18/11/2005 06:42 GMT+7

Cái kết buồn của VĐV VN xuất sắc nhất thế kỷ 20

TRƯỜNG VŨ - XUÂN HÙNG
TRƯỜNG VŨ - XUÂN HÙNG

TT - Trần Oanh quê ở miền biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Năm 1949, khi tròn 17 tuổi, cũng như bao thanh niên thời bấy giờ, ông gia nhập bộ đội địa phương đánh Pháp, công đồn với khẩu Mútcơtông cũ kỹ.

Z2tfu2Ug.jpgPhóng to
Xạ thủ Trần Oanh (người thứ hai từ trái qua) trong ngày được gặp Bác Hồ sau chuyến thi đấu thành công tại Ganefo trở về (năm 1966) - Ảnh tư liệu

Và con đường binh nghiệp vẫn theo đuổi người lính trẻ cho đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc.

Nhà vô địch thế giới và phần thưởng… 3 ngày

Ở các cuộc thi bắn súng cấp sư đoàn năm 1954, Trần Oanh luôn đứng đầu với những đường bắn “không hiểu sao toàn trúng vòng 10”. Hai năm sau, ông vác súng lên đội tuyển bắn súng quân đội, tham dự các giải thể thao của quân đội các nước XHCN hằng năm và cũng luôn về nhất. Khi đoàn Thể Công được thành lập, Trần Oanh là một trong ba VĐV bắn súng đầu tiên của đội tuyển bắn súng ở Trường Sĩ quan lục quân.

Đỉnh cao sự nghiệp của chàng trai chân đất miền biển là tháng 7-1962. Tại Plezen (Tiệp Khắc cũ) diễn ra giải bắn súng quân đội các nước XHCN với sự tham dự của hàng trăm tay súng đến từ 15-16 nước trên thế giới (thêm ba nước châu Phi là Congo, Angola và Ethiopia). Trần Oanh là một trong số 12 VĐV đội tuyển VN tham dự giải đấu này.

Ở loạt bắn thứ 10 môn súng ngắn ổ quay (nội dung mà Trần Oanh tham dự), một xạ thủ Liên Xô vừa bắn được 585 điểm thì hai xạ thủ Đức khác cũng kịp sánh ngang, trước khi bị một xạ thủ Tiệp Khắc vượt qua với 586 điểm, đúng bằng kỷ lục thế giới ở thời điểm đó.

Chỉ còn lại Trần Oanh nên cả trường bắn chĩa ống kính vào bệ bắn mà xạ thủ VN giương súng. Các loạt đạn đều đi trúng tâm đích, năm viên cuối cùng nhắm trúng vòng mười. 587 điểm!

Trần Oanh hạ súng xuống thì tất cả những người ở trường bắn, bất kể màu da, đen, trắng hay vàng đều xô đến công kênh ông. Những người chứng kiến vui vì kỷ lục mới mà Trần Oanh lập được đã vượt kỷ lục thế giới mà đại úy lục quân Mỹ McKlein đang nắm giữ (586 điểm, lập tại giải vô địch bắn súng thế giới trước đó vài năm).

Phần thưởng cho nhà vô địch thế giới thời điểm đó là gì? Về nước, Trần Oanh được thưởng ba ngày phép, mượn xe đạp đi từ Sơn Tây (nơi đóng quân) đạp về Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thăm gia đình.

10 phút mạo hiểm

Với việc phá kỷ lục thế giới, Trần Oanh được phong từ trung úy lên thượng úy. Một vinh dự vô cùng lớn nữa đến với Trần Oanh tại Ganefo châu Á (giải thể thao của các nước mới trỗi dậy) năm 1966, ông đoạt tiếp HCV môn súng ngắn bắn chậm với thành tích 574 điểm, góp công rất lớn vào sự thắng lợi của đoàn VĐV VN tại đại hội.

Ngay ngày về nước (19-12-1966), Trần Oanh là một trong số các VĐV được gặp Bác Hồ và là một trong bốn người được Bác đích thân gắn tấm huy hiệu của Người. Tấm ảnh của Trần Oanh và các VĐV xuất sắc thời bấy giờ bên Bác sẽ được đưa vào Bảo tàng Olympic VN sắp thành lập và nó luôn được coi như một kỷ niệm lịch sử của thể thao VN suốt bao năm qua.

Nhưng kỷ niệm mà những người cùng thời nhớ nhất về xạ thủ nổi tiếng này là những gì ông thể hiện tại giải bắn súng hữu nghị quốc tế mở rộng tại Bắc Kinh (1967). Trong cuộc thi này, Trần Oanh gặp lại đầy đủ những xạ thủ nước ngoài giỏi nhất tại Ganefo năm trước.

Trong số này có nhà vô địch người Trung Quốc Trương Hùng, người nêu kỷ lục châu Á môn súng ngắn bắn chậm 50 viên với thành tích 553 điểm. Vào tuyến bắn, các xạ thủ nước ngoài nổ hàng loạt bắn thử giòn giã và chính xác.

Nhưng đến lượt Trần Oanh, không hiểu sao cứ giương súng lên ngang điểm đen súng đã cướp cò. 15 viên bắn thử hỏng đến 11 viên. Thời gian cuộc thi là hai giờ rưỡi. Một giờ bắn thử trôi qua hoàn toàn thất bại với Trần Oanh. Kinh nghiệm của một xạ thủ 10 năm cầm súng đã lóe lên trong đầu: khẩu súng Iji cổ lỗ quen thuộc bị căng cò do lò xo hỏng.

Trần Oanh đã đi đến một quyết định được xem là mạo hiểm ngay tại trường bắn: tháo súng ra sửa. Mười phút mà Trần Oanh sửa súng trong giờ thi dài dằng dặc đối với những người ngồi ngoài, đặc biệt là HLV Ngô Mai Xuân.

Nhưng nhờ bắt “đúng bệnh”, khi lắp vào đường đạn của khẩu súng đã “ngoan ngoãn” đi đúng đường bắn của người xạ thủ. Thành tích 554 điểm đã khiến Trần Oanh vượt cả kỷ lục Ganefo thời bấy giờ và giành giải nhất.

Những câu chuyện buồn

Sau khi đi Tiệp Khắc trở về, Trần Oanh bị nghi ngờ “quan hệ nam nữ không lành mạnh”. Dù mọi chuyện không rõ ràng nhưng “bản án treo” lơ lửng trên đầu người xạ thủ với cái tội được coi là kinh khủng thời bấy giờ khiến ông bị kiểm điểm, hạ một bậc quân hàm từ thượng úy xuống trung úy. Phải mất rất nhiều năm và có rất nhiều thành tích thể thao kéo lại, Trần Oanh mới có lại được quân hàm thượng úy trước khi về hưu năm 1974.

Trần Oanh là người cục mịch, hiền lành, ít nói, và ngoài khẩu súng ra cũng không học hành hay có quan hệ rộng. Rời binh nghiệp, dù nhiều thành tích lẫy lừng nhưng ông đã không trở thành HLV mà lặng lẽ trở về Tĩnh Gia, ngày ngày đi đánh te (bắt tép) ở ven biển. Tay cầm te, tay cầm can rượu. Hình ảnh Trần Oanh cô đơn trên bãi biển mỗi sớm với cảnh nhà nghèo và sáu đứa con không đủ ăn khiến nhiều người bạn về thăm ông đã bật khóc.

Năm 1975, phó trưởng Ty Thể thao Thanh Hóa Cao Đình Tiếp (cũng là một xạ thủ) mến tài người đi trước về tận quê mời ông lên huấn luyện cho đội tuyển bắn súng tỉnh Thanh với tiền bồi dưỡng tương đương 6kg gạo/ngày, giúp ông và gia đình qua những khó khăn.

Hàng trăm tấm huy chương trong và ngoài nước được người lính già mang về quê cho trẻ con chơi. Ngoài tài sản đó và sáu đứa con (mà tên đặt theo các nước ông đã đến thi đấu, lần lượt là Đức, Việt, Tiệp, Hoa, Ba - có nghĩa là CHDC Đức, VN, Tiệp Khắc, Trung Hoa, Cuba và một cô út tên Yến), Trần Oanh không có gì đáng giá trước khi ra đi vĩnh viễn năm 1985.

Suốt bảy năm trời, ngôi mộ của nhà vô địch thế giới nằm thui thủi ở một gò hoang trên bãi biển xã Hải Yến. Năm 1992, trong một chuyến công tác về Thanh Hóa, nghe kể về gia cảnh và mộ phần của nhà vô địch Trần Oanh, cục trưởng Cục TDTT Dương Nghiệp Chí đã họp với lãnh đạo Sở TDTT và hỗ trợ thêm được 4,5 triệu đồng di dời phần mộ ông về chân núi Chuột.

Nhưng chuyện của người đã khuất chưa dừng lại ở đó. Năm 2000, ông được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là VĐV xuất sắc nhất thế kỷ 20 của VN từ đề xuất của Ủy ban TDTT (dưới thời bộ trưởng Hà Quang Dự).

Vinh dự mà chưa một nhà vô địch VN nào có được (dù người nhận đã không còn) không thể khỏa lấp được một thực tế buồn: gia đình Trần Oanh với người vợ già 77 tuổi vẫn phải nhận trợ cấp khó khăn từ xã nghèo.

Tin, bài liên quan

Kỳ 1: Ngày rúng động thể thao thế giớiKỳ 2: Mai Văn Hòa và chữ ký giải nợ Chà vàKỳ 3: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 4: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 5: “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn RạngKỳ 6: Danh thủ Trương Tấn Nghĩa: tài năng và đào hoa!Kỳ 7: Danh thủ Thể Công làm HLV trên đất ĐứcKỳ 8: Ngã rẽ của ông Weigang và số phận chiếc cúp vô địchKỳ 9: Phạm Huỳnh Tam Lang - ký ức một thời vang bóngKỳ 10: “Nữ hoàng” không ngai môn bóng nhựaKỳ 11: Võ sĩ Huỳnh Văn Có và cú siết cổ kinh hoàngKỳ 12: Một cô gái vô tiền khoáng hậu...Kỳ 13: Những huyền thoại trên đường thiên lýKỳ 14: Ba tay đấm danh trấn giang hồ

TRƯỜNG VŨ - XUÂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên