12/12/2013 08:51 GMT+7

Chủ đầu tư chịu!

QUỐC THANH - MAI HƯƠNG
QUỐC THANH - MAI HƯƠNG

TT - Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM đã dành trọn ngày 11-12 (ngày làm việc thứ ba) cho việc chất vấn và trả lời chất vấn của giám đốc Sở Giao thông vận tải Tất Thành Cang, phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Nguyễn Ngọc Công, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Phan Minh Tân...

hrN95waE.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Ngọc Công: “Chúng tôi chỉ kiểm tra giám sát xem có thực hiện đúng các công đoạn không, đúng đồ án thiết kế hay không. Còn về chất lượng công trình thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm” - Ảnh:T.T.D.

Phiên chất vấn ông Tất Thành Cang bắt đầu nóng với đợt câu hỏi thứ hai của các đại biểu. Bấm nút lần thứ hai, đại biểu Võ Văn Sen cho rằng TP.HCM quá sang, đã sử dụng một lượng ngân sách rất lớn trong số 43.000 tỉ đồng hằng năm (năm 2013 dành khoảng 1.400 tỉ đồng) cho trợ giá xe buýt.

Trợ giá xe buýt 43%, chỉ giải quyết 11% nhu cầu

TP.HCM trợ giá xe buýt

2008 : 639 tỉ đồng2009: 772 tỉ đồng2010: 816 tỉ đồng2011: 1.362 tỉ đồng2012: 1.414 tỉ đồng2013: 1.300 tỉ đồngDự kiến 2014: 1.337 tỉ đồng

Số liệu do giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan cho biết tại phiên chất vấn

Theo đại biểu Sen, với đà như hiện nay chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 1.400 tỉ đồng mà sẽ còn tăng nữa. Vậy Sở Giao thông vận tải và UBND TP.HCM có kế hoạch, chiến lược cho việc trợ giá xe buýt hay không? Mức tối đa sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách? Trợ giá cho đến khi đạt được chuẩn nào thì giảm và đến lúc nào thì chấm dứt trợ giá?

Ông Tất Thành Cang nói đến nay chỉ có Singapore là quốc gia có chương trình trợ giá xe buýt không bằng tiền mà bằng chính sách. Ông Cang cho biết thêm ở Mỹ trợ giá 63% trên chi phí hoạt động xe buýt, Pháp 57%, Anh 52%, Thụy Điển 60%..., còn trợ giá của TP.HCM vào thời điểm tháng 8-2013 là 43%. Trong khi đó, theo ông Cang, hiện nay người đi lại bằng xe công cộng chỉ mới đạt 11% và đang phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ này đạt 20-25%, sau năm 2030 đạt 35-40%. Theo các nghiên cứu khoa học mà ông biết, chỉ khi nào vận tải công cộng đạt trên 40% thì lúc đó mới có thể xem xét các chính sách khác thay thế.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Hạnh lo lắng TP.HCM trợ giá đến 43% mà chỉ giải quyết được 11% nhu cầu đi lại bằng xe công cộng, trong khi các nước mức tỉ lệ trợ giá cao nhưng giải quyết được

60-70% nhu cầu đi lại của người dân họ, thậm chí cao hơn. Vậy trong thời gian tới, trợ giá đến mức nào thì giải quyết được 50% nhu cầu đi lại bằng xe công cộng? Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng cần hết sức thận trọng khi so sánh và nói rằng có sự tương đồng giữa TP.HCM và Singapore, các nước phát triển ở châu Âu. “Chúng ta đang trợ giá theo cách cho cá chứ không phải trợ giá theo cách cho cần câu. Sắp tới cần làm ngược lại” - đại biểu Quân nói.

JwgjCjng.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Anh Công ơi, anh nói vậy tôi hồi hộp quá. Tiền mình bỏ ra rất là lớn mình nói chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Phần ai nấy lo, chất lượng công trình mình tính sao?” - Ảnh:T.T.D.

“Anh nói vậy tôi hồi hộp quá!”

Liên quan đến vấn đề công trình xây dựng gây ngập trong khu dân cư, trả lời câu hỏi: “Trung tâm chống ngập có thường xuyên kiểm tra chất lượng xây dựng công trình hay không?”, ông Nguyễn Ngọc Công, phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, nói: “Theo quy định của Luật xây dựng cơ bản và quy định về quản lý xây dựng công trình, chúng tôi chỉ kiểm tra giám sát xem có thực hiện đúng các công đoạn không, đúng đồ án thiết kế hay không. Còn về chất lượng công trình thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm”.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm không yên tâm: “Anh Công ơi, anh nói vậy tôi hồi hộp quá. Tiền mình bỏ ra rất là lớn mình nói chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Phần ai nấy lo, chất lượng công trình mình tính sao?”. Ông Công vẫn không thay đổi lập trường: “Cái này đã quy định rõ trong luật. Chủ đầu tư phải chịu toàn bộ trách nhiệm về chất lượng công trình trước người quyết định đầu tư, ở đây là UBND TP.HCM. Còn người chủ sở hữu là đơn vị thụ hưởng do chủ đầu tư chuyển giao sẽ kiểm tra thi công có đúng với thiết kế hay không để phát huy tác dụng, năng lực thiết kế công trình...”. “Anh nói vậy chắc tôi cãi không lại anh” - bà Tâm nhận xét rồi giải thích: “Nhưng ý đại biểu muốn hỏi trong quá trình thi công làm sao mình giám sát để biết được sản phẩm đó đáng đồng tiền bát gạo!”.

Ngập là đổ thừa khách quan

Đại biểu Nguyễn Thành Nhân phản ánh do ảnh hưởng của dự án kênh Tham Lương - Bến Cát, bà con ở các tuyến đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Hồ Học Lãm... rất bức xúc, mỗi lần mưa là ngập, đề nghị cho cử tri biết giải quyết như thế nào? Ông Công nhìn nhận những khu vực như đại biểu Nhân đề cập có ngập, gây bức xúc cho dân. Những đường này cống chưa có, chỉ có những đoạn chắp vá, giải quyết từ đường hẻm chạy ra đường. Ba con đường này đã dự kiến đưa vào giải quyết ngập trong năm 2014 và 2015 (trong số 14 điểm ngập cần giải quyết của TP.HCM). Đại biểu Nhân hỏi tiếp: “Chúng tôi có thể hứa với cử tri hết năm 2014 là hết ngập hay là tới thời điểm nào của năm 2015 ở những con đường trên?”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị ông Công trả lời thẳng vấn đề tình trạng ngập ở TP.HCM có giảm không? Ông Công cho biết chỉ còn 17/58 điểm ngập do mưa. Còn việc phát sinh điểm ngập không phải do vượt tần suất của mưa, lũ, triều mà do thi công dẫn dòng không hợp lý. Bà Tâm nói hi vọng năm năm, mười năm nữa và theo lộ trình, kế hoạch như báo cáo thì sẽ không nghe các cơ quan chức năng đổ thừa ngập là do mưa quá lớn, do triều vượt dự báo, do cống nhỏ. Hiện nay vẫn nghe ba lý do này, nghĩa là cho rằng do khách quan chứ không phải chủ quan.

Cơ chế nhiều khi bắt nhà khoa học phải nói dối

Đại biểu Tô Thị Bích Châu hỏi giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Phan Minh Tân trong giai đoạn 2011-2013 TP.HCM có bao nhiêu đề tài khoa học được đưa vào thực tiễn? Đại biểu Bùi Tá Hoàng Vũ đặt vấn đề tại sao chi cho nghiên cứu khoa học năm 2013 còn thấp so với kinh phí dự trù, như vậy khó khăn do đâu và giải pháp giải quyết? Trả lời vấn đề này, ông Tân cho rằng do các thủ tục quá mất thời gian, chẳng hạn thủ tục giải ngân từ kho bạc rất lâu. “Mỗi đề tài triển khai thì giám đốc Sở Khoa học - công nghệ phải ký khoảng 100 chữ ký, mà phải là chữ ký sống thì kho bạc mới giải ngân. Cái này nhiều khi làm nản lòng nhà khoa học” - ông Tân trần tình. Cũng theo ông Tân, cơ chế quản lý nhà nước còn quá bất cập, cơ chế nhiều khi bắt nhà khoa học phải nói dối. Hiệu quả đầu tư từ khoa học công nghệ cũng chưa rõ nét, chưa tạo các sản phẩm công nghệ mới để có thể chuyển giao và thương mại hóa được. Khoa học công nghệ chưa là động lực trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Nghe ông Tân nói xong, đại biểu Huỳnh Quốc Cường bày tỏ: “Giám đốc sở trả lời thật tình nhưng nghe rồi tôi thấy buồn quá. Giải ngân lúc nào cũng nan giải. Cứ phân bổ vốn rồi xài không hết. Tôi cho rằng ở đây có nguyên nhân chủ quan của sở”. Còn đại biểu Tô Thị Bích Châu thì hoang mang: “Cách đây ba năm tôi nghe chuyện một đề tài phải ký 100 chữ ký, tôi cứ tưởng chuyện đùa. Hôm nay đích thân giám đốc sở thừa nhận chuyện này thì tôi thấy băn khoăn quá. Làm sao các bạn trẻ có thể có đủ kiên nhẫn để chờ đợi? Nếu chúng ta không cải cách được chuyện này thì sẽ còn bao nhiêu người trẻ mặn mà với nghiên cứu khoa học?”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đảm bảo tiến độ các công trình chống ngậpChống ngập, cần tích hợp nhiều giải phápYêu cầu xử lý công trình chống ngập gây ngậpChất vấn giám đốc Sở GTVT về trợ giá xe buýt

QUỐC THANH - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên