, nhà nghiên cứu của Việt Nam và thế giới tiếp tục nghiên cứu, bởi tìm ra những tư liệu mới mãi chưa thôi. Riêng những ngày này, đã được Frank Snepp, chuyên viên phân tích chiến lược của CIA viết hẳn cuốn sách Cuộc tháo chạy tán loạn (The dencent Interval) đưa ra phần nào hình ảnh của những ngày cuối cùng này. Frank Snepp có điều kiện chứng kiến từng chi tiết, diễn biến. Từ cách phản ứng thảm hại của các viên tướng ngụy thua trận bỏ mặc quân lính tan rã, rồi lên máy bay ra tàu USS Midway trên biển Đông để tháo chạy, cho tới cảnh Tổng thống

Dương Văn Minh buồn rầu bắt tay lần cuối tham mưu trưởng Hải quân. Tại Nhà Trắng ở Hoa Thịnh Đốn, cũng theo sự miêu tả của Snepp, “Tổng thống Ford mệt mỏi căng thẳng sau một ngày dài lo nghĩ, đã lên giường nằm. Ông sắp uống như thường lệ, một ly bia bơ nóng ở trên bàn. Dưới nhà, Kissinger tiếp tục đọc tin mặt trận. Theo báo cáo mới nhất của chỗ Tướng Smith thì quân đội Sài Gòn đã sụp đổ và bộ chỉ huy không còn”. Quân chính phủ rút lui “như đàn cua trước nước lên” (chữ dùng của Snepp) và cảnh hoảng hốt tán loạn một cách khá chi tiết khi ra đi của các nhân vật như tướng Timmes, Polgar (chủ nhiệm Sở CIA ở Việt Nam), Martin (đại sứ Mỹ) và rất nhiều nhà báo nước ngoài cố gắng hành nghề đến giây phút cuối.

Cho mãi đến những năm sau này, báo chí Mỹ và các nước cố gắng tái hiện lại càng chi tiết càng tốt những gì xảy ra ngày hôm đó, một thời khắc hiếm hoi của lịch sử thế giới. “Đó là 4 giờ chiều của Washington, Brent Scowroft cắt ngang cuộc họp ở Nhà Trắng để trao cho Tổng thống Ford một tờ giấy vừa nhận tin. Đó là giờ phút bắt đầu chiến dịch “Gió lớn” (Operation Frequent Wind) tên gọi của chiến dịch di tản khỏi Sài Gòn”. Vào giờ đó, đài phát thanh Sài Gòn phát bản nhạc hiệu đã quy định như mật hiệu rút lui, bản “White Christmas” báo hiệu cho người Mỹ. Các nhà báo mô tả lại giây phút phải chặt bỏ cả cây me trong Tòa Đại sứ Mỹ để cho máy bay lên thẳng có thể đổ xuống. Hàng ngàn người Việt Nam hoảng sợ la hét trước bức tường Tòa Đại sứ. Chính Snepp và các nhân viên sứ quán phải kéo những người bạn quen của họ qua bức tường để vào bên trong và đạp những người không quen xuống đất bên ngoài. Những cảnh chen lấn hoảng sợ leo lên máy bay lên thẳng ở mái nhà Tòa Đại sứ và mái nhà của cơ quan CIA đường Gia Long đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn sụp đổ.

Tuần báo Newsweek đã miêu tả câu chuyện của ông Ẩn trong ngày 30-4 như là một chi tiết, một cận cảnh của bức tranh ấy. Đó là việc ông Ẩn đã “cứu” Trần Kim Tuyến đi di tản chuyến cuối tháo chạy khỏi Việt Nam trong một hoàn cảnh tưởng đã tuyệt vọng!

Tờ Newsweek cho rằng: “Tuyến sẽ bị giết chết nếu ông ta còn ở lại Sài Gòn”. Khi ông Tuyến gọi điện cho Sứ quán Mỹ hôm đó, tìm sự giúp đỡ của CIA đưa ông đi thoát, ông được trả lời là cơ quan CIA đã rời đi hết. Quá hoảng sợ lo cho tính mạng, ông quay lại tìm người bạn thân Phạm Xuân Ẩn, người được đánh giá là có nhiều mối quan hệ rộng vào bậc nhất ở Sài Gòn. Sau này trong các cuộc phỏng vấn của các ký giả quay trở lại Sài Gòn đã giải phóng nhiều năm, ông Ẩn đã miêu tả lại vẻ mặt hãi hùng của ông Tuyến khi tìm ông trong phòng khách sạn dành cho các nhà báo Mỹ. Ông Ẩn vội vã lái xe đưa ông Tuyến đến Tòa Đại sứ Mỹ kiếm tìm cơ hội cuối cùng bất kỳ có được. Nhưng cảnh tượng thật hãi hùng: Tòa Đại sứ đông nghẹt những người cầu cứu hoảng loạn. Chiếc xe cũ Renault của ông Ẩn không sao len vào được. Gọi điện khắp các địa chỉ cần thiết khác trong thành phố, cuối cùng ông Ẩn liên lạc được với một nhà báo Mỹ có thể nhắn cho Tòa Đại sứ. Nhờ thế họ mới biết được còn chuyến di tản tại ngôi nhà của CIA đường Gia Long nơi đã “diễn ra” hình ảnh biểu tượng của Sài Gòn sụp đổ.

Ở tòa nhà này, họ cũng suýt nữa thì trượt chuyến đi. Cánh cửa thép của tòa nhà đã đóng lại khi chiếc xe Renault ông Ẩn chở bạn chạy tới. Người lính gác không mở cửa để tránh dòng người có thể ập vào. “Đề nghị cho gọi ông Polgar!” Ông Ẩn yêu cầu được gặp sếp CIA mà ông quen. Nếu gặp được Polgar, chắc chắn ông ta biết câu chuyện trầm trọng của ông Tuyến, sẽ giải quyết ngay. Nhưng người lính gác không chịu gọi. Vừa may lúc người vợ của anh lính gác đi mua đồ ăn đến. Cánh cửa hé ra cho bà ta vào, thế là ông Ẩn dùng một tay giữ chặt cửa, tay kia đẩy mạnh bạn mình vào lọt. Tờ Newsweek kết luận: Thế là, vị trùm cảnh sát mật vụ Sài Gòn đã được một điệp viên của Hà Nội cứu thoát, leo lên mái nhà để lên máy bay đi di tản.

Trong nhiều bài báo của các nhà báo thế giới khi trở lại Việt Nam tìm tòi mọi câu chuyện, người ta đều chú ý chi tiết này. Một điệp viên tình báo chiến lược đã cứu mạng viên chỉ huy mật vụ, người cộng tác lâu năm của CIA. Bài phỏng vấn của Morley Safer cũng không bỏ qua chi tiết này. “Chuyện gì xảy ra sau khi mọi người đi khỏi?” Ông Ẩn: “Bob Shaplen đưa tôi chìa khóa phòng của anh ta tại khách sạn Continental. Mấy phóng viên ngoại quốc khác cũng làm theo. Tôi trở về nhà đón mẹ tôi và dọn lên ở khách sạn. Tôi biết rằng ở đó có an ninh hơn. Mẹ tôi lúc đó cũng rất đau yếu nên tôi nghĩ có thể chăm sóc mẹ tôi dễ dàng hơn tại khách sạn. Tôi đoán vợ và các con tôi đã ra đi được trên một chuyến máy bay nào đó. Vì sao tôi ở lại? Ngoài việc chúng tôi đã đẩy hết người ngoại quốc ra khỏi xứ sở, giành độc lập, cần phải góp phần xây dựng lại Tổ quốc, thì còn lý do nữa là mẹ tôi đã quá già yếu, không thể đi được. Những điều này thật khó mà giải thích cho người ngoài cuộc hiểu được” Safer kết luận: “Ý thức bổn phận của một đứa con, chọn sự trung hiếu thay vì là Tự do”.

Về câu chuyện ông Ẩn cứu Trần Kim Tuyến, Safer viết: “Tuyến chắc chắn là mục tiêu trả thù đầu tiên của Việt Cộng. Với sự giúp sức của Mỹ, Tuyến đã tổ chức và chỉ huy mạng lưới tình báo đầu tiên của chính quyền Sài Gòn chống lại Cộng sản Miền Bắc. Trong tình hình hỗn mang của Sài Gòn sụp đổ, Tuyến bị lỡ hai chuyến bay do CIA tổ chức cho anh ta và gia đình. Vợ con ông ta thì đã tìm cách thoát đi qua ngả bạn bè ở Tòa Đại sứ Anh. Riêng Tuyến đến ngày cuối cùng không còn ai ngoài Phạm Xuân Ẩn để nhờ cậy. Ẩn đã đẩy Tuyến vào xe hơi của mình chạy vòng vòng trên một Sài Gòn đang sụp đổ để tới một cao ốc của Mỹ, vượt qua lính gác mở cánh cửa sắt đẩy Tuyến vào. Trong một bức ảnh ở ngày cuối cùng ấy, trong lố nhố khuôn mặt nhào tới chiếc trực thăng Mỹ trên nóc tòa cao ốc, có mặt Tuyến. Nhưng Ẩn đã không có mặt trong hình. Anh ta đã ở lại”.

Ngày 30-4 năm 2001, qua đi đã 26 năm, và dường như vị tướng già này vì lịch sử mà phải kể lại, chứ nó không còn là câu chuyện quan trọng nữa. Ông cho nó là chuyện cũ.

Vì sao ông Tuyến lại rơi vào cảnh đó, khi mà ông ta đứng đầu bảng số những người mà Mỹ phải đưa đi? “Ông ta là nhân vật thứ ba sau Diệm - Nhu. Làm Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị - văn hóa - xã hội, người Mỹ gọi là Sở Mật vụ. Trong suốt cuộc đời làm việc, quan hệ lấy tin tức, ông mến tôi. Sau đảo chính Diệm 1963, ông ta cũng bị bắt. Ông ta đi cùng máy bay với ký giả Stanley Karnow từ Hồng Kông về. Ổng bị bắt ngay trước mắt Stanley. Sau lúc ông ta bị bắt, tôi tới nhà thăm, bả đang mang bầu. Vì sao ông ta kẹt lại ngày 30-4 khi vợ con đi cả rồi? Vì ông này ghét Thiệu. Trước giải phóng một tháng, ngay sau khi Đà Nẵng thất thủ, Tuyến vẫn đang trong một âm mưu lật đổ Thiệu để lập chính phủ mới.

Tối 1-4 bác sĩ Trương Khuê Quang, giám đốc trường Quốc gia nghĩa tử, người trung gian của Tuyến đưa Tuyến đến gặp Trí Quang. Đêm mồng 3 rạng mồng 4 Thiệu bắt nhốt hết những phần tử âm mưu đảo chính. Thành ra mới có vụ cả dân biểu, nghị sĩ, nhà báo bị nhốt. Ông Tuyến hy vọng Thiệu đi sớm, sẽ thả đàn em của mình ra. Nhưng mãi khi ông Hương lên rồi vẫn thưa thả, 26 mới thả. Ông Tuyến yên trí CIA đưa mình đi”.

Ngày 30-4 đó, câu chuyện của ông Ẩn làm rõ thêm hình ảnh cuối cùng: “Người cháu ông Tuyến, một viên thiếu tá chở ông đến bằng xe Hon-đa. Tôi giục nó về lo vợ con, để ông Tuyến lại. Tôi kêu Tòa Đại sứ. 5 cái telephone tất cả. Sự thể diễn ra như báo chí nói rồi. Tuyến đi chuyến cuối cùng của CIA cùng với ông Trần Văn Đôn. Ông Đôn trông cũng thảm, không lên được mấy chuyến trước. Con ông bảo “Ba! Ba! Đừng bỏ cuộc”. Cô bí thư tên là Hà Hiếu Lang, em đại tá Điệp. Sau cô bí thư của ông Polgar, chủ nhiệm CIA nhường 3 chỗ cho gia đình trung tướng Đôn. Người cuối cùng lên máy bay là ông Tuyến. Trong hình, cái người thấp bé là ổng. Chi tiết này sau tôi biết được do đọc báo trong bài người ta phỏng vấn tướng Đôn. Tấm hình cuối cùng đó của một phóng viên hãng UPI. Hãng được sử dụng 20 năm, mới gần đây tác giả mới lấy bản quyền”.

Safer viết: “Ẩn đã can đảm giúp cho Trần Kim Tuyến thoát khỏi Việt Nam. Tuyến là một trong những viên chức cao cấp nhất của CIA tại Việt Nam. Là một tay âm mưu bất trị làm việc cho Thiệu sau đó chống lại chính quyền Thiệu. Vào ngày cuối cùng của Sài Gòn Tuyến vẫn còn nỗ lực thương thuyết với Phật giáo để lập một chính quyền mới”.

Có lẽ những việc cứu kẻ thù này không chỉ diễn ra một lần. Ông đã từng cứu cả những người bạn Mỹ thoát chết trong các tình huống cực kỳ phức tạp của chiến tranh. Vì sao ông làm điều đó? Các nhà báo nước ngoài có phần cho rằng vì ông được đào tạo từ nhiều nền văn minh Pháp - Mỹ, hiểu và sống theo giá trị nhân văn, thoát ra khỏi quầng tối của sự cực đoan nên nhân cách cao quý đã giúp ông làm nên nhiều việc phi thường. Khi ông trả lời Henry Kamm “Những hoạt động của tôi hoàn toàn được chia ra những ngăn riêng biệt” là nói về sự tồn tại khác thường của ông ở cả hai phía. Những cái mâu thuẫn ấy thật không sao tả nổi. Nội làm một cái nghề lấy tin tức báo chí không thôi đã nghịch cảnh rồi. Làm báo, tìm mọi cách moi tin, để rồi đưa ra rộng rãi. Còn làm nhiệm vụ tình báo thì tìm mọi cách lấy được tin tình báo rồi, lại phải giấu biệt đi. Ông thường phải sống với nghịch cảnh đó.

Cái ngày 30-4 ấy hình như bây giờ mỗi khi nhớ lại, ông phát hiện thêm tình trạng của chính mình. Vợ con ông đã đi cả, còn một mình ông với mẹ già ở lại. Ông chưa nhận được chỉ thị gì mới. Đó cũng chính là lúc hỗn loạn, rất có thể một chàng lính trẻ Giải phóng nào đó không biết ông là đại tá trong quân đội Cách mạng, với cây AK47 trên tay thì chẳng có lời giải thích nào lọt tai anh ta. Và rất có thể “tụi nó sẽ giết tôi đồng thời nướng sống mấy con chó của tôi nữa”.

Ông Ẩn ít khi nói về nỗi sợ hãi, không phải ông cố tỏ ra can đảm, mà là cho rằng sợ hãi, lo âu trong đời người tình báo là tất yếu, luôn luôn. “Những lần ấy ông Tuyến làm tôi muốn đái ra máu”, vẫn cái giọng ôn hòa rất hài hước dân dã mà không lộ liễu, ông kể về cuộc cứu ông Tuyến nó gay go thế nào. Không chỉ là việc Tuyến cuống quýt leo lên được chuyến máy bay cuối cùng, mà trước đó nữa, suýt thì ông lâm vào cảnh rắc rối vì Tuyến. “Ông Tuyến đang lo mưu đảo chính. Đà Nẵng mất ngày 29-3, trong này Tuyến càng gấp gáp. Cái đêm cả đám 14, 15 đàn em của Tuyến và lối một chục tên của các tổ chức khác bị nhốt ấy thật đáng sợ. Tuyến rất có thể sẽ bị bắt vì đứng đầu. Tất cả những ai thân thuộc qua lại nhà Tuyến cũng sẽ bị bắt. Nếu có bắt tôi lúc này thì rất kẹt. Sau chiến thắng Ban Mê Thuột là biết địch sẽ di tản. Phải chuẩn bị chờ lệnh mới, mà mình bị bắt, bị thủ tiêu thì thật khủng khiếp. Suốt cả ngày tôi không ăn uống gì được. Tôi vào ngủ trong tòa báo, không dám ở nhà”.

Sau này ông mới biết được cái cảnh ông Tuyến nghe điện thoại vợ con đàn em lần lượt báo tin chồng họ bị bắt. Ông ta mặc đồ Tây sẵn sàng trong đêm để bỏ trốn. Ông Tuyến không bị bắt do có sự can thiệp của Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo. “Còn với tôi, có lẽ họ còn ngại đụng đến người của báo Time”.

Cho dù đã đọc chuyện 30-4 do báo chí viết, cũng như lời ông kể với bạn bè, tôi vẫn thấy ông còn là điều bí ẩn. Có nhiều chuyện tuyệt mật chưa được giải mật chẳng bao giờ ông kể đã đành, nhưng có nhiều điều bình thường ông cũng không kể ra. Nó thoảng qua trong câu chuyện khiến người tinh ý hiểu rằng phía sau còn nhiều chiến công thầm lặng. “Có những chuyến trước khi tôi đi, vợ chồng tôi phải xác định với nhau một là nó bắt, thủ tiêu thì tốt nhất. Hai là đáng sợ hơn nó bắt tra khảo, lộ ra tài liệu thì liên lụy nhiều người”. “Có lần nguy hiểm đến nỗi tay đưa ám hiệu, chân tôi vẫn run bần bật. Dù đã cố trấn tĩnh, nhưng phản xạ tự vệ của cơ thể khiến nó vẫn run lên trước tình thế quá nguy hiểm”.

Trong câu chuyện, ông rất ít trả lời vào những câu hỏi về người vợ mình. Bà đã thôi hẳn công việc của một nhân viên tiểu công nghệ để làm người nội trợ. “Để cho không có môi trường địch có thể đánh vào bên trong”. Ông giải thích sơ lược, vì nó động đến các vấn đề kỹ thuật của nghề tình báo. Dù luôn có ý thức cảnh giác đi nữa, càng ít mối quan hệ với bên ngoài càng tốt cho vợ ông. Bà không đi làm việc ra ngoài. Không có người ở giúp việc. Bà vẫn đi riêng kín đáo theo dõi từ xa mỗi khi chồng giao tài liệu cho giao liên. “Rủi có bị bắt thì bả báo cho cơ sở ta biết”. Mỗi khi ông đến nhà các nhân vật quan trọng, bà đi theo cốt kéo bà vợ hay nghe chuyện của ông chủ nhà ra một chỗ. Hai người vợ nói chuyện, để cho chồng bà nói chuyện với ông chủ nhà.

Từ ngày 23-4 vợ con ông đã được gửi sang Hoa Kỳ. Họ bay trên chuyến bay sơ tán thân nhân những người làm báo Time. Tòa báo muốn tránh cho khỏi vướng vào chiến trường có thể sẽ đẫm máu ở Sài Gòn. Sau này, họ đã trở về được.

Những chi tiết về người vợ chỉ xuất hiện rất ít. Henry Kamm cũng chỉ có được vài dòng sơ qua: “Chỉ có mẹ và vợ của ông Ẩn biết cuộc sống lưỡng diện đầy nguy hiểm của ông”.

Hình như vì nhiệm vụ Cách mạng và công việc khác thường của vị tướng, mà cả gia đình ông cũng sống phong cách Ẩn. Người ta chỉ thỉnh thoảng thấy bóng bà trong phòng khách, ít khi ngồi tiếp khách cùng chồng. Mọi lo toan, sự can đảm của bà êm thấm ở khu sau nhà, nơi mọi sinh hoạt hậu cần diễn ra với tiếng la chí chóe của đứa cháu nội nghịch ngợm nô giỡn. Còn về người mẹ của ông, không có hình ảnh gì nhiều ngoài vài chi tiết. Bà không đi Mỹ với con dâu và các cháu mà đến ở trong tòa báo với con. Qua câu chuyện của ông Ẩn, hình ảnh cuối cùng của người mẹ, cũng chỉ là hình ảnh của một đám ma im lặng.

“Bà già tôi mất ở chính ngôi nhà này. Làm đám ma mà hàng phố trước cửa không ai hay. Làm êm rơ, lúc đưa ra cửa, hàng phố mới biết. Có người nói nhà ông Ẩn cách mạng, làm đám ma nhanh quá, như mấy ông cán bộ. Tôi bảo họ: “Không phải, cách mạng người ta đàng hoàng, đâu như tôi, ông nội!”

Nói chuyện này ông Ẩn không nhìn ra xung quanh. Ông rót nước trà mời khách và cho biết ngôi nhà này sống đã bốn thế hệ, chết một còn ba…

Những người phụ nữ quan trọng nhất đời ông, mẹ và vợ chỉ xuất hiện rất ít trong câu chuyện. Nhưng vì thế lại càng gợi lên bao nhiêu mong muốn tìm hiểu về họ. Càng mong muốn càng gặp sự im lặng. Không phải ông cố giấu, hoặc khiêm tốn. Cũng có thể nhưng có một phần chắc là do lối sống kín đáo cả một đời. Phải chăng vẻ đẹp đó cũng mang chút gì như “bệnh nghề nghiệp?”.

Vị tướng đã yếu ớt do bệnh và tuổi cao. Dáng đi của ông hơi còng xuống, do cao gầy, hay là do thân thể ấy đã mang vác một cuộc đời quá phong phú và gian truân. Chỉ vẻ mặt, đôi mắt to đen thông minh và đôi tai to, người trong nghề nhạc gọi là đôi tai thẩm âm tốt, làm toát lên vẻ linh hoạt, trẻ trung của một trí tuệ vẫn mạnh mẽ.

Ông ngồi giơ điếu thuốc, miêu tả cách gói tài liệu tài tình của những chị giao liên. Họ nhét vào bụng cá, để cho hôi rình. “Bọn lính mở ra khám là bố mày đưa trả ngay. Sao chịu được mùi khắm hôi rình”.

Khi giải thích cái từ kỹ thuật nghề nghiệp của người tình báo hoạt động độc lập và cô đơn mà thuật ngữ nghề nghiệp Anh - Mỹ gọi là “Lone Wolf” (chó sói cô đơn) ông lại có một thoáng cười hài hước tự trào của người già thông thái: Trong bầy sói thường có con sói đầu đàn dũng mãnh xông pha. Nhưng khi về già, nó không theo kịp bầy đàn nữa, mà thường tách ra khỏi đàn, đi một mình kiếm ăn cho qua đời.

Cái cười hài hước về thân phận người, không chua chát. Có vẻ gì đó ung dung của một người thông minh chấp nhận quy luật của thiên nhiên.

Có lẽ vì thế mà với những nhà báo phỏng vấn kỳ cựu nhất, tỏ ra hiểu con người nhất vẫn phải chịu cảm giác của Morley Safer: “Những giải thích của Ẩn không làm sáng sủa gì hơn mà lại càng khiến anh ta thêm bí ẩn. Bài toán đố càng trở thành khó hiểu. Ngồi cách tôi không xa trong vùng tranh tối tranh sáng nhìn qua làn kính dày, cặp mắt anh lớn ra một cách tức cười. Ẩn bước ra khỏi cứ điểm, nhưng liệu còn bao nhiêu lớp che giấu nữa và còn thêm những gì tự thú trong tình bạn bè?”

Đúng là cảm giác ấy. Đôi khi ông như bước ra “khỏi cứ điểm” của cuộc đời đầy bí ẩn rồi lại bước vào, bao nhiêu là sự kiện quý báu của lịch sử đã đi qua mà không muốn để lại điều gì về cá nhân mình.

Đây chính là sự bất lực của những ai ham muốn tái hiện cuộc đời ông bằng chữ nghĩa. Ông không cố ý làm họ đau đớn hay thất bại. Giúp ai được gì ông cố giúp, nhưng ông giữ lại cho mình lối sống tự nhiên, rất im ắng đi vào chiến công sáng chói của người anh hùng. Nay lại im ắng rút lui khỏi hào quang sáng chói của sự tôn vinh của xã hội khi mọi việc đã hoàn tất.

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên