23/10/2006 13:52 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 6: Bình phong không phải là vỏ...

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - Ông là một nhà tình báo vĩ đại, lại cũng là một phóng viên xuất sắc. Với ông, làm báo không phải là đội lốt. "Bình phong để hoạt động không phải là cái vỏ, không phải là sự đội lốt trá hình, đó không phải sự ngụy trang bên ngoài. Phải thực sự sống bằng nghề đó một cách trong sạch - Sống mãn đời nghề đó mới mong tiếp cận được mọi điều. Đó là cả một nghệ thuật sống"...

Một mối hoài nghi, một câu hỏi tò mò nhất mà giới báo chí phương Tây vẫn còn hỏi ông Ẩn. Đó là câu hỏi của Morley Safer: “Họ có yêu cầu anh bịa đặt tin trên báo Time không? Chữ mà người ta thường dùng là “đưa tin thất thiệt”. Ông Ẩn trả lời: “Không. Họ đủ khôn ngoan để thấy rằng loại tin ấy dễ bị phát giác. Họ dặn đi dặn lại tôi là không làm bất cứ điều gì có thể phương hại tới công tác”. Họ đây là phía Cách mạng. “Công việc khởi đầu một cách thực sự vào năm 1960 khi ông Ẩn làm việc cho hãng Reuters. Lúc đó ông đã mang quân hàm trung đoàn trưởng, nhưng thực ra chưa bao giờ ông mặc quân phục, chưa bao giờ mang súng. Có lẽ cây súng của ông là cây viết và một cái đầu cùng con tim của người chiến sĩ. Trong những năm làm việc cho báo Time, ông đã thăng quân hàm đại tá” - Nhà báo nước ngoài viết vậy.

Trong căn phòng có vẻ hỗn độn nhưng sạch sẽ và đầy sách vở, không có “mùi bùn tỏa ra từ chồng sách báo đang từ từ mục trong cái khí hậu ẩm thấp của Á châu” như lời của nhà báo phương Tây miêu tả. Ông Ẩn vẫn sống trong phong cách của một người nghiên cứu và biết dung hòa với tuổi tác ngày càng cao của mình. Công việc bận rộn suốt ngày, chỉ ngồi ở căn phòng khách, ta có thể tưởng tượng ra khối lượng công việc của ông. Bể cá phải thay nước thường xuyên. Những lồng chim treo đầy cửa, đặt trên kệ. “Con này 10 năm rồi đó” - ông chỉ về phía con chim quý và dẩu môi ra huýt sáo chẳng ngần ngại, như ông và chú chim kia vẫn thường nói chuyện cùng nhau. Dưới mắt tôi, con chim nhỏ xíu chỉ bằng quả chuối ngự kia, thật “đáng sợ”: Để cho nó được sạch sẽ và no nê cất tiếng hót, chủ nhân phải hầu hạ nó nhiều công lắm!

Vì sao ông chọn nghề báo, và giữa nghề báo thực sự với công việc của một sĩ quan tình báo, hai việc đó liên quan nhau thế nào? Làm thế nào để đúng như ông nói - Chỉ huy của ông luôn dặn đi dặn lại là đừng làm gì phương hại tới công tác của một nhà báo.

“Bình phong để hoạt động không phải là cái vỏ, không phải là sự đội lốt trá hình, đó không phải sự ngụy trang bên ngoài. Phải thực sự sống bằng nghề đó một cách trong sạch - Sống mãn đời nghề đó mới mong tiếp cận được mọi điều. Đó là cả một nghệ thuật sống. Nội cái đó không thôi cũng đã là cả một cái luận án.”

Ông lấy thí dụ Graham Greene (tác giả cuốn The Quiet American - Người Mỹ trầm lặng) hết làm tình báo trở thành nhà tiểu thuyết. Nếu không là một người trong giới trong nghề, nếu chỉ là sự ngụy trang bên ngoài, sao ông có thể trở thành một tiểu thuyết gia.

“Người muốn tạo ra phải ở trong giới đó - Sống mãn đời với nghề.”

Theo ông, có ba nghề quan hệ rộng nhất, có lợi cho công việc của tình báo, đó là luật sư, bác sĩ, giáo sư. “Thật ra, báo chí rất dễ bị nghi. Cách cả cây số có mùi nó rồi. Cứ nghi là chắc. Nó chuyên phủ định, Negative, moi móc cái tiêu cực. Xã hội lúc đó giàu và quyền thế là thiểu số. Còn đông số nghèo khổ ,uất ức sẵn. Nghề này cần đổ cái tiêu cực của đám quyền thế đó ra. Và người làm việc đó là anh nhà báo”.

Ông như người phân tích kinh tế, lấy hình ảnh chia cái bánh: “Sản xuất ra ít, nhu cầu nhiều, thì bánh chia thế nào. Dân nghèo đa số chỉ được miếng bánh nhỏ. Ức hoài. Ký giả viết thường bám vào những quan tâm của đa số đó. Tờ báo nhiều người đọc mới có quảng cáo. Một trang một kỳ mấy chục ngàn đô. Hình bìa báo tuần là 50 ngàn đô. Đó là giá ngày xưa. Nay mắc hơn nhiều”. Ông giải thích: Đó là lý do vì sao an ninh “theo” ký giả trước. Bởi dù nếu không làm tình báo, chỉ làm một phóng viên chuyên nghiệp cũng moi móc tin. Nhưng nghề nào cũng phải đạt tới mức chuyên nghiệp và phải có lương tâm nghề nghiệp.

Nghề dễ chọn làm nghề để hoạt động là luật sư, bác sĩ, nhà giáo, “kể như tính mạng bệnh nhân giao cho bác sĩ”; giáo sư không bao giờ dạy con mình làm bậy, do đó được phụ huynh tin cậy. Còn luật sư, nhất là cãi án hình sự thường bênh vực được người yếu thế, oan ức. Về cái nghề luật sư này, ông Ẩn có câu chuyện tiêu biểu của người em ông, sau này là một vị đại biểu Quốc hội khóa VIII của tỉnh Cần Thơ. “Thời kỳ tòa án xử bà Huỳnh Tấn Phát, tòa chỉ định em tôi, luật sư mới ra trường lúc đó đứng ra bênh vực. Nó theo vụ án tới cùng. Còn nếu là tiền bao nhiêu đi nữa, nếu biết án giết người là nó từ chối. Lương tâm nghề nghiệp nó dạy vậy.”

Nếu coi bình phong chỉ là thứ nghề giả tạo mà không giỏi thật sự, không làm nghề thật sự thì “chết như không”. Ông Ẩn vẫn còn nhớ chuyện của một điệp viên đóng vai cố vấn cho Nguyễn Chánh Thi lúc đó là tư lệnh quân đoàn. Một sĩ quan cao cấp bên an ninh đối phương có quan hệ khá thân, một hôm bảo Ẩn: “Toa làm cho báo Mỹ phải cẩn thận nhá. Ông Sáu Già là Việt Cộng đó (Sáu Già là một điệp viên từ Bắc vào làm cố vấn cho tướng Thi). Phải cẩn thận đó nghe. Toa có tính tốt, moa nói cho toa kiểm tra coi chừng”.

Vì sao sĩ quan an ninh này biết ông Sáu đó là Việt Cộng? Viên sĩ quan này vẫn không hề biết Ẩn cũng là một điệp báo Cộng sản. Ông ta vẫn nghĩ Ẩn chỉ là một phóng viên giỏi của báo Mỹ. Còn Ẩn, cũng không có cách nào để giúp vì nguyên tắc bí mật hoàn toàn. Ẩn chỉ rút ra bài học nghề nghiệp từ ông Sáu Già đó. “Moa biết là vì để ý thấy hễ ai quan trọng nói chuyện với ông Thi, ông Sáu thế nào cũng ngồi ở giường phía trong bức bình phong”. Viên sĩ quan nhận xét vậy, rồi xui ông Ẩn “Toa cứ thử vào phỏng vấn tướng Thi mà coi. Nó ngồi nghe đó. Có ký giả ngoại quốc là nó cho có chuyện quan trọng, thế nào cũng ngồi nghe”. Ông Ẩn thử làm, y như vậy. Ẩn dẫn ký giả nước ngoài vào phỏng vấn tướng Thi và thấy cảnh đó diễn ra thật. Sau đó, Mỹ giao cho tình báo kiểm tra ông Sáu. Ông Ẩn biết được cách kiểm tra của họ là do “đàn em” thân tín của ông, chính là người được phân công kiểm tra.

Cách kiểm tra ra sao? “Tôi sẽ dẫn thằng học trò lại vì ổng nói ổng là giáo sư trung học dạy toán ở bên Campuchia về. Mang thằng học trò lại, nói ngày mai thi rồi có bài toán bí quá nhờ giảng hộ”. Hắn đã làm như thế thật, và ông Sáu đã không giải được bài toán lớp bảy. “Sau này ông Sáu đã bị giặc bắt và ông Thi bị đưa đi Mỹ lưu vong”.

“Bình phong phải là một cái nghệ thuật, phải sống thật với nghề, phải giỏi, không thể ghép vô đóng giả được. Bác sĩ giỏi cứu được người bệnh, mới có quan hệ thân được”.

Trở lại sự nhìn nhận thời cuộc lúc đó, ông Ẩn cho rằng tình báo của các nước đều đi theo kiểu “ăn sâu trèo cao” nhưng thực tế cho thấy lên cao chừng nào thì lại có sự hạn chế chừng đó. Lên không phải dễ, nước nào cũng vậy. Phải có một nghề phù hợp với mục tiêu đối phương.

Đời ông đã từng biết câu chuyện thực tế về việc “đánh vô” không hề dễ dàng. Khi ký Hiệp định Genève, đất nước tạm chia đôi. Âm mưu của Mỹ là không thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định đã ghi. Trong số những người di cư vào Nam, có hai thanh niên trẻ được cách mạng đào tạo. Con đường của họ là phải học hành thành sĩ quan chuyên nghiệp thực sự. Bao giờ thành tài, họ sẽ được giao nhiệm vụ sau. Hai thanh niên ráng học giỏi, được sang Mỹ đào tạo quân sự. Trong khi đó, có một cán bộ ngoài Bắc vào nắm tình hình và bị bắt khi chưa ổn định. Bị tra tấn dã man, ông đã khai ra kế hoạch đào tạo hai chàng trai nọ. Người tình báo bị bắt lẽ ra phải tự tử nếu chịu không nổi, vì nguyên tắc của địch là đánh cho tới khi khai. Khai ít đánh cho khai nhiều, khai nhiều rồi đánh nữa cho khai hết. Ai còn sống được là mừng. Có người bị giặc chích thuốc cho lên cơn thần kinh, bị ám ảnh ma quỷ bóp cổ để khai những gì còn nằm trong tiềm thức. Có thể nói đó là sự thử thách quá giới hạn của sức người. Sống thì thân tàn ma dại. Chính quyền ngụy không đủ phương tiện tra khảo thì chỉ dùng đòn đánh dữ. Ông cán bộ này chưa được huấn luyện kỹ. Một thử thách nữa là tình báo đảng viên lại có quy định giữ trọn khí tiết, không được tự tử, thế mới khổ thân.

Là một người được coi như một chuyên gia, ông Ẩn được phép quan hệ với nhân viên Quân ủy Trung ương ngụy, mặc dù lúc đó ông là chuyên viên ăn lương Phủ Tổng thống. Ông được tin cậy tới mức Điều lệ của Đảng Cần lao cũng đưa ông sửa và góp ý. Ông Đỗ Mậu (mà người ta gọi chệch là ông Đổ Máu - ông ta là đại tá giám đốc An ninh Quân đội) hỏi ông Ẩn: “Hai thằng này tính sao?”. “Khổ quá. Việt Cộng nó ghê gớm. Bây giờ kêu hai thằng đi học đó về, bắt xác nhận có việc đó. Chứ tụi nó mới đi học, đã hoạt động gì đâu. Cho đối chất chúng cũng biết ai đâu mà nhận mặt. Ra tòa cũng không kết tội được vì chúng chỉ đi học thôi, chưa hoạt động, đâu có tội gì”. “Thế hai thằng đó nó phải làm gì?” “Bắt xác nhận”. “Xác nhận xong làm gì?” “Đuổi nó ra khỏi quân đội. Bởi khi nhận việc, chúng nó tuổi vị thành niên”.

Việc diễn ra y như rằng, hai thanh niên kia bị gọi về nước tạm để kiểm tra thẩm vấn và sau cho ra khỏi quân đội. Câu chuyện cho thấy cài người khó như thế nào. Tạo bình phong từ nguồn đến vậy rồi mà còn hỏng. Ông Ẩn nhận xét và nhớ lại như đang bình luận một câu chuyện cũ. Trong buổi chiều thanh bình ở một thành phố mà mối quan tâm của tất cả dân chúng là hối hả làm ăn, thì câu chuyện xa xưa này nghe khó cảm nhận được hết.

Theo câu chuyện của ông, thời cuộc lúc đó hiện ra trong lời vắn tắt mà rất khốc liệt. Sau những năm 1957-1958, các lưới tình báo của ta bị bắt hết. Dương Văn Hiếu cảnh sát đặc biệt Miền Trung dưới thời Ngô Đình Cẩn rất có kinh nghiệm nắm rõ hoạt động của ta. Chính ông Mười Hương, chỉ huy của ông Ẩn, cũng bị bắt trong thời gian đó. “Tôi đang học ở Mỹ - ông Mười Hương giữ được khí tiết, không khai ra nên tôi an toàn”. Ông Ẩn nói rất kỹ về nỗi khó khăn của việc tạo vỏ bọc, của bình phong. Chính Mỹ dạy về nghề tình báo này kỹ lắm. Phải bí mật tuyệt đối. Họ dạy rằng khi nói chỉ một chuyện mật với một người khác thì phải coi là 11 người biết, còn nói với 3 người là 111 người biết.

Việc giữ bí mật quan trọng tới mức nếu một điệp viên được quá 3 người chỉ đạo là phải đổi sang bình phong khác. Tạo bình phong hoạt động cho một điệp viên rất khó và đòi hỏi nhiều thời gian, công phu và nghệ thuật.

Cách rất tốt là điệp viên đó phải đạt được tới mức trở thành chính khách, các giới đều tìm đến tham khảo ý kiến. “Giới quân sự cũng chạy tới. Bên kinh tế cũng qua hỏi. Nhưng không phải dễ đưa ra lời nhận định. Khi đã được coi như chính khách rồi thì phải hết sức khách quan khi phân tích tình hình, đóng góp được những ý kiến có giá trị”. Có người được thăm dò để chuẩn bị vào chức bộ trưởng, cũng tới hỏi, nhờ phân tích xem có nên nhận không, sẽ gặp khó khăn thuận lợi nào. Thậm chí có người sắp tiếp giới báo chí cũng tới hỏi ông Ẩn xem “Có nên tiếp thằng này không. Nó sẽ hỏi gì. Trả lời thế có được không”.

Ông Ẩn còn nhớ có một người là tiến sĩ toán học, tốt nghiệp bên Tây về, bạn của bộ trưởng giáo dục nên được chỉ định làm giám đốc Trung học. Vị tiến sĩ này về nhận việc thấy nội bộ nơi mình làm lại đang có chuyện không hay với Phủ Tổng thống. Hai bên mâu thuẫn, và tất nhiên là cơ quan đó bị Phủ Tổng thống “đánh”. Hoảng quá, vị tiến sĩ cũng tìm đến Ẩn, “tay nhà báo chuyện gì cũng biết”. “Nó đánh nhau, moa ở giữa sợ bị đạn. Có cách nào giúp không”. Vốn rất quen biết Phủ Tổng thống, ông tìm đến người phụ trách. Câu chuyện thân mật đã giải quyết vấn đề thật nhẹ nhàng: “Nè, tôi có người bạn mới về làm giám đốc đó, ông nội! Nhắn biểu đàn em cho nó yên được không?”. “Không dính dáng chính trị phải không?” “Ừ. Nếu được thì ra lệnh đàn em đừng động đến bạn tôi, tội nghiệp nó!”

Ở đời phải giúp đỡ người khác, giúp rất nhiều. Ông Ẩn còn có cả núi kinh nghiệm giúp cả mấy cô gái “ăn sương” thường bị nhân viên bảo vệ thuần phong mỹ tục (tiếng Pháp gọi là agents - de - moeurs) hỏi thăm. Từ việc to đến việc nhỏ, chẳng có việc gì lường trước được. Đôi khi tình thế xoay chuyển đạt kết quả bất ngờ, dựa vào những ứng xử mang đạo lý chứ chẳng phải bùa phép gì đặc biệt. Ngày đó, luật sư Nguyễn Hữu Thọ có cô con gái yêu một người Mỹ. Vốn thù luật sư theo kháng chiến nên chính quyền Sài Gòn lúc đó định làm lớn việc này ra bôi nhọ thanh danh ông. Viên trung tá cảnh sát nói dự định sẽ bắt người con gái đó ra xử tội. Lý do là “vi phạm thuần phong mỹ tục” vì chứa người Mỹ trong nhà khi chưa kết hôn và không khai báo với cảnh sát. Nghe được dự định này, ông Ẩn cản: “Đừng làm vậy. Hạ sách. Con ổng tự do. Bôi nhọ không được đâu. Người ta hy sinh cả gia đình đi vô chiến khu, đâu có mang con theo đâu mà quy trách nhiệm ổng. Ổng là trí thức lớn có uy tín, bôi nhọ kiểu đó không được đâu, lại lòi ra nhà nước quốc gia hành động bần tiện. Mà làm như vậy thì cũng là bôi nhọ luôn cả thằng Mỹ nữa”.

Những lời hợp lý và tỏ rõ ứng xử khôn ngoan ấy đã ngăn không cho việc xấu xảy ra. Hơn thế nữa, qua cách ứng xử ấy, những kẻ đang tính mưu mô bẩn thỉu còn thấy ở ông Ẩn một nhân cách trí thức biết tự trọng. Lời khuyên ấy giúp họ tránh được những cư xử sơ hở, ngu ngốc, nếu không, họ đã trở thành người bị chê trách. Những lợi ích như thế, qua nhiều thử thách lớn nhỏ của cuộc sống, khiến Ẩn được yêu kính và tin cậy. Ở đời phải giúp rất nhiều mới mong có quan hệ tốt, sự tin cậy và giúp đỡ lại. Không phải là trả nợ ngang giá, mà nhiều khi ông được giúp hoàn thành những nhiệm vụ to lón liên quan đến vận nước…

Đang nói chuyện về cái bình phong, cái vỏ bọc nghề nghiệp, ông Ẩn phải ngừng câu chuyện để nghe điện thoại. Không rõ câu chuyện của ông với ai đó, liên tưởng tới câu chuyện bỏ dở, ông buông máy điện thoại để tiếp tục cái ý nghĩ liên quan tới lối ứng xử mà ông suốt đời tuân theo.

“Ông bạn này người Hoa, 70 tuổi, bạn tốt. Cuộc sống ở đời có hai cái: thứ nhất là quan tâm đến người khác. Thứ hai là phải tranh thủ chơi với người bạn tốt, dù cho người xấu có nhiều, càng ngày càng xấu. Phải làm bạn thật tình cho hết cuộc đời. Đời thành công cũng nhờ hai cái đó”.

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên