23/04/2014 09:13 GMT+7

Cử tri bức xúc về đề án 34.000 tỉ đồng

Q.THANH - Q.KHẢI - X.LONG
Q.THANH - Q.KHẢI - X.LONG

TT - Nhiều cử tri nêu ý kiến phân tích những bức xúc nổi lên gần đây như bệnh sởi gây chết nhiều trẻ em, thông tin không nhất quán về hơn 34.000 tỉ đồng biên soạn chương trình - sách giáo khoa...

Đã có 119 ca tử vong do bệnh sởiBộ trưởng Phạm Vũ Luận “đính chính”Sốc với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Ngày 22-4, các đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm ông Lê Thanh Hải (bí thư Thành ủy TP), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP), ông Nguyễn Phước Lộc (vụ trưởng Vụ Tôn giáo Ban Dân vận trung ương), ông Huỳnh Thành Đạt (phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP) đã tiếp xúc cử tri các quận 5, 9, 10 và Thủ Đức trước kỳ họp thứ 7, dự kiến khai mạc ngày 20-5.

Ngoài những đóng góp cho một số dự án luật, nhiều cử tri nêu ý kiến phân tích những bức xúc nổi lên gần đây như bệnh sởi gây chết nhiều trẻ em, thông tin không nhất quán về hơn 34.000 tỉ đồng biên soạn chương trình - sách giáo khoa...

Cử tri Bùi Đức Thuần (P.4, Q.5) bức xúc trước thông tin bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận sai sót về phát ngôn dự chi kinh phí trên 34.000 tỉ đồng cho đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa đã được nêu ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó. Ông Thuần nói không hiểu nổi tinh thần trách nhiệm ở đâu? Còn cử tri Nguyễn Văn Ấn (P.13, Q.10) xót xa trước tình trạng bệnh sởi cướp đi nhiều sinh mạng của trẻ em và hỏi rằng “sinh mạng con người là quan trọng, trách nhiệm của bộ trưởng Bộ Y tế ở đâu?”.

Nhiều cử tri cũng lo thế hệ trẻ bị “mù” lịch sử. Cử tri Phạm Văn Khuyến (P.Tân Phú, Q.9) lo lắng việc không bắt buộc thi môn lịch sử tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay. “Với tình trạng này, không bao lâu thế hệ trẻ sẽ bị mù lịch sử” - cử tri Khuyến cảnh báo. Cử tri Mai Văn Thanh (P.Phước Long A, Q.9) dẫn chứng thêm kỳ thi năm học 2009-2010 và 2010-2011 nhiều học sinh điểm 0 môn lịch sử. Năm 2014 cũng xác định môn sử là không bắt buộc thì hầu như không em nào chọn... Nhiều đại biểu đồng tình phải đưa vấn đề này lên bàn nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp tới.

Nhiều ý kiến của cử tri khác nhấn mạnh trước nhiều bức xúc của đời sống người dân, điều họ mong mỏi đối với những đại biểu của dân, đội ngũ cán bộ, công chức... phải là những tấm gương sáng, có trách nhiệm cao nhất trước dân, nói ít nhất, làm nhiều nhất và hiệu quả nhất. Ngoài ra, đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, ý kiến của cử tri kiến nghị trước hết phải xác minh, xác định cho được nguồn gốc tài sản của những người thuộc diện phải kê khai và phải làm nghiêm từ trên xuống.

Thay mặt tổ đại biểu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Nguyễn Phước Lộc ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri, đồng thời khẳng định sẽ chuyển tải trung thực đến diễn đàn của Quốc hội.

* Cũng trong ngày 22-4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng một số đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đề cập trực tiếp đến con số 34.000 tỉ đồng dành đổi mới chương trình - sách giáo khoa mà Bộ GD-ĐT trình Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, cử tri Trịnh Văn Bạt (phường Láng Hạ, Q.Đống Đa) cho rằng đề xuất này cần được xem xét cẩn trọng. “Nếu Quốc hội tiếp tục thông qua nguồn vốn này cho Bộ GD-ĐT thực hiện đề án này thì càng lãng phí và lãng phí rất lớn” - ông Bạt nêu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng thực tế có những đề án hết sức quan trọng nhưng đến khi trình ra Quốc hội lại chưa được chuẩn bị thật kỹ, hoặc trình ra chưa đúng thẩm quyền. “Chúng tôi xin tiếp thu và hứa sẽ phản ánh với Quốc hội” - ông Nghị nói.

Q.THANH - Q.KHẢI - X.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên