08/06/2006 00:04 GMT+7

Những nữ "Digan" của hoang mạc

VŨ BÌNH
VŨ BÌNH

TT - Trên những nẻo đường ngược xuôi theo những đồi trọc và bãi cát trắng mênh mông, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những “bóng hồng”.

CIOvAaHd.jpgPhóng to

Ngọc Thu bên đàn cừu chăn thuê - Ảnh: Vũ Bình

Họ cũng cháy nắng cháy gió với cuộc sống khắc nghiệt, nhưng có họ tôi cảm thấy dịu đi phần nào cái oi nồng, khô khốc của hoang mạc.

Kỳ 2: Bếp lửa đêm giữa hoang mạc Kỳ 1: Về miền gió cát

Xương rồng trên cát

Quá trưa, tôi không nhớ mình đã đi được bao nhiêu cây số, mệt mỏi, đói khát mà tôi nào dám một lần lên tiếng, bởi phía trước là những phụ nữ mảnh mai vẫn sải những bước chân dài trên cát.

Kiều Thị Giang một tay quẩy túi trên vai, một tay nắm tay con trai 5 tuổi bước đều từ đêm qua đến giờ không một lời than thở. Giang mới hơn 30 tuổi, sinh cậu bé này ngay tại căn chòi canh gia súc trên triền núi. Đến gần ngày sinh, Giang vẫn phải phụ chồng xua cừu ra bãi, về gần đến chòi thì đã sinh rớt đứa trẻ ngay cạnh bụi xương rồng ven đường. Con mới 1 tuổi, người mẹ trẻ lại địu con theo chồng đi khắp các đồng cỏ.

zqFUghsj.jpgPhóng to
Tuổi đôi mươi gắn bó cùng đàn gia súc - Ảnh: Vũ Bình

Lớn lên giữa hoang mạc, niềm vui của những cô gái trẻ chỉ là nô đùa cùng đàn gia súc trong cái nắng nung người.

Tuổi mười tám, đôi mươi nhưng hầu như Thu, Thủy không biết làm đẹp là gì ngoài những lần tôi để ý thấy đi ngang con suối, cả hai hồn nhiên mở nón, mở khăn che mặt vốc nước rửa mặt, chải lại mái tóc rồi cười mỉm một mình.

Giang kể cô vốn là con gái của một gia đình Chăm khá giả có đàn gia súc lớn ở Chà Vum. Nhưng vì tình yêu, cô quyết định lấy người thanh niên đi chăn gia súc thuê cho gia đình mình làm chồng.

Cha mẹ khuyên ngăn mãi không được cũng đành chấp thuận nhưng không cho họ ở chung với gia đình. Hai vợ chồng cô cũng tự lập được một căn nhà nhỏ ở Nhơn Đức, Ninh Sơn. Nhưng Giang không muốn bỏ mặc chồng một thân một mình đi vào núi nên quyết định khăn gói sống đời “Digan”.

Ôm con trai 5 tuổi vào lòng, Giang tâm sự: “Ở trên núi thuốc men làm gì có, mình phải tự tìm các loại cây cỏ trị các loại bệnh theo các bài thuốc gia truyền. Phụ nữ gặp đủ chuyện phức tạp trong tắm giặt, sinh hoạt riêng trong khi cuộc sống lại tạm bợ giữa núi đồi nên phải biết tự thích nghi để mà tồn tại.

Cái lo nhất là đám trẻ, mình đang cố dành dụm ít vốn gửi chúng về làng nhờ người nuôi ăn học đàng hoàng. Lớn lên còn có nhà, có ruộng nương chứ đâu thể sống đời lang thang, ngủ đất nằm sương như cha mẹ chúng được”.

Câu chuyện về những người phụ nữ theo chồng đi chăn thuê, hằng ngày lang thang ở những thảo nguyên, sinh rồi nuôi con trên núi không phải hiếm. Ngọc Thu, con gái của ông Thành Sinh, cho biết cô và người bạn Hứa Thị Thủy cũng được sinh ra ngay tại căn chòi canh gia súc với sự giúp đỡ của y tá địa phương.

Hai cô gái “Digan” này cũng đã từng được gia đình gửi về làng học tiểu học, nhưng chỉ mới đến lớp 5 thì cha mẹ chuyển sang đi chăn thuê ở tận vùng núi cao Bác Ái nên việc học của các cô dở dang theo.

yfxRQEOf.jpgPhóng to
Chăm sóc đàn gia súc trong cái nắng nung người - Ảnh: Vũ Bình
Ước mơ hồng trên cát trắng

Xế chiều, đàn bò, cừu mới di chuyển được hơn hai phần ba đoạn đường về Chà Vum, Ninh Sơn vì phải di chuyển cả đàn lớn qua nhiều địa hình đồi núi nên khá chậm. Cả nhóm lại tiếp tục dựng lều bạt qua đêm để chờ sáng sớm mai đi tiếp.

Tôi vòng ra con suối nhỏ sau quả đồi cách nơi đóng trại bò dã chiến gần một cây số, thấy Ngọc Thu đang ngồi thẫn thờ một mình, nhìn về hướng mặt trời xa xa đang lặn sau bóng núi. Ngồi trò chuyện vu vơ một lúc, Ngọc Thu mới thổ lộ lòng mình.

Hơn nửa năm trước, có một chàng trai người Kinh, em trai của một chủ trang trại gia súc cạnh trại của gia đình Thu, đã để ý đến cô. Cả hai chưa kịp ngỏ lời gì với nhau thì người con trai phải về lại Phan Rang, Tháp Chàm.

Câu nói đầu tiên của anh ta khiến Thu cứ bồi hồi mãi đến tận bây giờ: “Em là một cô gái đẹp, anh sẽ không quên em”. Rồi trại gia súc của gia đình Thu trông coi dời đi nơi khác theo yêu cầu của chủ. Cô gái sinh ra giữa miền hoang vắng này vẫn có một niềm tin mãnh liệt chắc chắn một ngày người con trai kia sẽ quay trở lại, dù biết rằng người Chăm vốn theo chế độ mẫu hệ, con gái rất khó kết hôn với người không cùng tộc.

Nhưng cô gái du mục này vẫn muốn được gặp lại người con trai kia một lần nữa. Suốt buổi tối cô cứ hỏi tôi về Phan Rang, về thị xã, về những con người sống ở đô thị mà cô chưa một lần được đặt chân đến.

Màn đêm lại bắt đầu bao phủ, gió lại bắt đầu rít mạnh từng cơn. Hứa Thị Thủy đi tìm chúng tôi về lều dùng bữa tối. Trên đường về, cũng giống như bạn mình, Thủy cứ hỏi tôi về cuộc sống ở đô thị, về những người bạn cùng trang lứa mình ở nơi đô hội mà cô được nhìn thấy trong những lần xem tivi ở trang trại chủ.

Tôi hiểu trong tâm tư của những cô thiếu nữ đôi mươi suốt một thời thanh xuân lầm lũi đi trong hoang mạc vẫn có những ước mơ màu hồng, vẫn có những tình cảm mãnh liệt. Họ vẫn hi vọng cho mình những ước mơ rồi một ngày cuộc sống sẽ đổi thay, bước chân họ vượt thoát ra khỏi sự rộng lớn nhưng cô đơn của hoang mạc cát.

oOo

Tuổi chỉ mới lên chín, lên mười nhưng những "cao bồi" nhí đã trở thành trụ cột của gia đình, chăn đàn gia súc giúp cha mẹ.

Khi nắng nung người dịu xuống trong màn đêm, có những em vùi trong giấc ngủ để lấy sức cho ngày mai chăn đàn gia súc, cũng có những em lục tục kéo nhau đi học với ước mơ lớnlên có một công việc ổn định, không còn phải sống mãi giữa đồi núi rày đây mai đó.

Kỳ tới: “Cao bồi” nhí trên thảo nguyên

VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên