16/07/2014 11:15 GMT+7

"Nhắn ai xin giữ câu nguyền..."

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông là câu chuyện về mối tình của Vận, một chàng trai sống bên bờ bắc, và Hoài, cô gái sống ở bờ nam của con sông Bến Hải bị ngăn chia bởi Hiệp định Genève. Phim được công chiếu đúng vào dịp kỷ niệm năm năm thi hành hiệp định, ngày 20-7-1959.

Tại nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” ở bờ bắc sông Bến Hải thuộc khu di tích “Đôi bờ Hiền Lương” có trưng bày bản photo một văn bản lịch sử “Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”.

Cuối văn bản ấy là hai chữ ký của ông Tạ Quang Bửu - thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - và thiếu tướng quân đội Pháp tại Đông Dương Henri Delteil. Sau thời khắc văn bản ấy được ký kết, lịch sử Việt Nam đã đi một chặng dài trĩu nặng phân ly, suốt hơn 20 năm dằng dặc...

N5OppZ4u.jpg
Diễn viên Trà Giang (trái) và o Thảo - nguyên mẫu của nhân vật Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm. Bức ảnh chụp năm 1970, hơn một năm sau thì o Thảo hi sinh - Ảnh: Đạo diễn Hải Ninh

Bài hát nổi tiếng về dòng sông này Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng là bản tình ca về sự chia cách ngóng vọng bên này bên kia, và không kể hết bao nhiêu nữa các câu chuyện được sách vở kể về những năm tháng đất nước cắt chia ấy.

Đoạn trường phân ly

Tỉnh Quảng Trị bị chia làm đôi, huyện Vĩnh Linh cũng bị chia ra một phần nhỏ nằm phía bờ nam, các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Liêm ngày đó có vài thôn làng nằm về bên kia sông. Một xóm bị chia hai, một quãng lội chia hai, một gia đình bị chia hai.

Bởi thế, câu chuyện phân ly hai miền Nam - Bắc gắn với Hiệp định Genève không chỉ “vĩ mô” với sự tham dự của các cường quốc Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô, Trung Hoa và các nước Đông Dương ở thành phố Genève xinh đẹp bên bờ hồ Léman. Với những người nông dân Quảng Trị ở đôi bờ Bến Hải, khái niệm “vĩ tuyến” là một cái gì mơ hồ nhưng lại rất cụ thể trong chính từng mảnh làng, trong chính gia đình của họ.

Những chứng nhân của câu chuyện chia ly và đoàn tụ ở đôi bờ sông tuyến, cùng với thời gian đã thành người thiên cổ, nhưng sự chia ly để rồi đoàn tụ của những đôi lứa ở hai bờ con sông này, những sự chia ly gắn với số phận đất nước luôn được nhắc nhớ và kể lại, để thấy quý giá vô cùng những ngày thường bình yên mà chúng ta có được từ khi đất nước thống nhất.

Cũng như câu chuyện tình yêu bị ngăn cách trong bộ phim Chung một dòng sông, khởi nguồn cho bài hát bất hủ Câu hò bên bờ Hiền Lương là chuyến đi “thực tế” vào vĩ tuyến 17 của chàng nhạc sĩ trẻ mới ngoài 20 tuổi Hoàng Hiệp. Đi tìm nguyên mẫu của những tác phẩm để đời trong văn học nghệ thuật viết về miền đất giới tuyến này, chúng tôi mới biết người đàn ông trong hồi ức của nhạc sĩ, người khởi nguồn cho Câu hò bên bờ Hiền Lương chính là Phan Văn Đồng, vốn quê ở thôn 9, Trung Giang - một làng cát bên bờ nam cửa Tùng.

Ông Đồng vừa cưới vợ xong thì tập kết qua bên này, làm nhân viên Đài Khí tượng hải văn Cửa Tùng. Trong một lần lên trên ngọn đèn biển ấy với người gác đèn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp chứng kiến nỗi khắc khoải của người đàn ông nhớ người vợ bên kia bờ vĩ tuyến. Và ngay đêm đó, những ý tứ hình hài của bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương đã phôi thai, sau đó cùng với nhạc sĩ Đằng Giao cộng tác phần lời, bài hát ấy đã vang lên làm rung động hàng vạn trái tim. Bởi câu chuyện ấy không chỉ là chuyện đôi bờ Hiền Lương, chuyện của riêng mảnh đất Quảng Trị mà có sức khái quát sự ngăn cách của hàng vạn đôi lứa ở hai miền Nam - Bắc những năm tháng ấy. Xung quanh bài hát còn nhiều câu chuyện buồn vui khác, nhưng dù sao đi nữa tiếng gọi khắc khoải yêu thương trong câu hát ấy đã biến thành sức mạnh, góp phần đẩy nhanh công cuộc thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, ông Phan Văn Đồng, người công nhân Đài Khí tượng hải văn Cửa Tùng ấy, đã gặp lại vợ con mình. Câu chuyện của ông Đồng cũng là câu chuyện của hàng ngàn gia đình đã may mắn có ngày đoàn viên sau hơn 20 năm chia ly cách biệt.

Có một người ở “Vĩ tuyến 17”

Nhắc đến những nguyên mẫu cội nguồn cho những tác phẩm nghệ thuật lấy bối cảnh đôi bờ sông tuyến không thể không nhắc đến bộ phim Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm. Hai đạo diễn Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ mất năm năm để đi thực tế ở vùng đất này. Từ Hà Nội các đạo diễn vào tuyến lửa, gặp anh em du kích, bà con giới tuyến để hoàn thành kịch bản. Có kịch bản rồi, cả đạo diễn lẫn diễn viên lại đi thực tế trở lại vùng đất đôi bờ này để vai diễn được thật hơn, thuyết phục hơn. Và đừng quên rằng những năm tháng đó, trên đôi bờ vẫn bom rơi đạn nổ.

Trong phim, diễn viên Trà Giang đã vào vai cô Dịu, nhân vật chính của phim, một phụ nữ ở làng cát phía bờ nam, chồng đi tập kết ra Bắc. Cô một mình vừa chăm lo gia đình, chờ ngày sinh nở, vừa đảm đương cương vị bí thư chi bộ, lãnh đạo nhân dân vùng giới tuyến đấu tranh cho Bắc - Nam sum họp một nhà. Nhiều nhân vật trong phim như viên cảnh sát Trần Sùng (diễn viên Lâm Tới đóng) cũng là một nhân vật có thật ở khu vực giới tuyến, được nhiều người biết. Nhưng ít ai biết ở một làng cát phía bờ nam sông Bến Hải, trước khi vào vai diễn, nghệ sĩ Trà Giang đã có cuộc gặp gỡ tình cờ với một o du kích Gio Linh tên Hoàng Thị Thảo, chỉ mới ngoài 20 tuổi đã là huyện ủy viên, bí thư kiêm xã đội trưởng xã Gio Hà (Gio Linh, Quảng Trị).

NSND Trà Giang sau này kể lại chính cuộc gặp tình cờ với o Thảo và câu chuyện o kể trong buổi chiều bên bờ giới tuyến ấy đã khiến chị vô cùng xúc động, và chính những cảm xúc ấy khiến Trà Giang vào vai Dịu rất đạt. Vai diễn ấy đã mang lại cho Trà Giang giải nữ diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim quốc tế Matxcơva 1973. Còn người nữ xã đội trưởng Gio Hà ấy đã hi sinh sau cuộc gặp với đoàn làm phim ít lâu, khi còn rất trẻ.

Hôm chúng tôi về xã Gio Quang tìm nhà ông Hoàng Xuân Đính, anh ruột o Thảo, thấy trên tường treo bức ảnh o Thảo chụp chung với diễn viên Trà Giang, chiếc mũ tai bèo o đang đội hất ngược phía sau, mái tóc đen dày đổ xuống vai, nghệ sĩ Trà Giang đang tựa đầu vào vai o với gương mặt không giấu được sự xúc động. Ông Đính kể: Mấy năm trước, diễn viên Trà Giang và đoàn làm phim Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm trở lại tìm kiếm những nguyên mẫu của phim. Đã 30 năm trôi qua từ ngày họ gặp nhau bên bờ cát Cửa Tùng, chị Trà Giang chỉ có một “tín vật” duy nhất để tìm o Thảo là tấm ảnh chụp chung ấy, cầm trên tay vừa đi vừa hỏi, và về tới Gio Linh thì mới hay o Thảo đã hi sinh.

Bây giờ về vùng đất Gio Linh bờ nam sông này có thể nghe rất nhiều câu chuyện như thế về những người con gái con trai đã hi sinh trong những năm tháng ấy khi tuổi đời rất trẻ. Một gia đình có ba liệt sĩ, bố mẹ đều bị địch bắn chết, những đứa con lớn lên chỉ biết cầm súng đánh giặc... Không hề là một câu chuyện quá đặc biệt, bởi trên mảnh đất đôi bờ này có hàng ngàn gia đình như thế, đầy chia ly, đớn đau dằng dặc...

Không biết bao nhiêu lần, mỗi khi về đây hỏi chuyện những ngày bên này bên kia giới tuyến, mọi người ai cũng kể rằng thời đó khi người thân ở bờ nam mất, đám tang được đưa thành một hàng dài bên này sông, cứ thế đi dọc bờ sông, bờ bên kia con cháu cũng cứ thế vừa đi vừa bái vọng qua bờ bên này. Có nhà văn viết hình ảnh hơn: “Không phải chỉ có hai đoàn người mà có đến bốn đoàn người đưa tiễn, hai đoàn người đi trên hai bờ và bóng của hai đoàn người in xuống mặt nước sông Bến Hải, cứ thế đi dọc theo lũy tre ra tận đồng làng”.

Cái quãng đường dọc con sông ấy, bây giờ chúng tôi đang chạy xe máy ở phía bờ nam, đi qua các thôn Xuân Hòa về Xuân Long, Bạch Lộc của xã Trung Hải. Bờ sông đã được kè bêtông đẹp như công viên. Đứng bên này sông, nhìn qua mặt nước Hiền Lương lấp loáng nắng trưa, phía bờ bắc cánh đồng nuôi tôm của bà con xã Vĩnh Thành, những máy sủi khí tung bọt trắng trên đồng tôm, thật khó hình dung những khắc khoải cách chia của hơn nửa thế kỷ trước.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên