23/07/2014 08:06 GMT+7

Nhiều cầu thủ đi tù, sao vẫn không sợ?

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Vụ dàn xếp tỉ số tại Bacolod (Philippines, SEA Games 2005) đã khiến một loạt cầu thủ nổi tiếng của bóng đá VN ngày ấy phải đứng trước vành móng ngựa. Phiên tòa xử vụ ấy được tổ chức vào tháng 1-2007, tính ra chỉ mới hơn bảy năm.

Clip Vụ dàn xếp tỉ số: Đội bóng Đồng Nai đi 19, về 13 Bắt năm đối tượng nghi dàn xếp tỉ số trận đấu ở V-League

Mới nhất, chỉ cách đây hơn hai tháng, hàng loạt cầu thủ của đội Ninh Bình cũng đã thảm não cúi đầu trước các điều tra viên, khi vướng vào vụ dàn xếp tỉ số trong một trận đấu tại AFC Cup.

Tất cả những câu chuyện buồn đó đều được các phương tiện truyền thông đưa tin, hình ảnh rất đậm. Không lẽ nó lại chẳng có tác dụng răn đe tới các cầu thủ khác, để rồi một loạt cầu thủ Đồng Nai lại nhúng chàm trong trận đấu với Than Quảng Ninh hôm chủ nhật rồi? Đã một thời rất nhiều người tin rằng khi cho một vài cầu thủ vào tù thì những người còn lại sẽ biết sợ mà tránh xa tiêu cực. Vì sao đã có nhiều cầu thủ đi tù rồi nhưng vẫn rất nhiều người không sợ?

Tôi đặt câu hỏi này với nhiều chuyên gia của làng bóng Việt, và ông Nguyễn Văn Vinh hỏi ngược: “Thế thì bạn hãy giải thích giùm tôi vì sao cũng có nhiều cán bộ đi tù, thậm chí cả tử hình vì tham nhũng, nhưng vẫn có người cứ tham nhũng? Đặc biệt, đó lại là những người được ăn học, đào tạo tới nơi tới chốn chứ không phải ít học như cầu thủ đá bóng”.

Ông Vinh cho rằng bóng đá là một phần của xã hội, mà xã hội ta hiện nay thì chính các nhà lãnh đạo cũng đã phải báo động về sự suy thoái. Như Chủ tịch nước từng nói bây giờ không còn là “con sâu làm rầu nồi canh” nữa, mà là một bầy sâu! “Trong một xã hội mà xu hướng làm giàu bằng mọi giá đang lên ngôi thì cầu thủ tuy khá giả hơn công nhân, nông dân... nhưng vẫn lao đầu kiếm tiền bằng mọi cách, kể cả dàn xếp tỉ số là một điều không khó hiểu. Theo tôi, bài toán chống tiêu cực trong bóng đá không thể giải đơn thuần từ bóng đá” - ông Vinh nhận định.

Không khác quan điểm của ông Vinh, nhưng chuyên gia Đoàn Minh Xương - người một thời gắn bó với bóng đá đỉnh cao trong vai trò HLV - có cái nhìn gần gũi hơn.

Ông nói: ”Đời cầu thủ nghiệt ngã lắm. Trong khi những nghề nghiệp khác có tuổi thọ vài chục năm thì nghề này chỉ vỏn vẹn chục năm mà thôi. Vì vậy, tôi biết rất nhiều cầu thủ rơi vào tâm lý tranh thủ kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Vì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền nên đời sống của cầu thủ Việt chẳng có gì ngoài các hoạt động liên quan đến kiếm tiền! Ngoài thời gian tập luyện và thi đấu, họ chẳng biết làm gì khác, và cá độ bóng đá là một thú vui với mục tiêu cũng là kiếm tiền. Ngay trong World Cup 2014, chúng tôi vẫn nói với nhau rằng thể nào cũng có chuyện bán độ để gỡ gạc mà trả nợ. Tôi nghĩ rằng chuyện xảy ra ở đội Đồng Nai nằm trong dự báo ấy. Từ đây, tôi đặt vấn đề trách nhiệm của các người lớn quản lý đội bóng. Mọi người thừa hiểu nạn cá cược đã xâm nhập vào cầu thủ rất sâu rộng, nhưng chẳng ai chịu làm gì để ngăn chặn”.

Từ quan điểm của ông Xương, tôi chợt nhớ đến lời tâm sự của Văn Quyến tại phiên tòa hồi đầu năm 2007: “Tôi không ngụy biện, nhưng giá mà chúng tôi được quan tâm và giáo dục tốt hơn thì có lẽ điều đáng tiếc này đã không xảy ra”.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên