25/10/2006 13:30 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 8: Sống với vỏ bọc

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - Không, ngày đó không đơn giản. Ngay từ những ngày cạnh tranh tin tức của các hãng phương Tây. Người ký giả đứng được trong cái nghề vỏ bọc ấy của mình đâu phải không có gian nan.

Trong nghề báo, anh chẳng lường trước được điều gì. Có một câu chuyện hoàn toàn là nghiệp vụ báo chí, từ thời kỳ đầu thập kỷ 60, khi ông Ẩn đang viết cho hãng Reuters. “Lúc đó báo chí đã cạnh tranh kinh hồn rồi. Với AP, UPI, AFP, chưa kể các hãng của Đài Loan, Triều Tiên và các hãng thông tấn nhỏ, các báo hàng ngày”. Một lần ông phải đưa tin việc đại sứ Mỹ lúc đó là Frederick E. Nolting khánh thành đường băng sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Nolting sẽ đọc diễn văn tại sân bay. Bản photo bài diễn văn, ông Ẩn đã có trong tay rồi. Đó còn là bản do chính Nolting sửa bằng tay đưa đánh máy lại. “Tôi có photo bản sửa rồi, nhưng vẫn phải cho cậu phóng viên trẻ lên canh trên sân bay, khi nào ông Nolting đọc xong, phôn về cho tôi biết, là tôi sẽ chạy bài đó lên máy telex sang Singapore rồi mới chuyển đi khắp thế giới. Có bản diễn văn trong tay, vẫn phải chờ. Nhỡ nó té xe sao? Kinh nghiệm các báo ngày đó đã có rồi: Ông Dag H.A.C. Hammarskjold người Thụy Điển, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (1953 - 1961) rớt máy bay chết ở Âu châu. Ký giả không hay, đưa tin ngày giờ ông ta đến sân bay, tiếp đón linh đình. Trật tuốt luốt. Lý do vì ký giả ngồi ở nhà viết tin dựa trên bản chương trình di chuyển của ông Hammarskjold phát trước”.

Vì thế ông Ẩn cẩn thận. Có bản diễn văn trong tay rồi, vẫn phải cử một nhà báo lên ngồi nghe. Hễ khi nào Nolting đọc xong thì nhiệm vụ của anh ta là điện thoại về báo để đưa bài chạy telex sang Sing. Mọi việc diễn ra suôn sẻ như đã định. Vậy mà tai họa lại đến một cách bất ngờ nhất: ”Vô phúc ngày sau - tối ở Mỹ, ngày bên ta nên tối đó Tiếng nói Hoa Kỳ đưa. Đài VOA tỏ vẻ khách quan không tự bênh Mỹ nên thường hay dùng tin của Reuters (Anh). Nó trích Reuters trên VOA. Nolting sáng sớm vừa cạo râu vừa nghe đài VOA. Người trong Tòa Đại sứ kể lại: Ổng ném cái dao cạo râu, giận dữ bảo thằng Reuters nó có nội gián trong Tòa Đại sứ Mỹ”.

Vì sao ông Nolting giận? Đài phát bản diễn văn của chính ông đọc hôm khai trương đường băng Tân Sơn Nhất mà? Thì ra là có bản diễn văn rồi, có cả sự sửa chữa của chính Nolting rồi, nhưng ngay khi đang đọc ông ta tự bỏ lướt qua một số câu chữ mà ông ta cho là không chỉnh, vậy mà khi phát lên lại vẫn còn y nguyên. Như thế chứng tỏ bản đó không phải bản ông đọc, mà đã được chuyển đi trước, còn nguyên tất cả.

Ông Ẩn có bị phiền toái gì vụ này không? “Sao lại không! Nó nhờ an ninh chính quyền Sài Gòn hỏi tôi. Vì là chỗ quen biết nên câu chuyện không có vẻ gì “hỏi cung”. Ẩn ơi, mày chết rồi dám ăn cắp tài liệu tòa đại sứ Mỹ. Gì đâu mà nói tầm bậy tầm bạ, ai ăn cắp đâu! Tùy viên báo chí Mỹ mời tôi đi uống nước. Mày ăn cắp gì nói coi. Bài ông ấy đọc, có lấy trước không. Vốn là chỗ quen biết, có lẽ anh ta hỏi theo ý nghĩa khai thác cách lấy tin của đám ký giả mà thôi. Ông Ẩn: Có người quen đưa đọc vậy thôi, chẳng có gì quan trọng”. Câu trả lời tưng tửng đó không đáp ứng được yêu cầu. Nolting chỉ muốn kiểm tra những người trong Tòa đại sứ, nhưng muốn vậy phải hỏi để ông ký giả cho biết ai đã cung cấp. Tùy viên báo chí George Philip được cử làm việc này vì anh ta chơi rất thân với ký giả Ẩn. Họ thân nhau tới mức trước khi về nước, Philip còn tặng lại ông Ẩn con chó quý. Câu chuyện cũng chỉ trong phạm vi của sự chân tình.

“Ẩn, tao nói thiệt, chắc có đọc?” “Đúng”. “Ai đưa?” “Mày biết người Mỹ dạy tao làm báo rất kỹ: thà mất việc chứ không nói ra nguồn tin”. George Philip đành nằn nỉ: “Không nói ra cũng được. Trong Tòa Đại sứ có ba loại nhân viên: Mỹ - Hoa - Việt - Ẩn đừng lo họ bị trả thù. Tòa Đại sứ sẽ giải quyết nhẹ nhàng thôi: tập hợp họ lại khuyên nhủ chung là không nên làm như vậy. Sẽ không truy ai cả, vì nếu truy, ai cũng sợ mất việc làm, ai cũng chối. Nếu họp chung hết, sẽ không có lợi vì người nào cũng thấy nhột nhạt. Tụi da trắng ít mặc cảm. Nếu họp chung cũng sẽ nói: Reuters không có lỗi. Lỗi nó nghề - còn nghề của các nhân viên Tòa Đại sứ là không đưa trước cho báo chí”.

Ông Ẩn giải thích rằng cũng muốn giúp bạn nhưng nguyên tắc nghề nghiệp phải giữ nguồn tin, tên cụ thể không cho được. “Ẩn chỉ cần nói Mỹ da trắng, da màu, da vàng, người Việt hay Hoa? Chúng tôi không truy họ mà muốn biết để họp nhóm riêng cho họ đỡ tự ái. Đây chỉ là bài học khuyên nhủ họ tính cẩn thận thôi”. Dù Philip có nói hạ mức xuống như vậy Ẩn vẫn “Tôi không nói được. Nguyên tắc nghề nghiệp chính Mỹ dạy xin anh thông cảm”. Anh đúng là nghề nghiệp cứng đầu. Philip nhận xét thế. Hơn nữa họ đều biết Ẩn là một nhà báo có tên tuổi và thân quen lớn, có gây rắc rối thì Ẩn cũng chỉ cần “nói một tiếng là huề”. Nhờ Ẩn cương quyết vậy nên các”nguồn tin” được bảo vệ, họ càng tin cậy một nhà báo trung thực.

Nếu giở lại cuốn sử về cuộc kháng chiến giành độc lập chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam, có cả một kho sử sáng chói của lòng can đảm và cũng có cả những năm đen tối nặng nề dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Nguyễn Văn Tâm làm thủ tướng ngày 6-6-1952 đến đầu tháng 1-1954. Khi Hiệp định Genève ký kết, Pháp hết vai trò, phải giao Miền Nam cho Mỹ. Sụp đổ theo Pháp là chế độ bù nhìn. Thủ tướng bù nhìn cuối cùng thời Pháp là Bửu Lộc. Hoàng thân Bửu Lộc làm thủ tướng ngày 11-1-1954, Ngô Đình Diệm làm thủ tướng ngày 6-7-1954, Bảo Đại cũng thôi cầm quyền. Chính phủ mới phải nhường chỗ cho thủ tướng bù nhìn của Mỹ lúc đó là Ngô Đình Diệm - Diệm đã lên như thế nào và đã chết như thế nào, có thể viết thành cuốn sử riêng.

Ban đầu Diệm chưa có thực lực ở Miền Nam, chỗ dựa chính trị chính y muốn là lực lượng công giáo Miền Bắc di cư vào Miền Nam. Đã xảy ra cuộc chiến với tham mưu trưởng quân đội Nguyễn Văn Hinh thân Pháp. Bảo Đại triệu tập Hinh sang Pháp vừa yên thì Diệm lại gặp xung đột dữ dội với Tam Liên (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên) mà sự thật là Tứ Liên (Cao, Thiên, Hòa, Bình): Cao Đài, Thiên chúa giáo Miền Nam thân Pháp, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Ở đường Miche (Sài Gòn) có một trụ sở của quân J. Lerry là U.M.D.C. (Unités Mobiles de Défeuse des Chrétientés) do quân đội của Col. Jean Leroy (người Pháp lai Việt) đa số là Thiên chúa giáo Bến Tre.

Họ đã đánh lẫn nhau ngay trên đường Catinat, Petrus Ký, lửa cháy rực trời giữa Sài Gòn - Chợ Lớn, thiêu rụi hai vạn nóc nhà dân. Cơn hỏa hoạn khủng khiếp còn ghi dấu trong ký ức những người lớn tuổi. Pháp huy động cả xe tăng, máy bay để ủng hộ Bình Xuyên, đến nỗi Tổng thống Mỹ lúc đó là Eisenhower phải cấp tốc trợ lực cho Diệm - lãnh tụ Bình Xuyên được đưa sang Pháp. Người Sài Gòn ngày đó nhớ những biển lửa từ Tân Thuận đến Xóm Củi, và kể cho nhau nghe cái chết của tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế. Thế ở trong Tứ Liên rồi quay ra đi với Diệm. Chính Diệm - Nhu cho người giết Thế ngay chỗ cầu Tân Thuận. Diệt được thủ lĩnh Cao Đài, đuổi được Bảy Viễn Bình Xuyên và U.M.D.C. lúc đó Diệm mới yên bề độc chiếm Sài Gòn.

Thật ra, đối thủ chính của Diệm không phải là Hinh, Bảy Viễn, mà chính là lòng dân. Những phong trào rộng lớn của dân gắn liền với những tên tuổi như kỹ sư Lưu Văn Lang, luật sư Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, bà Nguyễn Thị Lựu, Hòa thượng Thích Huệ Quang… Chính họ đã nổi lên trong phong trảo bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn… Có thể nói suốt từ năm 1954 cho đến đảo chính 1963 - trong gần 10 năm ấy, chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đã gặp biết bao sự chống đối của nhân dân.

Chống trưng cầu dân ý và bầu cử Quốc hội của Diệm, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử, đấu tranh cho dân sinh dân chủ. Diệm ra luật 10-59 từ việc kéo lê máy chém đi khắp Miền Nam giết hại người yêu nước, cho tới đỉnh điểm là đàn áp Phật giáo năm 1963. Ngày nay người dân đi qua ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách mạng Tháng Tám vẫn thấy am thờ Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào tháng 6-1963. Gần 40 năm đã qua, nhiều người trẻ tuổi không được chứng kiến giây phút của ngàn sư sãi tăng ni phật tử lặng lẽ đi sau chiếc xe hơi. Tì kheo Thích Quảng Đức từ xe bước ra ngồi xuống đường cho các vị sư tăng tưới xăng vào mình và chính tự tay Hòa thượng đánh lửa và bình tĩnh tay lần tràng hạt trong tiếng tụng kinh. Sau đó là biển người, sinh viên, học sinh, nhân dân kéo về chùa Xá Lợi, nơi di hài Hòa thượng được đưa về. Dù giới trẻ ngày nay, hoặc nhiều dân cư mới của Sài Gòn, không được nhìn cảnh ấy, nhưng am thờ Hòa thượng ngày nào cũng vẫn có hoa và hương khói…

Diệm tấn công các chùa, tiến công các trường học… Các vùng xung quanh thì chiến tranh du kích nổ ra mạnh mẽ khắp Nam Bộ. Các chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, Lộc Ninh, Ấp Bắc vang dội. Trong tình cảnh Diệm không làm tốt nhiệm vụ biến Miền Nam thành “Tiền đồn thế giới tự do” của Mỹ như vậy, Mỹ phải thay ngựa giữa dòng, xui phe quân nhân đối lập với Diệm làm đảo chính. Tướng Dương Văn Minh cầm đầu phe đảo chính, sau đó lên thay Diệm. Người ta đều biết việc Diệm - Nhu đã chạy trốn trong nhà thờ Cha Tam (Chợ Lớn) và bị phe đảo chính bắt, giết trên đường về Sài Gòn như thế nào.

Trong bối cảnh đó, làm báo như ông Phạm Xuân Ẩn, theo dõi việc thay đổi chính quyền, thay đổi đường lối, là rất quan trọng. Đó không chỉ là các yêu cầu của nghề báo, mà cũng là yêu cầu của người điệp viên. Sau này, khi nhà báo Morley hỏi câu “Họ đã trông cậy ở anh điều gì”, ý muốn hỏi cấp trên đã cần Ẩn hoạt động đem lại điều gì. Ông Ẩn: “Cũng là những điều mà tòa báo Time muốn tôi viết. Cấp trên của tôi muốn được biết về các căn cứ, tiềm năng của các đơn vị, các cấp chỉ huy, để biết ai tham nhũng và những ai có thể tranh thủ được. Họ muốn biết mọi chuyện về chính trị, cũng những thứ mà các anh làm báo trước đây muốn được biết”.

Nhưng ông đã biết những điều đó theo cách nào? “Chức năng đầu tiên là tin tức”. Ông Ẩn với tính hóm hỉnh rất đặc biệt, phát triển câu chuyện của mình: “Mà cái gì lại không cần tin tức chứ? Cưới vợ cũng cần biết tin tức, ông nội, bà cố sao… Nhưng phải làm theo hình thức research (điều tra) thì mới cao hơn”. Thời của ông vào nghề, ở Việt Nam chưa có trường dạy báo chí. Nước ngoài mới dạy. Nhưng thời đó của ông, cũng bắt đầu có nhiều ký giả. Họ có hai loại thẻ hành nghề: một do Bộ thông tin cấp, còn loại khác do Mỹ cấp. Loại này chỉ cấp cho những người được tin tưởng và được Mỹ điều tra an ninh (Security Clearance) xong.

Họp báo, đi theo các cuộc hành quân, đi trong giờ giới nghiêm, viết các cuộc biểu tình. Khi các tòa báo nước ngoài tại Sài Gòn tuyển người, họ chú trọng việc không chỉ thật sự giỏi tiếng Anh, mà còn là người quan tâm đến thời cuộc, đến đất nước, chính trị, xã hội. Chuyên môn kỹ năng nó bảo sẽ học được. “Lúc đó tôi viết quân sự, chính trị, viết về các âm mưu, lật đổ, biểu tình, cháy lớn. Mỗi ngày phải cho tin chạy liền liền. Hàng ngày xách điện thoại kêu các nơi: Công an, cảnh sát, chiến tranh tâm lý, bộ kinh tế… Mỗi nơi đó có một viên sĩ quan báo chí hướng dẫn. Mình đã làm thân, quan hệ tốt. Cũng có khi người ta cần mình, giúp cho họ cách tiếp giới báo chí. Có cháy lớn, kêu cứu hỏa hỏi. Tôi luôn có bản đồ hành quân, kinh tế, chính trị, có diễn biến gì chấm ngay vào. Tất cả các bản đồ diễn biến chiến tranh đăng trên báo Time đều do tôi vẽ”.

Nhưng hãy quay trở lại thời kỳ Miền Nam còn đang dưới chế độ Diệm hà khắc. Diệm đã bị đảo chính hụt không thành vào tháng 11 năm 1960. Theo hãng thông tấn UPI chỉ trong 3 ngày sau đảo chính, số người bị Diệm bắt lên tới 30.000. Trong cái xã hội sôi sục như núi lửa phun bất kỳ lúc nào đó, nhiệm vụ của ký giả Ẩn đồng thời của điệp viên Ẩn phải là biết được khi nào thì Mỹ có ý định thay đổi đường lối, thay “nhân sự”. Điều ông phải để ý là khi nào thì Mỹ thay đại sứ ở Miền Nam như tin tức đồn đại. Bao giờ thì Cabot Lodge sang thay Nolting. Ngô Đình Diệm giấu tin này ghê lắm. Bởi đại sứ mới sang, nghĩa là đảo chính có thể diễn ra, là Mỹ đổi đường lối, là ngày tàn của chế độ độc tài cá nhân gia đình trị họ Ngô.

“Tôi viết một tin độc đáo: Một tuần nữa Nolting về nước”. Ông Ẩn đã “mạo hiểm” đưa tin này dựa vào những thẩm định chính xác, tinh nhanh của óc quan sát cá nhân, kết hợp nguồn tin dựa vào những chi tiết nhiều người bỏ qua. Thường buổi tối các ký giả hay tụ tập ở tiệm ăn Pháp có sàn nhảy và dàn nhạc có tên là La Cigale (con ve sầu). Nhân thể vừa ăn tối, uống rượu nhảy đầm, họ vừa trao đổi tin tức. Lúc đó tại Sài Gòn đã có các ký giả Nhật, Pháp, Đức, Ý, Na Uy, Thụy Điển. Có 4 hãng lớn của Pháp, Mỹ, Anh. Đã cạnh tranh kinh hồn. Trong tình hình đó Tòa Đại sứ Mỹ cũng trở nên khôn ranh: Họ lợi dụng chỗ nghe ngóng trao đổi tin tức nhanh chóng hiệu quả ở cái tiệm ăn có khiêu vũ La Cigale này. Khi cần tung một tin gì đó lên báo, nhân viên Tòa Đại sứ lại tới làm như chỉ là nói chuyện bên ly rượu.

Đã thành thói quen hễ thấy bóng sĩ quan tùy viên báo chí Tòa Đại sứ Mỹ nói chuyện là đám ký giả bám theo kiếm tin, làm thân. Khi nào có tin tức gì cần lộ ra cho báo chí mà không muốn phát ngôn chính thức, họ dùng vai trò của viên sĩ quan tùy viên báo chí đó đưa ra. Ký giả Ẩn thường quan sát hiện tượng này. Ông không vồ vập mà lạnh lạnh, không vồn vã bám theo đưa tin ào ào. Ông muốn làm sâu, cẩn trọng “Tôi hay kiểm, mà kiểm quá lâu không được, mất tin nóng. Hôm đó tôi lại quán La Cigale từ sớm, thấy viên bí thư ông đại sứ Nolting. Đám ký giả vẫn thường trao đổi hỏi nhau về bài vở “bữa nay mày đánh gì” nghe cứ như đám đánh bạc. Thực ra là “đánh” tin đi. Cũng có khi chơi theo tinh thần gentlemen, cho nhau những tin mình không xài, hoặc đã “đánh” đi những điều chủ yếu rồi. Hơn nữa, họ gặp nhau để ký giả tự bảo vệ nhau xem có ai bị mật vụ bắt cóc không.

Viên bí thư của Nolting mới ngoài 20 tuổi, rất đẹp trai. Mọi khi mặc đồ đàng hoàng lắm, bữa nay lại diện áo chim cò, dẫn theo một cô gái Việt Nam xinh đẹp tới nhảy đầm. “Ê, bữa nay sao mặc lôi thôi, lại có cả đào”, một nhân viên an ninh Mỹ làm Tòa Đại sứ ngồi trên ghế cao của quầy rượu (bar) hỏi. Viên bí thư trả đũa: “Tuần tới tao về nước rồi. Cho tao xả hơi chứ”.

Chỉ có chi tiết đó đã “bỏ phiếu” chắc chắn cho dự đoán của Ẩn về một cái tin ông theo hoài mà nắm chưa chặt. Thông thường, sinh hoạt của đám ký giả là: khi nào không moi được tin gì mới đi ăn. Khi thấy vắng mặt một ký giả nào đó thì phải nghi ngay: nó có tin gì quan trọng đang lẩn đi viết. Còn lần này, viên bí thư đại sứ nói rằng “một tuần nữa tao về nước rồi” thì cái tin nghe trước đây đã có thể “kiểm chứng”. Ông Ẩn chạy về đánh ngay cái tin độc đáo “Một tuần nữa thay đại sứ - Nolting về nước”. Có cả một chút mạo hiểm, tin ở sự suy diễn của mình.

Tin này đưa ra trúng phóc làm một lần nữa Tòa Đại sứ điên đầu. Nhất định bên trong Tòa Đại sứ có người làm cho đám báo chí. Lần này thì không thể tha thứ. Bình thường, đám mật vụ Phủ Tổng thống và an ninh Mỹ theo dõi chặt chẽ hãng Reuters. Họ thường cho người mặc đồ giả, hút thuốc lào ngồi trước cơ quan gần đó lắng nghe ai bàn tán gì, ai ra vào Reuters. Nhân viên an ninh thân quen Ẩn hỏi: chắc lần này Ẩn khó thoát. Tòa Đại sứ nó làm dữ, chúng tôi không có cách nào bênh anh nữa đâu. “Bề nào tin đó rồi cũng công khai”, Ẩn cãi. Nhưng lúc đó còn là “đồ mật mà”. “Nó sẽ phải tìm nguồn tin, ông chuẩn bị sẵn sàng mà đối phó. Ông suy nghĩ kỹ đi. Tụi tôi chưa hỏi ông đâu”.

Bao nhiêu lời nhắn nhủ, gợi ý. Nhưng làm sao nói nguồn tin được, trái nguyên tắc ký giả. Nếu nói thật kể như thua. Dù họ có hứa danh dự không trừng trị cũng không thể. Săn tin, gay cấn, ký giả bị an ninh bám. Đứa này hỏi thăm đứa kia mà ra chứ có ai nói. Cứ cái lập luận đó, ông Ẩn đã không bao giờ nói ra nguồn nào ông có được. Có lẽ họ cho ông là một ký giả giỏi moi tin, một ký giả “khó chịu” cho nên họ tìm cách khác để đối phó. Họ vận động để hãng Reuters phải cho Ẩn thôi việc. Bên Anh đã hứa nhưng chưa làm được. Họ muốn chuyển Ẩn đi Sing. Nhưng chuyển dứt Ẩn ra khỏi mối quan hệ rộng lớn đâu phải chuyện một ngày. Ẩn quen Phủ Tổng thống, Tòa Đại sứ, Bộ Tổng tham mưu…

Cũng may là khi đó Diệm đã đang đi đến phút sụp đổ. Sau ngày đảo chính vào tháng 11-1963 một ký giả Mỹ, bạn ông Ẩn đã lấy được tài liệu trong đó có message “Đã thành công trong việc vận động cho Ẩn thôi việc”. Người bạn Mỹ chọc: “Đảo chính này cứu mày đấy”. “Đảo chính này cứu Mỹ cứu ai chứ cứu tôi đâu. Tôi là ký giả”. Bây giờ, ông Ẩn nhớ lại và bình luận: Lấy nghề ký giả làm bình phong là khó lắm. Địch dễ nghi ngờ, nó bám riết sẽ lộ. Thời kỳ đó nó nghĩ mình va chạm vì nghề nghiệp chứ không nghĩ gì khác. Nếu vì nghề, thì họ chỉ dụ dỗ, gây áp lực chứ không làm quá. Phải cho nó thấy mình moi móc tin là bệnh ký giả chứ không dính dấp gì chính trị chế độ.

Người tình báo hoạt động độc lập, chỉ hai, ba người có liên quan chỉ đạo. Thời kháng chiến chống Pháp, Ẩn chỉ gặp, trực tiếp công tác với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lúc đó là người phụ trách tình báo. Thời chống Mỹ chỉ có ông Mười Hương và sau này thêm ông Cao Đăng Chiếm, và ông Mười Nho tức Xuân Mạnh biết. Nguyên tắc bí mật đó được đảm bảo cho ông Ẩn có thêm điều kiện hoàn thành nhiệm vụ, không bị lộ.

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên