Nhà sàn Mường ở Phú Thọ: Một vùng văn hóa sắp tan biến

PHAN CẨM THƯỢNG 23/07/2014 01:07 GMT+7

TTCT - Trong chuyến khảo sát Tây Bắc (xem TTCT số ra ngày 6-7), họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng nhận ra vùng văn hóa Mường vẫn còn lưu giữ bản sắc, song không hứa hẹn bền vững trước cuộc sống đang đổi thay từng ngày.

Nhà sàn cổ đang được tháo dỡ - Ảnh: Vũ Hiếu

Nhân một chuyến đi tìm nhà người Mường, chúng tôi sang vùng Tân Sơn, đây là một huyện miền núi tương đối hẻo lánh của Phú Thọ. Đời sống còn nghèo, cái mới đến đây một cách chậm chạp nên văn hóa Mường gốc vẫn còn khả dĩ.

Theo ông Vũ Đức Hiếu, giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Hòa Bình, nhiều bản Mường ở Tân Sơn giống như Hòa Bình cách đây 10 năm hoặc lâu hơn.

Theo những người Mường và trên thực tế, người Mường sống ở ba vùng chính: vùng Thanh Hóa, Nghệ An (thường gọi là Mường trong), vùng Hòa Bình (tỉnh Mường cũ - gọi là Mường ngoài), và vùng Mường Phú Thọ (trước kia cũng là Mường ngoài theo địa vực xứ Đoài xưa, có nghĩa là các vùng phía tây, bao gồm cả một phần Hòa Bình, Phú Thọ và Sơn Tây).

Những nhà sàn bị từ bỏ

Nhà sàn Mường Tân Sơn khác căn bản với nhà sàn Mường Hòa Bình. Nhà sàn Mường Hòa Bình lấy hình thức con rùa làm cấu trúc, có bốn cột chính và hai chái, mái cổ xòe tròn bao lấy ngôi nhà nên trông bên ngoài hơi có hình ôvan. Nhà sàn Mường Tân Sơn không có hai chái đầu hồi như vậy mà cắt thẳng, nhưng lại có sàn hiên trước khi bước vào trong nhà.

Về diện tích thì nhà sàn hai vùng tương đối rộng bằng nhau. Nhà bình thường, nhỏ, chừng 60m2, rộng thì 100-120m2, tất cả đều dựa trên cấu trúc cột gỗ, vì kèo chủ yếu không có mộng mà chỉ gác lên nhau. Dần dần lối vì kèo có mộng của người Kinh ảnh hưởng lên các nhà sàn Mường.

Lối không có mộng phù hợp với khí hậu, địa lý núi rừng hay có lũ lụt trên núi, nếu nhà sàn bị trôi thường không gãy đổ mà chỉ trượt các vì kèo đi, rồi người ta lại gác lại. Lối vì kèo có mộng tuy chắc nhưng chủ yếu chỉ hợp với khí hậu đồng bằng, nơi không có lũ quét như miền núi.

Tuy nhiên cũng như nhiều vùng dân tộc có nhà sàn khác, ở Tân Sơn việc từ bỏ nhà sàn xuống ở nhà đất, nhà xây cũng xảy ra hàng chục năm nay, chỉ nhà nào chưa có điều kiện là chưa thực hiện mà thôi.

Việc từ bỏ một thói quen văn hóa truyền thống tuy không dễ dàng nhưng đời sống mới với nhiều quan hệ và sinh hoạt cá nhân mới buộc người ta thay đổi, thay vì ở trong một ngôi nhà có tính cộng đồng như nhà sàn, nơi không ai có không gian riêng cả.

Nhà mới xây ở Lai Đồng - Ảnh: Vũ Hiếu

Một trở ngại lớn cho việc duy trì nhà sàn là không thể kiếm được những bộ mái gianh. Để lợp một ngôi nhà sàn cần chừng 3-5 tấn cỏ gianh. Loại cỏ này có độ dài đến hơn 2 thước, mọc tự nhiên. Còn để trồng cỏ gianh phải mất 3-5 năm hoặc hơn, và cũng mất nhiều đất đai canh tác.

Xưa kia những người dân tộc thiểu số chủ yếu khai thác cỏ gianh tự nhiên, về sau này không ai có ý thức trồng cỏ gianh nên không còn nguồn nguyên liệu này. (Ở Nhật Bản, để lợp những nhà cổ, người ta có cả chương trình nuôi trồng cỏ gianh. Vào những năm 1990 ở Đà Bắc - Hòa Bình, riêng bộ mái cỏ gianh đã đắt bằng cả ngôi nhà!).

Có thể thay mái gianh bằng những vật liệu khác. Nhưng nếu thay mái bằng tôn hay fibrô ximăng sẽ rất nóng, nhiệt độ trong nhà lúc trưa hè hơn 40 độ không ai sống nổi. Còn lợp mái cọ thì không bền, lợp ngói thì gỗ vì kèo phải rất tốt. Tóm lại là từ bỏ thì tiện hơn.

Mỗi ngôi nhà sàn bán đi giá từ vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng. Nếu không có sự kiểm soát gắt gao của kiểm lâm, có lẽ nhà sàn ở mọi vùng Mường từ lâu đã không còn.

Chuyện ở Mường Tôồng

Chúng tôi đã thấy nhiều nhà sàn được dỡ ra nhưng không thể vận chuyển đi mà bán được. Có nghĩa vấn đề chỉ là sớm hay muộn thôi. Ở những vùng miền núi này có những người thợ mộc miền xuôi chuyên buôn bán và tháo dỡ nhà sàn, họ sẵn sàng cung cấp bất kỳ loại nhà sàn nào cho bất kỳ ai có nhu cầu.

Đồng thời có những tốp thợ người Mường chuyên tháo lắp, bốc dỡ nhà sàn rất chuyên nghiệp. Tức họ sẽ tháo ra, bốc xếp lên xe tải rồi đến tận nhà bạn lắp lại. Những đội này thường có một thợ cả rất tháo vát và nhiều thợ phụ khỏe mạnh.

Cánh đồng nhỏ ở Mường Tôồng - Ảnh: Vũ Hiếu

Guồng nước ở suối - Ảnh: Vũ Hiếu

Vùng tôi đến có cái tên rất cổ kính là Mường Tôồng, thuộc xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Ở đây sông núi rất đẹp, còn nhiều con suối lớn với những guồng nước tre ngày đêm đưa nước về bản và tưới ruộng. Người dân vẫn tắm ở những con suối thiên nhiên còn tương đối sạch sẽ so với các vùng khác này.

Người dân Mường Tôồng rất có ý thức giữ gìn tiếng Mường, mọi sinh hoạt đều dùng tiếng Mường, kể cả họp tổ dân xóm làng. Ở đây nam thanh nữ tú còn giữ nguyên những nét người xưa.

Khi xem xét kỹ một nhà sàn được dỡ ra để bán đi, tôi thấy đó là cả một nền văn hóa - trong ngôi nhà sàn đó có đủ khung cửi, guồng xe sợi, xe bông, cày, bừa, dao rựa, trống, chiêng, hom giỏ... tất nhiên cả bàn thờ thần linh - một cơ cấu gia đình tự cung tự cấp xưa với tất cả vật dùng cho đời sống vật chất và tinh thần hằng ngày.

Nhưng bây giờ người ta không có cách gì lưu giữ được cuộc sống đó, nên văn hóa đi theo cuộc sống này cũng sẽ tan biến một ngày nào đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận