05/05/2014 07:22 GMT+7

Điện Biên là động lực của cả nước

LÊ ĐỨC DỤC - ĐÀ TRANG thực hiện
LÊ ĐỨC DỤC - ĐÀ TRANG thực hiện

TT - Cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với anh Vừ A Bằng - tỉnh ủy viên, bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên - diễn ra ngay ở đồn biên phòng Nà Hỳ, ngày trở về sau lễ khánh thành điểm trường Sam Lang 2, ngôi trường có sự hợp tác của tuổi trẻ Điện Biên mà Vừ A Bằng là thủ lĩnh thanh niên của vùng đất này.

Xem lại Ký ức Điện BiênSơ duyệt diễu binh, diễu hành 60 năm chiến thắng Điện Biên PhủRa mắt sách Trang sử vàng Điện Biên Phủ

Anh Vừ A Bằng nói: “Thế hệ chúng tôi có thể nói như một gạch nối hai chiều quá khứ và hiện tại của Điện Biên”.

nO1AkzZy.jpg
Anh Vừ A Bằng - Ảnh: Lê Đức Dục
* Anh sinh năm 1974, đúng dịp Điện Biên kỷ niệm 20 năm ngày chiến thắng, bây giờ là kỷ niệm 60 năm. Ở tuổi tròn 40, anh có thể nói gì về câu chuyện của Điện Biên hôm qua và hôm nay?

- Khi tôi 10 tuổi, đang học cấp I, lúc đó Điện Biên kỷ niệm 30 năm. Cái tuổi đó mới bắt đầu được đi học, được nhận thức, rồi dài theo cuộc đời mình, tôi cũng như hàng vạn người dân nơi đây chứng kiến được tất cả sự thay đổi của Điện Biên, từ một chiến trường bom đạn đến một thị trấn nông trường, rồi lên thị xã, và bây giờ là một thành phố phát triển, một điểm son của vùng đất Tây Bắc. Chưa nói đến tốc độ phát triển như vậy là nhanh hay chậm, nhưng rõ ràng nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm trước, Điện Biên sẽ không có được như ngày nay. Và điều lớn nhất là cả thế giới đã biết đến Điện Biên, đó là một giá trị vô hình nhưng cụ thể, như kinh doanh gọi là “thương hiệu”. Điện Biên là một danh hiệu, một tấm huy chương trên vòm ngực Tổ quốc. Chính điều đó cũng là một động lực tinh thần to lớn cho nhân dân vùng đất này suốt 60 năm qua.

Và tôi nghĩ Điện Biên không chỉ là động lực cho riêng nhân dân Điện Biên, chiến thắng vĩ đại ấy của thế hệ cha anh chúng ta còn là động lực cho cả nước, cho toàn dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ qua.

* Cuộc đời của anh, từ một cậu bé người Mông đến một trí thức trẻ, bác sĩ trưởng khoa ở một bệnh viện lớn, từng giữ cương vị lãnh đạo của huyện Mường Nhé và bây giờ là bí thư Tỉnh đoàn, thủ lĩnh của thanh niên tỉnh nhà. Anh nghĩ gì về bước phát triển của mình trong sự phát triển của vùng đất này?

"Tôi nghĩ Điện Biên không chỉ là động lực cho riêng nhân dân Điện Biên, chiến thắng vĩ đại ấy của thế hệ cha anh chúng ta còn là động lực cho cả nước, cho toàn dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ qua"

Anh VỪ A BẰNG

- Nếu so sánh bước phát triển của Điện Biên hôm nay với chiến thắng hôm qua, nhiều người nghĩ rằng lẽ ra Điện Biên phải giàu hơn, mạnh hơn, phát triển hơn. Nhưng phải sống ở đây mới cận cảnh với Điện Biên từ buổi “mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô/ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”... mới hiểu giá trị thành quả hôm nay.

Khởi thủy, Điện Biên sau năm 1954 chỉ mới là một thị trấn, rồi sau đó lên thị xã, thành tỉnh lỵ. Nhất là từ khi được tách ra thành một tỉnh mới từ tỉnh Lai Châu, Điện Biên mới thật sự phát triển như hôm nay. Thành tựu ấy có tính đặc thù của vùng đất Tây Bắc. Ngày xưa, mỗi học sinh ra học trường huyện phải đi bộ hàng trăm cây số đường rừng, còn hôm nay dù vẫn còn nhiều lớp học tranh tre nứa lá, nhưng quan trọng là các em không phải đi bộ hàng chục, hàng trăm cây số nữa, đã có lớp học cho từng điểm trường, thầy cô giáo đã tình nguyện đến với từng bản nhỏ, đó chính là sự phát triển tuy lặng lẽ nhưng rất kỳ diệu. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều ví dụ về câu chuyện hôm qua và hôm nay của Điện Biên.

Với riêng tôi, nếu không có ngày 7-5-1954, có lẽ tôi vẫn là một cậu bé người Mông ở Pú Nhung, Tủa Chùa, và có thể thành một chàng trai Mông lam lũ chứ không thể nghĩ rằng mình được như ngày nay. Bây giờ, khi về lại bản nhỏ của tôi ở Pú Nhung, niềm vui ấy được cụ thể bằng hình ảnh đường vào bản đã trải bêtông, tất cả nhà dân đều khang trang ngói mới, có nhà còn sắm được ôtô. Với người dân vùng cao, điều gì cụ thể thì có sức thuyết phục lớn.

* Từng trải qua nhiều cương vị, hoạt động ở nhiều lĩnh vực, theo anh, chìa khóa để miền đất lịch sử này phát triển cao hơn, nhanh hơn, xa hơn... cần có những yếu tố nào?

- Câu hỏi này đã được trả lời bằng chính thực tế của quê hương chúng tôi mà các anh đã nhìn, đã thấy. Nó không chỉ ở những công trình to lớn đang xây dựng, trên những phố phường đang ngày một khang trang, trên những con đường trải nhựa ngày càng tiến sâu vào rừng núi, làng bản... Câu trả lời còn nằm ở cuộc sống mỗi gia đình, mỗi số phận con người, chuyện đến trường, chuyện việc làm... Thế hệ cha anh chúng tôi trên mảnh đất này đã đổ máu xương, mồ hôi nước mắt để xây dựng và phát triển, với riêng tôi là lớp hậu sinh và cũng là một cán bộ Đoàn, tôi nghĩ rằng mọi giải pháp đều phải bắt đầu từ thực tế. Thực tế đòi hỏi và người cán bộ phải biết tìm ra giải pháp, tìm ra câu trả lời tốt nhất, hợp lý nhất.

* Những ngày công tác ở Điện Biên, chúng tôi thấy rất lạ là vào từng đồn biên phòng hay gặp nhiều cán bộ cơ sở ở xã, hình như ai cũng biết đến anh như là một “cán bộ cắm bản”. Vì sao anh có thể sâu sát đến từng gia đình như vậy và đó có phải là “tính thực tế” như anh nói?

- Từ thời còn làm bác sĩ ở Bệnh viện tỉnh Điện Biên, tôi đã tham gia nhiều hoạt động của Đoàn, sau này làm phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, hầu như không tuần nào tôi lại không về “thực tế” ở bản. Khi về giữ cương vị bí thư Tỉnh đoàn, tôi càng có điều kiện đi cơ sở nhiều hơn. Khi tiếp cận cơ sở, bao giờ cũng có những câu hỏi, những câu chuyện, những thực tế sinh động, những giải pháp hợp lý.

Chẳng hạn câu chuyện ngôi trường và cây cầu Sam Lang mà báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn, Bộ đội biên phòng và ngành giao thông vận tải Điện Biên phối hợp xây dựng là một thực tế vô cùng sinh động. Để có kết quả như thế cần hết lòng lo cho dân, quyết tâm làm bằng được, làm không phải để báo cáo thành tích mà làm bởi vì những đứa trẻ được ngồi học trong một ngôi trường khang trang, người dân ra xã, ra huyện có thể đi xe máy qua cầu, không phải chui vào túi nilông... Từ niềm vui ấy, người dân mới vun đắp niềm tin.

Khi câu chuyện giữa chúng tôi và anh Vừ A Bằng đang diễn ra, chiếc tivi ở đồn biên phòng Nà Hỳ phát bài hát Hò kéo pháo... Nghe lời của khúc nhạc chiến thắng, Vừ A Bằng quay qua chúng tôi và nói:

“Các anh có thấy bài hát về Điện Biên 60 năm trước giờ vẫn rất thời sự với hôm nay không: Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù... Dốc núi cao của miền đất quê hương chúng tôi hôm nay là thách thức của những vách núi lạc hậu, vực sâu thăm thẳm của Điện Biên bây giờ lại nằm ở những bản làng vùng sâu, khó khăn chứ không phải là “chí căm thù giặc” như xưa. Vì thế, tôi nghĩ cũng câu hát ấy, nhưng phải biết căm thù đói nghèo, phải có lòng “quyết tâm còn cao hơn núi” để làm quê hương chúng tôi giàu mạnh với tinh thần Điện Biên Phủ như 60 năm trước.

Một khi làm được như thế, chắc rằng không bao lâu nữa tỉnh Điện Biên của chúng tôi sẽ thật sự là một vùng đất xứng đáng với tấm huân chương mà cha anh đã đổi bằng xương máu để gắn lên mảnh đất Điện Biên, gắn lên vòm ngực Tổ quốc Việt Nam chúng ta”.

Triển lãm ảnh Điện Biên Phủ tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 4-5, tạp chí Nhiếp Ảnh (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN), Trung tâm Ảnh thông tấn và Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã VN đã khai mạc triển lãm ảnh “Điện Biên Phủ - thiên sử vàng chói lọi” ngay tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa (xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình). 60 bức ảnh của phóng viên Thông tấn xã VN và nghệ sĩ nhiếp ảnh VN tái hiện diễn biến của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch này.

Triển lãm (từ ngày 4 đến 14-5) đã thu hút hàng ngàn lượt người xem.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐÀ TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên