19/11/2013 00:14 GMT+7

Thủy điện thiếu trách nhiệm với dân

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Báo cáo của Văn phòng thường trực phòng chống lũ bão và tìm kiếm cứu nạn cho rằng không có nhiều thủy điệnxả lũ và mức xả không lớn tiếp tục gây tranh luận.

Dân thiệt hại bao nhiêu, thủy điện phải bồi thường bấy nhiêuTrắng tay sau lũThủy điện không thể vô can15 thủy điện miền Trung xả tràn

vXzANPNg.jpgPhóng to
Người dân vùng lũ ở miền Trung đang chờ làm rõ trách nhiệm của thủy điện đối với thiệt hại của họẢnh: đoàn cường

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Quang Vinh - cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công thương - khẳng định thủy điện không có khả năng tăng lũ. Ông nói:

- Các thủy điện xả lũ bao nhiêu, thời điểm nào đều phải báo cáo lên các địa chỉ được quy định, trong đó có ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương... Thông tin báo chí có nói nhiều vai trò thủy điện, nhưng lũ về như thế, trong hồ cũng đã đầy, thủy điện không xả mới là lạ. Thực tế, thủy điện xả như thế nào, khi nào xả... đều đã quy định trong quy trình vận hành. Chỉ có điều hạn chế được mức nào thì hạn chế. Lũ về tới mấy ngàn mét khối/giây, thủy điện không thể giữ mãi nước được...

* Vấn đề là các thủy điện thực tế đã không thể giữ được nước và xả ồ ạt?

- Không xả thì lũ về nước sẽ tràn qua thân đập. Như thủy điện Sông Tranh, chúng ta không cho tích nước, thì nước về bao nhiêu cơ bản sẽ chảy xuống hạ du bấy nhiêu. Các thủy điện khác hồ chứa cũng đã đầy nên buộc phải xả khi lũ về mạnh. Thiên nhiên khắc nghiệt như thế nên nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận.

Cứ hình dung thủy điện như một cốc nước, chưa đầy thì nó sẽ giữ được một ít, nếu đầy rồi thì nó sẽ tràn xuống. Mức nước dâng bình thường các thủy điện đều được tính xấp xỉ chiều cao an toàn đập. Khi nước về quá mức, hồ có thể cố giữ thêm 0,1-0,2m thôi, nếu nước về vẫn mạnh, vượt quá khả năng thì phải xả. Mưa mấy ngày lên đến cả ngàn milimet thì làm sao chịu nổi.

L6zKMQ7n.jpgPhóng to
Nước các sông dâng cao, trong đó có nước từ các hồ thủy điện xả về, khiến nước mưa ở TP Huế không có chỗ thoát. Cả TP bị ngập rất nhanh từ chiều tối 15-11 - Ảnh: Ngọc Dương

* Như vậy theo ông, thủy điện không hề làm tăng lũ?

- Tăng thế nào được. Đa số thủy điện có dung tích chống lũ, nên nó giúp giảm lũ, chứ làm sao tăng được. Nếu không có thủy điện, nước về bao nhiêu sẽ chảy hết xuống hạ du. Rất nhiều trường hợp thủy điện giúp giảm lũ. Cứ nhìn thực tế mấy ngày qua sẽ thấy vai trò của thủy điện. Mấy ngày qua, do hồ đầy nên một số hồ nước về bao nhiêu cơ bản thủy điện phải xả bấy nhiêu, nên nước đã lên và gây tác hại như đã thấy. Nguyên tắc là các thủy điện không được xả lũ vượt lưu lượng nước về hồ. Vậy thì làm sao tăng lũ được? Thủy điện có tự sinh ra nước được đâu? Hồ nào có dung tích lớn, trước khi bão về họ xả trước thì khi có lũ, mức nước tràn xuống hạ du sẽ ít hơn. Nhưng nếu lũ quá mạnh thì vẫn phải xả... Thực tế vừa qua lũ về 10 thì thủy điện mới xả xuống hạ du 7-8 phần, thủy điện đã giúp giữ lại nhiều chứ không phải không.

Trong khi ông Đỗ Quang Vinh nói như khẳng định “Lũ về 10, thủy điện xả 7-8” thì các chuyên gia cho rằng trước khi có mưa các hồ phải xả để tạo dung tích dự phòng khi có mưa lớn, nếu chờ mưa lớn mới xả thì sẽ làm lũ ở hạ lưu tăng cao...

* TS Đào Trọng Tứ (giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Hội Tưới tiêu VN):

Cần người điều phối

Trên một dòng sông khi có lũ lớn, bắt buộc thủy điện phải xả nước. Còn xả nhiều hơn mức nước tự nhiên vào hồ hay không là yếu tố quan trọng phải xem xét, cần nghiên cứu chi tiết. Nếu đúng tinh thần phòng chống thì trước khi có mưa lớn các hồ phải xả để tạo dung tích dự phòng chứa nước khi có mưa lớn. Khi có mưa phải xả thì lưu lượng xả không thể lớn hơn lưu lượng tự nhiên. Nhưng ở miền Trung, rất ít hồ có dung tích phòng lũ, nếu có thì quá bé không chống nổi lũ khi có mưa 300-400mm. Nên khi tích đầy nước mà không xả dự phòng do việc dự báo mưa chưa thể chính xác thì khi có mưa lớn mới xả sẽ có khả năng lượng xả bằng lượng lũ đến cộng với một ít dung tích của hồ. Trường hợp này có khả năng làm lượng lũ ở hạ du cao lên.

Nếu không có hồ chứa thì lũ vẫn lớn tương ứng với lượng mưa. Nhưng có hồ chứa thì nảy sinh câu chuyện lũ ở hạ lưu rút nhưng ở thượng nguồn vẫn có mưa rơi rớt lại, những trận mưa cục bộ dồn nước về hồ. Hồ vẫn phải xả nên tạo cho hạ lưu có lũ tiếp theo. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào thì cơ quan vận hành phải thông báo rất kịp thời cho cơ quan quản lý, chính quyền. Dù dự báo mưa chưa thể chính xác nhưng cũng cần thông báo khả năng xả lũ sớm.

Sử dụng nước thường gắn nguyên tắc: công bằng, không gây hại. Khi gây hại mà người bị thiệt hại xác minh được thủy điện gây hại sẽ bàn nhau để xử lý trách nhiệm. Nếu vỡ đập thì dễ yêu cầu đền bù nhưng xả lũ thì khó tìm được lượng xả đích thực bao nhiêu. Khi điều kiện tự nhiên thay đổi thì bên thủy văn không dám chắc dự báo được lũ đến mức nào vào thời điểm nào ở hạ lưu. Về mặt lý thuyết có thể làm được nhưng bây giờ có rất nhiều thủy điện trên một lưu vực sông nên rất phức tạp để khẳng định. Phải cần rất nhiều người, nhiều nhà khoa học vào cuộc.

Sau cơn lũ này các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần ngồi với nhau để rút kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp để khắc phục. Cần có người cầm trịch điều phối trên một dòng sông.

* Ông Nguyễn Quyền (chủ Nhà máy thủy điện Krông Hin, M’Rắk, Đắk Lắk - thủy điện tư nhân đầu tiên tại Tây nguyên):

Có quy định nhưng không thực hiện

Điều cần khẳng định trước tiên việc xả lũ khiến “lũ chồng lũ” như thời gian vừa qua không chỉ do một mình thủy điện mà có cả các hồ thủy lợi. Việc xả lũ cấp tập, cốt để cứu hồ đập, thủy điện rõ ràng cho thấy sự thiếu trách nhiệm với người dân. Nhà nước đã có những quy định về quản lý nguồn nước, quản lý hồ chứa khá chặt chẽ như quy trình sử dụng nước mặt, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi... Tuy nhiên hiện nay các quy định này không được một số thủy điện, thủy lợi thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm. Bởi với những quy định trong hai văn bản kể trên, nếu chủ các hồ chứa thực hiện chặt chẽ cũng sẽ đảm bảo được sự an toàn cho nhà máy, hồ chứa cũng như bảo vệ người dân.

Nguyên nhân cơ bản là do ông chủ các thủy điện không có kiến thức chuyên sâu, cứ có tiền là bỏ ra xây dựng thủy điện. Việc vận hành các hồ chứa không đúng đã khiến nhiều thủy điện “hốt hoảng” khi mực nước về quá lớn, không kịp điều tiết nên phải xả dồn dập. Nhà nước cũng đã có những quy định về việc xử lý đối với việc xả lũ không đúng quy trình, gây thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, trong thực tế việc xử lý lại “giơ cao đánh khẽ”, rồi năm nào cũng “lũ chồng lũ”. Vì vậy, điều quan trọng để giảm rủi ro là chủ các thủy điện có chuyên môn và Nhà nước cần sử dụng cơ chế giám sát vốn có một cách chặt chẽ, có trách nhiệm hơn nữa trước sự an toàn của người dân.

* Nên kiểm tra để có cơ sở khẳng định

Liên quan đến việc các hồ thủy điện xả lũ đúng quy trình hay không, ông Vũ Văn Tú - chánh văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương - cho biết thông tin về xả lũ của các hồ chứa mà Tập đoàn Điện lực VN (EVN) gửi cơ quan này căn cứ từng thời điểm mà EVN cung cấp. Ban chỉ đạo không thể so sánh, đối chiếu với thực tế trong thời điểm đó được. Còn nếu có sự vênh nhau giữa thông báo với thực tế theo địa phương phản ảnh với báo chí thì sẽ có cuộc ngồi lại để làm rõ. “Tất cả hồ thủy điện, thủy lợi khi xả đều có số liệu tự động ghi hoặc sổ sách để theo dõi. Nếu kiểm tra thì sẽ tới tận nơi, họ không thể thay đổi sổ sách được. Còn phản ảnh mức xả cao hơn thực tế, tới đây ban chỉ đạo sẽ đi kiểm tra chẳng hạn hoặc Chính phủ giao đoàn đi kiểm tra để có cơ sở khẳng định” - ông Tú cho biết.

* Luật xác định phải bồi thường

Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập quy định: “Chủ đập là tổ chức, cá nhân sở hữu đập để khai thác lợi ích của hồ chứa nước hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, vận hành khai thác hồ chứa nước”. “Trong trường hợp do vận hành xả lũ hồ chứa làm dâng đột ngột mức nước tại đoạn sông suối hạ lưu công trình xả lũ, chủ đập phải có biện pháp báo động, thông báo trước để bảo đảm an toàn cho người, tàu, thuyền và phương tiện đi lại, hoạt động trên sông, suối”.

Như vậy, chủ đập có nghĩa vụ phải thông báo cho người dân trước khi xả nước, nếu thông báo thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phải có, chỉ giảm thiểu trách nhiệm dân sự mà thôi.

Về chế tài, mức bồi thường theo quy định của điều 605 Bộ luật dân sự 2005 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời (nghĩa là người dân vùng hạ lưu bị thiệt hại không cần phải chờ đợi và chứng minh mình bị thiệt hại là bao nhiêu và có quyền ngay lập tức được bồi thường hoặc yêu cầu bồi thường). Đối với thiệt hại về người, theo quy định tại khoản 2 điều 610 Bộ luật dân sự và hướng dẫn nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP, bên cạnh những chi phí hợp lý cho việc chăm sóc, cứu chữa, cấp dưỡng thì người bị thiệt hại được bồi thường tổn thất về tinh thần, tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên