23/10/2013 17:10 GMT+7

Đừng trở thành người lữ hành lạc lõng

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TTO - "Thời kỳ mới mở cửa, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là 40%, của khu vực FDI là 60%, sau đó ta phát triển lên thì khu vực nội địa lên 60%, FDI là 40%. Nhưng hai năm gần đây lại đảo ngược và đến thời điểm hiện nay thì như cũ, FDI là 60%, còn nội địa là 40%".

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về những vấn đề lớn đang được thảo luận tại Quốc hội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách) cho biết như vậy.

RCOl8eXh.jpgPhóng to
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - trả lời phỏng vấn phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh: Việt Dũng

Ông Thành nói: "Điều lớn nhất là chúng tôi chờ đợi lần này Quốc hội ban hành được một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật gốc tạo nền tảng pháp lý cho đất nước phát triển và hội nhập mạnh mẽ hơn trong tương lai. Lịch sử sẽ có đánh giá về bản Hiến pháp này cũng như vai trò của các vị đại biểu. Theo tôi, để tạo lập môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế và cũng là đi theo một quỹ đạo phát triển bình thường, không nên ghi vào Hiến pháp kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

* Kỳ này Quốc hội sẽ đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến nay và phương hướng cho đến hết năm 2015. Ông chờ đợi những quyết sách nào trong lĩnh vực kinh tế?

- Chắc chắn rằng ngân sách là một trong những vấn đề quan trọng nhất trên bàn nghị sự của Quốc hội, lúc này cần có tầm nhìn ngân sách cho đến sau năm 2015. Cụ thể là Quốc hội sẽ xem xét việc Chính phủ muốn nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% cho năm 2014, nếu Quốc hội đồng ý thì phải thể hiện rõ rằng đây là sự đồng ý nâng trần bội chi tạm thời để chia sẻ với Chính phủ trong thời điểm thu ngân sách khó khăn, kể từ sau năm 2014 trần bội chi phải giảm dần xuống theo luật định chứ không phải cứ đà tăng lên.

Điều này có hàm ý rất quan trọng là trần bội chi không dễ dàng được “cơi nới”, để cân bằng ngân sách thì Chính phủ có một năm được chuẩn bị, sau đó phải triệt để điều chỉnh chi tiêu cho phù hợp, dù có phải thắt lưng buộc bụng, đặc biệt là chi thường xuyên.

Trong bối cảnh hiện nay Quốc hội cũng chưa nên đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng, nên chú trọng hơn đến ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Nếu để lạm phát bùng trở lại thì sẽ ảnh hưởng ngay đến lãi suất, những cố gắng lâu nay để ổn định vĩ mô sẽ trôi sông, trôi biển hết.

* Về việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng các giải pháp thực hiện vẫn mang tính hành chính và ở khung cơ chế chưa có những thay đổi mang tính đột phá. Ông nghĩ sao?

- Tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm các lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng - tài chính. Ngoài ra còn có rất nhiều nội dung, tuy nhiên chúng tôi quan tâm nhất đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hi vọng trong thảo luận của Quốc hội sẽ thêm nhiều tiếng nói để thúc đẩy quá trình này. Chúng tôi đồng ý với những nhận định chung cho rằng việc chậm tiến hành tái cơ cấu, chậm cổ phần hóa, chậm hướng các tập đoàn, tổng công ty tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính đã làm kéo dài thời gian phục hồi của nền kinh tế, chậm thúc đẩy thị trường vốn phát triển, gây hoài nghi ở các nhà đầu tư.

Quốc hội nên xem xét khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với vai trò hỗ trợ và tạo lập thị trường, không nên duy trì lâu số lượng và quy mô lớn DNNN như hiện nay. Đồng thời, Quốc hội cũng nên tính toán mô hình quản lý mới đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn, mà việc thành lập một ủy ban chuyên quản cũng là gợi ý nên nghiên cứu sâu. Việc để DNNN phân tán dưới sự quản lý của các bộ ngành và địa phương như hiện nay tạo ra sự chia cắt, cục bộ và là điều kiện các nhóm lợi ích hình thành và cát cứ, rất khó quản lý.

* Đâu là xu hướng trong nền kinh tế Việt Nam khiến ông lo ngại nhất hiện nay?

- Hiện nay chúng ta đang xếp hàng mua vé lên một đoàn tàu hội nhập sâu rộng hơn, đó là việc gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do khác. Nhìn lại từ sau gia nhập WTO, chúng ta đứng trước nhiều cơ hội, tuy nhiên việc cải cách trong nước không theo kịp nên nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ và thậm chí trở thành thách thức cho chính chúng ta. TPP có thể dành cho Việt Nam sự linh hoạt về thời gian, nhưng nhìn chung đây là sân chơi có tiêu chuẩn cao hơn WTO.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy chỉ những nền kinh tế thật sự thành công trong tự do hóa nền kinh tế nội địa thì mới thành công trong hội nhập theo khuynh hướng tự do hóa của thế giới. Điển hình là trường hợp Hàn Quốc những thập niên 1980-1990. Tự do hóa ở đây hiểu theo nghĩa là tăng tính kinh tế thị trường ở trong nước, các thành phần kinh tế bình đẳng, tăng cạnh tranh, giảm độc quyền, thu hẹp và cải cách DNNN, cải thiện môi trường kinh doanh…

Tôi đang e ngại nước ta đi theo hướng ngược lại, nghĩa là chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới nhưng lại cố thủ trong nước, hay nói cách khác việc cải cách trong nước diễn ra chậm, nhiều cam kết hội nhập thực hiện theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Khi chúng ta co cụm, cố thủ với mô hình cũ là lấy khu vực nhà nước làm chủ đạo thì nền kinh tế nội địa sẽ từ từ bị xâm lấn bởi khu vực nước ngoài.

Một bằng chứng là thời kỳ mới mở cửa, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là 40%, của khu vực FDI là 60%, sau đó ta phát triển lên thì khu vực nội địa lên 60%, FDI là 40%. Nhưng hai năm gần đây lại đảo ngược và đến thời điểm hiện nay thì như cũ, FDI là 60%, còn nội địa là 40%. Điều này thể hiện ta đang bị co cụm lại và cố thủ trong một số ngành độc quyền trong nước.

Theo quy luật phát triển thì sự co cụm sẽ càng làm đất nước bị thiệt thòi trong hội nhập, giống như khi ngồi trên đoàn tàu đang lao nhanh của thế giới, mà ta lại chỉ là một người lữ hành lạc lõng.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên