02/11/2006 13:30 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 16: "Lúc nào cũng gay go"

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - Dường như không có một lúc nào dễ dàng trong đời ông “Giai đoạn nào gay go nhất trong đời”, có nhà báo hỏi vậy, vì biết rằng muốn viết về một cao trào nào đó thì được còn viết về cả cuộc đời ông Ẩn là một điều khó thực hiện. Ông ngẫm nghĩ như rà soát nhanh lại đời mình và bảo: “Nhỏ tới lớn, lúc nào cũng gay go hết”.

Nếu đã lướt qua thời thơ ấu, thời thanh niên và cuộc đời hoạt động có thể bị bắt bị giết bất cứ lúc nào, thì rõ ràng là khó chọn lựa lấy một cao trào nào riêng biệt trong cuộc đời người tình báo.

Hồi mới hoạt động tình báo, tuổi ngoài 20, làm kho 5 Hải quan thời Pháp, chàng thanh niên mới chỉ làm công việc quan sát việc di chuyển hậu cần của quân Pháp. Có một lần anh đạp xe đi đến chỗ hẹn với bà liên lạc để chuyển tài liệu cho ông Phạm Ngọc Thạch. Ẩn đến chỗ hẹn trễ giờ, trên người có dính tí máu. Anh bị xây xát ở đâu đó không để ý. “Sao trễ vậy?” - người liên lạc tá hỏa khi nghe chàng trai trả lời là anh vừa đánh lộn vì “đổ dốc cầu, va vào thằng kia”. Nó gây sự sao đó, tuổi trẻ không biết kiềm chế, anh đã xông vào đánh nhau. Bà liên lạc giảng giải và nghiêm khắc phê bình: Phải trái gì cũng phải bỏ qua. Mình đang làm nhiệm vụ quan trọng. Đánh lộn, tài liệu để trong bụng nó văng ra sao? Đánh lộn, cảnh sát nó bắt về bốt có chết không?

Ẩn nhớ mãi lời bà liên lạc nói hôm đó: “Tội cậu nặng lắm đó. Nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu. Nó có chửi bố mình cũng phải làm thinh mà đi. Chà, cậu làm nghề này không được rồi. Từ nay cấm tiệt chuyện gây lộn. Xe có hư cũng vất liệng qua, đi làm nhiệm vụ cho kịp hẹn.”

Ông Ẩn như vẫn còn ân hận về chuyện đó. “Qua kinh nghiệm mới nhớ lâu. Tôi biết ơn bà liên lạc, sau giải phóng có hỏi thăm xem bà ở đâu nhưng không ai biết. Hình như bà mất rồi. Không sao biết được, vì sau Hiệp định Genève là tôi cắt hết liên lạc mối đó để làm nhiệm vụ với đường dây khác”.

Bài học về cảnh giác và bí mật luôn thường trực nhưng không phải dễ rút kinh nghiệm vì đâu có chuyện nào giống chuyện nào. Một lần ông bí mật vào căn cứ chuyển tài liệu. Ở trong chiến khu quân ta bắt được một người lính Mỹ con nhà giàu, có máy chụp hình rất đắt tiền. Các đồng chí định lấy chiếc máy đó cho Ẩn vào thành phố, nếu có chụp tài liệu cũng có máy tốt chụp cho rõ. Nhưng ông Ẩn cảnh giác. Nó bị bắt, mình lại cầm máy của nó về Sài Gòn xài thì bằng lạy ông tôi ở bụi này. Lấy máy của nó là chết!

Cũng giống như một tết nọ, bà liên lạc và các đồng chí ở chiến khu biết Ẩn thích cây cối chim chóc nên đã đem biếu một cành mai rừng tuyệt đẹp. “Mai gì?” “Trắng, chưa nở”. Thôi chết rồi, loại mai này chỉ mọc trong rừng sâu, vùng giải phóng. Các chị em khác cũng thế. Có một chị liên lạc, con được 2 tuần đỏ lói bồng đi liên lạc. Tôi nghe kể khâm phục vừa sợ cho tính mạng cháu bé và điều đó bắt tôi phải tích cực hoạt động cho xứng đáng công lao và sự hy sinh của các chị. Có một bà còn bắt cá nhét tài liệu vào bụng cá. Bà lắm sáng kiến và rất nguyên tắc. Hoạt động như vậy, liên lạc là công việc rất quan trọng. Từ chỗ liên lạc bị bắt, có người phản bội là chết. Các chị rất kiên cường”.

Ông chuyển tin đi cách nào?

“Trước tôi có cả hộp thơ sống (người liên lạc) và hộp thơ chết (các chỗ quy định đặt tài liệu như gốc cây, ghế ngồi). Sáng tôi dắt bécgiê cho nó đi đái. Tôi đứng hút thuốc lá, lúc dụi thuốc đi thì để nhanh tài liệu viết sẵn vào chỗ đã hẹn. Khoảng nửa tiếng sau liên lạc tới. Hai người không biết nhau, người nào làm việc người ấy”. Nếu là tài liệu dày, phim tới 10 cuốn thì sao? “Dùng bọng cây gần trường đua hoặc gò mả có bia, trở đá ra gửi vô đó đậy lại, người liên lạc đến cúng nhang, lấy đồ. Phải đổi chỗ luôn. Phải lựa bọng cây chim đẻ rồi không đẻ nữa, để tài liệu trên cao, phòng con nít. Nhưng tốt nhất vẫn là dùng người”.

Nếu đưa trực tiếp, thí dụ ở tiệm thuốc, phải có quy ước. Liên lạc sẽ có quy ước từ trước báo dấu hiệu an toàn. Thí dụ nếu không thấy bẻ cành cây và có dấu than, phấn, tức là không an toàn, liên lạc sẽ không đến. Theo quy ước là chờ thêm 5 phút, nếu trật, hẹn lại. “Trật một cái là hai bên đều lo âu. Do đó, đúng hẹn phải tới cho được”. Đã có lần liên lạc từ trong khu ra, bị hư xe. Ông Ẩn đi hành quân về không kịp. Hẹn tới lần thứ ba không thấy tới là phải cắt luôn để điều tra xem sao. Có khi “hàng hóa” đã để rồi mà quan sát chưa thấy liên lạc tới lấy, ông phải lấy lại tài liệu đem về.

“Cái nghề nó khó chỗ này”. Ông giải thích: không phải chỉ là chuyện hành động chuyển tin đi, mà thời đại văn minh ngày nay càng khó vì có đủ thứ hết. Thí dụ quan hệ với nhân vật họ đã chú ý an ninh cả hai bên cùng theo. “Khi nhập cảnh, khi xin Passport là người ta đã nắm hết lịch sử cá nhân rồi. Luôn luôn bị điều tra. Có lẽ đó là một “kinh nghiệm” nữa của ông Ẩn. Khi ông làm báo cho hãng phương Tây là an ninh đã điều tra về con người ông rất kỹ. Lý lịch của ông có chi tiết làm việc cho Sở Chính trị Phủ Tổng thống.

Ông Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị, văn hóa và xã hội tức là mật vụ thời Diệm, cộng tác lâu dài với Cục tình báo Trung ương Mỹ. Lúc đó Tuyến có biết việc Ẩn bị điều tra để cấp thẻ báo chí. Vì quen biết nên ông Tuyến đã làm một việc tưởng là che giấu giúp bạn. “Nó hỏi moa rằng toa trước có làm Sở nghiên cứu không, moa bảo không”. “Chết rồi! Ông phải nói rõ là có vì nó sẽ điều tra ra ngay. Hồi đó còn ghi rành rành: cấp bậc ngang cử nhân chỉ số chuyên viên 420. Nay chối không ổn. Nó cho là dối trá còn chết nữa. “Tuyến đành “thôi được để moa kêu điện thoại cho nó nói rõ lại kẻo lôi thôi”. Thật hú vía. Suýt nữa thì Ẩn bị điều tra.

“Nhỏ tới lớn lúc nào cũng gay” cũng có nghĩa là lúc nào cũng phải đương đầu, luôn lo lắng tự kiểm soát mọi hành vi của mình. Chuyển tài liệu đi chỉ yên tâm khi biết chắc chắn tài liệu đến nơi, đừng thất lạc. Ông nhớ mãi cái lần hú hồn vía, ông vừa vào họp cụm trong cứ, hôm sau về nhà. Liên lạc bị bắn chết, tài liệu lọt vào tay địch. Đó là báo cáo về một người vừa nhận chức làm việc cho một cơ quan bình phong của CIA, được mười hôm đã có báo cáo vào khu. Khi ông vừa về đến Sài Gòn, một người ở bên an ninh báo cho ông biết “có địch trong bình phong này, nó lấy tin quan trọng báo ra khu”. Ông Trần Kim Tuyến thì tham khảo ý kiến “ông nhận định xem có phải Việt Cộng lọt vào không”. “Làm gì có”.

Ông Ẩn phân tích “tin tức lọt vào Việt Cộng là do nội bộ mình. Thằng nào cũng giành chỗ làm đó vì lương lớn và an ninh Mỹ đã điều tra kỹ mới cho làm việc. Họ đánh nhau bằng cách đưa tin đầu độc ra làm cho thằng này sợ, hoảng quá xin thôi rồi đó”. Ông Ẩn báo tình hình này vào khu. Do tài liệu bị mất, để đảm bảo an toàn cho công tác, trong khu nói ông hãy ngừng hoạt động một thời gian.

Rồi đến lượt ông Ẩn hỏi ông Trần Kim Tuyến: “Vụ này nó có truy trách nhiệm cho ai rồi chưa?” “Truy gì. Tụi nó đánh nhau tung tin thôi”.

Nhỏ lớn lúc nào cũng gay, còn do luôn phải sống trong nghịch cảnh. “Cuộc sống người ta một nghề, mình hai nghề, một nghề đi theo cách mạng, một nghề bám ở đây, để tự túc lâu dài, nghề báo không bao giờ rảnh. Hai nghề này nó rất mâu thuẫn nhau, nhưng lại giống nhau. Một đằng lấy được tin tức gì phân tích ra sao giấu đi như mèo giấu cứt là tình báo. Đằng khác thì lấy được tin gì, phân tích ra sao thì đăng toạc móng heo lên báo, phát thanh lên đài! Đó là làm nghề báo chí”.

Bản thân được một nền giáo dục nhân văn của gia đình, nhưng luôn gặp nghịch cảnh thách đố. Bạn bè đồng nghiệp có tình cảm với nhau, nhưng ông đứng về cuộc kháng chiến thì họ ở phía đối phương. Lòng nhân của người nhân văn phải nhìn thấy cảnh bom đạn chết chóc ngay bên mình. Luôn luôn gặp nguy cơ trước việc bị bắt bị giết. Có chuyện, nói hay giấu vợ con? Rủi họ không chịu được thì sao? Ông Ẩn tự nhận mình có hai cái yếu: phụ nữ và con nít khóc, ông không chịu nổi. Bây giờ ở thời bình, thỉnh thoảng ông vẫn thấy người nước ngoài đến xin trẻ em Việt Nam đem về làm con nuôi. Trong những ngày chờ làm thủ tục, ông nằm nhà kế bên nghe trẻ khóc quá, lòng xót xa không chợp mắt.

Có lẽ vì thế mà Stanley viết: “Ông Ẩn là con người phải giằng xé giữa hai tình cảm. Lòng trung thành với đất nước, dân tộc và sự tận tụy với nghề nghiệp, tình bạn với các đồng nghiệp từ một đất nước đã gây chiến với dân tộc mình”. Còn Henry Kamm thì trích lời ông Ẩn: Những hoạt động của tôi hoàn toàn được chia ra những ngăn riêng biệt. Rõ ràng thách đố lớn nhất đối với ông phải chịu nhiều gay gắt. Tất cả đều đỉnh cao: Vừa phải làm nhà báo thật sự có tầm vóc, vừa làm sao phát hiện các vấn đề, các “mục tiêu” để tiếp cận lấy được tin tình báo và tài liệu. Phải có một óc phân tích giàu hiểu biết thời cuộc, sắc bén, chính xác. “Tình báo chiến lược phải khách quan. Nếu biết vận dụng sáu quy luật cơ bản triết học của Marx để kiểm tra và phân tích tin tình báo và tài liệu thì tương đối sẽ khách quan”. Ông “tổng kết” vậy.

Cũng có nhiều chuyến đi theo các cuộc hành quân, ngồi trên trực thăng Mỹ, với tư cách một nhà báo, ông Ẩn đã chứng kiến bao cảnh xót xa. Một lần ông Neil Sheehan tác giả Sự lừa dối hoàn hảo đi theo cuộc hành quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa tấn công vùng giải phóng. Từ trên trực thăng nhìn qua chiếc ống nhòm mua từ Mỹ đem về, thấy nông dân đàn bà và con nít đi làm ruộng bị đạn của quân Cộng hòa bắn phủ đầu rượt theo. Họ chạy men theo đê để vào làng. Không cầm lòng được ông Ẩn nói với viên chỉ huy: “Đại úy coi, nông dân, đàn bà con nít không thôi đang làm ruộng chắc không phải Việt Cộng. Đại úy ra lệnh ngừng bắn đi”. Và Ẩn đã đưa ống nhòm cho tên sĩ quan này xem cho rõ.

Tiếp đó ông lại phải đi theo cuộc bao vây cả làng, các cuộc bắt bớ khủng khiếp diễn ra. Từng người bị xét hỏi. “Có một thanh niên mặt xanh dờn, dáng vẻ lờ khờ, dân làng bảo nó nghèo lắm đi làm thuê, xin cho nó đi. Tôi liền hỏi lẹ, biết nó giữ bò. Trẻ vậy mà vợ chết, nuôi 3, 4 đứa con nhỏ, nhà cửa không có. Tôi bảo viên đại úy: Theo tôi hiểu nó như vậy đó. Không tin cứ thẩm vấnn nó đi. Viên đại úy cự lại: “Ông ký giả, ông xen vào chuyện tụi tôi hai lần rồi”. Thì ra hắn tính một lần trên máy bay ông Ẩn nói ngừng bắn nông dân, lần này lại can thiệp nữa. “Không phải tôi xen - ký giả Ẩn nói - không tin cứ tra khảo đi”. “Thôi nha, lần này nữa là hai rồi đó”. “Lần trước là tôi nói nhận xét, có xin đâu. Lần này thì ông làm phước để đức lại cho con cháu ông thế thôi!”. Viên đại úy dù giận cũng lắc đầu “nói nghe hay lắm”. Viên sĩ quan sai bọn quân báo ra hỏi dân, kiểm tra thấy đúng sự thật đã thả người đàn ông nọ. Đó là cuộc hành quân của Sư đoàn 7 miệt Cai Lậy.

Trong hoạt động, ông Ẩn “sợ thường xuyên” (trả lời phỏng vấn). Điều đó là thành thực, thậm chí còn nói chưa đủ. Cứ thử nghe câu chuyện bất ngờ của ông về đứa con gái nhỏ 6 tuổi.

“Đôi khi có tài liệu nhiều, chụp ảnh cũng cả tiếng, phải làm ban đêm thật bí mật. Ngoài con chó canh chừng, có người nhà thức nữa. Hôm đó tôi viết bằng nước cơm trắng nhách, viết trên giấy xi măng. Thường để đèn rọi xéo, thuộc tài liệu rồi viết liền. Tôi để đèn nhỏ vừa đủ chiếu theo dòng. Hôm đó đang viết, đứa con gái 6 tuổi tôi tưởng nó đã ngủ rồi bỗng chạy ra đứng sau lưng. “Bố chưa ngủ?” “À, bố viết báo”. Không ngờ sáng hôm sau nó khoe với anh trai: Bố viết mực gì mà không thấy chữ, đọc không ra”. Ông Ẩn như vẫn còn nhìn thấy cảnh ấy, đến tận hôm nay. “Lỡ nó đi chơi với bạn kể ra thì chết”. Ông bèn phải gọi con đến: “Không có chuyện đó đâu. Đèn chói mắt con không thấy. Tối bố làm lại con xem”. Tối đó, ông vặn đèn thật lớn chói mắt nó. “Con mơ ngủ không nhìn thấy. Coi chữ nè. Có chứ sao không?”

Kể chuyện đó, ông Ẩn cười vui với khách: “Ác vậy đó. Những chuyện không nghĩ nó xảy ra mà nó xảy. Thật may còn giải quyết êm được”.

Làm tình báo nhiều gian truân, bất ngờ, nhưng ông Ẩn gom lại: Cụ Hồ dạy tình báo viên phải cảnh giác với ba chữ T tức là Tiền, Tình và Tù. “Tình báo thì có ba chữ phải giữ: “Tiền, là dễ bị mua chuộc. Gái là mỹ nhân kế. Và tù. Điều này đe dọa mạng sống luôn luôn”. Nếu làm ở vị trí nghề này mà tham giàu cũng dễ lắm. Nhưng xài tiền trên mức thu nhập làm ra là một yếu tố dễ bị lộ. Ông Mai Hữu Xuân, chủ đồn điền lớn kêu cho ông đất ở Đường Sơn Quán, rồi bảo cơ hội thuận tiện mở công ty, qua Bộ Kinh tế. “Mình dính vô đó là mất thì giờ lắm. Phải chạy ngay, không để xảy ra”.

Còn về chuyện các cô gái, thì ông Ẩn vốn tự giễu mình là “Biết yêu từ lúc 14 tuổi. Ác lắm”. Đối với ông, không thể chịu được cảnh phụ nữ và con nít khóc. Ông thật sự là một người hiền. Vậy mà ngày ông còn trẻ, là chàng trai tuổi 33, có quen cô gái nhảy tên Thủy, đẹp nổi tiếng. Một hôm khuya khoắt cô đi đâu về nhấn chuông xin cho ngủ nhờ. “Được, vô đi không sao”. Chàng thanh niên cho cô vũ nữ ngủ chung phòng, mình thì rải chiếu nằm đất. Tờ mờ sáng anh chở cô đi Mỹ Tho theo lời cô nhờ. Có lần cô ham vui, đi theo Ẩn lên xa lộ bắt dế. “Xa lộ đèn sáng, cà cuống bay, đi bắt mấy thứ này vui, cô đòi đi theo”. Có lần cô còn đi Củ Chi, xách về truyền đơn Cộng sản đưa cho Ẩn “Việt Cộng họ chặn đường, tuyên truyền đưa cho đồ này”. Chạy dài là tốt nhất. Đó là “nguyên tắc” ông tránh những mối liên hệ có hại đến công việc.

Còn chuyện phải lo sợ việc tù đày có thể đến bất cứ lúc nào. Những chuyện không ngờ này đều có thể xảy đến bất kỳ cho một tình báo viên nào. Ông Allen Dulles, cựu giám đốc CIA, gọi là mishap (tạm dịch = việc không may). “Phải chuẩn bị sẵn chuyện này. Rủi bị bắt, thì phải coi là chết. Dặn ở nhà: nếu thấy bị bắt mà chết thì nên mừng. Nếu có thơ tôi viết về phải trả lời thế này với bọn đem thơ về: Nếu ổng theo Việt Cộng thì chết ổng ráng chịu. Thăm nuôi cũng không. Có chết cũng không nhận chôn. Thơ đó chắc sẽ có chữ ký thiệt, chữ tôi viết thiệt. Nhưng không có dấu kín đáo để biết theo quy ước riêng thì phải hiểu thơ đó nó đọc cho viết, không được tin cậy. Phải giao hẹn trước với gia đình ký hiệu riêng để biết thơ nào đúng, thơ nào bị khống chế phải viết”.

Lời kể của ông khiến người nghe muốn ngộp thở. Cuộc đời luôn phải chuẩn bị cõi sống, chết như thế thật không còn lời bình. “Do hoạt động của mình hợp pháp gì cũng tới lúc bất hợp pháp. Bao nhiêu là tình huống có thể: đem tài liệu vô, xách tài liệu mật đụng xe là lộ… Bắt bớ tù đày là chuyện phải xảy ra. Hoạt động như cá trong rọ. Cá còn nhỏ có thể lọt lưới dễ dàng nhưng càng lớn lại càng dễ bị mắc lưới. Không bị bắt là chuyện hiếm có".

Những sức mạnh nào đã đem đến cho người tình báo sự chịu đựng? Ông Ẩn giải thích: “Làm tình báo lại càng quan trọng cái giá trị số một, là tư tưởng, lý tưởng. Chứ bị bắt buộc mà làm thì khó tin cậy. Cái lý tưởng nó đảm bảo. Loại tình báo làm vì lý tưởng này, thử là biết: bị bắt bớ, vẫn làm. Xác định rồi. Còn nhiều loại tình báo nữa, thế giới cũng có nhiều. Làm tình báo có nhiều động cơ theo trật tự sau: 1- Lý tưởng, 2- Tiền, 3- Phiêu lưu, 4- Âm mưu, 5- Bệnh tâm lý, 6- Bị khống chế và nhiều loại khác như muốn lật đổ chế độ, trả thù v.v… Nếu làm vì tiền, phải là tiền lớn. Còn loại nữa: làm vì danh vọng. Nếu làm cho tình báo Anh - Mỹ, nó sẽ giúp bằng cách cung cấp tin tức cho, đưa tên tuổi lên cao có cương vị cao trong xã hội. Có những phần tử đối lập chế độ, họ dùng để giành chính quyền mà không ai biết họ làm cho tình báo”.

Ông như có chút tổng kết: “Lịch sử tình báo mình hay. Mình là một trong những nước giỏi tình báo. Có khi một tin tức nào đó cả làng cả xã biết hết nhưng khi địch tìm hiểu thì dân lại bảo không biết gì hết. Rồi chính dân lại đi báo tin cho ta. Ngay với những âm mưu địch cài cấy trà trộn hiểm độc, người dân vẫn có cách. Đã có rất nhiều câu chuyện kể về các loại mật hiệu của dân báo cho ta biết. Dân không làm tình báo, nhưng từ cành cây, ngọn đèn, cách cho gà ăn người ta báo động cho mình biết”. Làm tình báo, lý tưởng là quan trọng, một mình mình tự kiểm soát. Người ta nói sự say mê, cuồng tín, ông cho là nói không đúng. “Tóm lại, phải có lý tưởng, mục đích. Khơi khơi hoặc mê cũng không được. Nhiều khi không thích cũng phải làm”.

Chính vì lý tưởng, và chỉ có lý tưởng mới chỉ huy được trái tim và tình cảm lãng mạn của con người vượt qua mọi thứ để hoàn thành nhiệm vụ. Cái mạng sống của người tình báo đã tự nguyện trao gửi, thì tiền bạc hay tù đày - những thứ dù khó vượt qua nhất họ cũng vượt được. Không biết bao nhiêu đồng chí và các anh chị em liên lạc, bảo vệ tình báo đã hy sinh vì lý tưởng. Tính đến ngày hôm nay vẫn chưa kể xiết được. Cũng vì lý do đó mà đã hai sáu năm qua kể từ ngày 30-4-1975 các cơ quan chinh sách của hai ngành tình báo và công an vẫn còn tồn tại để lo cho công tác này chớ chưa giải tán.

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên