01/05/2005 20:01 GMT+7

Xuân thanh bình đầu tiên và mãi mãi

TƯỜNG CHÂN
TƯỜNG CHÂN

TTCN - ...Chỉ mãi đến 8 giờ tối ngày 30-4-1975, khi cả đoàn về đến rạp Long Vân trên đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), tôi mới thật sự cảm nhận hòa bình đã trở thành hiện thực.

Ra0I0ZQR.jpgPhóng to
Tác giả (thứ hai từ phải sang) trên bậc tam cấp dinh Độc Lập cùng với các đồng chí T.Ư Cục trong ngày mittinh mừng chiến thắng 30-4-1975

Dẫu thế, 8g sáng 7-5-1975, khi rợp trời cờ xí tung bay giữa rừng người, Sài Gòn mittinh chào mừng chiến thắng 30-4-1975 và ra mắt Ủy ban Quân quản TP.HCM, tôi vẫn còn ngỡ như mình đang trong mơ!

...Đó là cuối tháng hai đầu xuân 1975, ăn tết tại Trường Báo chí miền Nam (BCMN) trong tin chiến thắng khắp nơi dồn về. Đó là một sáng đầu tháng ba xuân 1975, khi Trường BCMN giải tán để mọi người chuẩn bị vào chiến dịch cho ngày giải phóng miền Nam (GPMN). Tôi theo đoàn sang B9 - văn phòng của Ban Tuyên huấn Trung ương (T.Ư) Cục, học 10 điều lệnh chiến dịch Sài Gòn. Hằng ngày tôi được phân công theo dõi, tổng hợp tin tức từ đài phát thanh để sinh hoạt với đoàn. Tôi ghé qua thăm chú Tư Tô Lâm, chú nói: “Vào Sài Gòn, nếu chiếm được đài truyền hình, đài phát thanh mà lực lượng chính qui chưa tới kịp, thì cháu phải là người phát thanh, phát hình, viết tin bài tiếng Việt, tiếng Hoa cho kịp thời tại chỗ”.

Một sáng cuối tháng 4-1975, bảy chiếc xe tăng dẫn đầu, theo sau là hơn 700 xe của các cơ quan T.Ư Cục miền Nam. Riêng hơn 50 xe của đoàn Ban Tuyên huấn - bí số B79, do chú Tư Tô Lâm - thường trực Ban Tuyên huấn - làm trưởng đoàn, chú Tám Lai - đại tá quân đội - làm phó đoàn phụ trách an ninh, anh Út Tửu - một sinh viên Sài Gòn dẫn đường. Chiến dịch về Sài Gòn có đủ bảy tiểu ban của Ban Tuyên huấn, điểm hẹn của đoàn dự kiến là trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất, trong tình hình Sài Gòn chưa hoàn toàn giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng sẽ phát sóng di động trên xe.

Tôi đi chung xe với chú Năm Vận - sau là trưởng Ban Dân vận T.Ư. Suốt đường về, chiếc radio bé nhỏ của chúng tôi luôn mở chương trình Đài Giải phóng. Những bài hát luôn theo chúng tôi Tiến về Sài Gòn, Bão nổi lên rồi... Mãi đến nhiều năm sau giải phóng, tôi vẫn còn mãi những cảm xúc và hình ảnh năm xưa khi các đài phát lại những bài hát này.

Trên đường chúng tôi đi qua, hai bên dân cư thưa thớt, nghèo nàn, một cụ già cười, nói: “Thuở giờ mới thấy tụi bây hành quân bằng cơ giới!”. Trưa hôm đó đoàn đến Bến Củi và hạ trại tại đây một đêm. Từ Bến Củi trở đi, bót đồn ngụy quân đã bỏ chạy.

Hôm sau, đoàn được lệnh cấp tốc lên đường bởi Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng hồi 10g ngày 30-4-1975. Song khi qua Suối Cụt thì phải dừng lại bởi bảy chiếc tăng đang đụng độ với bọn lính ngụy Đồng Dù, Củ Chi. Địch đã bắn cháy một chiếc tăng của ta. Cuối cùng, sáu chiếc tăng còn lại đã diệt sạch tàn quân, xác lính ngụy la liệt trên đường.

Khi tới Củ Chi, cảnh ngụy quân tan rã hiện ra rõ nét: vung vãi đầy đường là những nón mũ, giày dép, áo quần lính. Bọn họ từng tốp 5 - 10 người đi bộ về hướng Sài Gòn. Chiến tranh đang hồi kết thúc. Mùa xuân thanh bình đang trở về, những người đã bao năm trong chiến tranh phi nghĩa sẽ trở về với gia đình, chấm dứt cuộc đời cầm súng chống lại nhân dân. Họ nhìn đoàn xe chúng tôi đang lướt qua, trên những gương mặt đã tan dần sát khí là những đôi mắt kính phục, những bàn tay đang vẫy chào chúng tôi.

Qua Hóc Môn, dự kiến sẽ đụng độ với lính quân trường Quang Trung, nhưng rốt cuộc cả trại lính trống không! Qua An Sương cũng bình yên. Nhưng khi qua trại Hoàng Hoa Thám hướng sân bay Tân Sơn Nhất thì sáu chiếc tăng vẫn phải vào trận. Một ít địch núp trên các nóc nhà bắn tỉa vào đoàn xe ta.

Đến đây, đoàn chuyển hướng về ngã bảy Chợ Lớn để chuẩn bị tiếp quản các cơ quan thông tấn, báo chí, giáo dục, văn hóa... của địch. Chú Tám Lai dẫn đầu đơn vị đến tiếp quản Đài truyền hình và Đài phát thanh Sài Gòn. Chúng tôi đổ qua ngã tư Bảy Hiền. Trên xe, các anh tựa lưng ngồi hai hàng, súng lên đạn, mắt nhắm các điểm trên lầu cao. Xe đi qua nghĩa trang Đô thành - giờ là công viên Lê Thị Riêng, đối diện bên đường, một trại dù hãy còn 4 - 5 xác lính ngụy ngổn ngang. Đoàn đổ về đường Phan Thanh Giản. Trời chập choạng tối. Xen giữa tiếng súng lác đác là tiếng pháo mừng quân giải phóng. Qua ngã bảy có lẽ khoảng 8 giờ tối, đoàn dừng trước rạp Long Vân...

Rạp Long Vân đêm 30-4-1975, đồng bào xúm lại xem những cô gái, chàng trai giải phóng mới từ chiến khu trở về. Gần đó có chùa Pháp Hội, bà con mang cơm ra mời chúng tôi.

Một điều lạ là chỉ thấy người già, trẻ em đến đông nghẹt trong khi vắng bóng phụ nữ. Anh Út bị một cụ phát hiện: “Ồ! Thì ra mày đi theo giải phóng hả?”. Cả đám đông vây chặt chàng trai trốn lính ngày nào. Một cụ hỏi: “Có phải Việt cộng về đây bắt hết đàn bà con gái gả cho thương phế binh, phụ nữ sẽ bị rút hết móng tay?”. Anh Út trấn an: “Không có chuyện đó đâu”. Sau đó, các cô gái mới dám xuất hiện.

12g trưa 1-5-1975, chúng tôi về đến 272 Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu), bộ dân vận chiêu hồi ngụy và làm việc tại đây cho đến hết thời kỳ quân quản ở TP.HCM.

Sau đó, tôi được phân công tác nghiên cứu tổng hợp cho Ban Khoa giáo Ủy ban Quân quản TP.HCM. Kết thúc thời kỳ quân quản, tôi về Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, rồi chuyển qua bộ phận báo chí của Cục Báo chí xuất bản, rồi Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn T.Ư...

...30 năm ngày Sài Gòn - miền Nam hoàn toàn giải phóng! Thời gian mãi đi tới với những mùa xuân thanh bình. Sài Gòn kiên cường, bất khuất đã đi lên từ khói lửa chiến tranh...

TƯỜNG CHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên