23/07/2014 16:47 GMT+7

Gia tộc "đại gia" Samsung trước nỗi lo thừa kế

CH. LUÂN
CH. LUÂN

TTO - Chủ tịch Lee Kun Hee của Samsung Group đã nằm viện ba tháng qua và có thể sẽ trao lại quyền thừa kế. Theo đó, gia đình quyền lực này nhiều khả năng không còn gắn kết với mô hình công ty đại tổ hợp, mà ông Lee đã kết nối mọi lĩnh vực từ smartphone đến bảo hiểm nhân thọ.

OAefL87u.jpgPhóng to
Tỉ phú Lee Kun Hee - chủ tịch Samsung Electronics Co. (giữa), xuất hiện cùng con gái Lee Boo Jin - giám đốc điều hành Hotel Shilla Co. tại một cuộc họp của công ty diễn ra ở khách sạn Shilla Hotel, Seoul, Hàn Quốc hôm 2-1 - Ảnh: Bloomberg

Cách đây 27 năm, ông Lee Kun Hee - nay đã 72 tuổi - được cha trao quyền điều hành và đã đưa Samsung vượt mặt Sony Corp., Nokia Oyj trong mảng điện thoại di động, đồng thời đủ sức cạnh tranh trực tiếp với Apple Inc.

Đến nay, con trai ông - Lee Jae Yong (46 tuổi) - sẽ phải đấu tranh để duy trì tầm ảnh hưởng tương tự cha mình, giữa bối cảnh Samsung phải trả khoản thuế thừa kế có thể lên đến 6 tỉ USD và tập đoàn cũng không còn nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Hàn Quốc với hình thức công ty đại tổ hợp thông qua cổ phần chéo.

Dù chỉ kiểm soát chưa đến 2% tổng số cổ phiếu nhưng gia đình Lee vẫn đang thống trị hơn 74 công ty của Tập đoàn Samsung. Ông Lee “con” - người đã làm việc dưới thế cha từ năm 1991 - sẽ phải nới lỏng lượng nắm giữ của gia tộc và giảm hàng rào chống lại các cổ đông bên ngoài, trước những thách thức mà Samsung Electronics Co. đang phải đối mặt để trụ vững vị trí đứng đầu trong thị trường smartphone.

"Samsung đã vươn lên trở thành nhà lãnh đạo thế giới do chủ tịch Lee có thể tự phong tỏa quyền quản lý của mình tách biệt những tác động bên ngoài - Theo nhận định của giáo sư Kim Houng Yu tại Trường Kyung Hee School Of Management ở Seoul - Một khi cấu trúc cổ phần chéo bị phá vỡ, quyền kiểm soát tập đoàn của gia đình Lee sẽ suy yếu và họ sẽ dễ bị tổn thương trước những tác động từ bên ngoài".

Chẳng hạn các cổ đông có thể tăng áp lực buộc Samsung Electronics gia tăng cổ tức khi nguồn tiền mặt vượt qua mốc hiện tại 58 tỉ USD, theo nhà phân tích Claire Kim tại Daishin Securities Co. Họ cũng có thể gây áp lực đòi thay đổi chiến lược hay cắt giảm chi phí vốn khi tăng trưởng trì trệ.

Các đợt IPO mới

Lee “cha” là một nhân vật có tầm ảnh hưởng quá lớn tại Hàn Quốc với thành tích đưa Samsung trở thành chaebol (tập đoàn) uy lực nhất đất nước, có doanh thu gấp đôi chaebol đứng thứ nhì, theo Korea Fair Trade Commission. Ông cũng là người giàu có nhất Hàn Quốc với khối tài sản 11,4 tỉ USD trên bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index.

Sau cơn đau tim nặng của ông Lee “cha”, chuyện kế vị đã trở thành vấn đề cấp bách của Samsung trong năm 2014. Theo pháp luật Hàn Quốc, người thừa kế phải nộp thuế 50% và văn phòng luật Shin & Kim ở Seoul ước tính thuế thừa kế của Samsung lên đến 6 tỉ USD. Dù hãng có thể lách thuế bằng cách tung ra cổ phiếu của tập đoàn, nhưng như vậy gia đình sẽ mất một số quyền kiểm soát tài sản đó trong vài trường hợp sau này.

Gia đình Lee dự định đưa một số doanh nghiệp Samsung lên sàn chứng khoán lần đầu tiên - việc làm có thể giúp trang trải khoản thuế thừa kế và tuân thủ các giới hạn nghiêm ngặt của chính phủ quy định cho các công ty đại tổ hợp. Một trong số đó là Cheil Industries Inc. - đơn vị điều hành chiến lược tuy nhỏ nhưng rất quan trọng trong mảng sân golf, sở thú và Caribbean Bay - một trong những công viên sở thú lớn nhất thế giới hay nhà cung cấp dịch vụ công nghệ Samsung SDS Co.

Quyền lực gia đình

Trong khi Samsung Electronics là doanh nghiệp lớn nhất thì phần lớn quyền lực gia đình lại đến từ Cheli - đổi tên thành Samsung Everland Inc. từ tháng 7-2014. Công ty được tổ chức chặt chẽ trên thực tế là công ty chủ vốn, với cổ phần trực tiếp và gián tiếp trong các đơn vị kinh doanh điện tử, tài chính và thương mại.

Ví dụ Cheli kiểm soát 19,3 cổ phần trong Samsung Life Insurance Co. - đồng nghĩa việc giữ 7,6% cổ phần trong Samsung Electronics. Trong khi đó, công ty sản xuất điện thoại Samsung lại kiểm soát 37,5% trong Samsung Card Co. - vốn chiếm 5% cổ phần của Cheli và tạo thành một vòng tròn khép kín.

Gia đình Lee hiện đang kiểm soát hoàn toàn Cheli: Lee Jae Yong giữ 25% vốn chủ sở hữu, chị em của ông là Lee Boo Jin và Lee Seo Hyun mỗi người giữ 8,4% và cha giữ 3,7%. Phần còn lại thuộc về các công ty khác trong tập đoàn. Các nhà phân tích cho biết nhóm cổ đông không nằm trong gia tộc có thể bán cổ phiếu trong đợt IPO sắp đến và để cho gia đình Lee nắm quyền toàn bộ.

Áp lực bên ngoài

Ông Lee “con”, thường được gọi là Jay Y. Lee, từng tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul - trường đào tạo hàng đầu Hàn Quốc - và được đánh giá là có mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với Google Inc. and Apple. Nhưng, ông có thể sẽ không tuân theo những gì mà cha đã làm trước đó vì ông chưa được kinh qua nhiều, theo nhận xét của giám đốc điều hành Chung Sun Sup thuộc Công ty nghiên cứu Chaebul.com.

"Thị trường có phần bồn chồn về tương lai của Samsung khi không có chủ tịch Lee - ông Sup nói - Cho dù đó có phải là Lee Jae Yong hay không thì câu hỏi lớn vẫn là liệu người kế nhiệm có đủ uy tín và bản lĩnh lãnh đạo để lấy được lòng tin và sự ủng hộ như ông Lee Kun Hee đã từng làm được hay không".

Tính đến nay, Samsung phải đối mặt với rất ít áp lực từ bên ngoài, một phần do Samsung Electronics hiện phát triển để thống trị ngành công nghiệp điện thoại di động. Tuy nhiên gần đây công ty cũng gặp khó khăn vì lợi nhuận hoạt động đã giảm đến quý thứ ba liên tiếp. Các nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi Corp. đang giành được khách hàng bằng cách đưa ra các thiết bị giá rẻ mà vẫn đi kèm nhiều tính năng, trong khi Apple đang cạnh tranh quyết liệt để giành khách hàng cao cấp.

Lịch sử chaebol

11g31 ngày 23-7 (giờ Hàn Quốc), cổ phiếu Samsung Electronics tại Seoul đã giảm 0,7% còn 1.338.000 won (khoảng 1.309 USD). Trong năm 2014, cổ phiếu đã giảm 2,5% và thấp hơn 16% so với mức kỷ lục năm 2013.

Giáo sư kinh tế Kim Sang Jo tại Trường Hansung University in Seoul nói: "Chúng tôi không rõ mảng doanh nghiệp smartphone tương lai của Samsung sẽ ra sao. Nếu cổ phiếu tiếp tục giảm vì lợi nhuận chậm chạp thì quyền kiểm soát quản lý của Lee Jae Yong có thể bị đe dọa".

Trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ các chaebol Samsung và Hyundai Group như một cách để hiện đại hóa nhanh chóng. Họ giúp đất nước thoát nghèo sau chiến tranh Triều Tiên và đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Nhưng khi khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra năm 1997-1998, mọi thứ đã thay đổi. Nguồn hỗ trợ suy yếu giữa bối cảnh chính phủ lo ngại các chaebol đã co mình vào những khuôn khổ quá mạnh và khó đổi mới.

Samsung cũng có những vấn đề riêng của mình. Năm 2008, Lee Kun Hee bị kết án trốn thuế sau khi các công tố viên cáo buộc ông bán trái phiếu SDS cho con mình với giá thấp do đã được điều chỉnh. Đến năm 2009, cựu tổng thống Lee Myung Bak đã tha tội cho tỉ phú Lee Kun Hee.

(Theo Bloomberg)

CH. LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên