09/07/2014 10:38 GMT+7

Thí sinh phấn khởi vì đề Địa dễ thở

MINH TÂM - THÙY TRANG - PHAN THÀNH - CHÍNH THÀNH - MỸ DUYÊN - MỸ DUNG - MINH GIẢNG
MINH TÂM - THÙY TRANG - PHAN THÀNH - CHÍNH THÀNH - MỸ DUYÊN - MỸ DUNG - MINH GIẢNG

TTO - Nhiều thí sinh cho biết đề thi Địa lý gần gũi, sát chương trình ôn tập. Tuy nhiên một số thí sinh cho biết bối rối khi gặp câu vẽ biểu đồ vì không xác định được loại biểu đồ gì.

Trường Sa, Hoàng Sa vào đề thi tuyển sinh địa lý

2jWHsLGJ.jpg
Một thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM phải làm thủ tục lấy dấu vân tay do đến trễ. Thí sinh này đến điểm thi lúc 7g giờ, thời điểm vừa bóc đề thi -Ảnh Trần Huỳnh

Nhiều thí sinh thi môn Địa ở điểm thi ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tỏ ra hào hứng với đề thi địa. Các bạn cho biết làm được bài và đã ra khỏi phòng thi trước 30 phút.

Thí sinh tên Huỳnh Hứa Thị Huê nói: "Đề địa có 4 câu, em làm trong 1 trang A4 và thích thú nhất với câu 1. Câu 1 là câu hỏi về việc đánh bắt xa bờ ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa như thế nào đối với vùng đặc quyền kinh tế".

Huê cho biết thêm: "Em theo dõi thời sự hàng ngày và thầy cô cũng nhắc nhiều đến vấn đề ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên câu 1 của đề địa lý cho em nhiều cảm xúc, dữ liệu, con số để phân tích vấn đề".

Theo ghi nhận của chúng tôi, thí sinh đến thi môn Địa tại điểm thi ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPH.CM của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM là khá ít so với đăng ký. Nhiều thí sinh cho biết phòng thi vắng đến ½, thậm chí vắng 2/3. Một số phòng thi tại điểm thi này chỉ có 7 thí sinh dự thi trên danh sách đăng ký 24 thí sinh.

Nhiều thí sinh mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết các em thấy làm được bài và sẽ đạt điểm khá (7 điểm) trong môn thi này. Tuy nhiên, các thí sinh đều nhận xét, đề thi đã ra hướng khác hơn năm ngoái và không có phần nâng cao như những năm trước.

Tại Đà Lạt, mặc dù chưa hết giờ thi nhưng rất nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi từ sớm, chỉ sau 2/3 thời gian làm bài.

Rất nhiều thí sinh hội đồng thi THPT Bùi Thị Xuân - nơi tập trung toàn bộ thí sinh dự thi khối C vào ĐH Đà Lạt nói đề thi năm nay khá dễ so với năm trước nên làm bài với tâm lý thoải mái. Theo thí sinh Vũ Thị Hằng, dự thi vào ngành luật ĐH Đà Lạt, đề thi năm nay không mang tích chất đánh đố nhiều, tất cả đều nằm trong chương trình THPT. “Chưa đến 2/3 thời gian em đã làm xong, khả năng cũng đạt được hơn 60% là chắc chắn” - Hằng vui vẻ.

Tại điểm thi Trường ĐH Cần Thơ, nhiều thí sinh khối C đã hoàn thành bài thi môn địa lý của mình với tâm trạng khá thoải mái. Thí sinh Nguyễn Văn Hoài Hận, quê ở xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang là người ra đầu tiên hoàn thành bài thi sớm hơn so với quy định 30 phút, tự tin: “Đề thi tương đối dễ. Nếu học bài có thể kiếm 4- 5 điểm, còn nếu thuộc bài mà có khả năng tư duy thì có thể kiếm 7-8 điểm, thậm chí có thể kiếm được điểm 10…”.

Theo Hận, câu vẽ biều đồ không đánh đố thí sinh, Hận dễ xác định dạng biểu đồ ngay sau khi đọc đề thi. “Riêng câu hỏi về biển Đông, đây là sự kiện nóng của đất nước, em đã nghe đài, đọc báo và ôn tập khá kỹ về phần này nên câu này rất hay, rất sáng tạo để em có thể thoải mái, trình bày những suy nghĩ của mình. Hai câu còn lại cũng nằm trong chương trình… Em thấy với đề thi, học sinh khá dễ đạt 7-8 điểm”, Hận nói.

Sau 2/3 thời gian làm bài, tại nhiều hội đồng thi như THCS Đoàn Thị Điểm, THCS Chu Văn An, THCS Lương Thế Vinh, tiều học Ngô Quyền (Quận Ninh Kiều) nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi.

Là một trong những thí sinh ra sớm, bạn Phạm Minh Tâm, dự thi vào ngành Luật trường ĐH Cần Thơ cho biết tuy không bất ngờ trước câu hỏi về biển Đông vì nay đang là vấn đề thời sự nhưng bạn cũng khá bất ngờ trước câu hỏi về về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, câu hỏi nêu rõ phân tích việc đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa về an ninh quốc phòng như thế nào… Tâm cho biết mình làm theo kiến thức đã học từ báo chí chứ trong chương trình học rất ít.

Tương tự các điểm thi khối C ở Huế, nhiều thí sinh ra trường thi khá sớm với khuôn mặt hứng khởi. Đông đảo thí sinh đánh giá đề địa năm nay khá dễ. Thí sinh Nguyễn Thị Lan Anh (Quảng Bình), vừa ra khỏi phòng thi đã nở nụ cười rạng ngời chia sẻ trước tình hình thời sự căng thẳng trên biển Đông khi ôn thi, Anh phần nào dự tính được khả năng ra đề môn địa năm nay để tập trung ôn luyện. Vì vậy, Anh đã hoàn thành xong bài thi trước 30 phút, dự đoán được 7-8 điểm.

Về đề thi môn địa lý, thầy Nguyễn Đăng Lợi - giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) cho biết cấu trúc đề thi năm nay có phần thay đổi so với năm trước, không có phần tự chọn và thứ tự câu hỏi (câu biểu đồ) khác năm trước. Tuy nhiên nội dung không có gì thay đổi khi câu một hỏi về tự nhiên Việt Nam và dân cư. Câu 2 hỏi về các ngành kinh tế và câu 3 hỏi về các vùng kinh tế.

Đề thi không yêu cầu thuộc lòng mà đòi hỏi thí sinh phải nắm kiến thức và có kiến thức xã hội thực tế. Đề không quá khó nhưng không phải là dễ, phù hợp với tính chất của kỳ thi tuyển sinh ĐH. Câu biểu đồ năm nay không hề dễ, đòi hỏi thí sinh phải xử lý số liệu khi vẽ biểu đồ đường. Nếu xử lý số liệu sai thí sinh sẽ vẽ sai.

Với đề thi này học sinh không khó để đạt điểm 5. Nếu ôn luyện tốt cũng không khó để đạt điểm khá giỏi.

MINH TÂM - THÙY TRANG - PHAN THÀNH - CHÍNH THÀNH - MỸ DUYÊN - MỸ DUNG - MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục