26/10/2006 14:03 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 9: Chất chính nghĩa hai mặt

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - Các nhà báo phương Tây không tìm thấy điều giả dối nào ở Ẩn. Và họ cho rằng nếu như bây giờ mới biết Ẩn là một agent của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì chính Ẩn là một thí dụ chứng minh, một ẩn dụ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Bây giờ khi đã nghỉ hưu, làm nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Ẩn thỉnh thoảng tiếp loại khách “thế hệ sau”; một người bạn cũ nay là giáo sư đại học Mỹ, gửi con sang Việt Nam muốn viết luận án về đề tài ký giả thời Ngô Đình Diệm.

Là một nhà nghiên cứu, phân tích thời cuộc, ông Ẩn quá rõ làng báo lúc đó ra sao. Nhưng hầu như ông ít quen giới báo chí Việt Nam. Vì nhiệm vụ, ông phải né họ. Nhưng là người làm nghề, ông vẫn biết nhiều nghiệt ngã của hoàn cảnh các nhà báo: chế độ kiểm duyệt. Tịch thu, đình bản báo chí, đưa nhà báo vào tù, chuồng cọp, đưa về Mzziền Trung đày đọa trong các biệt phòng của Chín hầm khét tiếng - lịch sử báo chí sẽ còn ghi tên những ký giả như Trần Ngọc Sơn bị đày và chết ở Côn Đảo, ký giả Anh Tín bị bắt giam ở Phú Quốc…

Có cả một thời bị kiểm duyệt đục bỏ nhiều quá, báo chí phản ứng lại bằng cách chỗ nào kiểm duyệt bỏ, họ cứ để trống hốc đến nỗi Diệm ra lệnh cấm báo để trắng. Thì họ “cấm báo để trắng chứ đâu cấm để đen” thế là ký giả tìm cách xóa đen làm cho tờ báo nhiều hôm giở ra đầy mảng đen ngòm thảm hại. Lại với tính trào lộng, ông Ẩn nhận xét về nghề. Ông bảo cô phóng viên Mỹ trẻ tuổi: “Làm việc ít thôi. Làm lâu, đời tan nát. Phải viết sách, nghiên cứu, chứ chạy theo nghề báo 10 năm là phụ nữ mất hết sắc đẹp. Chạy theo tin tức quá mất thưởng thức cái đẹp thiên nhiên xung quanh mình. Lúc nào cũng tưởng ngày mai trời sập. Làm đến nỗi mặt trời mọc hay lặn không thèm để ý. Phụ nữ làm một giai đoạn thôi, chứ tất cả thành Pitơ Acnet… thì chết!”

Câu chuyện để từ chối người đến viết về ông bao giờ cũng được thể hiện trong tiếng cười. Chắc ông đang nghĩ đến cái nghề suốt ngày chạy theo tin tức, suốt đời sống chạy theo các deadline, hạn chót của nghề báo. Vậy mà ông đã làm cái nghề “săn tin” theo nhiều đích khác nhau, suốt đời: săn tin để làm một nhà báo thực thụ, săn tin cho đất nước đánh thắng quân xâm lược, giành Độc lập - Tự do. Cái nghề săn tin của ông mới vĩ đại và thiêng liêng cao quý làm sao!

Nó đầy nghịch cảnh.

Chính ông, với tư cách phóng viên hãng phương Tây viết bài về sự kiện Bác Hồ mất năm 1969 để đăng trên báo Time. Làm báo không phải chỉ chạy quần quật với tin tức thoáng qua, mà phải điều nghiên, viết sâu. Tờ Time có khi sử dụng những bài ngắn tổng hợp của cả chục người viết. Sự kiện Bác Hồ mất, cả thế giới viết: Moscow, Bắc Kinh - dĩ nhiên rồi, lúc đó đang là những nước anh em. Cả Nicaragoa, Mêxico, Italia… Nhưng Time yêu cầu Sài Gòn, xứ sở Việt Nam của Cụ Hồ, phải là nơi viết chủ yếu. Ông Ẩn kể rằng tiểu sử Cụ Hồ thì hãng nào cũng có đầy đủ. Ông chỉ được viết gọn trong 4 - 5 trang giấy và phân tích khách quan.

Người Đảng viên Cộng sản ấy không thể bộc lộ hết xúc động và tình cảm của mình, ông phải “khách quan”, dùng phương pháp khai thác của báo chí, dẫn cả thơ chúc Tết của Bác “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, sưu tầm tư liệu từ thời kỳ Hồ Chí Minh hướng dẫn quân đội Việt Nam dưới thời Võ Nguyên Giáp. Ông cũng tranh thủ phỏng vấn dân chúng Sài Gòn khi nghe tin Cụ Hồ mất. Nếu giở trong tạp chí Time ngày ấy, sẽ thấy đây là đề tài lớn được đưa trong nhiều trang. Sẽ thấy hình những người đạp xích lô đỗ chờ khách ở cửa chợ Bến Thành đang chăm chú đọc tin tức về Cụ Hồ. Bài báo của ông Ẩn chỉ là một trong hàng chục bài từ các nơi gửi về được tòa soạn báo Time đúc kết lại thành một bài để in ra cho độc giả.

Ông không thể quên tình cảm của đủ mọi tầng lớp người khắp nơi trên thế giới - lứa người trong Thế chiến thứ hai đều biết rất nhiều về Cụ Hồ. Hơn thế nữa, có cả một master Mỹ làm việc ở phòng thông tin Mỹ tại Sài Gòn trong một đợt rút lui từ ấp chiến lược Bến Súc về Bình Dương định cư, tại đây anh ta kể ra vanh vách về Cụ Hồ cho chính Ẩn nghe. Anh ta còn dám nói: “Tất nhiên tôi biết về Cụ Hồ nhiều hơn anh”.

Ông Ẩn còn nhớ tại trại Bình Dương, các ký giả đang ăn cơm. Chàng phó tiến sĩ ấy thì say sưa nói toàn chuyện về Bác Hồ và tự hào rằng mình như thuộc lòng các tài liệu về Bác Hồ cũng phải thôi, là vì anh làm luận án MA về chính trị, chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh bảo rằng đó là cua học mắc tiền nhất về xã hội học, về chủ nghĩa Mác. Không phải ai cũng có thể học được vì tiền nặng.

Làm việc chính thức cho Time từ 1969 - 1975 nhưng trước đó là các cơ quan báo chí khác, ông Ẩn không bao giờ quên nguyên tắc của nghề, cũng chính là nguyên tắc của một điệp viên. Ông bảo, báo nào cũng đòi tin tức nhanh, chính xác, khách quan. Ông Ẩn thường kể chuyện vui với các nhà báo trẻ. Làm trật vài tin là nó đuổi liền. Ví dụ nói ông A đi ly dị bà B - khi chưa biết rõ ai phải ai trái và tòa án chưa xử là sai, nhưng phải nói A và B ly dị nhau. Một số người Hoa ở Hải Nam đi vượt biển xuống phía Nam, qua Rạch Giá bị dạt vào đất liền. Ông Ẩn, ký giả duy nhất được vào phỏng vấn và “bài học” về nghề báo được phong phú thêm hàng ngày. Tin được biên tập lại và in ra sau đó sếp của tòa soạn từ Singapore bay qua phê bình “Bốn nhân viên đánh cá đảo Hải Nam thuộc Trung Cộng đi tìm tự do, bị sóng đánh dạt vào Rạch Giá”… “Viết đi tìm tự do phải đưa vô ngoặc kép. Cẩn thận vậy cho tôi, nếu không Trung Quốc sẽ đuổi cổ phóng viên của chúng tôi ở Bắc Kinh” - sếp nhắc.

Nhanh ăn thì phải chắc. Nếu bài đưa sau người ta thì phải nhiều tin hơn, “mập” hơn. Viết về sự kiện Bác Hồ mất, sở dĩ được khen vì tài liệu phong phú. Có bài, ảnh đám tang Cụ Hồ tại Hà Nội, có hình các vị đứng đầu các nhà nước Liên Xô, Trung Quốc tại tang lễ. Có cả bình luận dự báo ai sẽ thay Cụ Hồ. Có đăng ảnh bốn vị lãnh đạo lúc đó là Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh với lời phân tích về sự kế thừa các tinh hoa của Cụ Hồ. Ông Ẩn cũng trích một câu nói của Cụ mà ông thích, đại ý: Tôi là người già rồi. Người già nào cũng thích giữ một cái gì bí ẩn về đời mình. Tôi cũng muốn giữ một số bí ẩn riêng của tôi.

Sự phong phú của báo Time đủ đi cả tháng bài liền về đề tài Cụ Hồ. Chủ trương của tờ báo: đề tài được cả thế giới chú ý, do đó viết sâu. Người đọc viết thư cho báo, nói về Cụ Hồ, được đăng lên cùng với hình ảnh người ở Vacsava khóc Cụ Hồ, còn người Hà Nội thì mỗi người làm việc bằng hai, biến đau thương thành hành động. Ông Ẩn cũng là ký giả viết bài về cái chết anh dũng của người thanh niên ngoài 20 tuổi Nguyễn Văn Trỗi. Ông theo tin tức suốt từ lúc anh Trỗi bị bắt, thời gian bị giam và khi bị giặc bắn trong bãi bắn Chí Hòa. Ngày nay, người Việt Nam chỉ biết một đoạn phim tài liệu ngắn lúc bắn anh Trỗi với đầy cảnh sát và ký giả. Đoạn phim và bức hình duy nhất được in thêm dòng chữ gầy của Bác Hồ. Những tài liệu hiếm hoi ấy dù bao nhiêu năm qua rồi, mỗi khi nhìn lại, mọi thế hệ người Việt Nam vẫn rơi nước mắt.

Chính trong năm 2001 đầu thế kỷ này, trong “kho” sách quý của ông Ẩn, ông cho bè bạn xem những hình ảnh khác chúng ta chưa từng được thấy về giây phút anh Trỗi bị bắn. Chắc chắn sẽ làm xúc động mọi thời: người thanh niên trẻ măng, mặc bộ đồ trắng, bị bịt mắt, đứng bên cái cọc, lẻ loi giữa đám quân đầy súng ống, to mập, mũ sắt… Xung quanh là khu bãi hoang vu vắng vẻ của phía sau nhà tù. Hình ảnh anh Trỗi non trẻ thế, nhỏ bé và anh hùng thế, cái đơn độc một mình anh làm đau nhói trong tim và làm dấy lên lòng căm giận sự hèn hạ giấu giếm của chế độ Mỹ - ngụy tráo trở…

Trong cuốn War in the Shadows in rất đẹp ấy có bài của Douglas Pike tiêu đề My friend An với tấm hình chàng ký giả Ẩn trẻ măng ngồi với ba người phụ nữ Mỹ, Việt tại một quán ăn ở ngoại thành Sài Gòn năm 1963. Có thể những năm đó Ẩn đã phải sống hai mặt rất nhiều: giấu đi mọi đau đớn trong lòng để viết về nỗi đau lòng ấy với một phong cách khách quan của ký giả phương Tây vốn được dạy rất kỹ rằng không được lộ cái tôi trong tin tức.

Chỉ cần các ấn tượng của Douglas Pike về người đồng nghiệp Ẩn, cũng đủ thấy dưới mắt các nhà báo phương Tây - những nhà báo vốn rất nhạy trong xem xét con người và sự kiện - họ không tìm thấy điều giả dối nào ở Ẩn. Pike viết rằng vẫn nhớ hình ảnh của Ẩn lúc đó, luôn có người bạn thân tên là Vượng ở bên cạnh và nếu Pike có mời Ẩn tới nhà chơi thì phải mời cả Vượng, hoặc là không. Sau nữa Ẩn không bao giờ cố gắng in dấu tuyên truyền điều gì về tư tưong chính trị lên Pike. Ẩn sống đạo đức, có nguyên tắc với bạn bè, và Pike cho rằng nếu như bây giờ anh mới biết Ẩn là một agent của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì chính Ẩn là một thí dụ chứng minh, một ẩn dụ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Chất “hai mặt” của công việc chính nghĩa và cộng thêm với tư chất một người Việt Nam khá điển hình, đã giúp ông sống thật với tất cả các mặt của cuộc đời đặc biệt mà ông phải đảm trách.

Giờ đây ông vẫn giữ những tấm hình quý. Hình đen trắng vẫn còn tốt, tuy rằng “có tấm đã bay màu, người thì chết bớt”. Ông chỉ cho tôi xem kho ảnh quý ấy, chỉ một lần, làm sao tôi nhớ hoàn toàn được. Tôi không sống ở Sài Gòn những năm tháng ấy. Tôi chỉ mới là đứa trẻ lên mười khi Ẩn đã đứng trong vị trí đặc biệt. Vậy mà nghe chuyện của ông, xem những hình vàng ố đã gợi cảm mùi của lịch sử.

“Tôi này, Có này”, Ẩn chỉ vào ông Nguyễn Hữu Có, chỉ huy trưởng của một trong sáu sư đoàn đầu tiên. Nguyễn Văn Minh tư lệnh vùng 3. Nguyễn Văn Bang, tỉnh trưởng Buôn Mê Thuột. Đề đốc Chung Tấn Cang tư lệnh hải quân. Nguyễn Ngọc Huy lý thuyết gia Đảng Đại Việt, giáo sư chính trị. Tiến sĩ Huy là một trong những lãnh tụ Đại Việt và là trưởng trung tâm nghiên cứu Đông Dương của Havard, chết rồi. Dưới ngón tay xương xẩu của ông, những hình ảnh khác lần lượt hiện ra: Đám này tình báo. Đây tướng 4 sao. Chỗ này ở trong dinh Đốc lý. Còn đây, đứng trong văn phòng Reuters. Đây là Neil Sheehan (tác giả Sự lừa dối hào nhoáng) hồi 25 tuổi mới ra khỏi quân đội, làm cho UPI tới đảo chính Diệm mới về làm cho The New York Time, thành nhà văn. Lúc đó Ẩn ở Reuters. Cạnh tranh theo “tinh thần thể thao” thôi, còn thân nhau lắm. Ông Ẩn còn nhớ tác giả Sự lừa dối hào nhoáng sau này được giải báo chí Pullitzer, ngày ấy còn gặp khốn đốn vì đưa tin đảo chính. Anh ta bị coi là người viết quá trớn, trong lúc tình hình rất khẩn cấp. Lệ Xuân công khai đòi “nướng mấy thằng nhà báo xúi bẩy Phật giáo đấu tranh”. Lúc đảo chính bắt đầu, Ẩn đánh tin đi. Đêm trước đảo chính Ẩn đã đưa cho David Halberstam mẩu tin mật của một đại tá để gửi qua bên kia cho Neil Sheehan. Người trực đêm ở Tokyo không biết đó là tin quan trọng nên không đưa ngay cho Neil Sheehan.

Kể đến đây, ông Ẩn lại tự cười bản thân: “Bệnh người già hay nói chuyện cũ. Ông chẳng thèm để ý đến các lý lẽ rằng đó là tư liệu lịch sử và mỗi một người mang trong mình những dẫn chứng của lịch sử. Mà có phải ai cũng có cuộc đời như ông để kể đâu - như lời Peter Ross Range?

Ông sắp xếp tập ảnh lại thì tôi kịp nhìn thấy và hỏi về một tấm hình lạ:Ẩn mặc áo len, đạp xích lô ở Mỹ. “À, người ngồi trên xích lô là tiến sĩ Elon Earl Hildreth, giám đốc cơ quan Viện trợ Mỹ về giáo dục, lo giấy tờ cho tôi đi học. Ông mua cả một chiếc xích lô, kỷ niệm Việt Nam đem về Mỹ cho đứa cháu nội chở ông đi chơi”. Ảnh chụp ở Cali năm 1958 khi Ẩn đang học ở đại học bên đó.

“Đáng lẽ tôi lấy cô này” - ông chỉ vào hình một cô gái Mỹ, nhưng ông không kể chi tiết về mối tình ấy.

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên